Sinh hoạt chuyên đề "PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG, XÂM HẠI TRẺ EM"

 “Bạo lực học đường”, “Xâm hại trẻ em” hai cụm từ trên không còn xa lạ gì đối với chúng ta. Hàng ngày, hàng giờ trên các trang mạng, các phương tiện truyền thông đại chúng đều có những tin tức những thông tin về các vụ việc bạo lực xảy ra trong các trường học từ công lập đến tư thục, các trường hợp xâm hại trẻ em ngày càng trở nên đáng báo động. Trước tình hình đó, Liên đội trường THCS Phong Nẫm đã tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường phối hợp với Ban Chấp hành Xã đoàn, Tư pháp và Công an xã Phong Nẫm tổ chức buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật với hình thức sinh hoạt câu lạc bộ Tuổi trẻ với pháp luật, Chuyên đề: “Phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em”.

Quang cảnh chương trình

Buổi tuyên truyền được tổ chức với không khí vui tươi, sôi nổi với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể xã, tập thể giáo viên trường THCS Phong Nẫm, cùng 486 học sinh của trường. Mục đích câu lạc bộ nhằm nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về tác hại của bạo lực học đường đối với môi trường giáo tại địa phương. Nâng cao công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và học sinh trên địa bàn xã. Từ đó giúp các em có suy nghĩ chính chắn hơn, xây dựng tình bạn đẹp, tình cảm thân thiện với thầy cô; giúp các em có sự chọn lọc về các mối quan hệ bạn bè đối với các thanh thiếu niên bên ngoài xã hội. Bằng hình thức vừa báo cáo, nêu gương vừa đối thoại, trò chuyện, cho học sinh đặt những câu hỏi khi các em chưa nắm rõ về pháp luật, ban tổ chức đã tạo được không khí sôi nổi, thân thiện trong buổi sinh hoạt. Các em mạnh dạn đưa ra câu hỏi rồi trả lời các tình huống mà ban tổ chức đưa ra.

Từ đó giúp các em phần nào nắm được các vấn đề pháp luật, điều chỉnh các hành vi sao cho phù hợp với môi trường giáo dục, phù hợp với đạo đức, lối sống của lứa tuổi mình. Giúp phát huy được vai trò, tấm gương đạo đức của giáo viên và sự chủ động, tích cực của học sinh trong công tác phòng chống bạo lực học đường trong và ngoài nhà trường. Và điều quan trọng nhất là giúp các em có kĩ năng, có kiến thức để phòng chống bạo lực học đường và xâm hại chính bản thân các em. Để phong trào này ngày cáng có hiệu quả hơn cũng như để giảm thiểu các vụ việc bạo lực học đường, xâm hại trẻ em thì công tác tuyên truyền, giáo dục phải thường xuyên, đảm bào sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với địa phương và gia đình học sinh. Có như thế thì mới bảo vệ được những mầm non tương lai của đất nước.

Liên đội THCS Phong Nẫm