NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH VỚI NHỮNG QUAN ĐIỂM PHỦ NHẬN TÍNH KHOA HỌC VÀ CÁCH MẠNG CỦA TRIẾT HỌC MÁC - LÊNIN

Một hệ thống triết học khoa học trên cơ sở kế thừa Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin đã xây dựng nên tinh hoa triết học trong lịch sử, tổng kết thành tựu khoa học. Triết học Mác - Lênin là hệ thống quan điểm duy vật biện chứng về sự vận động, biến đổi của thế giới vật chất và xã hội loài người. Đó là hệ thống triết học triệt để và hoàn bị nhất. Từ khi ra đời, triết học Mác trở thành thế giới quan, phương pháp luận cho nhận thức và hoạt động thực tiễn của nhân loại.

Tuy nhiên, từ khi triết học Mác - Lênin trở thành “vũ khí lý luận” của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống chế độ áp bức, bóc lột, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, thì các giai cấp bóc lột và các nhà tư tưởng bảo vệ cho chế độ áp bức, bóc lột luôn tìm cách phủ nhận, xuyên tạc, xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và triết học Mác - Lênin nói riêng - cơ sở lý luận trong đường lối của đảng cộng sản. Sinh thời, C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin đã đấu tranh không khoan nhượng với mọi khuynh hướng triết học duy tâm, quan điểm chính trị cơ hội dựa trên cơ sở của những tư tưởng triết học duy tâm đó.

V.I. Lênin viết, “ngay từ 1843, lúc mà Mác chỉ mới đang trở thành Mác…, thì Mác đã vạch ra một cách hết sức rõ ràng những đường lối căn bản trong triết học”, đối lập với mọi khuynh hướng triết học duy tâm.

C. Mác và Ph. Ăngghen phê phán sai lầm của thuyết bất khả tri, mà Hium và Cantơ là đại diện tiêu biểu, phê phán toàn bộ chủ nghĩa duy tâm về lịch sử của các nhà tư tưởng Đức, vạch rõ những sai lầm duy tâm của Phoiơbắc trong lĩnh vực xã hội, gạt bỏ thuyết thực chứng của Ôguýt Côngtơ, phê phán chủ nghĩa duy tâm của Sêlinh, Hêghen, lên án những nhà triết học đã làm lu mờ bản chất của vấn đề bằng những danh từ trống rỗng, gọt giũa câu văn, dùng những phương pháp nghị luận biểu hiện sự nhượng bộ chủ nghĩa duy tâm, chế nhạo một cách khinh bỉ bất kỳ một hành vi nào muốn xóa bỏ chủ nghĩa duy vật, muốn trở về với chủ nghĩa duy tâm, “đã thẳng tay quét sạch - như quét rác - những lời bậy bạ, rắc rối, huênh hoang và kiêu căng, và vô số những mưu toan muốn “phát hiện ra” một đường lối “mới” trong triết học và tìm ra một phương hướng “mới”, v.v..”.

V.I. Lênin cũng đã giữ vững tính đảng của triết học, đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện của chủ nghĩa duy tâm như E. Makhơ, R. Avênariút, V. Tsécnốp... V.I. Lênin phê phán tính chất phiến diện, hỗn tạp bao gồm những quan điểm triết học trái ngược nhau, mà thực chất “chỉ là chủ nghĩa duy tâm đã uổng công che đậy sự trần trụi của chủ nghĩa duy ngã”. Quan điểm của họ đều là sự xuyên tạc, làm “tối mù và bóp méo” quan điểm duy vật của Ph. Ăngghen.

V.I. Lênin nhấn mạnh: “cái tham vọng ngu dại muốn “vượt lên trên” chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, muốn khắc phục sự đối lập “cũ kỹ” ấy, nhưng kỳ thật, thì cả đám người đó cứ mỗi lúc một sa vào chủ nghĩa duy tâm và kiên quyết tiến hành đến cùng một cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa duy vật”.

Theo V.I. Lênin, “Chủ nghĩa duy tâm chẳng qua chỉ là một hình thái tế nhị và tinh vi của chủ nghĩa tín ngưỡng, một chủ nghĩa được vũ trang đầy đủ, có trong tay những tổ chức rất rộng lớn, và lợi dụng những sự dao động nhỏ nhất trong tư tưởng triết học, không ngừng tiếp tục ảnh hưởng vào quần chúng. Vai trò khách quan, vai trò giai cấp của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, hoàn toàn chỉ là phục vụ cho bọn tín ngưỡng chủ nghĩa trong cuộc đấu tranh của chúng chống chủ nghĩa duy vật nói chung và chống chủ nghĩa duy vật lịch sử nói riêng”. 

Ngày nay, những quan điểm duy tâm vẫn tiếp tục được thể hiện qua những tư tưởng, quan điểm của nhiều nhà triết học. Các quan điểm triết học duy tâm phủ nhận vai trò của triết học Mác - Lênin tập trung vào phủ nhận thế giới quan duy vật biện chứng, phủ nhận vai trò của phép biện chứng duy vật, phủ nhận quan điểm duy vật về lịch sử mà hạt nhân là học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, phủ nhận quan điểm của triết học Mác - Lênin về vấn đề giai cấp, nhà nước, cách mạng xã hội, chuyên chính vô sản. Qua đó, phủ nhận sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản, phủ nhận tính tất yếu ra đời của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

Việc nhận diện, đấu tranh chống những quan điểm triết học duy tâm cần tập trung vào những nội dung sau:

Thứ nhất, chống lại thế giới quan duy tâm, khẳng định tính đúng đắn của thế giới quan duy vật biện chứng.

Thế giới quan duy vật biện chứng do C. Mác và Ph. Ăngghen sáng lập, V.I. Lênin là người bổ sung, phát triển trong điều kiện mới. Thế giới quan duy vật biện chứng được hình thành trên cơ sở của các thành tựu khoa học và được minh chứng thông qua lao động sản xuất, cuộc sống, thực nghiệm khoa học. Thế giới quan duy vật biện chứng giải thích đúng đắn về thế giới vật chất, về ý thức, về vị trí, vai trò của con người trong thế giới, là cơ sở của quan điểm vô thần khoa học, bác bỏ quan điểm duy tâm, tôn giáo về nguồn gốc của thế giới, về con người, số phận con người, làm mất tính chủ động, hạ thấp vai trò của con người trong hoạt động thực tiễn; đồng thời khẳng định, chỉ có một thế giới vật chất tồn tại khách quan, hoặc nếu có thì đó chỉ là sự tồn tại khác của vật chất.

Con người là sản phẩm tiến hóa lâu dài của thế giới vật chất. Con người có khả năng nhận thức được thế giới vật chất, dù thế giới vật chất đó vô cùng, vô tận. Về nguyên tắc, chỉ có cái con người chưa biết, chứ không có cái con người không thể biết. Con người cũng là một dạng vật chất nên cũng biến đổi theo những quy luật của vật chất. Con người không do Chúa sáng tạo ra, con người không có số phận. Cuộc sống, tương lai của con người do con người quyết định. Mặt khác, ý thức, tinh thần có vai trò to lớn trong cuộc sống của con người. Nó góp phần phát huy, nhân lên sức mạnh vật chất, phát huy sức mạnh của con người. Điều đó cũng có nghĩa, những quan điểm phủ nhận vai trò của quần chúng nhân dân, mất niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai, tiền đồ của dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho rằng lý tưởng cộng sản là “thiên đường mù”, là bến bờ ảo vọng; hoặc chỉ nhìn thấy chủ nghĩa Mác ở những vấn đề kinh tế, vật chất mà không thấy vấn đề con người, cho rằng C. Mác “bỏ quên con người” và đời sống tinh thần, ý thức xã hội… là những quan điểm duy tâm, phản động, cản trở xu thế phát triển của khoa học, của nhận thức và tiến bộ xã hội.

Lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm, đã giải quyết quan hệ giữa tâm (tinh thần) và vật; giữa linh hồn và thể xác; giữa lý và khí (vật) để xác định quan niệm duy vật (cho rằng vật có trước thần; thể xác có trước linh hồn; khí có trước lý), hay duy tâm (thần có trước vật; lý có trước khí; hồn có trước thể xác). Điều này được thể hiện qua việc giải thích nguyên nhân và nguồn gốc các sự kiện trọng đại của dân tộc như an nguy, trị loạn, hưng vong của các triều đại; số mệnh con người... Chúng ta cũng thấy thế giới quan duy vật (an - nguy, hưng - vong... là do chính con người) và duy tâm (an - nguy, hưng - vong... là do trời quy định).

 Khi triết học duy vật biện chứng được truyền bá vào Việt Nam, thế giới quan của người Việt Nam có sự thay đổi căn bản. Những quan điểm duy vật khoa học về quy luật của tự nhiên, về sức mạnh của tự nhiên cũng như vị trí, vai trò và sức mạnh của con người, tin vào chính nghĩa, tin vào sự tất thắng của cách mạng, tin tưởng ở sức mạnh của quần chúng nhân dân... đã định hướng cho những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, thúc đẩy sự cải biến đời sống vật chất và xây dựng đời sống văn hóa tinh thần mới, tiến bộ. Qua đó chứng minh rằng, những quan điểm duy vật đã đúng và đã trở thành cơ sở cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Tuy vậy, hiện nay những quan điểm duy tâm, thần bí vẫn tồn tại và đang tác động lớn đến đời sống xã hội Việt Nam. Từ những năm 80 của thế kỷ XX đến nay, xuất hiện nhiều hiện tượng như “linh hồn”, “vong”, “ngoại cảm”… mang đầy màu sắc “thần bí”, duy tâm đã bị lợi dụng trong các hoạt động của đời sống tinh thần như ma chay, cúng giỗ, giải hạn, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, xem phong thủy, trấn trạch…

 Những hiện tượng trên bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi, “buôn thần, bán thánh”, tuyên truyền mê tín, dị đoan. Điều đó không chỉ tác động tiêu cực tới cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình mà còn cản trở việc xây dựng đời sống văn hóa mới, xã hội văn minh. 

Trên cơ sở quan niệm duy vật lịch sử, C. Mác và Ph. Ăngghen đã giải thích khoa học các vấn đề của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề tôn giáo. C. Mác và Ph. Ăngghen cho rằng, tôn giáo có nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc xã hội. Về nguồn gốc nhận thức, khi con người bất lực trước lực lượng “mù quáng” của tự nhiên sinh ra tâm lý sợ hãi, bất lực, tạo cơ sở cho tôn giáo xuất hiện. Về nguồn gốc xã hội, khi con người bị thống trị, áp bức, nô dịch cũng làm nảy sinh tôn giáo.

Trong tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen, C. Mác viết: “Sự nghèo nàn của tôn giáo vừa là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, vừa là sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Vì vậy, khi con người nhận thức được bản chất của các sự vật, hiện tượng, khi áp bức, nô dịch mất đi thì tôn giáo không còn tồn tại.

Ngày nay, sự nhận thức của con người càng mở rộng bao nhiêu thì càng chứng tỏ thế giới vật chất là vô cùng, vô tận và càng cho thấy có nhiều thuộc tính của thế giới vật chất mà con người chưa biết đến. Mặt khác, những tiến bộ, văn minh của loài người càng được xác lập thì càng chỉ rõ những tư tưởng phản biến bộ càng được che đậy tinh vi, chế độ áp bức, nô dịch, bạo lực vẫn tồn tại và con người chưa thể có một cuộc sống thực sự vì con người.

Tuy nhiên, theo nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng, tất cả điều đó chỉ chứng tỏ tính lịch sử của sự nhận thức và sự tiến bộ xã hội trong những điều kiện nhất định, chứ không có cơ sở cho những tư tưởng duy tâm, tôn giáo trong đời sống xã hội hiện đại.

Thứ hai, đấu tranh chống lại những quan điểm phủ nhận phép biện chứng duy vật.

Phép biện chứng duy vật do C. Mác và Ph. Ăngghen xây dựng, sau đó được V.I. Lênin phát triển trên cơ sở của sự phát triển của nhận thức khoa học của nhân loại. “Nó cung cấp cho loài người và nhất là cho giai cấp công nhân những công cụ nhận thức vĩ đại”, đồng thời là phương pháp để cải tạo xã hội.  

Tuy nhiên, ngay từ khi được xây dựng, các quan điểm triết học duy tâm, chính trị phản động đã tìm cách bác bỏ phép biện chứng duy vật. Ngay từ những năm 70 của thế kỷ XIX, khi viết tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, Ph. Ăngghen đã phê phán các trào lưu triết học duy tâm siêu hình đang ngự trị trong khoa học tự nhiên, chống lại các triết gia tư sản lạm dụng những thành tựu mới của khoa học tự nhiên để tiến công chủ nghĩa Mác. Sau khi Công xã Pari thất bại, giai cấp tư sản ráo riết công kích chủ nghĩa Mác về mặt tư tưởng. Trong các trào lưu tư tưởng chống chủ nghĩa Mác thịnh hành lúc bấy giờ, chủ nghĩa duy vật tầm thường và chủ nghĩa Đácuyn xã hội do Buysnơ đại diện có ảnh hưởng tương đối lớn. Ph. Ăngghen chỉ rõ: Họ “muốn áp dụng những lý luận về khoa học tự nhiên vào xã hội và muốn sửa đổi chủ nghĩa xã hội. Tất cả những điều đó buộc chúng ta phải chú ý đến họ”.

Lúc bấy giờ, ảnh hưởng của chủ nghĩa duy tâm sinh vật học rất lớn. Đại diện là L. Hemhôntxơ, Muylơ, v.v.. Họ lợi dụng sinh vật học, đặc biệt là sinh lý học cảm quan, để tuyên truyền thuyết bất khả tri duy tâm của Cantơ, cho rằng nhận thức của con người có một giới hạn không thể vượt qua được, phủ nhận thế giới khách quan bên ngoài là nguồn gốc của cảm giác. Ngoài ra, còn có những trào lưu tư tưởng khác như chủ nghĩa duy tâm nhiệt học trong vật lý học với đại diện tiêu biểu là Claudiút, “chủ nghĩa duy tâm toán học” trong toán học, v.v..

Ở các nước châu Âu, châu Mỹ thời bấy giờ còn lưu hành cả “thuật thần linh” của chủ nghĩa ngu dân. Những trào lưu tư tưởng đủ màu sắc này đều có ảnh hưởng tiêu cực và gây trở ngại cho sự phát triển của khoa học tự nhiên, đồng thời cản trở việc truyền bá triết học mácxít. Do đó, trong khi trình bày những quan niệm duy vật biện chứng về tự nhiên, Ph. Ăngghen đã vạch trần và phê phán triệt để những trào lưu tư tưởng triết học siêu hình và duy tâm.

Ph. Ăngghen đã viết: “Không có ai có thể đấu tranh cho một sự nghiệp nào đó mà lại không có kẻ thù của mình. Và Mác cũng có nhiều kẻ thù. Trong cả một phần lớn quãng đời hoạt động chính trị của mình, ở châu Âu, Mác là người bị căm thù và bị vu khống nhiều nhất”; “Và Mác có thể còn có nhiều kẻ đối địch, nhưng chưa chắc đã có một kẻ thù riêng nào”. Khi C. Mác và Ph. Ăngghen vận dụng phép biện chứng duy vật vào phân tích xã hội tư bản thì sự chống phá, phủ nhận phép biện chứng duy vật càng điên cuồng. C. Mác và Ph. Ăngghen đã tài tình đưa phép biện chứng vào lịch sử để xây dựng nên quan điểm biện chứng của chính đời sống lịch sử - quan niệm duy vật về lịch sử. Qua đó, “Mác đã phát hiện ra quy luật cơ bản chi phối sự vận động và phát triển của lịch sử loài người”3. V.I. Lênin khẳng định: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn và sự tùy tiện, vẫn ngự trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị”.

Bằng lập luận sắc bén, C. Mác và Ph. Ăngghen đã thực hiện phân kỳ lịch sử thông qua học thuyết hình thái kinh tế - xã hội. Thông qua học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, C. Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ ra quy luật của sự phát triển lịch sử. Từ đó, chủ nghĩa Mác đã luận chứng cho sự ra đời của chủ nghĩa xã hội. V.I. Lênin nhận xét: “Mác đặt vấn đề chủ nghĩa cộng sản giống như một nhà tự nhiên học đặt”. “Chủ nghĩa cộng sản là hình thức tất yếu và là nguyên tắc kiên quyết của tương lai sắp tới”.     

Chủ nghĩa xã hội hiện thực ra đời ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã chứng minh tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ do những sai lầm chủ quan trong việc xây dựng những mô hình cụ thể và sự chống phá của các thế lực thù địch, nhiều quan điểm chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin tiếp tục trỗi dậy với nhiều quan điểm, thái độ khác nhau. Trong đó, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội là nội dung cơ bản mà các quan điểm đối lập, thù địch tìm mọi cách phủ định, xuyên tạc, bác bỏ.

 K. Popper (1902 - 1994, nhà triết học người Áo) đã phê phán “chủ nghĩa lịch sử” của triết học Mác, nhằm bác bỏ trực tiếp học thuyết hình thái kinh tế - xã hội. Trong tác phẩm Sự nghèo nàn của thuyết sử luận, K. Popper cho rằng, chủ nghĩa lịch sử là sự sai lầm và mối nguy hiểm hàng đầu. Rằng, không có những thứ như quy luật về sự phát triển của lịch sử; chủ nghĩa lịch sử với tư cách như là một khoa học xã hội chứa nhiều khuyết điểm to lớn và nó gây ra nguy hiểm cho chính trị.

Ph. Ăngghen đã nhận định: “Nếu như chúng ta muốn đợi cho đến khi những tài liệu cần thiết cho quy luật trở nên thuần khiết thì như thế có nghĩa là tạm đình chỉ những sự tìm tòi của tư duy cho tới lúc đó, và như thế cũng đủ để cho chúng ta không bao giờ có được quy luật”. 

Trong cuốn sách Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng, xuất bản tại Niu Yoóc năm 1992, Francis Fukuyama (1952, giáo sư Kinh tế Chính trị quốc tế của Phân khoa Nghiên cứu Quốc tế cao cấp, Đại học Johns Hopkins và là thành viên của tổ chức New America Foundation), dựa trên các tư tưởng của Hêghen, cho rằng vào thời điểm bấy giờ có thể coi lịch sử đã “cáo chung” theo nghĩa rằng đó là điểm kết thúc trong cuộc tiến hóa tư tưởng của loài người và sự phổ quát hóa của dân chủ tự do phương Tây với tư cách là thể thức cuối cùng của sự cai trị con người, bởi các hệ tư tưởng cạnh tranh, điển hình là chủ nghĩa Mác - Lênin, đã bị đánh bại. 

Francis Fukuyama đã bác bỏ quan điểm duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác và cho rằng, chủ nghĩa tư bản là giai đoạn cuối của tiến trình lịch sử, do phát triển dựa trên dân chủ, tự do, mặc dù nó không hoàn thiện, nhưng đó là mô hình tốt nhất mà chúng ta có. Vì vậy, Francis Fukuyama mới có nhận định nổi tiếng: “Lịch sử đã chấm dứt”, quá trình tiến hóa ý thức hệ chính trị đã chấm dứt kể từ thời điểm năm 1989, còn lịch sử đã đi đến điểm cáo chung.

J. Habermas (sinh năm 1929, là một nhà xã hội học và triết học người Đức), có tham vọng xây dựng và phát triển “lý thuyết hành vi giao tiếp” để cắt nghĩa lịch sử và thay thế cho chủ nghĩa duy vật lịch sử của C. Mác, nhằm tái cấu trúc lại chủ nghĩa duy vật lịch sử của C. Mác. Tham vọng này của J. Habermas cũng thể hiện sự bác bỏ, phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác một cách gián tiếp, không trực diện.

J. Habermas cho rằng, mục tiêu cuối cùng của giải phóng xã hội nằm ngay trong chính xã hội đó và trong mọi hành động và lời nói. Khi con người học được cách giao tiếp, sự thống trị sẽ dân chủ thay thế bằng giao tiếp, tự nhiên biến từ đối tượng thành bạn hữu, hành động có mục đích hợp lý biến thành tương tác có biểu tượng giữa người với người. Theo J. Habermas, quyền lực giao tiếp là một biểu hiện của quyền tự trị chính trị của công dân và nó là cần thiết để khắc phục những chiến lược nông nổi và xung đột quyền lực thống trị trong xã hội.

Trong cuốn sách Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, Max Weber (1864 - 1920, nhà xã hội học, sử học, luật học và kinh tế chính trị người Đức), đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Max Weber cho rằng tinh thần của chủ nghĩa tư bản vốn có trong các giá trị tôn giáo của đạo Tin lành. Max Weber đưa ra nhận định rằng, khi nói đến sự phản ánh các điều kiện vật chất lên trên thượng tầng kiến trúc tư tưởng là điều hoàn toàn vô nghĩa. Thông qua việc bổ sung thêm yếu tố tinh thần, văn hóa và đạo đức khi khảo cứu bản chất của chủ nghĩa tư bản lúc bấy giờ, Max Weber muốn cạnh tranh và ngầm bác bỏ học thuyết Mác, nhất là những tư tưởng của C. Mác được trình bày trong bộ Tư bản.

Với việc sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ nghĩa Mác đã tìm ra con đường cách mạng của sự giải phóng cho nhân loại cần lao, để hướng tới một xã hội, ở đó “sự phát triển tự do của mỗi người là tiền đề cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Tuy vậy, vẫn có quan điểm phủ nhận giá trị của học thuyết ấy một cách trực tiếp hay gián tiếp. Trong cuốn sách Thế giới phẳng (The world is flat), xuất bản năm 2005, Thomas L. Friedman - Biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của New York Times, đã thuyết phục chúng ta tin vào sự tồn tại của một thế giới phẳng mới, khác với quan niệm về thế giới phẳng rộng lớn mà Euclide của Hy Lạp cổ đại đã nêu ra từ thế kỷ IV trước Công nguyên. Đó là sự phát triển, sự hội tụ của yếu tố khoa học, công nghệ, làm cho con người ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn, làm mất đi sự chênh lệch về trình độ phát triển, qua đó thúc đẩy sự tiến bộ của lịch sử loài người. Nhưng thực tế là, cho đến nay, khoa học đã phát triển mạnh mẽ, nhưng thế giới mà chúng ta đang sống vẫn đầy rẫy bất ổn. Sự chênh lệch giàu nghèo, phân cực xã hội, chiến tranh, bạo lực, chủ nghĩa cường quyền vẫn tồn tại và ngày càng phức tạp. Vai trò thao túng ngày càng tăng của tư bản tài chính khiến kinh tế thế giới ngày càng khó quản lý và kiểm soát, dẫn đến những nguy cơ “nổ tung” và các phản ứng dây chuyền tác động tổng thể đến các nền kinh tế và các quốc gia trên thế giới. Các cuộc khủng hoảng theo chu kỳ mà C. Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ ra rằng không thể tránh được vẫn đang diễn ra như dự liệu.

Bằng lập luận sắc bén, C. Mác và Ph. Ăngghen đã có sự phân tích tuyệt vời về sự phát triển của lịch sử thế giới với nhãn quan của một nhà triết học, chính trị với tinh thần nhân đạo, yêu thương con người và yêu tự do vô hạn. Ngay trong những tác phẩm đầu tiên, C. Mác và Ph. Ăngghen đã đưa ra tư tưởng về xây dựng một thế giới phẳng thực sự cho sự phát triển của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia, dân tộc và toàn thế giới. Thông qua sự phân tích tất yếu kinh tế, C. Mác và Ph. Ăngghen đã làm rõ cơ sở thực sự của các chế độ xã hội, thể chế chính trị và tính chất bất công về mặt xã hội nảy sinh từ tất yếu kinh tế.

Theo C. Mác và Ph. Ăngghen, sự áp bức bóc lột, bất công trong xã hội tư bản có nguyên nhân sâu xa là sự tồn tại của chế độ tư hữu. Chính chế độ tư hữu đã làm xuất hiện sự đối lập về lợi ích kinh tế giữa các tập đoàn người trong các hình thái xã hội và giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Để làm cho thế giới phẳng thực sự về mặt lợi ích, về mức thụ hưởng, về trình độ giải phóng và phát triển con người thì phải xóa bỏ căn nguyên của nó là chế độ tư hữu.

Những phân tích trên cho thấy, có thể C. Mác và Ph. Ăngghen không phải là người đầu tiên đưa ra tư tưởng và thuật ngữ thế giới phẳng nhưng chính các ông mới giải đáp đúng bản chất của lịch sử và lập luận nó trên cơ sở khoa học. Cũng không phải những vấn đề như Thomas L. Friedman hay trước đó là Alvin Toffler nêu ra mà C. Mác và Ph. Ăngghen chưa biết đến. Những phân tích của C. Mác và Ph. Ăngghen về các khía cạnh của các yếu tố căn cốt trong tổng thể đời sống xã hội đã cho thấy sự hiện diện những vấn đề của các nhà khoa học, tư tưởng hiện đại trong đó. Chỉ có điều, thời của C. Mác và Ph. Ăngghen những vấn đề đó mới chỉ là dự đoán. Mặc dù thế giới ngày nay chưa trở thành thế giới phẳng theo quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen, song chắc chắn đó là điều tất yếu mà nhân loại sẽ đi tới.

Nghiên cứu những quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen về xây dựng một chế độ xã hội mới, về thế giới phẳng, mới thấy rằng mặc dù hiện nay, các nhà tư tưởng, chính khách đưa ra nhiều quan điểm, tuyên bố về xây dựng thế giới phẳng thông qua những chiến lược, dự án, chương trình mang quy mô toàn cầu, được thực hiện bởi những chính phủ, thậm chí là những tổ chức phi chính phủ. Nhưng điều đó cũng chưa chứng tỏ rằng thế giới ngày nay là phẳng. Giờ đây, chúng ta phải nhắc lại lời của V.I. Lênin rằng: “Chừng nào người ta chưa biết phân biệt được lợi ích của giai cấp này hay của giai cấp khác, ẩn đằng sau bất kỳ những câu nói, những tuyên bố và những lời hứa hẹn nào có tính chất đạo đức, tôn giáo, chính trị và xã hội, thì trước sau bao giờ người ta cũng vẫn là kẻ ngốc nghếch bị người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị”. 

Thứ ba, phê phán quan điểm bác bỏ lý luận giai cấp, đấu tranh giai cấp.

Sau sự kiện mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, có rất nhiều luận điệu xuyên tạc, bác bỏ lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp. Các nhà tư tưởng tư sản đưa ra những thuật ngữ mới như: “xã hội siêu công nghiệp”, “các nhà hợp nhất”, “phương tiện hợp nhất”, “siêu đấu tranh”, “ý thức hệ toàn cầu”… của Alvin Toffler, phái Phrăng Phuốc, “chủ nghĩa Mác mới” ở các nước phương Tây… Họ cho rằng, ngày nay không còn đấu tranh giai cấp, không còn chuyên chính vô sản, chỉ còn sự hợp tác, thống nhất, sự tương trợ thuần túy lẫn nhau…

Quan điểm “Quyết định luận kỹ thuật”, thuyết “Hội tụ” đến “Làn sóng thứ ba” đều gián tiếp phủ nhận phương pháp tiếp cận lịch sử bằng lý luận hình thái kinh tế xã hội của triết học Mác, phủ nhận những mâu thuẫn, xung đột truyền thống, nhất là mâu thuẫn giai cấp, qua đó cũng phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Samuel P. Huntington (1927 - 2008, chuyên gia nghiên cứu chính trị Mỹ) cho rằng, các cuộc xung đột trong lịch sử là do sự xung đột giữa các nền văn minh với nhau, trong đó, các cuộc xung đột chính được nhắc tới là: giữa Cơ đốc giáo (phương Tây) với các nền văn minh còn lại; giữa phương Tây với Hồi giáo; phương Tây với Trung Quốc; giữa Hồi giáo với những người phi Hồi giáo; giữa các nước láng giềng có nền văn minh khác nhau hay các nhóm văn minh khác nhau trong cùng một nước... Mặc dù quan điểm này của Samuel P. Huntington cung cấp cho ta một cái nhìn đa diện về xung đột, nhưng nguồn gốc sâu xa của các cuộc xung đột trên thế giới gần đây hoàn toàn không phải do sự khác biệt về văn hóa, văn minh, càng không phải là sự khác biệt về tôn giáo.

Nguồn gốc thực sự của các cuộc xung đột lớn đó là vấn đề lợi ích (cả kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng…). Quan điểm này nhằm bác bỏ lý luận mâu thuẫn giai cấp, cách mạng xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin. 

Có thể khẳng định, thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Trong đó, đấu tranh giai cấp vẫn còn tồn tại, thậm chí ở nhiều khía cạnh còn gay gắt và phức tạp hơn. Hiện nay, “trật tự thế giới mới” ngày càng bộc lộ bản chất giai cấp của chủ nghĩa tư bản. Đó là trật tự bao hàm bạo lực, chiến tranh, áp bức, cường quyền, can thiệp, khủng bố. Cho dù chủ nghĩa tư bản làm dịu đi những mâu thuẫn trong lòng nó và chưa cạn kiệt khả năng phát triển, nhưng tự bản thân nó đang tạo ra những điều kiện để phủ định chính nó. Điều đó vẫn làm cho cuộc đấu tranh vì mục tiêu hòa bình và tiến bộ xã hội càng trở nên khó khăn, phức tạp hơn, nhất là đối với những nước đang đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thứ tư, đối với vấn đề nguồn gốc và bản chất của nhà nước.

C. Mác và Ph. Ăngghen đã phê phán quan điểm duy tâm, bảo thủ, phản động về vấn đề nhà nước. C. Mác phê phán triết học pháp quyền của Hêghen - hệ thống quan điểm bảo thủ và thỏa hiệp với chế độ phong kiến quân chủ và nhiều quan điểm của các nhà nước đương thời. Vì vậy, C. Mác đã từng bị Chính phủ Phổ truy nã, Chính phủ của Lui Philíp trục xuất khỏi nước Pháp, phải đến Bruyxen... Tuy vậy, các ông vẫn kiên quyết đấu tranh với các quan điểm chính trị duy tâm, phản động để bảo vệ quan điểm của mình, đề xuất một chế độ xã hội dân chủ, ở đó nền dân chủ là sự tự quyết của nhân dân, lợi ích của nhân dân.

Ngày nay, các nhà tư tưởng tư sản xuyên tạc một cách tinh vi hơn, che đậy bản chất nhà nước một cách kín đáo hơn. Họ tuyên truyền cho “xã hội siêu giai cấp”, “phi giai cấp”, khẳng định nhà nước tư sản hiện đại là nhà nước dân chủ nhất, ưu việt nhất, là “nhà nước phúc lợi chung”, bảo đảm phúc lợi cho tất cả mọi người dân... Đi đôi với việc đề cao nhà nước tư sản, họ không ngừng phủ nhận, xuyên tạc bản chất dân chủ và tính ưu việt của nhà nước xã hội chủ nghĩa như quan điểm của Hayek trong tác phẩm Đường về nô lệ.

Trước những thắng lợi to lớn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, “những kẻ dốt nát về mặt lý luận, nhưng lại giàu có về các thủ đoạn” vẫn tiếp tục chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, hòng mưu toan làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa, phá hoại thành quả cách mạng. Do vậy, để củng cố nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng thì điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là những người mácxít phải có bản lĩnh chính trị, dám đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù; không được dao động, mất lập trường, yếu đuối. Mặt khác, phải có khả năng nhận thức đúng đắn những thay đổi của thời đại để nhận diện được các quan điểm sai trái, thù địch và có những thay đổi trong sách lược phù hợp với thực tiễn. 

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản

Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là “tự do”, “dân chủ” dù có thể thay đổi chính phủ nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản... Các phong trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản phát triển trong thời gian qua càng làm bộc lộ rõ sự thật về bản chất của các thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa. Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ”.

CLB Lý luận trẻ