Thanh niên Thạnh Phú quyết tâm phát triển mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ hiện đại

Cùng với các nguồn lực về lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên…, khoa học và công nghệ được coi là yếu tố quan trọng, có tác động lớn đối với sự phát triển kinh tế. Chính vì vậy, thời gian qua Ban Thường vụ Huyện đoàn Thạnh Phú đã tập trung nhiều giải pháp khuyến khích xây dựng phát triển các mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số. Có thể kể đến như việc tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu gặp gỡ các doanh nhân thành đạt để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, tạo điều kiện về vốn để phát triển các ý tưởng thành hiện thực, tổ chức các chuyến tham quan học hỏi các mô hình hay, cách làm mới trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại và chuyển đổi số. Kết quả, trong năm 2022, huyện Thạnh Phú đã tổ chức 03 buổi tập huấn hướng dẫn chuyển đổi số, thành lập 18 đội thanh niên xung kích tuyên truyền hướng dẫn về việc thực hiện dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Xây dựng 02 chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại Tân Phong ( chợ Tân Phong) và An Thuận ( chợ Giồng Ớt). Tổ chức 03 chuyến tham quan, học tập mô hình phát triển kinh tế ứng dụng công nghệ hiện đại…

Mô hình chợ 4.0 tại Tân Phong

Bên cạnh đó nhiều thanh niên đã xây dựng được mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ hiện đại như: anh Phạm Thanh Điền ở Quới Điền với mô hình “Ứng dụng công nghệ AI trong chăm sóc hoa kiểng”. Với ý tưởng này anh đã tham gia hội thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Bến Tre lần V và đạt giải nhì. Sau khi đạt giaỉ anh Điền đã hiện thực hóa ý tưởng và phát triển kinh tế tại gia đình đạt hiệu quả khá cao.

anh Phạm Thanh Điền đạt giải nhì cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bến Tre

Một gương điển hình khác là anh Đào Phước Xoàn, ấp An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú. Anh đã nghiên cứu thành công hệ thống nuôi tôm thông minh (tự động hóa trong nuôi thủy sản và giải pháp nuôi tôm bền vững). Hướng dẫn của anh đã mang lại hiệu quả, giúp cho người nuôi tôm thu lại lợi nhuận cao, giải quyết được bài toán khó trong việc giảm nguy cơ rủi ro cho mô hình nuôi tôm thâm canh. Đối với công nghệ sản xuất máy cho tôm ăn tự động và các thiết bị hẹn giờ trong chạy quạt (tự động hóa trong nuôi thủy sản), anh Xoàn đã phát triển trên 80 đại lý trong tỉnh và hiện nay sản phẩm có mặt trên 20 tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh đó, anh đã nghiên cứu thành công kỹ thuật nuôi cua hai da trong thùng nhựa.  Tận dụng 25m2 của gian nhà sau, anh đặt 60 thùng nhựa, mỗi thùng nhựa có van khóa, giúp chủ động mang đến nước vào, dở nước ra riêng từng thùng, một thùng thả nuôi 4 con cua tầm 1kg. Với giá cua giống 130.000 đồng/kg, sau một tháng rưỡi nuôi sẽ mang đến ra thành phẩm là cua hai da, giá bán khoảng 400.000 đồng/kg. Ngoài nuôi cua chắc thành cua hai da, anh Xoàn còn thành công với việc nuôi cua chắc thành cua gạch. Thường nuôi từ tháng 05 đến tháng 8 âm lịch cua sẽ tạo ra gạch, trung bình giá sống 500.000 đồng/kg, có lúc lên đến 900.000 đồng/kg. Hiện tại, anh cũng đã chuyển giao công nghệ nuôi cua biển theo kỹ thuật tuần hoàn trong thùng nhựa cho hơn 50 hộ dân trên địa bàn huyện và các tỉnh Khác, giúp phát triển thu nhập nhờ việc ứng dụng công nghệ hiện đại. Đồng thời, anh Xoàn cũng đã xây dựng trang wed https://mekongfarms.com/ để đưa các sản phẩm của mình tiếp cận nhiều đối tượng hơn.

  Có thể thấy nhờ vào việc ứng dụng công nghệ hiện đại đã giúp nhiều thanh niên Thạnh Phú phát triển kinh tế bền vững, hiệu quả, thành công. Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện đoàn sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa các hoạt động nhằm khuyến khích thanh niên phát triển kinh tế ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số để góp phần  xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Tường Vi - Huyện đoàn Thạnh Phú