Những chặng đường vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân (Phần 1)

Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng CAND. Qua các thời kỳ cách mạng từ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) đến cuộc vận động Cách mạng tháng Tám 1945, Đảng đã xây dựng và tổ chức các “Đội Tự vệ đỏ”, “Tự vệ công nông”, “Danh dự trừ gian” (sau đổi là “Danh dự Việt Minh”), “Hộ lương diệt ác”, “Đội Trinh sát”...

Phần 1: Công an nhân dân ra đời, đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng

Đó là các tổ chức tiền thân của CAND Việt Nam làm nhiệm vụ nắm tình hình địch, chống khủng bố, diệt trừ bọn Việt gian, phản động tay sai của Pháp và phát xít Nhật để bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng của quần chúng Nhân dân.

Khi thời cơ cách mạng đến, Đảng ta đã phát động cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Các tổ chức vũ trang cách mạng đã cùng với quần chúng nhân dân nổi dậy khởi nghĩa, đập tan chính quyền bù nhìn tay sai của địch, giành chính quyền về tay Nhân dân. Ngày 19-8- 1945, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23-8-1945, các lực lượng khởi nghĩa giành được chính quyền ở Huế. Ngày 25-8-1945, cuộc khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong vòng nửa tháng, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thành công trong cả nước, trừ một số nơi như: Lai Châu, thị xã Lào Cai, Hà Giang, Vĩnh Yên, Móng Cái do bọn Tưởng Giới Thạch câu kết với bọn phản động tay sai chiếm đóng từ trước.

Đội tự vệ huyện Hoà Quân và Đông Sớ trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.

Cùng với việc thiết lập chính quyền cách mạng, ở Bắc Bộ, Sở Liêm phóng và Sở Cảnh sát cũng được thành lập. Đồng chí Chu Đình Xương, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, Trưởng ban Tài chính Xứ ủy Bắc Kỳ được cử làm Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ. Ở các tỉnh, thành phố thuộc Bắc Bộ, nơi nào giành được chính quyền đều thành lập Ty Liêm phóng, Ty Cảnh sát. Ở Trung Bộ, ta lập Sở Trinh sát, do đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Thường vụ Xứ ủy làm Giám đốc Sở.

Các tỉnh thuộc Trung Bộ thành lập Ty Trinh sát. Ở Nam Bộ thành lập Quốc gia tự vệ cuộc. Đồng chí Dương Bạch Mai, Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ được cử làm Ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc. Các tỉnh thuộc Nam Bộ đều lập Quốc gia tự vệ cuộc. Đồng chí Nguyễn Văn Trấn làm Giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ. Tuy tên gọi khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an đều làm nhiệm vụ đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn ANTT bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền non trẻ vừa mới được thành lập, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với nhiều thử thách. Từ cuối tháng 8-1945, dưới danh nghĩa quân đồng minh vào tước vũ khí của quân Nhật, 20 vạn quân Tưởng, mang theo bọn đặc vụ và bọn phản động lưu vong trong các tổ chức “Việt Nam Quốc dân đảng”, “Việt Nam cách mạng đồng minh hội” kéo vào miền Bắc nước ta, chiếm đóng từ vĩ tuyến 16 trở ra. Mưu đồ của quân Tưởng và bọn phản động tay sai là tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, giúp bọn phản động lật đổ chính quyền cách mạng.

Ở miền Nam, ngày 11-9-1945 quân Anh vào với danh nghĩa tước vũ khí quân Nhật, nhưng thực chất là mở đường cho Pháp xâm lược nước ta một lần nữa. Bọn phản cách mạng như “Đại Việt”, “Việt Nam Quốc dân đảng”, bọn tờrốtkít, bọn phản động lợi dụng tôn giáo, bọn Việt gian tay sai của Pháp thừa cơ chống phá cách mạng quyết liệt.

Chưa bao giờ trên đất nước ta lại có nhiều kẻ thù như lúc này, trong khi tình hình kinh tế của ta đang gặp rất nhiều khó khăn, tài chính kiệt quệ, gần 2 triệu người chết đói, 95% dân số mù chữ. Chính quyền cách mạng đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Các lực lượng Liêm phóng, Cảnh sát, Trinh sát, Quốc gia tự vệ cuộc vừa mới thành lập phải bắt tay ngay vào cuộc đấu tranh quyết liệt chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng. Ngày 2-9-1945, lực lượng Liêm phóng đã tổ chức dẫn đường cho đoàn xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo vệ an toàn tuyệt đối lễ mít tinh tại Quảng trường Ba Đình, TP. Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Để tránh cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã áp dụng sách lược hết sức khôn khéo, mềm dẻo, tài tình: hòa với Tưởng để đánh Pháp và hòa với Pháp để đuổi Tưởng; đấu tranh đập tan mọi âm mưu của địch và các thế lực phản động tay sai, giữ vững chính quyền cách mạng. Trong thành công đó có đóng góp quan trọng của các lực lượng vũ trang cách mạng.

Ở các tỉnh, thành phố thuộc Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc đã phối hợp với các lực lượng khác đào đường, dựng chiến lũy, dũng cảm chiến đấu để cản bước tiến của quân Pháp. Tại thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, một bộ phận Quốc gia tự vệ cuộc rút về Chợ Đệm xây dựng lực lượng vũ trang lấy tên “Bộ đội Chợ Đệm” làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ, lãnh đạo của Đảng, chặn đánh các cuộc đánh chiếm của địch.

Một bộ phận khác của Quốc gia tự vệ cuộc Sài Gòn - Chợ Lớn chiến đấu giam chân địch ở thành phố, sau đó rút về Cần Giuộc rồi lên Hiệp Hòa tổ chức kháng chiến. Tại Hiệp Hòa, đơn vị được bổ sung lực lượng và lấy tên “Bộ đội Hiệp Hòa”. Tháng 1-1946, bộ đội Chợ Đệm và bộ đội Hiệp Hòa hợp nhất lại thành “Quốc vệ đội Nam Bộ”.

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Sài Gòn. Nhân dân Nam Bộ đứng lên kháng chiến chống thực dân xâm lược. Ngay trong ngày hôm đó, Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ và Sóc Trăng đã tổ chức bảo vệ an toàn chuyến tàu đầu tiên chở các chiến sĩ cách mạng từ Côn Đảo trở về, trong đó có các đồng chí Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng để trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Ở các tỉnh Cần Thơ, Bạc Liêu, ta kịp thời dập tắt vụ bạo loạn của bọn phản động lợi dụng đạo Hòa Hảo gây ra, đồng thời đã phát hiện và bắt bọn phản động câu kết với quân Anh âm mưu lập chính phủ bù nhìn lâm thời ở Nam Bộ.

Đội Trinh sát Sở Công an Bắc Bộ trực tiếp điều tra khám phá tổ chức phản động Quốc dân Đảng tại số 7 phố Ôn Như Hầu, Hà Nội, ngày 12-7-1946.

Ngày 12-11-1945, dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Bình, Trưởng Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ, “Đội cảm tử đã bí mật tập kích vào sở chỉ huy hành quân của Pháp ở thị trấn Cái Răng, bắn trọng thương tên Ruăng, quan ba chỉ huy vị trí Cái Răng. Thắng lợi của trận đánh đã khích lệ lòng yêu nước và quyết tâm kháng chiến của đồng bào ta. Cuối tháng 11-1945, quân Pháp tiến ra Nha Trang, đầu tháng 12, lực lượng Trinh sát Khánh Hòa đột nhập vào sân bay Nha Trang đốt cháy hai máy bay, phá hỏng một chiếc và tiêu hủy 5.000 lít xăng.

Ngày 8-4-1946, Công an Gia Định tổ chức đốt cháy kho đạn Thị Nghè, gây cho địch nhiều thiệt hại. Tháng 6-1946, Công an Gia Định khám phá vụ gián điệp của tổ chức hỗn hợp Phòng Nhì và biệt kích số 5 tại đường Lý Thành Nguyên - Chợ Lớn, bắt tên Hồng Tảo chỉ huy và 7 tên đồng bọn.

Ở Bắc Bộ, được sự ủng hộ của Nhân dân, các lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát đã nắm vững nguyên tắc, sách lược của Đảng, mưu trí và khôn khéo, kiên quyết trừng trị những tên phản động, dùng biểu tình cách mạng phá tan các cuộc biểu tình phản cách mạng, kịp thời ngăn chặn và bắt nhiều tên cầm đầu đảng phái phản động, tay sai của Pháp, Nhật như Nguyễn Xuân Chữ, cầm đầu “Ủy ban chính trị”; Cung Đình Vận - Tuần phủ Thái Nguyên; Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn - thủ lĩnh Quốc dân đảng và Đại Việt quốc gia liên minh.

Ngày 20-11-1945, lực lượng Liêm phóng Kiến An có sự hỗ trợ của Cảnh sát xung phong Hải Phòng trấn áp bọn phản động Việt Nam Quốc dân đảng, bắt sống 43 tên, thu 24 súng, đập tan âm mưu gây bạo loạn của chúng. Cuối năm 1945, Liêm phóng Bắc Bộ ngăn chặn kịp thời hoạt động phá rối của bọn Quốc dân đảng ở Ngân hàng Đông Dương.

Trước yêu cầu của cuộc đấu tranh bảo vệ ANTT ngày một gay go, phức tạp và quyết liệt, đòi hỏi lực lượng Công an phải thống nhất tổ chức lực lượng từ Trung ương đến địa phương trong toàn quốc, tạo sức mạnh cho cuộc chiến đấu, ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các Sở Cảnh sát và Liêm phóng toàn quốc thành Việt Nam Công an Vụ. Đồng chí Lê Giản được phân công phụ trách Việt Nam Công an Vụ. Ngày 18-4-1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 121-NV/NĐ quy định tổ chức của Việt Nam Công an Vụ gồm 3 cấp, ở Trung ương gọi là Nha Công an Việt Nam, ba miền gọi là Sở Công an kỳ, các tỉnh gọi là Ty Công an tỉnh.

Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng, lực lượng CAND nhanh chóng được củng cố, kiện toàn về tổ chức; đẩy mạnh cuộc đấu tranh trấn áp phản cách mạng, bắt một số tên trong các vụ ám sát chính trị, tiến công và bóc gỡ nhiều tổ chức phản động của Bạch Thái Tòng ở Hải Phòng; triệt phá sào huyệt của bọn Việt Nam Quốc dân Đảng ở nhà số 2, phố Công Bình, thị xã Phủ Lý; tiêu diệt bọn phản động “Đại Việt Duy dân” do Lý Đông A cầm đầu, đập tan âm mưu đánh chiếm chính quyền tỉnh Hoà Bình.

Đặc biệt, ngày 12-7-1946, Nha Công an Trung ương đã chỉ đạo trinh sát và Công an xung phong bí mật, bất ngờ đột nhập vào trụ sở 132 Đuyvinhô (nay là phố Bùi Thị Xuân) bắt bọn phản động, thu nhiều tài liệu, chứng cứ, kịp thời khám phá thành công vụ án ở số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), vây quét 40 trụ sở của bọn Quốc dân đảng ở Hà Nội, bắt gần 100 tên phản động, trong đó có những tên đầu sỏ như Phan Kích Nam, Nghiêm Kế Tổ, Phan Khôi, đập tan âm mưu và hoạt động của thực dân Pháp câu kết với bọn phản động, tay sai định tiến hành đảo chính lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi này của lực lượng Công an được Tổng Bí thư Trường Chinh gửi thư khen ngợi… Cùng với Hà Nội, Công an ở nhiều địa phương trong cả nước tiến hành truy quét bọn phản động.

Thất bại trong âm mưu câu kết với bọn phản động để lật đổ chính quyền cách mạng, thực dân Pháp điên cuồng mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đồng thời tiến hành đánh chiếm Hải Phòng và khiêu khích ta ở Thủ đô Hà Nội. Các lực lượng CAND đã khẩn trương triển khai công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ, đặc biệt là bảo vệ tuyệt đối an toàn chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Cộng hòa Pháp. Đồng thời, ta đã tranh thủ thời gian kịp thời trừng trị những phần tử phản cách mạng làm tay sai cho Pháp, chủ động chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược…(Còn nữa).

Nguồn: Công an nhân dân