Châu Thành: Duy trì mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên “Mô hình ươm và cung cấp giống dừa xiêm”

Trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện đoàn chỉ đạo 100% Đoàn cơ sở phối hợp UBND cùng các ngành có liên quan tiếp tục duy trì hoặc thành lập mới tổ liên kết, tổ hợp tác trong thanh niên, qua đánh giá các xã có tập trung thực hiện đạt kết quả khá tốt. Đến nay, trên địa bàn huyện có nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên như: cơ sở chuối sấy, tổ hợp tác nuôi dê, tổ hợp tác đinh lăng, tổ hợp tác nuôi thỏ, tổ hợp tác nuôi heo rừng, mô hình nuôi lươn,…. Trong năm 2022, các tổ hợp tác nêu trên tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong thanh niên.

Anh Đạt với mô hình ươm và cung cấp giống dừa xiêm

Nhằm duy trì hiệu quả mô hình làm kinh tế và tập hợp những hộ thanh niên trên địa bàn xã có cùng nghề ươm và cung cáp giống dừa xiêm, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, giúp nhau tiếp cận các nguồn vốn vay, đảm bảo đầu ra của sản phẩm, hướng tới hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa, liên kết, giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững và làm giàu chính đáng, nâng cao đời sống cho đoàn viên, hội viên, thanh niên. Trong thời gian qua Ban chấp hành xã đoàn Giao Long đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, công tác chỉ đạo về xây dựng và phát triển kinh tế tập thể.

Được sự hỗ trợ của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, BCH xã đoàn luôn duy trì mô hình phát triển kinh tế  trong thanh niên là “Mô hình ươm và cung cấp giống dừa xiêm” do anh Trương Thành Đạt làm tổ trưởng; được thành lập từ năm 2018 đến nay đã có 5 thành viên tham gia tổ liên kết. Để trang bị cho các thành viên nắm được kỹ thuật và phương pháp thực hiện mô hình, BCH xã đoàn Giao Long phối hợp Hội Nông dân xã hướng dẫn kỹ thuật và trao đổi các thông tin giữa các thành viên trong tổ kỹ thuật ươm cây giống, chăm sóc dừa.

Các thành viên trong tổ đã học tập kinh nghiệm, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với nhau về kinh nghiệm, kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào ươm cây, từ việc chăm sóc, phòng bệnh, trị bệnh, thu hoạch, đầu ra tiêu thụ sản phẩm,…Bên cạnh đó, tổ liên kết thường xuyên tổ chức tham quan mô hình luân phiên giữa các thành viên trong tổ và các mô hình khác nhằm kịp thời góp ý những hạn chế và học hỏi những ưu điểm của nhau. Hiện tổ đang phát huy và nhân rộng mô hình.

Đến nay, mô hình của anh Đạt đã thu hút được nhiều đoàn viên, thanh niên đến để tham quan và học hỏi kinh nghiệm từ việc ươm cây giống, cách chăm sóc dừa, áp dụng khoa học kỹ thuật trồng dừa...

Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện đoàn sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc tìm kiếm các mô hình mới đồng thời duy trì hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế tập thể trong thanh niên hiện nay trên địa bàn huyện. Tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho đoàn viên, thanh niên các cơ chế chính sách của tỉnh, của huyện để đầu tư phát triển sản xuất. Chủ động chuyển đổi những diện tích cây trồng không hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế và khả năng tiêu thụ sản phẩm gắn với tiềm năng, thế mạnh của huyện.

Minh Đức - Huyện đoàn Châu Thành