TƯ TƯỞNG VÀ TÌNH CẢM CỦA BÁC ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG, GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI VIỆT NAM

Với tư cách là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, gắn với từng giai đoạn phát triển của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cách mạng với tư tưởng lãnh đạo toàn diện về đường lối chiến lược, cùng với những quan điểm chỉ đạo sâu sắc, cụ thể trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cách mạng giải phóng dân tộc mà và các lĩnh vực của đời sống xã hội trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trên các lĩnh vực ấy, cùng với các chủ thể của nó, Bác đã để lại những quan điểm chỉ đạo cụ thể, sâu sắc, những lời căn dặn ân cần, đong đầy tình cảm và những dự báo cho sự phát triển sau này với những mong muốn, hoài bão to lớn trên cơ sở thực tế tình hình tình của cách mạng Việt Nam và khả năng hiện thực hóa những quan điểm, tư tưởng đó.

Những ngày tháng 5 năm nay, kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng nhớ và tri ân những đóng góp to lớn của Người cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc vĩ đại của Việt Nam. Tìm hiểu về những quan điểm chỉ đạo cụ thể của Bác đối với quá trình cách mạng Việt Nam cùng những tình cảm của Người đối với các thế hệ con người Việt Nam là một việc làm hết sức cần thiết. Một mặt giúp mỗi chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về tính vĩ đại của một lãnh tụ cách mạng, một Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, mặt khác  để mỗi chúng ta có điều kiện bày tỏ với Bác việc hiện thực hóa những quan điểm chỉ đạo ấy của Người trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Lúc sinh thời, trong kháng chiến kiến quốc cũng như sau này, Bác rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, từ thực tế tình hình nước ta Bác khẳng định: Đặc điểm to nhất của nước ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Từ đặc điểm đó, theo Người, chúng ta giành được tự do, độc lập rồi, mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do,độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Trách nhiệm của Đảng, Chính phủ rất lớn: Nếu dân đói, dân rét, dân ốm, dân dốt Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, Đảng và Chính phủ phải thực hiện ngay làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành.

Khẳng định vai trò nông nghiệp, Bác dẫn câu tục ngữ: “Dân dĩ thực vi thiên”, nghĩa là dân lấy ăn làm trời, nếu không có ăn là không có trời. Lại có câu: “Có thực mới vực được đạo”, nghĩa là không có ăn thì chẳng làm được việc gì. Đó là hai câu tục ngữ một của Trung Quốc, một của Việt Nam. Giải thích hai câu đó, Bác chỉ rõ: Hai câu tuy đơn giản nhưng rất đúng lẽ. Muốn nâng cao đời sống của nhân dân trước hết phải giải quyết vấn đề ăn (rồi đến vấn đề mặc và các vấn đề khác). Muốn giải quyết vấn đề ăn thì phải làm thế nào cho có đầy đủ lương thực. Mà lương thực là do nông nghiệp sản xuất ra. Vì vậy, phát triển nông nghiệp là cực kỳ quan trọng.

Vấn đề nông nghiệp theo Người ngoài việc giải quyết vấn đề lương thực, nâng cao đời sống vật chất, mà còn liên quan, tác động sâu sắc tới đời sống tinh thần, là gốc rễ của chủ nghĩa Mác- Lênin. Bác viết: Phải rất chú ý tăng gia sản xuất. Các cô, các chú có khi vì công tác, vì điều kiện, vì trình độ một phần nên chưa nghiên cứu được về chủ nghĩa Mác- Lênin. Bác chỉ nêu một điểm rất đơn giản “có thực mới vực được đạo” đó là duy vật, đó là gốc của chủ nghĩa Mác- Lênin.

Xác định nông nghiệp là một mặt trận vừa giải quyết “thực túc binh cường” vừa là vấn đề chính trị, văn hóa. Bác có một tầm nhìn xa về công nghiệp hóa nông thôn khi lý giải mối quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp. Người khẳng định: Công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khỏe và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích. Sự giúp đỡ lẫn nhau đó được thể hiện: Nông nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ lương thực cho nhân dân; cung cấp đủ nguyên liệu (như bông, mía, chè...) cho nhà máy, cung cấp đủ nông sản (như lạc, đỗ, đay...) để xuất khẩu đổi lấy máy móc. Công nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ hàng tiêu dùng cần thiết cho nhân dân, trước hết là cho nông dân; cung cấp máy bơm nước, phân hóa học, thuốc trừ sâu... để đẩy mạnh nông nghiệp; và cung cấp máy cày, máy bừa cho các hợp tác xã nông nghiệp.

Mối quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp tác động, hỗ trợ lẫn nhau: Phải cải tạo và phát triển nông nghiệp để tạo điều kiện cho công nghiệp hóa nước nhà. Phải có một nền nông nghiệp phát triển thì công nghiệp mới có thể phát triển mạnh... Công nghiệp phát triển thì nông nghiệp mới phát triển. Trong mối quan hệ đó, nông nghiệp là gốc, là chính. Bởi vì, nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở để phát triển công nghiệp.

Đối với nông dân, Bác đã thắm thiết với nỗi khổ của họ: Biết bao nhiêu năm chịu đau khổ dươi ách đô hộ, xâm lược của thực dân, đế quốc, trong bao năm kháng chiến chống Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ cứu nước, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ.  Đồng thời Người hết sức quan tâm đến nông dân và ân cần căn dặn: Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất.

Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X (5-8-2008) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Trên cơ sở coi nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch là căn bản, Đảng ta coi phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt. Phát triển “tam nông”, nhằm mục tiêu “không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn”. Muốn thực hiện được mục tiêu đó, phải tập trung xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa có kết cấu hạ tâng kinh tế - xã hội hiện đại, nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng...Ngày nay, chúng ta đã thực hiện tốt lời căn dặn của Bác.

Đối với lĩnh vực công nghiệp và công nhân, Đại hội III của Đảng (1960): Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ ở nước ta. Thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhằm xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, tạo điều kiện cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi.

Người nêu rõ: Hiện nay, chúng ta sản xuất nông nghiệp làm chính. Vì muốn mở mang công nghiệp thì phải có đủ lương thực, nguyên liệu. Nhưng công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thực sự của nhân dân ta.

Về giai cấp công nhân, Bác viết: Ngay từ lúc đầu, Đảng đã giương cao ngọn cờ cách mạng dân tộc dân chủ, lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Trong lúc đó, giai cấp phong kiến đã đầu hàng đế quốc, giai cấp tư sản non yếu thì chỉ mong thoả hiệp với đế quốc để tìm một lối sống. Các tầng lớp tiểu tư sản tuy là sôi nổi, nhưng tư tưởng bế tắc, không có đường ra. Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân. Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam. Về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, Bác khẳng định: Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo thì kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công.

Người yêu cầu giai cấp công nhân Việt Nam cần phải nêu cao tinh thần quốc tế vô sản và thực hiện tốt các nghĩa vụ quốc tế: Bác mong các cô, các chú giữ vững và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc ta, của giai cấp ta. Phải hăng hái thi đua sản xuất nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Phải có tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản và phải học tập nâng cao trình độ về mọi mặt để xứng đáng là giai cấp công nhân, giai cấp lãnh đạo cách mạng.

Với lĩnh vực khoa học kỹ thuật và đội ngũ trí thức, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội Phổ biến Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam, ngày 18/5/1963 Bác Hồ đã phát biểu những quan điểm của mình về khoa học tự nhiên và kỹ thuật: Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi.

Cũng tại Đại hội này Người khẳng định: Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, khoa học là tài sản chung của toàn dân chứ không phải là tài sản riêng của một nhóm người nào. Khoa học công nghệ phải hướng về con người, giải phóng con người, phát triển con người toàn diện. Những thành tựu của khoa học công nghệ phải được sử dụng vì sự tiến bộ của xã hội, vì lợi ích và hạnh phúc của đông đảo quần chúng.

Về khoa học kỷ thuật trước hết là con người - người hiền tài. Người coi đó là trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Phải xây dựng con người có hiểu biết, con người có tri thức để phụng sự Tổ quốc. “Kiến thiết đất nước cần có nhân tài”. Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Khi nói đến con đường hình thành và phát triển đội ngũ trí thức mới, trong đó có các nhà khoa học, trong bài “Đảng Lao động Việt Nam với lao động trí óc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đào tạo trí thức mới. Cải tạo trí thức cũ. Công nông trí thức hóa. Trí thức công nông hóa”.

Thực chất khoa học kỷ thuật nước ta, Người viết: Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Nǎng suất lao động còn thấp kém... Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó... Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao nǎng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi . Người khẳng định: Cách mạng xã hội chủ nghĩa gắn liền với sự phát triển khoa học và kỹ thuật, với sự phát triển vǎn hóa của nhân dân.

Người chỉ ra rằng: Muốn cải tiến kỹ thuật, phải biết kỹ thuật. Muốn cải tiến tổ chức lao động cũng phải biết phương pháp tổ chức và có kinh nghiệm tổ chức. Về mặt này và mặt kia, hiện nay chúng ta đều còn kém. Cho nên phải "học, học nữa, học mãi" như V.I.Lênin đã dạy. Bác đã chứng minh: Máy móc ngày càng tinh xảo, nếu không có trình độ vǎn hóa và kỹ thuật thì không thể điều khiển được. Trước đây làm việc theo lối thủ công, nhưng bây giờ làm bằng máy móc tinh xảo cả, nên việc học tập vǎn hóa, nâng cao trình độ kỹ thuật là rất cần thiết.  Bởi thế chúng ta rất cần trí thức: Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. Người chỉ rõ vai trò của trí thức đối với Đảng: Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mạng nhất và “Lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ phát triển tài năng. Lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến đến chủ nghĩa xã hội.

Trong mấy năm kháng chiến, một bộ phận lớn trí thức Việt Nam đã chịu khó chịu khổ đi với kháng chiến, phục vụ kháng chiến. Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc ta. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. Chứng thực là trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài. Chúng ta có quyền tự hào rằng: Những người lao động trí óc ở Việt Nam đều đứng trong hàng ngũ kháng chiến. Sau khi miền Bắc giải phóng Đảng và Chính phủ phải phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, tập trung cũng như tại chức. Vì theo Người, những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam.

Kỷ niệm sinh nhật Bác năm nay, chúng ta có dịp ôn lại những quan điểm chỉ đạo cụ thể, sâu sắc, những lời căn dặn ân cần, đong đầy tình cảm và những dự báo, dự đoán cho sự phát triển sau này với những mong muốn, hoài bão to lớn đối với cách mạng Việt Nam nhưng cũng nhằm báo công với Bác rằng ngày nay chúng ta tự hào đã thực hiện mục tiêu cao cả của chủ nghĩa xã hội Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, chúng ta đã thực hiện một phần nào mong muốn tột cùng của Bác./.

                                                                                       Thạc sĩ Nguyễn Thành Phương
Trưởng khoa Lý luận cơ sở
                                                                                                        Trường Chính trị Bến Tre