Tỉnh đoàn Bến Tre hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre năm 2021

Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên thời gian qua luôn được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn quan tâm triển khai thực hiện bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số mô hình nổi bật mà ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã hỗ trợ như:

1. Mô hình Kinh doanh shop hoa tái chế online. Địa chỉ: Trung tâm GDNN-GDTX Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre

Xuất phát từ sở thích yêu hoa và một chút tài lẻ về làm hoa thủ công handmade cùng với nhu cầu kiếm thêm thu nhập phục vụ cho việc học tập. Đồng thời kinh doanh shop hoa tài chế online không tốn quá nhiều chi phí, không cần mặt bằng, ít rủi ro, phù hợp với nguồn vốn hiện có và phù hợp với việc vừa học vừa làm. Việc kinh doanh mặt hàng hoa tái chế online vẫn chưa quá phổ biến nhưng lại rất phù hợp với nhu cầu của khách hàng hiện nay, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. "Kinh doanh shop hoa tái chế online" trở thành ý tưởng khởi nghiệp của cô giáo Trương Thị Ngọc Ánh cùng các thầy cô ở Trung tâm GDNN-GDTX Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Hoa ở đây là hoa khô (làm thủ công) vì vậy không lo vấn đề hoa tồn đọng, héo úa và quan trọng là bảo vệ môi trường. Được sự hỗ trợ từ Tỉnh đoàn trong việc tham gia các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp các cấp, tập huấn kiến thức, giới thiệu, trưng bày, bán sản phẩm. Đến nay, dự án đã phát triển cơ bản, mở rộng ra thị trường toàn tỉnh.

2. Mô hình Sản phẩm thân thiện và làm đẹp môi trường từ vỏ (lốp) xe phế liệu. Địa chỉ: xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre

 Nhựa và các sản phẩm từ nhựa đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, từ đó ngày càng làm gia tăng tình hình biến đổi khí hậu kèm theo các loại hình thời tiết, thiên tai khắc nghiệt. Để góp phần hạn chế tình trạng trên thì việc tái chế các sản phẩm từ nhựa, đặc biệt là việc phát động chương trình "Hành trình thứ 2 của lốp xe" đã được các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội triển khai thực hiện. Tiêu biểu trong số đó có mô hình Vỏ xe nghệ thuật của anh Nguyễn Hoàng, sản phẩm độc đáo của anh đã đạt giải nhất trong cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Bến Tre. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn hỗ trợ anh trong việc tập huấn để phát triển ý tưởng, sản phẩm, phương thức kinh doanh và tham gia các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp các cấp cũng như phần kinh phí 15 triệu đồng để anh phát triển sản phẩm.

3. Công ty TNHH MTV Đất sạch Phú Hưng Thịnh với mô hình sản xuất kinh doanh đất hữu cơ, đất sạch. Địa chỉ: số 16, ấp Phú Chánh, xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre

Nhận thấy việc ô nhiễm môi trường nông thôn do chất thải chăn nuôi hiện nay là một vấn đề lớn cần được giải quyết, anh Phan Gia Thịnh đã xây dựng dự án sản xuất đất sạch, đất hữu cơ từ chất thải chăn nuôi (phân gia súc, gia cầm), phế phẩm của các ngành chế biến, xay xát (tro trấu, mụn dừa) để góp phần bảo vệ môi trường. Anh đã ký kết hợp đồng thu mua với các doanh nghiệp, người dân, sau đó tiến hành nuôi trùn quế, ủ phân hữu cơ, đóng gói bao bì và bán sản phẩm. Được sự hỗ trợ từ Tỉnh đoàn trong việc tham gia các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp các cấp, tập huấn kiến thức, giới thiệu, trưng bày, bán sản phẩm và hỗ trợ vốn vay, đến nay, dự án đã phát triển cơ bản bền vững, đã thành lập Công ty Đất sạch Phú Hưng Thịnh. Đặc biệt, với 05 lần thực hiện công trình thanh niên “Dừa Bến Tre với biển, đảo quê hương”, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã hỗ trợ mua 25 tấn đất hữu cơ để tặng kèm 5.000 cây dừa giống cho các đơn vị Hải quân trồng trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, bán đảo Cam Ranh và các đảo phía Tây Nam Tổ quốc.

4. Mô hình Màng bọc sinh học từ phế thải thủy sản. Địa chỉ: THPT Che Guevara, huyện Mỏ Cày Nam

Với mong muốn tạo ra các sản phẩm thay thế màng bọc nhựa thông thường giúp hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và sức khoẻ con người; đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, dồi dào tại địa phương và vùng lân cận; Võ Thị Nhã Khoa – học sinh trường THPT Che Guevara đã có ý tưởng tạo Màng bọc sinh học từ phế thải thủy sản. Sản phẩm màng bọc sinh học là một loại nhựa có nguồn gốc tự nhiên nên đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, sản phẩm màng bọc sinh học này còn được tận dụng từ nguồn phế thải thuỷ sản như vỏ tôm, vỏ cua… - một loại phế thải thuỷ sản rất phổ biến tại địa phương và các vùng lân cận. Được sự hỗ trợ từ Tỉnh đoàn trong việc tham gia cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn hỗ trợ Võ Thị Nhã Khoa trong việc tập huấn để phát triển ý tưởng, sản phẩm cũng như phần kinh phí 05 triệu đồng để em nghiên cứu, phát triển sản phẩm.

5. Mô hình Kiểm tra chất bảo quản trong thực phẩm bằng giấy nghệ. Địa chỉ: ấp Đông Lợi, xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre

Với muốn giúp người tiêu dùng có được phương pháp dễ dàng phát hiện ra thực phẩm bẩn, giúp người tiêu dùng có độ tin cậy nhất định khi lựa chọn thực phẩm trên thị trường. Bằng những sáng tạo, đam mê khởi nghiệp Nguyễn Văn Bắc đã miệt mài ngiên cứu sản phẩm giấy nghệ đưa ra thị trường. Với thành phần chủ yếu là nghệ nên rất thân thiên với môi trường. Được sự hỗ trợ từ Tỉnh đoàn trong việc tham gia cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn hỗ trợ Nguyễn Văn Bắc trong việc tập huấn để phát triển ý tưởng, sản phẩm cũng như phần kinh phí 05 triệu đồng để em nghiên cứu, phát triển sản phẩm.

Nhìn chung, thông qua nhiều hoạt động như tập huấn, hỗ trợ kiến thức, vốn, tạo điều kiện tham gia các Cuộc thi khởi nghiệp, tham gia trưng bày sản phẩm tại Ngày hội khởi nghiệp đã giúp các mô hình, dự án, công ty trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu có điều kiện phát triển, góp phần chung tay với cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng ngày càng rõ rệt ở tỉnh Bến Tre./.

Ban Phong trào Tỉnh đoàn