Khát vọng Bến Tre xanh

Nâng cao chất lượng cuộc sống và kiến tạo môi trường bền vững là một trong các mục tiêu được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2030 và 2045. Và để kiến tạo môi trường bền vững cho Bến Tre trong tương lai, yếu tố “Bến Tre xanh” là một trong các tiêu chí quan trọng.

Bến Tre xanh được phát triển từ hai khái niệm: sinh thái và tính bền vững; nơi một tỷ lệ đáng kể của cây xanh đóng góp vào sự cân bằng sinh thái; nơi phát triển bền vững với kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, việc khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, việc quản lý, điều hành và phục vụ dân sinh. Để đạt được khát vọng về một Bến Tre xanh, sạch, đáng sống, ngay từ lúc này, toàn thể hệ thống chính trị và người dân Bến Tre đang ra sức vào cuộc, triển khai các hành động cụ thể. Tuổi trẻ xứ Dừa càng không đứng ngoài vận động ấy.

Ra mắt Fanpage Bến Tre xanh

Trong thời gian qua, các tổ chức Đoàn - Hội các cấp đã nỗ lực, sáng tạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng. Nổi bật là hoạt động của các đội tuyên truyền viên bảo vệ môi trường. Hiện tại, có 10 đội hình tuyên truyền viên bảo vệ môi trường được thành lập với 140 thành viên bao gồm: 01 đội hình cấp tỉnh và 05 đội hình của huyện Thạnh Phú, 01 đội hình của huyện Ba Tri, 01 đội hình của Bình Đại, 02 đội hình của huyện Giồng Trôm, 01 đội hình của Thành phố Bến Tre. Trong đó, Đội tuyên truyền và bảo vệ môi trường “Challenge For Change” - “Thử thách để thay đổi” (Đội CFC) là đội hình tiên phong với các mô hình, giải pháp xử lý, giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa như: mô hình Sân chơi tái chế, mô hình ứng dụng gạch sinh thái trong trường học, hoạt động Đổi rác thải nhựa lấy lồng đèn Trung thu, hành trình Hiệp sĩ xanh bảo vệ môi trường… Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch và tiêu chí xây dựng Trường học “Xanh - Sạch - Năng động giai đoạn 2020 - 2025, chọn 36 trường điểm xây dựng mẫu và nhân rộng các mô hình cho cả tỉnh.

Chương trình đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm

Các đội hình tại cơ sở đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đến đoàn viên, thanh niên và quần chúng nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt Chi đoàn, Chi hội, Câu lạc bộ, Đội, Nhóm, mạng xã hội,… từng bước hình thành ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư nông thôn. Bên cạnh đó, lực lượng đoàn viên, thanh niên cơ sở đã tham gia trực tiếp vào các hoạt động thu gom rác ven bờ sông, bờ biển, hướng dẫn nhân dân đào hố rác, phân loại, xử lý chất thải, rác thải, nước thải sinh hoạt, sử dụng các biện pháp, các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, xây dựng các công trình xử lý rác, mô hình sinh kế gắn với bảo vệ môi trường.

Đoàn viên, thanh niên tỉnh nhà còn giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động tham gia xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu bằng hàng loạt công trình, phần việc thanh niên cụ thể, thiết thực.

Xác định xây dựng nhận thức, thay đổi hành vi” là yếu tố quan trọng cần đặt lên hàng đầu, đoàn viên, thanh niên cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng bằng nhiều hình thức và từ những hành động cụ thể. Chủ động tổ chức hoặc tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, nhất là phân loại rác tại nguồn, xử lý rác tái chế đúng quy định, hướng dẫn, giới thiệu cho cộng đồng, nhân rộng các mô hình, giải pháp hay về bảo vệ môi trường.

Và quan trọng nhất, tự bản thân đoàn viên, thanh niên phải gương mẫu, thay đổi thói quen, hành vi, hạn chế sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần, thực hành tái chế và vận động gia đình, người thân cùng tham gia. Mỗi đoàn viên, mỗi đơn vị, mỗi tổ chức đoàn trở thành một điển hình, một mô hình, một hạt nhân để nhân rộng lối sống xanh cho cộng đồng, để khát vọng Bến Tre xanh trở thành hiện thực.

Anh Phan Thanh Trẻ - Phó Chủ tịch

Thường trực Hội LHTN Việt Nam tỉnh