Danh sách 10 gương Thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu năm 2020

1. Anh Võ Văn Phong – Giám đốc Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp Tiên phong tỉnh Bến Tre

Anh Võ Văn Phong (đứng giữa)

tặng hoa cho khách tham gia trải nghiệm Du lịch C2T

Trưởng thành từ chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp của tỉnh, là thế hệ F1 của Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre, Anh Võ Văn Phong đã đưa “Du lịch C2T” của Bến Tre vượt qua hơn 157 đối thủ khác để giành giải nhất (bảng cá nhân) tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4, do Trung tâm BSA tổ chức vào năm 2018. Khác với một số doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Một thành viên Truyền thông và Du lịch C2T là một nhóm khởi nghiệp những người trẻ, năng động liên kết với nhau, góp sức làm du lịch theo cách riêng.

Trong năm 2020, trong điều kiện ngành du lịch bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19, anh Phong đã lái con thuyền C2T tiến về phía trước, vượt qua những khó khăn, thách thức, duy trì sự ổn định của Công ty. Ngoài ra, anh Phong còn tích cực tham gia các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, mentor cho các bạn trẻ, hướng dẫn các thanh niên hoàn thiện dự án, ý tưởng tại Hội thi Dự án, ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bến Tre lần thứ IV, năm 2020.

2. Chị Phạm Thị Vân – Giám đốc Công ty TNHH Dừa Cười

Chị Phạm Thị Vân, một người trẻ lặn lội từ Hưng Yên vào Bến Tre để khởi nghiệp với sản phẩm có một không hai là dừa cười, sản phẩm tạo sức hút không chỉ với thị trường trong nước mà còn đủ sức cạnh tranh với nhiều quốc gia có thế mạnh về dừa như như Indonesia, Philippines, và đặc biệt là Thái Lan. Hiện mỗi trái dừa xiêm ở Bến Tre bán từ 8.000 – 10.000 đồng/trái, thì dừa cười mang thương hiệu Coco Smile của Chị Vân bán được với giá 35.000 – 40.000 đồng mỗi trái. Trung bình mỗi tháng, công ty TNHH Dừa Cười của Chị Vân sản xuất khoảng 250.000 trái, trong đó có 50.000 trái đến với bạn bè quốc tế; giúp giải quyết được việc làm thường xuyên của 10 lao động cố định và 50 lao động thời vụ.

3. Anh Trần Phúc Hậu – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thủy sản Đại Thành, Thành viên Câu lạc bộ Khởi nghiệp Tiên phong tỉnh Bến Tre

Anh Trần Phúc Hậu (đứng thứ 2 từ phải sang) nhận giải thưởng tại festival Khởi nghiệp năm 2019

Với ý tưởng độc đáo dùng bã mía lên men với các dòng vi sinh vật có lợi để xử lý môi trường ao nuôi tôm, anh Trần Phúc Hậu đã góp phần cải thiện môi trường, nâng cao thu nhập cho người dân và nâng cao giá trị con tôm Việt Nam. Dự án này của Anh đã đạt giải Nhì tại Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia năm 2018. Anh Trần Phúc Hậu chia sẻ, hiện nay đã có một số đối tác Nhật và các thị trường khác quan tâm đến mô hình nuôi tôm sạch của Đại Thành đến thăm quan mô hình và cam kết sẽ thu mua tôm của công ty trong năm 2019 và thời gian tới để xét nghiệm tiêu chuẩn, tiến hành nhập khẩu vào Nhật Bản với sản lượng tôm sạch đạt 10 tấn/tháng. Tầm nhìn của Đại Thành đến năm 2025 sẽ trở thành một công ty lớn mạnh của Việt Nam trong ngành nuôi tôm thâm canh, mở rộng chuỗi cung cấp từ vật tư nuôi trồng, nuôi tôm theo hướng sạch và cung cấp sản phẩm tôm sạch.

4. Anh Huỳnh Văn Cường – Giám đốc Công ty TNHH Escoco Vietnam

Anh Huỳnh Văn Cường nhận giấy chứng nhận hoàn thành 01 khóa Đào tạo về khởi nghiệp

Anh Huỳnh Văn Cường và chị Ngô Thị Hoàng Oanh (vợ anh Cường) đã thành công với những sản phẩm mỹ phẩm và thủ công mỹ nghệ từ Dừa (tranh từ xơ của tàu lá dừa). Cụ thể, từ trái dừa khô được tách vỏ, lấy cơm, ép cốt để chiếc lấy tinh dầu nguyên chất; thực hiện quy trình tách ly tâm để chiếc lấy dầu dừa tinh khiết kết hợp với nguyên liệu chuyên dùng cho mỹ phẩm, bằng cách chế biến thủ công cho ra những sản phẩm đẹp mắt và có giá trị thẩm mỹ cao. Hiện nay, sản phẩm của công ty tiêu thụ khắp cả nước, với gần chục sản phẩm. Riêng xà phòng, công ty đã nghiên cứu và cho ra thị trường 13 dòng, trong đó xà phòng dừa có 5 dòng, xà phòng thảo mộc có 8 dòng. Công ty của Anh Cường và Chị Oanh hoạt động ngày càng hiệu quả, không chỉ mang thu nhập cao cho gia đình mà còn giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 06 lao động mỗi tháng, đồng thời góp phần giải quyết đầu ra ổn định cho nhiều hộ trồng dừa trái trên địa bàn.

5. Anh Nguyễn Quang Đăng – Giám đốc Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Nông sản Bảo Thạnh, thành viên Ban Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Tiên phong tỉnh Bến Tre, Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Tiên phong huyện Ba Tri

Anh Nguyễn Quang Đăng (đứng giữa)

nhận Bằng khen của Hội Doanh nhân trẻ với thành tích “Doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu tỉnh Bến Tre năm 2020”

Anh Nguyễn Quang Đăng đã chọn nghề xuất khẩu dừa để khởi nghiệp và đã thành công, mang lại thu nhập không nhỏ cho gia đình, góp phần làm giàu cho quê hương. Nắm bắt được thị hiếu của thị trường nên anh sản xuất dừa chỉ bằng thủ công để tạo ra sản phẩm sạch xuất khẩu sang các nước châu Âu với các mặt hàng là dừa xiêm nguyên trái, dừa xiêm gọt trọc, dừa xiêm gọt kim cương, dừa khô gọt trọc. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là quy trình đông lạnh không bị nức vỏ, khi mua anh lựa dừa đúng tuổi thu hoạch. Hiện tại, cơ sở của anh có 40 công nhân làm việc, bình quân một tuần xuất ra nước ngoài 66.000 trái dừa.

Anh Nguyễn Quang Đăng tâm sự: “Khi bắt đầu thực hiện khởi nghiệp, tôi nghĩ trước hết là tạo thu nhập cho bản thân và gia đình, kế đến là đóng góp cho cộng đồng xã hội. Trong khởi nghiệp gặp muôn vàn khó khăn nên tôi tìm hiểu, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm để giải quyết khó khăn. Lúc đó tôi mới thấy tại mình không chịu tìm hiểu chứ khởi nghiệp không phải khó khăn. Anh Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy đã nói một câu mà tôi luôn nhớ mãi: “khởi nghiệp là hành trình giải quyết khó khăn và chỉ có chính mình mới giải quyết khó khăn đó, khi đã giải quyết được khó khăn thì khó khăn sẽ là bạn và luôn mỉm cười”. Hiện anh Đăng là thành viên Ban Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Tiên phong tỉnh Bến Tre, Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Tiên phong huyện Ba Tri.

6. Anh Phan Gia Thịnh – Giám đốc Công ty TNHH Một Thành Viên Đất Sạch Phú Hưng Thịnh, thành viên Câu lạc bộ Khởi nghiệp Tiên phong tỉnh Bến Tre

Anh Phan Gia Thịnh (đứng thứ hai từ phải sang) tại lễ kỷ niệm 25 năm hoạt động tại Việt Nam của IFAD

Mô hình sản xuất đất sạch của anh Phan Gia Thịnh, một startup trẻ được ươm mầm và phát triển trong mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Bến Tre được các chuyên gia IFAD rất ấn tượng. Công ty của Anh Phan Gia Thịnh chuyên sản xuất các sản phẩm như: giá thế ươm mầm, đất sạch trồng cây, phân bón hữu cơ trùn quế, mụn xơ dừa, chế phẩm sinh học, phân hữu cơ vi sinh,... phục vụ canh tác nông nghiệp và nông nghiệp chất lượng cao. Hiện anh Thịnh là thành viên của Chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và đang phấn đấu từng ngày để đưa doanh nghiệp khởi nghiệp của mình phát triển mạnh mẽ. Chia sẻ tại lễ kỷ niệm 25 năm hoạt động tại Việt Nam của IFAD (tháng 5/2019), anh Phan Gia Thịnh đã khẳng định “Dù có những thành quả ban đầu ấn tượng trong việc hỗ trợ nông dân Bến Tre phát triển sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu… nhưng bản thân và công ty vẫn nhận thức sâu sắc còn rất nhiều việc phải làm, nông dân vùng dự án vẫn là những nhóm dễ bị tổn thương hơn khi biến đổi khí hậu xảy ra. Công ty sẽ nỗ lực chung sức cùng IFAD, các cấp chính quyền, đoàn thể, cơ quan chức năng cùng bà con nông dân ở Bến Tre tiếp tục công cuộc giảm nghèo và thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch tại Bến Tre, đẩy mạnh nhân rộng mô hình để chứng minh tính hiệu quả và tác động mạnh mẽ của IFAD ở 11 tỉnh địa bàn dự án để không ai bị bỏ lại phía sau”.

7. Cô Ngô Song Đào - Giáo viên Trường Tiểu học - THCS Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, người sáng lập Công ty TNHH sản xuất thương mại sản phẩm sạch Thiên Phúc, thành viên Câu lạc bộ Khởi nghiệp Tiên phong tỉnh Bến Tre

Cô Ngô Song Đào tại buổi lễ nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2020

Từ năm 2017, sản phẩm Nhang xua muỗi từ lá quao nước chính thức trở thành sản phẩm hàng hóa độc quyền của Công ty TNHH SX thương mại sản phẩm sạch Thiên Phúc, với thương hiệu “Nhang sinh học Thiên Phúc”. Năm 2020, sản phẩm nhang sinh học Thiên Phúc được UBND tỉnh cấp Chứng nhận sản phẩm OCOP, hạng 4 sao. Sản xuất sản phẩm Nhang sinh học Thiên Phúc tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 12 phụ nữ nghèo làm việc tại công ty và tăng thu nhập cho 50 hộ nghèo tại địa phương. Tháng 10/2020, tại Hà Nội, cô Ngô Song Đào là một trong 10 cá nhân nữ trên toàn quốc vinh dự được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2020. Giải thưởng là sự ghi nhận những cống hiến, tài năng, sức sáng tạo của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Ngoài ra tháng 11/2020 tại Hà Nội, cô Song Đào cũng vinh dự nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lễ vinh danh nhà giáo tiêu biểu năm 2020).

8. Chị Đinh Hạnh Tâm - Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Thực Mỹ Phẩm VFARM

Với vốn kiến thức từng thực tập tại Pháp về nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) lĩnh vực công nghệ thực phẩm, chuyên về chế biến nông sản sau thu hoạch. Mỗi một sản phẩm là một câu chuyện văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn riêng biệt của địa phương đó. Coboté với hàng trăm sản phẩm được chế biến từ dừa như xà bông dừa dạng viên kết hợp hoa văn, dạng cắt lát, dầu tắm gội toàn thân, dầu dưỡng tóc, dầu dưỡng da, son môi dừa, nước súc miệng, nước rửa tay, nước ngâm chân… Thành phần chế biến là nguyên liệu được chiết xuất từ dầu dừa thiên nhiên 100%, kết hợp nhiều tinh dầu khác và các loại thảo dược. Tùy theo sản phẩm có đặc tính riêng sẽ có những kết hợp thành phần nguyên liệu khác nhau. Tương tự, để tạo màu sắc, mùi hương quyến rũ, yêu thích cho khách lựa chọn, công ty bào chế từ các loại củ quả, tinh dầu trong thiên nhiên. Vì vậy, theo như Chị Hạnh Tâm, thương hiệu Coboté cũng nhằm mục đích khai thác vẻ đẹp, ý nghĩa từ dừa của đất và người Bến Tre mà Chị luôn khát vọng nâng tầm giá trị dừa lên đỉnh cao mới trong tương lai. Trong thời gian tới, Chị Đinh Hạnh Tâm sẽ đầu tư xưởng sản xuất lớn hơn, đủ chuẩn xuất khẩu quốc tế, các chứng nhận liên quan, từng bước phát triển theo chiều sâu. Đồng thời, sử dụng nguồn nguyên liệu, nhân công địa phương.

9. Anh Nguyễn Văn Hoàng, anh Lê Văn Dội – chủ dự án “Sản phẩm thân thiện và làm đẹp môi trường từ vỏ (lốp) xe phế liệu” - giải nhất tại Cuộc thi Dự án, ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bến Tre lần thứ IV, năm 2020

Anh Nguyễn Văn Hoàng (đứng thứ 3 từ trái sang), anh Lê Văn Dội (đứng thứ 2 từ trái sang)

nhận giải Nhất ại Cuộc thi Dự án, ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bến Tre lần thứ IV, năm 2020

Tái sử dụng vỏ xe phế liệu không phải là lần đầu thực hiện nhưng các sản phẩm của anh Hoàng và anh Dội đã thể hiện sự sáng tạo và khéo léo. Sản phẩm thân thiện từ vỏ xe phế liệu của anh Nguyễn Văn Hoàng và Lê Văn Dội đã xuất sắc giành giải nhất tại Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp huyện Mỏ Cày Nam lần thứ II năm 2020 và là một trong 6 dự án khởi nghiệp của tỉnh lọt vào vòng bán kết khu vực miền Nam (với 48 dự án) Cuộc thi Dự án KN thanh niên nông thôn năm 2020 do Trung ương Đoàn tổ chức. Tháng 12/2020, tại Cuộc thi Dự án, ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bến Tre lần thứ IV, dự án “Sản phẩm thân thiện và làm đẹp môi trường từ voe (lốp) xe phế liệu” đã xuất sắc giành giải nhất và nhận được nhiều những đánh giá rất tích cực từ phía Ban Giám khảo. “Chúng tôi muốn đưa chất liệu dừa kết hợp vào các sản phẩm vỏ xe cũ này, có thể là chỉ xơ dừa hoặc gáo dừa để trang trí thêm cho sản phẩm bắt mắt hơn. Hướng đi lâu dài sẽ là nâng tầm lên thành những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo. Với nhiều đơn hàng được đặt, chúng tôi sẽ mướn thêm thợ để gia công từng công đoạn, góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương”, anh Nguyễn Văn Hoàng cho biết. Với bàn tay khéo léo và quyết tâm muốn làm kinh tế, cải thiện cuộc sống, anh Dội và anh Hoàng đã thổi hồn cho những chiếc vỏ xe bỏ đi, để chúng có thêm công dụng mới, hữu ích cho cuộc sống. Dự án của Anh Hoàng và anh Dội đã góp phần giải quyết tình trạng các vỏ xe cũ tồn đọng, chưa có hướng xử lý tại các tiệm sửa xe lâu nay. Thậm chí có nơi đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường.

10. Anh Bùi Văn Ngưng – Dự án Dừa bonsai Phong thủy Tiến Phương – giải nhì tại Cuộc thi Dự án, ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bến Tre lần thứ IV, năm 2020

Anh Bùi Văn Ngưng trình bày Dự án của mình tại Cuộc thi Dự án, ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bến Tre lần thứ IV, năm 2020

Sử dụng các máy khắc laser hiện đại để thay đổi diện mạu của cây dừa giống thành một tác phẩm nghệ thuật để trang trí trong văn phòng, trên bàn làm việc,… dự án tạo hình “Dừa bonsai phong thủy” đã giúp anh Bùi Văn Ngưng đạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp huyện Chợ Lách năm 2020. Từ những trái dừa khô được ươm lên mầm, qua các công đoạn tạo dáng, mài bóng, sơn nhủ vàng, khắc laser trực tiếp lên trái dừa kết hợp với kỹ thuật đắp nổi tạo hình các con giáp đã tạo ra tác phẩm nghệ thuật vô cùng độc đáo và ấn tượng mang những dấu ấn rất riêng của anh Bùi Văn Ngưng. Tháng 12/2020, tại Cuộc thi Dự án, ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bến Tre lần thứ IV, dự án “Dừa bonsai Phong thủy Tiến Phương” đã xuất sắc giành giải nhì và để lại nhiều ấn tượng với những ai đến với Hội thi. Hiện giá mỗi sản phẩm của anh Ngưng có giá dao động từ 1,5 đến 02 triệu đồng/sản phẩm.

Ban Phong trào Tỉnh đoàn