Đổi mới nội dung, phương thức công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Trải qua gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đặc biệt coi trọng, tiến hành thường xuyên, toàn diện, góp phần củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, thực tiễn phát triển đất nước còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, sơ hở để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng xuyên tạc, chống phá.

Điểm mới đáng chú ý là, các thế lực thù địch đã có cách tiếp cận linh hoạt, mềm dẻo hơn, từ đó chúng có thiên hướng sử dụng các bài viết, tài liệu tuyên truyền giả hiệu khoa học, trong đó sử dụng tinh vi thuật ngụy biện và logic hình thức để thuyết phục đối tượng tiếp nhận. Bên cạnh đó, chúng kiên trì thực hiện thủ đoạn thông qua lĩnh vực thông tin, truyền thông, văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học, giáo dục-đào tạo để tô vẽ, quảng bá cho cái gọi là “giá trị dân chủ” của phương Tây, đặc biệt là đối với lớp trẻ; đồng thời tiếp tục lợi dụng các sự kiện, diễn biến trong các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là các vụ việc nổi cộm để dựng lên bức tranh đen tối, mù mịt về tương lai đất nước, hòng từng bước cô lập, tách các tổ chức đảng và đảng viên ra khỏi quần chúng, từ đó tổ chức, kêu gọi, lôi kéo một bộ phận người dân nhẹ dạ, cả tin, hạn chế hiểu biết tham gia tụ tập, gây rối, gây mất an ninh, trật tự. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “góp gió thành bão”, “thay đổi thường xuyên, liên tục”, với mật độ thông tin đặc biệt lớn đã tạo ra những tác động nguy hiểm đối với nhận thức, thái độ và hành vi của không ít người, trong đó có cả những cán bộ, đảng viên.

Trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng quyết liệt của các thế lực thù địch, trong thời gian qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống quan điểm sai trái được Đảng ta đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Nội dung, phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã được đổi mới một bước, trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Với sự chỉ đạo thống nhất và sự vào cuộc tương đối đồng bộ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch đã có những bước chuyển rõ rệt, ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất hơn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chuẩn bị tốt nhiệm vụ tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu của nhiệm vụ. Trong thời gian tới, bối cảnh tình hình trong nước và thế giới được dự báo sẽ tiếp tục có những biến chuyển mau lẹ, khó lường, bao hàm những thuận lợi, thời cơ lớn cùng những nguy cơ, thách thức gay gắt. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiếp tục hoạt động chống phá ta ngày càng quyết liệt với những âm mưu, phương thức ngày càng tinh vi, phức tạp, trong đó trọng tâm trước mắt chúng hướng tới là đại hội đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng.

Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trên cơ sở quán triệt sâu sắc phương châm gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả với các biện pháp phù hợp. Để đạt được mục tiêu đó, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản, trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, tập trung nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là người đứng đầu, của từng đảng viên và nhân dân về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Đây là giải pháp cần tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm tiếp tục quá trình nhận thức, nhận thức lại cho thấu suốt, đầy đủ hơn về tầm quan trọng đặc biệt và các nội dung, yêu cầu cụ thể của nhiệm vụ này, từ đó nâng cao cảnh giác, tự nguyện tham gia cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cấp ủy đảng các cấp phải thực sự coi trọng, xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng. Ban Chỉ đạo 35 Trung ương thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và hệ thống các trường chính trị trong cả nước tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới, hoàn thiện chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, trong đó dành thời lượng thích đáng cho nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho nhân dân, bồi dưỡng thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng niềm tin khoa học về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, từ đó củng cố khả năng đề kháng, cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tiến đến tham gia tích cực vào sự nghiệp đấu tranh.

Thứ hai, tập trung xây dựng, tổ chức lực lượng chuyên gia chuyên trách, cộng tác viên bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đây là nhiệm vụ cần triển khai một cách bài bản, chặt chẽ, trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn, trong đó trọng tâm là vận động, thu hút sự tham gia của các nhà lý luận, trí thức, văn nghệ sĩ, chuyên gia có uy tín, trình độ chuyên môn sâu, có khả năng đáp ứng đa dạng hoạt động đấu tranh, trên báo chí trong và ngoài nước, các diễn đàn mạng xã hội đến việc trực tiếp tham gia vận động, thuyết phục, đối thoại... Để thực hiện được mục tiêu đó, cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp về tài chính, về điều kiện, môi trường làm việc và sự đánh giá, ghi nhận, tôn vinh. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là trong bảo vệ các tiếng nói đấu tranh.

Thứ ba, chú trọng nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục của các bài viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Các bài viết phải khẳng định được một cách khoa học, thuyết phục về những giá trị bền vững, đúng đắn của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là sự lựa chọn sáng suốt, phù hợp thực tiễn đất nước ta. Cần tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để hoàn thiện hệ thống lý luận về CNXH và con đường lên CNXH ở nước ta trong tình hình mới; khẳng định và cụ thể hóa những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị bền vững phù hợp thực tiễn Việt Nam; chỉ rõ những vấn đề cần bổ sung, phát triển. Đẩy mạnh nghiên cứu các vấn đề lý luận khó, phức tạp phát sinh từ thực tiễn, làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ tư, khẩn trương rà soát, xây dựng bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có hiệu quả.

Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý báo chí, xuất bản, internet và mạng xã hội; rà soát, quy định chặt chẽ về việc cấp phép hoạt động của các mạng xã hội ở Việt Nam, quy định về tính chính danh trong việc sử dụng mạng xã hội; kiểm soát chặt chẽ đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, mạng xã hội, nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Trên cơ sở các quy định của pháp luật được ban hành, kiên quyết đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn và xử lý đối với các nhà mạng, các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục sử dụng hiệu quả, đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, kinh tế, ngoại giao để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên internet. Tiếp tục đầu tư thích đáng, có trọng tâm, trọng điểm để đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các giải pháp kỹ thuật mới về công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý, phối hợp, tổ chức các lực lượng đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, trên cơ sở đó kịp thời tập huấn, chuyển giao, kết nối để nâng cao hiệu quả sử dụng trong hoạt động thực tiễn.

Các giải pháp đổi mới nội dung, phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên đây được xây dựng trên cơ sở quán triệt phương châm kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó lấy “xây” làm trụ cột nhằm hướng đến kết quả đấu tranh trong cả ngắn hạn và dài hạn, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, phù hợp từng hoàn cảnh và đối tượng cụ thể, trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PGS, TS NGUYỄN HỒNG VINH

Sưu tầm