Giồng Trôm: Thanh niên Nguyễn Thế Thiện, xã Bình Hòa khởi nghiệp thành công từ chăn nuôi dê và thỏ

          Mạnh dạn khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi từ năm 2006, với tinh thần cầu tiến, chí thú làm ăn, đến nay anh Nguyễn Thế Thiện, ấp Đông Ngô, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm đang có kinh tế ổn định với mức thu nhập khá cao từ con dê và thỏ với các hình thức kinh doanh như cung cấp con giống, bán dê vỗ béo, thỏ thịt, dịch vụ chế biến món ăn từ thỏ,...

          Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, anh Thiện sớm có ý tưởng khởi nghiệp từ việc chăn nuôi song song với công việc phụ giúp gia đình chăm sóc hơn 01 ha cây có múi. Anh Thiện bắt đầu chăn nuôi với 2 con dê sinh sản, sau đó gầy đàn để nuôi và bán dê vỗ béo. Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên anh còn gặp nhiều khó khăn Sau 3 năm đàn dê của anh đạt số lượng trên 20 con. Anh cho biết dê đực khoảng 10 tháng tuổi thì xuất chuồng, mỗi con khoảng 35 kg. Trung bình mỗi năm anh bán từ 5 - 7 con dê thịt. Giá một con dê dao động từ 2 - 4 triệu đồng tùy thời giá. Anh tận dụng vườn nhà sẵn có để trồng cỏ, cây lá làm thức ăn cho dê. Những năm gần đây do ảnh hưởng hạn mặn khiến nguồn thức ăn cho dê giảm nên quy mô đàn dê của anh cũng giảm. Đầu năm 2021, từ nguồn vốn của Trung ương Đoàn hỗ trợ thanh niên khắc phục hạn mặn anh được nhận 6 triệu đồng để mua 2 con dê nái. Hiện tại anh có đàn dê với 6 con dê nái và 3 con dê đực giống. Anh tiếp tục tái đàn chăn nuôi dê vỗ béo.

          Ngoài ra, vào năm 2013, bên cạnh nuôi dê anh Thiện thử nghiệm thêm nuôi thỏ. Từ một người quen, anh bắt về 5 con thỏ để nuôi. Thấy thỏ sinh sản tốt, anh tiếp tục gầy đàn nuôi bán thỏ thịt. Theo anh Thiện thì thỏ dễ chăm sóc, sinh sản tốt, thỏ từ 3 - 5 tháng tuổi có thể bán. Giá thỏ hơi thị trường hiện trên 50 nghìn đồng/kg. Hiện tại anh có đàn thỏ trên 120 con. Nắm bắt xu hướng dịch vụ thức ăn chế biến sẵn, giao hàng tận nơi đang phát triển trong những năm gần đây. Anh Thiện nghiên cứu qua internet và tự tìm tòi học cách chiến biến các món ăn từ thỏ. Hiện tại anh có thể chế biến trên 7 món ăn từ thỏ cung cấp cho khách hàng. Tận dụng hình thức chào hàng qua mạng xã hội, ngày càng có nhiều người trong và ngoài huyện biết đến anh và đặt hàng. Khách hàng có thể lựa chọn mua thỏ hơi, thỏ đã làm thịt sạch hoặc thỏ đã chế biến thành món ăn sẵn. Trung bình mỗi tháng anh bán được hơn 20 con thỏ các loại.

          Anh Thiện chia sẻ: “Lúc đầu khởi nghiệp cũng có nuôi hai con dê nái sinh sản, thời gian cũng gầy lên khá nhiều. Thời gian ảnh hưởng bởi thời tiết, hạn mặn thì mình cũng giảm đàn. Thời gian gần đây xã đoàn cũng có hỗ trợ kinh phí 6 triệu để mua 2 con dê giống về nuôi. Thời gian tới mình cũng tái đàn, gầy ra thêm cho tăng hiệu quả kinh tế. Trong thời gian đó cũng có có nuôi thử nghiệm 5 con thỏ, phối giống nó đẻ được thấy cũng phát tiển được nên gầy ra thêm hiện tại đàn thỏ khoảng 120 con thỏ lớn nhỏ. Thời gian gần đây cũng có làm dịch vụ thỏ chế biến sẵn. Mình thực hiện quy trình khép kín từ khâu con giống đẻ ra mình nuôi tới lớn khi làm thịt được cho chất lượng con thỏ đảm bảo tới tay người tiêu dùng. Thời gian tới các bạn đoàn viên nếu có nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật về chăn nuôi thỏ hay về con giống thì mình cũng sẵn sàng hỗ trợ.”

Ban chấp hành xã Đoàn Bình Hòa tham quan mô hình chăn nuôi của anh Thiện

          Lấy lãi từ việc chăn nuôi, anh đầu tư phát triển chuồng trại duy trì song song giữa chăn nuôi thỏ và dê. Hiện tại tổng diện tích chuồng dê và thỏ của anhh trên 80m2. Anh Thiện cho biết mỗi ngày anh thường dành từ 2 - 3 tiếng đồng hồ để cho dê và thỏ ăn. Sau hạn mặn, anh tiếp tục trồng thêm cỏ xen trong vườn để tạo nguồn thức ăn cho vật nuôi. Hiện tại anh có thu nhập ổn định

          Chị Võ Thị Tuyết Nhi, Bí thư xã Đoàn Bình Hòa cho biết: “Mô hình nuôi dê thỏ của anh Thiện hiện tại thu nhập ổn định góp phần thăng thu nhập thêm cho gia đình. Với góc độ Ban Thường vụ xã Đoàn cũng thường xuyên tranh thủ với đoàn cấp trên cũng như các ngành, các đơn vị để hỗ trợ cho thanh niên về vốn cũng như kiến thức về khoa học kỹ thuật. Trong thời gian tới cũng sẽ tiếp tục tranh thủ, phối hợp với các đơn vị, các ngành phối hợp mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên ở địa phương có thêm kiến thức trong chăn nuôi để góp phần tăng thu nhập kinh tế cho gia đình. Mô hình của anh Thiện thì thời gian tới xã Đoàn cũng sẽ nhân rộng để thanh niên địa phương học hỏi để có nhiều gương thanh niên khởi nghiệp.”

          Với ý chí lao động cần cù, vươn lên bằng sức lao động và tinh thần không ngại khó dám nghĩ, dám làm, anh Thiện là một trong những thanh niên tiêu biểu của xã Bình Hòa thành công trong việc khởi nghiệp, tạo lập kinh tế ổn định cho bản thân và gia đình, qua đó là tấm gương sáng cho đoàn viên, thanh niên địa phương học hỏi, làm theo./.

Kim Phụng