Tuổi Trẻ Bình Đại Khởi nghiệp

Qua ba năm triển khai thực hiện Chương trình số 10 -CTr/TU (Chương trình số 10) của Tỉnh ủy Bến Tre “Về Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, với nhiều kết quả khả quan, tạo sức lan tỏa sâu rộng và xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp khá hoàn chỉnh ở địa phương. Trong đó, nhiều thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp với ý tưởng táo bạo, gặt hái những thành công bước đầu đáng ghi nhận.

 Trong năm 2019, Huyện đoàn Bình Đại đã triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế trong thanh niên. Các mô hình kinh tế của thanh niên hiện đang duy trì ổn định và phát triển tốt, số lượng tăng theo từng năm. Để đẩy mạnh phong trào Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, Huyện đoàn đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền khởi nghiệp đến mọi người dân, chủ yếu là đối tượng đoàn viên, thanh niên trong khởi nghiệp, lập thân. Tăng cường giáo dục hướng nghiệp cho học sinh ở các trường trung học phổ thông khi ra trường, tổ chức các buổi gặp gỡ, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về đồng khởi khởi nghiệp khơi gợi tính khám phá, tư duy sáng tạo trong thanh niên, học sinh về phương pháp biến ý tưởng thành hiện thực.

Bên cạnh đó, Huyện đoàn giới thiệu các mô hình phát triển kinh tế cho thanh niên đi tham quan, học tập tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Trà Vinh và các đơn vị bạn ngoài địa bàn huyện Bình Đại...; Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, Huyện đoàn còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân nguồn vốn hỗ trợ giúp đoàn viên, thanh niên thuận lợi trong quá trình khởi nghiệp, lập thân. Đồng thời, lực lượng đoàn viên, thanh niên của huyện luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Hiện, các mô hình thanh niên khởi nghiệp đều phát triển tốt và ngày càng được mở rộng điển hình như:

Năm 2019, Chị Lê Thanh Thủy, sinh năm 1987, xã Vang Quới Tây, huyện Bình Đại, tham gia cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp cấp tỉnh lần thứ ba do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre tổ chức với dự án dự án “Nâng cao giá trị trái dừa Bến Tre bằng cách tạo ra các sản phẩm trồng lan từ vỏ dừa”.  Dự án được đánh giá cao và đạt giải nhì của hội thi. Tuy đây chỉ là dự án còn nằm trên lý thuyết chưa được kiểm nghiệm bằng thực tiễn nhưng đã được những chuyên gia của hội đồng tư vấn khởi nghiệp đánh giá cao và hứa hẹn đầy tiềm năng trong tương lai. Chị Thủy cho biết, với phương pháp sử dụng vỏ dừa sản xuất thành bành dừa, vỏ dừa cắt, lượng sản phẩm bình quân hàng tháng tạo ra lên tới 15.000 sản phẩm bành dừa trong lan, 1.500 bảo vỏ dừa cắt 6 phân để trồng lan, trồng cây, ươm giống giảm thiểu sử dụng các sản phẩm từ nhựa vừa tiết kiệm, vừa thân thiện với môi trường.

Chị Lê Thanh Thủy nhận giải nhì tại hội thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bến Tre lần 3, năm 2019

Là một thanh niên trẻ giàu ước mơ, khát vọng lập nghiệp, thanh niên Nguyễn Ngọc Thiện (xã Long Hòa) luôn có những suy nghĩ đầy tâm huyết: “Tuổi trẻ ai cũng có những hoài bảo cho riêng mình, khát khao cống hiến một phần sức trẻ cho xã hội, nhưng chỉ người biết biến mơ ước thành hiện thực mới là người thành công”. Năm 2019, tận dụng các chuồng chăn nuôi cũ không hiệu quả và nhận thấy tiềm năng từ mô hình nuôi thỏ thương nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời được sự hỗ trợ, tư vấn của những người đi trước. Anh Thiện đã đầu tư mua 10 cặp thỏ giống về nuôi với suy nghĩ sẽ rút được một số kinh nghiệm để đầu tư và phát triển hơn nữa, sau thời gian ngắn lứa thỏ đầu tiên với 40 con thỏ thịt, giá bán 65.000 đồng/kg, anh thu về được 5,2 triệu đồng, trừ chi phí anh còn lãi trên 3 triệu đồng. Từ đó, anh mạnh dạng đầu tư mua thêm thỏ giống, xây thêm chuồng trại. Hiện tại, anh đã có trên 250 con thỏ thịt và thỏ giống; hàng tháng anh xuất bán trên 75 con thỏ thịt, cho thu nhập trên 08 triệu đồng.

Nếu như anh Nguyễn Ngọc Thiện khởi nghiệp bằng việc nuôi thỏ, thì anh Huỳnh Hoàng Lâm (xã Thới Lai) đã khởi nghiệp bằng cách nuôi bò kết hợp với nuôi dê. Năm 2017, sau khi lặp gia đình, anh Lâm được gia đình cho ra riêng và hỗ trợ một con bò giống để anh chăm sóc, không lâu sau con bò giống của anh sinh được 01 bò con qua thời gian nuôi 03 tháng anh bán bò con và lãi được hơn 10 triệu đồng. Tận dụng nguồn cỏ từ vườn dừa, đầu năm 2018 anh mạnh dạng mua thêm bò giống để tăng quy mô sản xuất của mình. Hiện tại anh đang nuôi 07 con trong đó 04 bò mẹ và 03 bò tơ chuẩn bị được xuất bán. Bình quân thu nhập của anh từ việc chăn nuôi bò là trên 60 triệu đồng trên năm. Bên cạnh đó, anh Lâm còn chăn nuôi dê để tăng thêm thu nhập, hiện tại đàn dê của anh có 04 dê nái, bình quân mỗi năm sinh 03 lứa, mỗi lứa có khoảng 06 con. Thời gian nuôi 05 tháng xuất chuồng giá mỗi ký 120.000-122.000đ/kg bình quân mỗi năm lãi từ dê khoảng 65 triệu đồng trên năm. Với nguồn thu nhập đáng mơ ước của mình, anh Lâm đã chia sẽ “việc chăn nuôi không khó, quan trọng là chúng ta phải cố găng tìm hiểu được tập tính giống loài, nghiên cứu nguồn thức ăn, phương thức chủ động ứng phó với tình hình thời tiết không thuận lợi,.. không bằng cách nào khác, chỉ có thể tự học qua sách báo, tivi,…” với những những chia sẻ mang tính truyền cảm hứng này, mong rằng các bạn đoàn viên, thanh niên trên địa bàn trong và ngoài xã sẽ nghiên túc học hỏi và khởi nghiệp cho bản thân mình.

Năm 2020 đang mở ra, một mùa xuân lại về, bên cạnh nhiều thay đổi trong tương lai. Huyện đoàn tiếp tục phối hợp tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng và hỗ trợ ngay từ khi hình thành ý tưởng, dự án khởi nghiệp, nhất là nhân tố khởi nghiệp mới trong thanh niên. Từ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, cộng với tinh thần khởi nghiệp nghiêm túc, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Bình Đại, sẽ ngày càng có nhiều tấm gương đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp thành công, để vững vàng làm chủ thị trường, góp phần đưa kinh tế huyện nhà ngày càng đi lên.

Nhật Tân - Huyện đoàn Bình Đại