Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với Xô viết Nghệ Tĩnh

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương sáng ngời cho toàn Đảng, toàn dân ta phấn đấu, học tập và noi theo. Trong suốt cuộc đời hoạt động vì nước vì dân, dù ở nơi đâu, ở cương vị nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn dành một tình cảm đặc biệt, thiêng liêng cho quê hương Nghệ An, nơi sinh ra và gắn bó với Người trong những năm tháng tuổi thơ, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu, khắc sâu thêm những tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Xô viết Nghệ Tĩnh, một phong trào cách mạng nổ ra và đạt đến đỉnh cao ngay trên quê hương của Người.

Ngày 9/12/1961, về thăm quê nhà lần thứ hai, Bác Hồ chụp ảnh với chiến sĩ phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931 (ảnh tư liệu)

Trước tiên, chúng ta cần khẳng định rằng Xô Viết Nghệ Tĩnh là sản phẩm của một quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê nin, đưa ánh sáng cách mạng tháng Mười Nga vào Việt Nam mà người có công dẫn lối mở đường chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; là kết quả của sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đứng ra sáng lập.  Khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở nước ngoài, tuy nhiên Người vẫn luôn theo dõi sát sao để cùng với Trung ương Đảng có sự uốn nắn, chỉ đạo kịp thời cũng như để động viên, chia sẻ, khích lệ tinh thần cách mạng của nhân dân.

Để tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng dưới ngọn cờ của Đảng, ngay sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ nguyễn Ái Quốc đã ra Lời kêu gọi: “ Hỡi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh! Anh chị em bị áp bức, bóc lột!

Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta. Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng để:

1. Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng.

2. Làm cho nước An Nam được độc lập.

3. Thành lập Chính phủ công nông binh”...(1).

Mặc dù sống xa Tổ quốc nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn chăm chú dõi theo diễn biến từng cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh, từ cuộc biểu tình mở đầu ngày 1/5/1930 đến cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Đàn ngày 30/8/1930, của nhân dân Thanh Chương ngày 1/9 và đặc biệt là cuộc biểu tình lịch sử ngày 12/9/1930 của nhân dân Hưng Nguyên. Khi nói về “ phong trào cách mạng ở Đông Dương”, ngày 20/9/1930, Nguyễn Ái Quốc đã miêu tả về cuộc biểu tình ở Nam Đàn và Thanh Chương  như sau:  “Trong lúc biểu tình, 3.000 nông dân Nam Đàn đã vây chặt văn phòng viên quan huyện, phá nhà tù và giải thoát tù nhân. Ở Thanh Chương, 20.000 người đã tham gia vào cuộc biểu tình của nông dân. Trước khi biểu tình, đội vũ trang nông dân đã bắt giữ tất cả các đảng viên của Đảng “ Loài người và lương tri” ( một tổ chức phát xít). Đập phá trụ sở của tổ chức này và bắt giữ 11 tên vệ binh phát xít, giải bêu trước dân chúng khắp vùng. Nông dân hăng hái mang 200 cờ đỏ bứa liềm, hàng ngũ chỉnh tề kéo về huyện lỵ,vây hãm văn phòng quan huyện, đập phá phòng riêng của quan huyện (2). Ngày 12/9/1930, nhân dân Hưng Nguyên, Nam Nam Đàn kéo đi biểu tình đòi các quyền lợi về kinh tế và chính trị. Sau khi nghe tin cuộc biểu tình đã bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, nhiều người bị chết và bị thương, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư lên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, báo cáo: “ Hồi 3 giờ sáng ngày 12-9, hơn 10.000 nông dân hưng Nguyên kéo đi biểu tình, phá nhà của các nhà giàu trên đường đi. Lính ập đến giết 20 người. Nông dân tập hợp ở huyện đường, tại đây, họ gặp khoảng 800 nông dân từ Nam Đàn tới. Trong khi hai bộ phận cùng nhau tụ tập thì mấy chiếc máy bay đến ném bom giết hơn 200 người đàn ông và đàn bà.”(3)  

Trước chính sách khủng bố trắng cực kỳ dã man của thực dân Pháp đối với nhân dân Nghệ Tĩnh, Người đã gửi thư  yêu cầu Quốc tế cộng sản và các tổ chức trực thuộc, các Đảng anh em, công nhân thế giới quan tâm hơn nữa tới phong trào cách mạng Việt Nam, giúp đỡ về tinh thần và vật chất, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Dương nói chung và nhân dân Nghệ Tĩnh nói riêng. Trong “Thư gửi Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản”, có đoạn viết “Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các đồng chí làm những việc có thể được để giúp đỡ các nạn nhân của cuộc đàn áp đẫm máu. Đề nghị cho biết ngay chúng tôi phải làm gì và các đồng chí có thể làm gì giúp họ thông qua tổ chức Quốc tế cứu tế đỏ(4.) Đề nghị thiết thực này đã được Quốc tế cộng sản chấp nhận và hết sức ủng hộ. Ngày 27/2/1932, Ban chấp hành Quốc tế cộng sản đã gửi cho Đảng cộng sản Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ: “ Các cấp ủy Đảng Cộng Sản Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ phải huy động thợ thuyền dân cày và lao khổ xứ mình đấu tranh ủng hộ phong trào cộng sản Đông Dương bằng mọi phương tiện… ”(5)                                      

Để cổ vũ và động viên quần chúng cách mạng tiếp tục vững bước trong các cuộc đấu tranh, không chùn bước trước sự đàn áp dã man của kẻ thù, không thỏa hiệp trước những hành động mị dân, cách mạng chỉ có tiến công, ngày 19/2/1931, trong bài “ Nghệ Tĩnh Đỏ” Người đã nêu lên truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Nghệ Tĩnh: “ nhân dân Nghệ Tĩnh nổi tiếng cứng đầu. Trong thời kỳ Pháp xâm lược cũng như  trong các phong trào cách mạng quốc gia(1905-1925) Nghệ Tĩnh đã nổi tiếng.Trong cuộc đấu tranh hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ Tĩnh vẫn giữ vững truyền thống cách mạng của mình…. Nghệ Tĩnh thật xững đáng với danh hiệu“đỏ”.Và cuối cùng. Người khẳng định: “Bom đạn, súng máy, đốt nhà, đồn binh( 28 đồn mới được dựng lên ở riêng Nghệ An), tuyên truyền của chính phủ, báo chí… đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ - Tĩnh”.(6 )

Đối với trong nước, Người yêu cầu Trung ương Đảng phát động phong trào toàn quốc “chia lửa” với Nghệ Tĩnh. Sau khi có Thông cáo của Trung ương, một làn sóng đấu tranh ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh đã tràn khắp ba miền Bắc – Trung – Nam, từ Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Sài Gòn…

Cũng trong thời gian Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn gửi thư góp nhiều ý kiến với Trung ương Đảng để uốn nắn những sai lầm về công tác chỉ đạo, những sách lược và chiến lược khi đem ra những khẩu hiệu chưa hợp lý, thiếu tính chất vận động quần chúng. Người còn yêu cầu tăng cường vấn đề xây dựng Đảng để đáp ứng yêu cầu cách mạng, nhất là công tác tăng cường phát triển Đảng. Người nhấn mạnh: “Công hội là một tổ chức cách mạng của quần chúng công nhân nhưng khi phát triển hội viên không nên đòi hỏi quá cao như khi kết nạp đảng viên”. Người cũng góp nhiều ý kiến về tổ chức Nông hội, nhất trí với Trung ương Đảng về tổ chức này theo hệ thống từ cơ sở đến Trung ương…

Sau này khi đánh giá ý nghĩa to lớn của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Người đã nhận định: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó  trong một biển máu, nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại nhưng nó rèn luyện lực lương cho cuộc cách mạng tháng tám thắng lợi sau này” (7)

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, trong mỗi bước phát triển của cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh không lúc nào thiếu vắng sự quan tâm theo dõi sát sao của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Dù không trực tiếp chỉ đạo cao trào cách mạng nhưng sự quan tâm, chia sẻ kịp thời của Người có một ý nghĩa vô cùng lớn lao. Những tình cảm vô giá đó đã góp phần cổ vũ, động viên nhân dân Nghệ Tĩnh vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách của cuộc khủng bố trắng, vững bước đi lên giành nhiều thắng lợi  trong các giai đoạn cách mạng  sau này./. 

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập III, NXB Chính trị Quốc gia, tr: 10

2. Sđd, tr: 48

3. Sđd, tr: 51

4. Sđd, tr: 52 

5. Tài liệu đang được trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

6. Sđd, tr: 71, 72

7. Đại cương lịch sử Việt Nam Tập 2, Tr. 310                

Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn