Chàng trai trẻ 9X khởi nghiệp với mô hình du lịch homestay

Về xã Thạnh  Phú Đông huyện Giồng Trôm, hỏi về du lịch homestay mang tên Maison du Pays de Bến Tre (Ngôi nhà xứ sở quê hương) của chàng trai trẻ 9X Quốc Duy Thịnh (sinh năm 1992) thì hầu như ai cũng biết. Dù mới thành lập cách đây không lâu, nhưng sự mới lạ trong việc trang trí nơi ăn, nghỉ, những tour dẫn khách...đã thu hút rất nhiều khách trong, ngoài tỉnh và cả khách nước ngoài đến khám phá, trải nghiệm, tham gia sinh hoạt cùng người dân nơi đây để cảm nhận rõ hơn về cuộc sống thường ngày cũng như nét văn hóa đặc trưng của người dân Bến Tre.

Homestay của anh Thịnh chính là căn nhà cấp bốn anh đã gắn bó từ thuở nhỏ cùng bà nội. Bằng tâm huyết, tình yêu quê hương và tư duy, sự khéo léo của mình, anh Thịnh biến căn nhà nhỏ thành nơi làm du lịch giúp những người du lịch tự túc đặt chân đến và khám phá những vùng quê dân dã với những thôn làng vẫn giữ nguyên nét đẹp mộc mạc, bình dị ở Bến Tre.

Du khách rất thích thú đạp xe đạp thong dong trên những con đường quê

Chia sẽ về lý do chọn du lịch để khởi nghiệp, anh Thịnh cho biết: Dịch Covid năm 2020 thực sự là khá là nặng ở thời gian đó, tôi phải nghỉ việc ở một doanh nghiệp nơi đó là resort của tỉnh Bến Tre của mình. Khi trở lại ngôi nhà của mình, tôi đã phải cố gắng tìm các ngành nghề khác để thay thế trong lúc đó vì ngành du lịch thật sự bị ảnh hưởng rất nặng nề. Với tình yêu quê hương của mình, với lòng nhiệt huyết và những kinh nghiệm sẵn có trong 10 năm làm du lịch, tôi nghĩ ngành du lịch vẫn là ngành phù hợp nhất đối với bản thân tôi. Chính vì vậy, khi đại dịch xảy ra, tôi nhận thấy nhu cầu cũng như xu hướng du dịch của du khách có nhiều thay đổi. Có thể rằng loại hình du lịch homestay này sẽ rất phù hợp trong tình hình đại dịch và tôi cố gắng bạo gan bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình và năm 2021 những du khách đầu tiên đã về đến vùng quê này và cho đến hiện bây giờ cũng đã có khá nhiều đoàn về đến đây để tham quan lưu trú cũng như trải nghiệm.

Du khách trải nghiệm, tự tay đổ bánh khọt

Để tạo nên vẻ đẹp của homestay, mang màu sắc thiên nhiên, anh Thịnh đã tự tay chọn lựa bày trí thật xinh xắn từng góc nhỏ trong nhà, từ cành hoa tươi, ghế ngồi, bày trí thức ăn đến phòng nghỉ theo kiểu vừa đơn giản nhưng cũng vừa hiện đại. Một trái ô môi, một cây chổi bếp bằng rơm, một cái nia bằng tre, một cái ghế ngồi bằng cây, một lu nước cổ kính, một giàn chanh dây sai trái....tất cả được anh kết lại với nhau tạo nên cảnh vật vùng quê yên bình, xanh mát. Thoạt nhìn, mọi thứ đều rất bình thường nhưng qua mắt nhìn và sự tìm tòi của anh, mọi thứ bỗng trở nên đặc biệt theo một cách rất riêng níu chân du khách mãi không rời.

Những món ăn tại Maison du Pays de Bến Tre đều là sản vật địa phương do anh Thịnh tự tay đi chợ mua rau, lựa cá và chế biến như: cá bóng kho xả nước cốt dừa, tép rang dừa, rau nhút nấu canh tép, canh chua cá bông lau,... Đây đều là những món bình dị, quen thuộc nhưng được chế biến cầu kỳ và bài trí trên những bộ đồ ăn xinh đẹp, sang trọng làm tăng giá trị cho dịch vụ cũng là sự tôn trọng và yêu mến mà anh dành cho những vị khách đến với homestay của mình.

Khách rất thích thú chụp hình với nhũng cảnh quê yên bình

Để tạo ấn tượng với du khách, anh Thịnh rất tỉ mĩ trong việc chọn món ăn và thiết kế hành trình, tất cả đều tạo nên nét rất riêng, rất khác biệt thu hút khách tham quan, anh Thịnh cho biết: Loại hình du lịch homestay là loại hình tôn trọng tính văn hóa bản địa. Có nghĩa là mình có cái gì sẵn có ở quê hương của mình, những cái gì mà nó tiềm năng bản địa nhất, mình sẽ mời đãi du khách từ văn hóa ẩm thực cho đến con người. Những chương trình mà tôi dàn dựng nên, cũng như lồng ghép vào thì nó cũng mang màu sắc đó. Là du khách đến đây, chung sống với gia đình, cùng trải nghiệm nấu những món ăn thường nhật, những món ăn bình dị nhưng mà mình chỉ du khách cùng làm, cùng vào bếp với nhau. Và những con đường tour cũng vậy, những con đường tour đối với người dân địa phương rất là bình thường nhưng mình lồng ghép những câu chuyện, mình dẫn và đưa khách đến để du khách được tìm hiểu cũng như tham quan và có sự thay đổi không khí thì du khách luôn thích thú. Mỗi chương trình mình luôn thổi luồng gió mới vào mà để mình có sáng tạo trong đó, sáng tạo đổi mới để mà du khách cảm thấy thích thú và có thể họ đến nhiều lần nữa nhưng họ không cảm thấy nhàm chán.

Ngoài thời gian nghỉ dưỡng, đi bộ thong dong dưới những rừng dừa miền quê, anh Thịnh thiết kế dẫn khách đạp xe với hành trình 12 km, bắt đầu dọc theo kênh Vĩnh Phúc, dừng chân cho khách tự tay chuốt tàu cau, xem người dân nơi đây làm chổi tàu cau; rồi cùng nghe câu chuyện kể về quá trình hình thành búng Quảng Thăng ở ấp Bàu Lo xã Hưng Lễ; đến xã Hưng Nhượng tham quan nhà thờ La Mã, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc, sau đó quay trở về nghĩ chân uống nước dừa ngọt lịm tại vườn dừa Tám Thư ở xã Thạnh Phú Đông và cùng tham qua căn nhà 3 căn truyền thống nơi đây. Có những đoàn khách anh dẫn đi phà qua Cồn Linh ở Thạnh Phú Đông, tham quan nghề làm nút áo bằng dừa, xem việc đốt than hoạt tính. Hay anh Thịnh cho khách đi xem cách người dân nơi đây nuôi bò, tìm hiểu vể quá trình sinh trưởng của con bò; rồi những lần dẫn khách đi hái bưởi, hái sari, hái rau sạch tại vườn để mua rau tự làm bữa cơm mình yêu thích. Bên cạnh đó, những buổi học nấu ăn luôn sẵn sàng cho khách chọn: làm bánh khọt nước cốt dừa nhân tép đậu xanh, nấu cơm nếp ăn kèm tép rang dừa hay muối mè, làm bánh cúng lá dứa,… Sau thời gian vui chơi bên ngoài, khách trở về homestay dùng bữa cơm quê Bến Tre với cà tím nướng mỡ hành ăn kèm nước mắm chua ngọt, tôm càng xanh luộc nước dừa xiêm chấm nước sốt, gà nổ muối hột lá bưởi... mọi món ăn đều được nấu bằng sản vật địa phương và do người thân trong gia đình anh Thịnh đứng bếp.

Nhạc sĩ Đinh Uyên từng đến Maison du Pays de Bến Tre chia sẽ, đến với homestay tôi cùng những người bạn có những trải nghiệm thú vị, cùng nhau đi qua miền đồng nội, qua những miền quê với cây trái ngút ngàn, qua những bờ đê quanh co chạy dài,..làm cho chúng tôi rất thích, được xả tress và có thêm ý tưởng để sáng tác nhiều ca khúc hay hơn nữa.

“Về homestay, tôi được hòa nhập vào cuộc sống thường nhật của gia đình, được đạp xe thong dong trên đường nghe anh Thịnh chia sẻ một cách bình dị, ngắn gọn và đầy san sẻ tình thân ái. Từng góc trong ngôi nhà rất thân quen, từ cái ghế đẩu, cái bàn tre, cái máy may, cái lu nước sau hè,…từng bước đưa người ta trở về với tuổi thơ. Tôi cùng gia đình còn được tự tay đổ bánh khọt, tìm hiểu về cách làm bánh. Tôi rất thích du lịch nơi đây” – diễn viên Kim Thư – Thành phố HCM bộc bạch.

Khách đến homestay của anh Thịnh thường có độ tuổi 35-55, họ đi theo nhóm, gia đình hay bạn bè, khách lẻ thường được anh sắp xếp đến vào giữa tuần, còn khách gia đình được xếp lịch vào cuối tuần với thời gian lưu trú trung bình là 3 ngày 2 đêm.Tất cả những hành trình anh Thịnh thiết kế và món ăn nơi đây đều làm cho du khách thích thú và hài lòng với những trải nghiệm tuyệt vời với chi phí bình dân từ 1.000.000 – 1.500.000 đồng/khách/đêm. Vào năm 2021, chỉ trong vòng 3 tháng đầu khi mở homestay anh có 119 lượt khách đến. Sau thời gian ảnh hưởng của dịch Coivid-19, hiện tại, homestay của anh Thịnh đã đón khách quay trở lại với số lượng khá nhiều. Với ngoại ngữ Tiếng Anh khá chuẩn, sau dịch covid-19, anh Thịnh đã có những du khách nước ngoài đến với homestay. Trung bình mỗi tháng anh tiếp từ 15-17 đoàn khách (mỗi đoàn từ 2-5 khách). Đến nay anh Thịnh đón gần 500 lượt khách đến homestay, mặc dù chỉ mới tháng 5, nhưng anh đã có khách book lịch đến tháng 7.

Nói về mô hình du lịch homestay của anh Quốc Duy Thịnh, chị Lê Thị Phi Yến – Bí thư Huyện đoàn Giồng Trôm cho biết: Mô hình du lịch homestay của bạn Quách Duy Thịnh là một trong những mô hình dự án khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn huyện Giồng Trôm. Đối với mô hình dự án khởi nghiệp của Thịnh đã đạt giải 3 cuộc thi khởi nghiệp của Tỉnh đoàn tổ chức, đạt giải khuyến khích cuộc thi khởi nghiệp cấp khu vực. Đánh giá về mô hình du lịch homestay của Thịnh thì đây là mô hình dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thanh niên trên địa bàn huyện. Bạn đã biết tận dụng nguồn tài nguyên bản địa tại địa phương và chính ngôi nhà nơi bạn sinh sống để làm di lịch homestay. Trong lúc tình hình dịch bệnh khó khăn, Thịnh đã dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư vào dự án khởi nghiệp của mình. Chính từ điều đó mà Ban Thường vụ Huyện đoàn cũng đã hỗ trợ số vốn 50 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp của Huyện đoàn quản lý để hỗ trợ cho bạn thực hiện các ý tưởng dự án khởi nghiệp của mình. Hi vọng rằng trong thời gian tới với mô hình khởi nghiệp của bạn Thịnh sẽ truyền lửa và nhân rộng cho nhiều thanh niên trên địa bàn huyện khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thành công.

Trong thời gian tới, để ngày càng thu hút du khách đến tham quan, anh Quốc Duy Thịnh sẽ tạo ra nhiều chương trình đặc sắc hơn, sẽ luôn biến đổi làm cho nó tốt hơn nữa, tạo sự đổi mới và chăm sóc khách hàng thường xuyên để có thể thu hút dòng khách cũ cũng như mở rộng dòng khách mới. Hứa hẹn sẽ có nhiều du khách đến đây và bắt đầu trải nghiệm những sinh hoạt bình dị của vùng quê Thạnh Phú Đông nói riêng và huyện Giồng Trôm nói chung góp phần thúc đẩy ngành du lịch của huyện Giồng Trôm ngày càng phát triển.

Diệu Hiền - Đài Giồng Trôm