CHỊ TRẦN THỊ MỸ VÂN – NGUYÊN CÁN BỘ ĐOÀN KHỞI NGHIỆP THÀNH CÔNG TỪ MÔ HÌNH NUÔI LƯƠN KHÔNG BÙN

Khi nhắc về chợ Lách người ta nghĩ ngay đến thủ phủ của cây giống và hoa kiểng. Nhưng bên cạnh các sản phẩm chủ lực về cây giống hoa kiểng, người dân ở đây còn lựa chọn nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao phù hợp với điều kiện của gia đình. Trong đó, mô hình nuôi lươn không bùn của chị Trần Thị Mỹ Vân tại Thị trấn Chợ Lách mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thanh niên địa phương tham quan, học tập mô hình nuôi lươn không bùn của chị Trần Thị Mỹ Vân

Chị Trần Thị Mỹ Vân (sinh năm 1988), nguyên là Bí thư Chi đoàn khu phố 4, nguyên Bí thư Chi đoàn cơ quan Thị trấn Chợ Lách - cư ngụ ấp Sơn Qui, Thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách. Qua thời gian tiếp cận và tìm hiểu thông tin qua các báo đài, các kênh thông tin đại chúng về phong trào Đồng khởi khởi nghiệp và lập thân lập nghiệp; năm 2019 chị Mỹ Vân đã quyết định sẽ khởi nghiệp với mô hình nuôi lươn không bùn với 17 bể nuôi; mỗi bể nuôi diện tích mỗi bể là 6m2, ngang 2m dài 3m ; mỗi bể nuôi được 3.000 con lươn giống.

Sau quá trình chăm sóc, lươn lớn nhanh, ít bị bệnh và hao hụt không nhiều. Đến cuối năm 2020, Chi Mỹ Vân và gia đình thu hoạch lứa lươn đầu tiên đã mang lại lợi nhuận rất cao. Từ năm 2019 đến nay, doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Hiện tại mô hình của chị Vân đã phát triển rất mạnh, trừ hết chi phí, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi lươn không bùn.

Nuôi lươn không bùn chỉ sử dụng giá thể, khác hoàn toàn với tập tính và môi trường sống dưới bùn đất, ưa bóng tối của lươn. Do đó, phải tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng phao quây lưới, rồi cho vào bể chất chồng lên nhau. Nhờ lớp phao này giúp lươn ít bơi lội gây đuối sức, nhanh phát triển, tăng trọng. Mô hình nuôi lươn không bùn giúp tiết kiệm 85% chi phí lao động, giảm 15% chi phí thức ăn, tỷ lệ rủi ro giảm rõ rệt… Qua đó, góp phần giảm chi phí đầu tư cho 1kg lươn thành phẩm từ 120.000 đồng/kg còn 70.000-80.000 đồng/kg.

Nhận thấy nhiều cơ hội kinh doanh trong thời kì chuyển đổi số, năm 2020 chị  Vân đã bắt đầu đăng các bài tin trên Facebook giới thiệu về con lươn và mô hình nuôi lươn có hiệu quả của mình. Các kênh mua bán chính của chị thông qua việc trên Facebook; bán cho các mối sỉ trong và ngoài huyện.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình từ mô hình nuôi lươn không bùn, chị Vân còn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ những người xung quanh bằng việc hỗ trợ kỹ thuật chọn con giống, cách nhận biết mầm bệnh khi nuôi lươn, giới thiệu cách bán hàng và kinh nghiệm bán hàng trên Facebook, hỗ trợ tìm đầu ra cho các sản phẩm lượng đạt chất lượng,... Đến nay, chị Vân đã giúp đỡ được cho 13 hộ gia đình tại địa phương.

Đoàn công tác của Huyện đoàn Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận tham quan mô hình nuôi lươn không bùn của chị Vân

Khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình là nhu cầu của đa số đoàn viên, thanh niên và ứng dụng chuyển đổi số vào khởi nghiệp là xu thế hiện nay. Khởi nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số đòi hỏi thanh niên bên cạnh xác định được mô hình cách làm, đòi hỏi cần có sự nhạy bén, năng động và năng lực số để vận dùng vào quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp của mình. Chị Trần Thị Mỹ Vân là điển hình cho thanh niên khởi nghiệp trong thời kì chuyển đổi số ấy!

Huyện đoàn Chợ Lách