Lê Văn Điệp lập nghiệp với cây atiso đỏ

          18 tuổi, vừa thi đậu Học viện Hành chính Quốc gia, Lê Văn Điệp (sinh năm 1997) đã gác lại việc học, tình nguyện đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự. Trước ngày lên đường đi nghĩa vụ, Điệp đã được kết nạp Đảng. Điệp là đảng viên trẻ lớp “Đồng khởi mới” năm 2016 của xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc. Thời gian tham gia quân đội là môi trường để Điệp rèn luyện bản thân toàn diện, từ tác phong, lối sống đến tư duy. Bên cạnh đó, còn là “cơ duyên” để Điệp biết đến giá trị kinh tế của cây atiso đỏ.

Lê Văn Điệp thu hoạch hoa atiso đỏ.

           Bén duyên với loài cây “lạ”

          Điệp kể: Trong thời gian tham gia huấn luyện nghĩa vụ quân sự ở Bình Dương, thấy người dân địa phương trồng nhiều cây này nên bạn tò mò tìm hiểu. Thấy cây lạ mà lại có dược tính, ở quê chưa thấy nên Điệp xin hạt giống gói đem về trồng thử ở nhà. Hạt giống chịu đất, lớn nhanh rồi ra hoa sau hơn 2 tháng trồng và rất ít công chăm sóc, nhất là càng không dùng phân bón vô cơ. “Em thấy cây này không phụ thuộc nước tưới. Nếu càng để khô hạn thì đài hoa càng cho màu đỏ thẫm, thành phẩm đẹp hơn”, Điệp nói.

          Cây atiso đỏ từ khi trổ hoa đến khoảng 15 - 20 ngày thì có thể thu hoạch đài hoa. Với những cây atiso đỏ đầu tiên trồng được, Điệp thu hoạch đài hoa dùng làm mứt rồi đem giới thiệu, bán ở An Thạnh (huyện Mỏ Cày Nam), nhận được nhiều phản hồi tích cực. Kết quả ban đầu phấn khởi đã giúp chàng thanh niên mạnh dạn tìm mua hạt giống chất lượng ở Đà Lạt rồi trồng thêm gần 100m2 atiso đỏ tại vườn nhà. Đợt thu hoạch này, thành phẩm đài hoa được chế biến thành si rô giải khát và cũng được tiêu thụ hết, đem lại nguồn thu đáng kể cho Điệp vào giai đoạn đầu khi mới xuất ngũ về nhà.

          Không dừng lại ở đó, Điệp tiếp tục tìm tòi ứng dụng đài hoa làm thành nhiều sản phẩm khác như sấy khô làm thành trà, làm kem, ủ rượu… Những sản phẩm của Điệp ban đầu được người quen đặt hàng, dần dần lan tỏa và nhiều người biết đến. Nhiều người trong xóm và một số trường cũng liên hệ lấy cây về trồng.

          Tiềm năng phát triển

          Không chỉ chế biến thực phẩm, trái atiso đỏ lúc còn tươi cũng là một trong các mặt hàng được khách hàng ưa chuộng. Đến nay, Điệp đã có mối thu mua trái tươi ở TP. Hồ Chí Minh. Thấy được khả năng phát triển của cây atiso đỏ, Điệp đang chuẩn bị để mở rộng diện tích lớn và sản xuất nhiều hơn. Điệp cho biết: “Em quy hoạch hơn 3 ngàn m2 đất nhà để sắp tới trồng cây atiso đỏ này, trong đó 500m2 thì em làm nhà lưới để trồng”. Đồng thời, Điệp cũng đang xúc tiến thực hiện các thủ tục về giấy phép và tiến hành đăng ký thương hiệu cho các sản phẩm của mình. Tận dụng mối liên hệ với những anh chị từng thành công với cây atiso đỏ khắp nơi trong cả nước, Điệp thường xuyên liên lạc để có thêm hiểu biết và kinh nghiệm trồng.

          Hiện tại, vừa làm kinh tế với atiso đỏ, Điệp đang theo học lớp Chính trị học của Đại học Trà Vinh vào 2 ngày cuối tuần. Điệp còn đảm nhận Bí thư Chi đoàn ấp Tích Phúc, xã Khánh Thạnh Tân, là ủy viên Chi bộ ấp.

          Với dự án trồng và sản xuất sản phẩm từ cây atiso đỏ, Lê Văn Điệp đã đạt giải nhất cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp huyện Mỏ Cày Bắc năm 2020.

          Cây atiso đỏ hay còn có tên gọi khác là cây bụp giấm; là loại cây có dược tính. Theo bài viết của bác sĩ Hoàng Xuân Đại trên Báo Nông nghiệp Việt Nam (nongnghiep.vn), cây atiso đỏ là cây dược liệu quý, có tính sinh dược học cao với các hàm lượng A, B2, C, D, E, F cao và nhiều axit hữu cơ khác. Trong đó, các bộ phận chủ yếu được thu hoạch là lá và đài hoa. Phần lá của cây có vị chua, được dân gian dùng làm rau ăn (hoặc nấu canh chua), đài hoa dùng trong chế biến thức ăn, nước giải khát, làm mứt, rượu hoặc sấy khô làm trà.

          Đặc biệt, phần đài hoa có màu đỏ thẫm nên tạo ra thành phẩm chế biến có màu đỏ thẫm rất đặc trưng. Qua nghiên cứu cho thấy, đài hoa atiso đỏ có tác dụng chống co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, giảm cholesterol trong máu, có tính kháng sinh nên hỗ trợ trong trị ho, viêm họng. Đài hoa còn được dùng làm thuốc nhuận gan, lợi tiểu, tốt cho tiêu hóa, các bệnh về mắt…

          Lê Văn Điệp đã mạnh dạn thử nghiệm, làm kinh tế với loại cây mới và lập nghiệp ngay tại quê hương mình. Điệp không ngừng học tập và phát triển bản thân, là một cán bộ đoàn cơ sở tiêu biểu, góp phần nêu gương sáng, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên tỉnh nhà.

Nguồn: Báo Đồng Khởi

 

Thanh Đồng