Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thanh niên – Những vấn đề cần quan tâm

Năm 2020 là năm đánh dấu chặng đường 05 năm triển khai thực hiện Chương trình số 10 của Tỉnh ủy về "Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp". Mặc dù lúc đầu còn gặp nhiều khó khăn trong việc vận hành, tìm phương thức triển khai sao cho hiệu quả, thực chất nhưng qua từng năm, chúng ta đã đúc kết kinh nghiệm, luôn khẳng định khởi nghiệp trong thanh niên không phải là phong trào mà đó là một trong những nội dung quan trọng trong công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi tỉnh nhà. Đến nay, chúng ta đã xác định những phương thức đúng đắn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Nhiều bạn trẻ tiên phong khởi nghiệp đã khai thác được giá trị nguồn tài nguyên bản địa và phát triển bền vững, tạo nên nhiều giá trị mới cho phong trào khởi nghiệp của thanh niên tỉnh nhà.

Ảnh: Trao giải tại Hội thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Bến Tre lần thứ IV, năm 2020

Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện, có những khó khăn, thách thức đặt ra, chúng ta cần sớm nhìn thấy để kịp thời tháo gỡ, đó là:

Thứ nhất: Tinh thần khởi nghiệp của tuổi trẻ tỉnh nhà đã nâng lên rõ rệt tuy nhiên tỷ lệ ý tưởng, dự án khởi nghiệp còn rất thấp so với số lượng đoàn viên, thanh niên tại địa phương. Thứ hai: Tỷ lệ thanh niên có ý tưởng, dự án khởi nghiệp hàng năm đều tăng nhưng chưa được hướng dẫn để chọn lọc để có những ý tưởng phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Đa số các dự án đưa ra được sản phẩm nhưng chưa định vị đúng giá trị, phân khúc khách hàng chưa rõ ràng; đa số thanh niên khởi nghiệp bán cái mình có chứ không phải cái khách hàng cần nên vẫn mãi chưa tìm được thị trường màu mỡ, hạn chế khả năng kêu gọi vốn đầu tư. Bên cạnh đó, kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thanh niên còn rất thấp, thiếu khoa học công nghệ dẫn đến nhiều dự án chưa đủ khả năng cạnh tranh trong hệ sinh thái khởi nghiệp của khu vực và cả nước. Thứ ba: Công tác đào tạo, huấn luyện các dự án khởi nghiệp chưa theo lộ trình cụ thể, thiếu sự đeo bám các dự án từ lúc hình thành cho đến giai đoạn phát triển bền vững. Thứ tư: Đội ngũ cán bộ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp chưa đủ kiến thức, sự linh hoạt, chủ động kết nối thanh niên với các nguồn lực (mentor, kiến thức, kênh thị trường, vốn…) chưa nhiều, thiếu chuyên gia có chuyên môn đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cuộc sống luôn thay đổi hàng ngày, hàng giờ, nếu như không thay đổi chúng ta mãi là người đi sau. Khắp nơi mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thương mại điện tử đang phát triển, Bến Tre là một trong những tỉnh tiên phong trong phong trào khởi nghiệp, đòi hỏi thanh niên khởi nghiệp Bến Tre phải mạnh dạn thay đổi. Tại Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đã xác định mục tiêu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người phấn đấu tăng gấp đôi năm 2020 (khoảng 87 triệu đồng). Thanh niên khởi nghiệp không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn là lực lượng tiên phong góp sức hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Chính vì vậy, bên cạnh các cơ chế chính sách, thì sự chủ động khắc phục những hạn chế trong thời gian qua là rất quan trọng. Tôi cho rằng chúng ta cần quan tâm một số việc, cụ thể:

Đối với cán bộ Đoàn, Đoàn các cấp: Cần truyền thông khởi nghiệp theo từng nhóm đối tượng đảm bảo chất lượng. Đoàn cấp cơ sở phải thực hiện tốt giai đoạn tìm kiếm ý tưởng, giúp thanh niên sàn lọc ý tưởng. Đối với cấp tỉnh, huyện phải thực hiện tốt giai đoạn đào tạo, hỗ trợ dự án phát triển theo từng nhóm và có lộ trình đào tạo rõ ràng, cụ thể cho đến khi dự án phát triển bền vững. Cán bộ Đoàn phải là người nồng cốt, nắm rõ các kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để giúp thanh niên kết nối nguồn lực cần thiết và đề xuất các chính sách phù hợp.

Đối với thanh niên khởi nghiệp: Mong rằng các bạn hãy truyền thêm cho mình một động lực đó là: mục tiêu của khởi nghiệp không chỉ kiếm tiền mà còn giúp đỡ khách hàng giải quyết những khó khăn, mong muốn của họ. Đặc biệt tập trung khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khai thác nguồn tài nguyên bản địa; tìm cho mình hướng đi riêng và xác định chiến lược phù hợp. Phải tập trung vào khách hàng, bán thứ mà giúp họ giải quyết được nỗi đau và nhu cầu. Khách hàng cần gì bạn bán cái đó, khách hàng ở đâu mình có mặt ở đấy. Đưa ra những giải pháp giá trị và liên tục cải tiến để đáp ứng nhu cầu khách hàng thì công việc kinh doanh chắc chắn sẽ trường tồn.

Điều mong muốn nữa là Thanh niên khởi nghiệp phải không ngừng học hỏi kỹ năng hoàn thiện bản thân và chủ động nắm bắt xu thế phát triển của xã hội. Chính các bạn phải là người đặt câu hỏi và tìm ra giải pháp cho mình sẽ làm gì trước xu thế phát triển ngày nay. Xin gợi ý thêm xu thế của năm qua đó là: Người tiêu dùng trực tuyến ở nông thôn (tỷ lệ này sẽ tăng cao do hơn một nữa dân số đang sinh sống ở vùng nông thôn và động lực chính đẩy sự tăng trưởng này là chương trình phổ cập điện thoại thông minh đến 100% người dân của Chính phủ); nền kinh tế theo nhu cầu (trước tác động của dịch bệnh Covid-19, người dân bắt đầu quen với việc lên mạng tìm kiếm dịch vụ theo nhu cầu. Họ ưu tiên sự thuận tiện và nhu cầu của mình được đáp ứng tức thì); người mua sắm thông minh (khách hàng sẽ lên youtube để tìm thông tin và tìm cảm hứng lựa chọn thương hiệu); người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe (khách hàng muốn cải thiện thói quen tiêu dùng và điều này dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ đối với các sản phẩm và dịch vụ nâng cao sức khỏe, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe gia đình)… Bạn sẽ đứng ở đâu và làm gì trước xu thế này?

Trong hành trình khởi nghiệp của các bạn trẻ, tổ chức Đoàn sẽ luôn đồng hành với những ai có quyết tâm, mong muốn thay đổi và có khát vọng làm giàu. Và hãy nhớ “Mỗi sáng thức dậy bạn có 2 lựa chọn: Ngủ tiếp với giấc mơ của mình hoặc Thức dậy và thực hiện nó”.  Đừng quên sứ mệnh của chúng ta là giúp tỉnh nhà thoát nghèo, làm giàu, sánh vai cùng các tỉnh trong khu vực!

Một năm mới lại đến, năm của “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, mong rằng từng cán bộ Đoàn, từng bạn trẻ sẽ gặp nhau trong nhận thức và hành động để mỗi ý tưởng, dự án khởi nghiệp đều được vươn xa hơn nữa trong thời gian tới, đưa sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên Bến Tre trở thành đặc thù của địa phương, làm cho Bến Tre ngày một đổi mới vượt bậc và giàu đẹp hơn!

Đồng chí Võ Thị Phương Diệu – Phó Bí thư Tỉnh đoàn,

Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bến Tre