ĐỒNG KHỞI BẾN TRE MÃI MÃI LÀ NIỀM TỰ HÀO

Phong trào Đồng Khởi 1960 ở Bến Tre đã đi vào lịch sử như ngọn cờ đầu, có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi đã đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công mạnh mẽ, rộng khắp liên tục. Cuộc Đồng Khởi 1960 ở Bến Tre là sản phẩm từ Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; khởi đầu từ 3 xã: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh của huyện Mỏ Cày đêm 17/01/1960, sau đó nhanh chóng lan rộng ra toàn tỉnh và phát triển mạnh mẽ trên khắp chiến trường miền Nam.

Đồng Khởi 1960 ở Bến Tre còn là sự vận dụng sáng tạo Nghị quyết 15, có phát triển phù hợp với diễn biến tình hình địa phương và cách mạng miền Nam. Từ đây, đã sáng tạo ra phương thức đấu tranh “Hai chân, ba mũi” (Hai chân: đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang; Ba mũi: chính trị, quân sự và binh vận) và nhiều phương thức sáng tạo khác như: chủ trương “3 tại chỗ” (lực lượng là quần chúng tại chỗ, đối tượng đấu tranh là bộ máy kìm kẹp tại chỗ, tòa án nhân dân tại chỗ); chủ trương “lấy súng trong đồn giặc để đánh giặc”, hay “tản cư ngược” (tản cư ngược: là không tản cư đến nơi vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, không có địch, mà kéo lên thị trấn, quận lỵ nơi có chính quyền địch để đấu tranh tố cáo binh lính địch đang tàn sát quần chúng nhân dân ở thôn, xã. Lực lượng tản cư ngược vì vậy là lực lượng đấu tranh trực diện với chính quyền địch).

Đồng Khởi 1960 thể hiện sinh động nhất sự kế thừa, phát huy những di sản của quá trình chống giặc của nhân dân Bến Tre, đó là kinh nghiệm tiến công quân sự, nổi dậy khởi nghĩa được vận dụng sáng tạo và nâng cao. Từ Đồng Khởi 1960 ở Bến Tre đã mở ra cục diện mới triển vọng cho cách mạng miền Nam, góp phần tạo ra một bước ngoặt chiến lược, đưa cách mạng miền Nam từ thoái trào, từ thế giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công chiến lược, làm rung chuyển và báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Mỹ - Ngụy.

Thắng lợi của cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre còn là thắng lợi có ý nghĩa chính trị lịch sử sâu sắc, ghi đậm mốc son lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung và của Nhân dân Bến Tre nói riêng. Chiến công đó của Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre được cả nước ghi nhận như Đại tướng Hoàng Văn Thái, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên thường trực Đảng ủy Quân sự Trung ương đã khẳng định: “Phong trào Đồng Khởi 1960 là mô hình hoàn chỉnh của khởi nghĩa toàn dân, của khởi nghĩa nông thôn đồng bằng. Nó thúc đẩy toàn Nam bộ nổi dậy chống Mỹ cứu nước với khí thế long trời lở đất. Vì vậy, Bến Tre là quê hương của Đồng Khởi theo đúng nghĩa của Đồng Khởi…”

Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng Khởi

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 16-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa IX, tạo khí thế thi đua sôi nổi nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 17/10/2020 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU về phát động Phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với phương châm “Hai chân - Ba mũi”.

“Hai chân” bao gồm: Chân thứ nhất là xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, với các nội dung thi đua: thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05; xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh; rèn luyện người đảng viên, công chức tiêu biểu; nâng cao hiệu lực - hiệu quả hoạt động của chính quyền; xây dựng chính quyền điện tử... Chân thứ hai là phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, với các nội dung gồm: xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực; giảm nghèo bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc - tiến bộ; xây dựng gia đình, dòng họ học tập; các phong trào thi đua trong ngành giáo dục, y tế; xây dựng địa phương, cơ quan xanh - sạch - an toàn; xây dựng địa phương, cơ quan, trường học đảm bảo an toàn và an ninh trật tự.

“Ba mũi” tập trung vào ba nhiệm vụ đột phá, gồm: Mũi cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, với các nội dung thi đua: cải cách thủ tục hành chính, chất lượng phục vụ; sáng kiến thực hiện công vụ nhanh, hiệu quả; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả; xây dựng chính quyền điện tử, phấn đấu đưa chỉ số cải cách hành chính vào top 20 cả nước. Mũi huy động nguồn lực, phát triển hạ tầng, với các nội dung thi đua: giải phóng mặt bằng cho các công trình, dự án; trữ nước mưa, nước ngọt, xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ; xây dựng giao thông nông thôn; phát triển giao thông kết nối nội bộ; phát triển các khu, cụm công nghiệp; hoàn thành giai đoạn 1 tuyến động lực ven biển. Mũi phát triển nguồn nhân lực, với các nội dung thi đua: công chức - viên chức học tập, nâng cao trình độ; chuyên nghiệp, tăng năng suất; đổi mới công nghệ, thiết bị trong sản xuất; áp dụng mô hình quản lý tiên tiến.

Hàng năm, nhân kỷ niệm ngày Bến Tre Đồng Khởi tổ chức bình xét, tôn vinh “Công dân Đồng khởi” nhằm động viên, nêu gương, nhân rộng các điển hình trong thực hiện thi đua Đồng Khởi mới trên địa bàn tỉnh.     

Phong trào Đồng Khởi đã hơn 60 năm nhưng giá trị và những bài học kinh nghiệm quý báu của nó đến nay vẫn còn nguyên vẹn, đã ngấm sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân Bến Tre như một mốc son chói lọi trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trở thành niềm tự hào lớn lao của các thế hệ hôm nay và cả mai sau. Qua các cao trào thi đua “Đồng Khởi mới”, diện mạo nông thôn, thành thị ở Bến Tre ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng lên. Đây là nền tảng vững chắc để Đảng bộ tỉnh tiếp tục phát động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” với khí thế mới, tiến công liên tục, bứt phá để xây dựng Quê hương Đồng Khởi” trở thành nơi đáng sống./.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre