Thiếu tướng Nguyễn Thị Định: Nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

Thiếu tướng Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bà tham gia hoạt động cách mạng năm 1936 khi vừa tròn 16 tuổi, hai năm sau được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Chồng bà là ông Nguyễn Văn Bích, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bến Tre. Khi bà mới sinh con 3 ngày, mật thám đến nhà vây bắt ông Bích. Ông bị kết án 5 năm tù, bị đày biệt xứ rồi hy sinh tại Côn Đảo.

Thiếu tướng Nguyễn Thị Định

Đến ngày 19/7/1940, bà và đứa con trai 7 tháng tuổi bị mật thám vây bắt. Chúng đưa hai mẹ con bà về Khám Lá (Bến Tre). Bà buộc phải xa con, gửi con trước khi bị đi đày ở Bà Rá tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước). Năm 1943, ngay khi vừa ra tù, bà liên lạc với tổ chức Đảng tiếp tục hoạt động cách mạng tại Châu Thành. Năm 1945, bà cầm cờ dẫn đầu hàng ngàn quần chúng rầm rộ tiến vào giành chính quyền ở thị xã Bến Tre. Tháng 3/1946, bà cùng với đoàn cán bộ miền Nam vượt biển ra miền Bắc báo cáo với Trung ương Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam Bộ, xin chi viện đưa được 12 tấn vũ khí về miền Nam. Năm 1954, bà là Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bến Tre.

Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, bà gửi con trai ra miền Bắc còn mình ở lại miền Nam chiến đấu. Nhưng đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm không những không thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ mà còn trắng trợn đàn áp trả thù những người kháng chiến cũ. Chúng treo thưởng 10.000 đồng cho ai bắt hoặc giết được Nguyễn Thị Định. Những ngày gian khó và hiểm nguy ấy, bà đã cải trang thành người tu hành, người chăn vịt, người đi buôn, người đi ở... lặn lội khắp vùng Nam Bộ để chắp mối gây dựng lại phong trào. Nhờ sự che chở, đùm bọc của nhân dân nên bà đã qua mắt được bọn địch.

Cuối năm 1959, ở Nam Bộ, quần chúng đã vùng lên diệt ác, phá kìm, khiến cho bộ máy tề, ngụy ở hàng trăm thôn, xã phải tan rã. Đặc biệt, đêm 17/1/1960, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bến Tre, nhân dân huyện Mỏ Cày đã nổi dậy khởi nghĩa đồng loạt mở đầu cho một cao trào mới. Với cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bà vừa chỉ đạo lực lượng vũ trang đánh địch chống càn, vừa huy động lực lượng quần chúng đấu tranh binh vận, đấu tranh chính trị với phương châm “Ba mũi giáp công” và thành lập nên “Đội quân tóc dài”. Tên tuổi của bà gắn với phong trào Đồng khởi Bến Tre, với “Đội quân tóc dài” kể từ đó.

Sau phong trào Đồng khởi, bà làm Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Mặt trận Giải phóng tỉnh Bến Tre. Niềm vui đến cũng là lúc tin buồn đến. Người con trai Nguyễn Ngọc Minh của bà ở miền Bắc bị bệnh và qua đời ngày 4/5/1960. Bà bàng hoàng, đau xót, trái tim như có bàn tay ai bóp nghẹt. Tình yêu, hy vọng của bà gửi gắm vào đứa con trai nay đã không còn nữa nhưng nhớ lời chồng dặn: “Dấn thân vào con đường cách mạng là chấp nhận thương đau, tù đày, cái chết”, bà nuốt nước mắt, lao vào hoạt động. Năm 1961, bà là Khu ủy viên Khu 8. Năm 1964, bà được bầu là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Năm 1965, tại Đại hội phụ nữ toàn miền Nam, bà được bầu là Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam. Cũng năm đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (lúc đó đang giữ cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam) mời bà sang gặp Bộ Tư lệnh Miền, giao nhiệm vụ: “Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định rút chị lên làm Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngoài công tác chung, Bộ Tư lệnh phân công chị theo dõi chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích, đấu tranh chính trị”. Bà giữ cương vị này từ năm 1965 đến năm 1975, đã có nhiều đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Sự có mặt của bà trong Bộ Chỉ huy Miền đã góp phần làm cho cái nhìn của lãnh đạo, chỉ huy toàn diện, thấu đáo hơn từ cuộc chiến tranh nhân dân.

Giữa chiến trường ác liệt, người phụ nữ có khuôn mặt đôn hậu, tóc búi cao, giản dị trong bộ bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, luôn mỉm cười khi đi thăm các chiến sĩ. Như một người mẹ, người chị, bà hiểu thấu những nét đời sống tưởng như bé nhỏ, giản đơn nhất của người lính nơi chiến trường. Thiếu tướng Nguyễn Thị Định được cán bộ, chiến sĩ gọi bằng cái tên trìu mến “chị Ba”, “cô Ba”. Mỗi lần đến thăm đơn vị, ngoài việc kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức, huấn luyện, tác chiến, quân sự, “chị Ba”, “cô Ba” còn tận tâm chăm lo nơi ăn, ở, giải trí, quan tâm đến cuộc sống riêng tư của cán bộ, chiến sĩ. Trong chiếc ba lô mang theo khi đi công tác, ngoài tư trang lúc nào trong ba lô của bà cũng có sẵn kim chỉ để sẵn sàng vá áo cho bộ đội; có lọ dầu, túi đường, viên thuốc bổ dành cho thương, bệnh binh... Cái gì tốt nhất, quý nhất bà được trang bị, bà đều để dành cho bộ đội. Nơi nào bà đến thì cuộc sống của bộ đội như vui hơn, bếp lửa như hồng hơn, nhiều món được chế biến ngon hơn dù chỉ là củ mì, măng rừng, rau rừng...

Ngày 17/4/1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng và là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sinh thời, năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về bà: “Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Thiếu tướng Nguyễn Thị Định

Sau ngày thống nhất đất nước, bà giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước... Bà đã có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.

Vào 22 giờ 50 phút ngày 26/8/1992, trái tim của vị nữ tướng huyền thoại Nguyễn Thị Định ngừng đập. Bà đã sống một cuộc đời trọn vẹn với non sông, đất nước, đã có nhiều đóng góp lớn lao với Tổ quốc, với nhân dân. Bà được Nhà nước tặng thưởng hai Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều huân chương cao quý khác. Năm 1968, bà được nhận giải thưởng Hòa bình quốc tế Lê-nin. Ngày 30/8/1995, bà được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau khi bà mất, nhân dân xã Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) đã lập bàn thờ bà trong đền thờ Hai Bà Trưng. Tên của bà được đặt cho nhiều đường phố, trường học ở Việt Nam. Ngày 18/10/2011, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Bến Tre đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà trưng bày Khu lưu niệm nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước Nguyễn Thị Định tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Đây là nơi giới thiệu và trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của bà Nguyễn Thị Định.

Năm 2020 là năm kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – Nữ tướng Nguyễn Thị Định (15/3/1920- 15/3/2020)./.

Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre

Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn