NGÀY TOÀN DÂN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY 4/10

Công tác Phòng cháy, chữa cháy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của mọi gia đình và xã hội.

Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC. Đây là một trong những Pháp lệnh được ban hành sớm nhất của Nhà nước ta, thể hiện được tầm quan trọng của công tác PCCC. Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật PCCC. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 04/10/2001, trong đó quy định rõ: Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Luật cũng đã quy định lấy ngày 4/10 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”.

Năm 2013, sau 12 năm thực hiện Luật PCCC, để đáp ứng kịp thời với sự phát triển của xã hội, Quốc hội khóa XIII ban hành Luật số 40/2013/QH13 ngày 22/11/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Sau khi Luật có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/07/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Bộ Nội quy tiêu lệnh PCCC

PCCC là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bởi an toàn PCCC liên quan mật thiết đến tính mạng, tài sản của tất cả mọi người. Vì thế, cùng với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, mỗi người dân, mỗi chính quyền địa phương, mỗi cơ quan, đoàn thể cần tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Có như vậy, công tác đảm bảo an toàn PCCC mới đạt được hiệu quả; tai nạn cháy, nổ mới từng bước được đẩy lùi, góp phần xây dựng đất nước ngày càng bình yên, giàu mạnh.

Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn