Chính sách kinh tế mới (NEP) của V.I.Lênin và công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay
Sau sự thắng lợi của Cách mạng tháng Mười (1917), những người cộng sản Nga và quần chúng nhân dân phải tiếp tục tiến hành cuộc nội chiến chống lại bọn phản động trong nước để bảo vệ thành quả cách mạng. Trong hoàn cảnh cấp bách, để có đủ lương thực, huy động được sức mạnh tập thể chống thù trong giặc ngoài, nhà nước Xô viết lúc bấy giờ tiến hành chính sách cộng sản thời chiến.
Chính sách cộng sản thời chiến được tiến hành và đưa đến nhiều thắng lợi trên mặt trận chính trị và quân sự. Bước ra khỏi cuộc chiến, không ít sự ngộ nhận việc tập trung hoá sản xuất, tuyệt đối hoá vai trò của nhà nước trong quản lý và phân phối, xoá bỏ quan hệ hàng hoá - tiền tệ,… là có thể tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Những người cộng sản và quần chúng nhân dân lúc bấy giờ đã cho rằng chính sách đang thực hiện là phù hợp và có thể áp dụng lâu dài, tư tưởng sai lầm này xuất hiện một phần do chưa nhận thức được tính quanh co, phức tạp trong tiến trình vận động của lịch sử xã hội cũng như bị tình cảm chi phối, luôn khát vọng về một xã hội tiến bộ thay cho xã hội bất công.
Nếu như trong nội chiến, chính sách cộng sản thời chiến đã phát huy được tính ưu việt thì ở điều kiện xã hội hoà bình, chính sách này liên tiếp bị thất bại, nguồn động lực kích thích cho sự phát triển sản xuất không có, sản xuất bị đình đốn, xã hội xuất hiện tâm lý hoang mang, dao động,… thậm chí có cả cuộc bãi công của người công nhân. Lãnh tụ V. I. Lênin đã tự đánh giá rằng: “Được cao trào nhiệt tình lôi cuốn, chúng ta, những người đã từng thức tỉnh nhiệt tình của nhân dân - trước hết là về mặt chính trị, rồi sau về mặt quân sự, - chúng ta đã tính là có thể dựa vào nhiệt tình đó mà trực tiếp thực hiện những nhiệm vụ kinh tế cũng to tát như những nhiệm vụ chính trị chung, như những nhiệm vụ quân sự. Chúng ta đã tính - hay có lẽ nói như thế này đúng hơn: chúng ta chưa tính toán đầy đủ mà đã tưởng là - có thể dùng pháp lệnh của nhà nước vô sản, để tổ chức theo kiểu cộng sản chủ nghĩa, trong một nước tiểu nông, việc nhà nước sản xuất và phân phối sản phẩm. Đời sống thực tế đã vạch rõ sai lầm của chúng ta” (Lênin, Toàn tập, tập 44, 1978, p. 189).
Vấn đề cấp thiết đặt ra lúc bấy giờ cho nhà nước Xô viết là cần thay thế chính sách cấm tự do, buôn bán,… bằng những chính sách mềm dẻo hơn nhằm phát huy tính năng động của nền kinh tế, đồng thời, có cái nhìn hợp lý hơn về chủ nghĩa tư bản cả mặt lợi và mặt hại, V. I. Lênin từng nói: “Chúng ta không hình dung một thứ chủ nghĩa xã hội nào khác hơn là chủ nghĩa xã hội dựa trên cơ sở tất cả những bài học mà nền văn minh lớn của chủ nghĩa tư bản đã thu được” (Lênin, Toàn tập, tập 36, 1978, p. 334) và đi đến quan điểm cho rằng cần tiến hành sự kết hợp một số yếu tố của chủ nghĩa xã hội và một số yếu tố của chủ nghĩa tư bản: “người nào không đắm chìm trong ảo tưởng mà nhìn vào thực tế, thì phải hiểu rõ điều đó” (Lênin, Toàn tập, tập 43, 1978, p. 119).
Cần nhận thức rằng, chính sách cộng sản thời chiến là một chính sách hợp lý trong bối cảnh chiến tranh. Bước ra khỏi chiến tranh cần có một chính sách hợp lý hơn, mềm dẻo hơn để phát huy sức mạnh kinh tế trong thời bình. Đối với một nước tiểu nông, lạc hậu, việc dùng nhà nước xã hội chủ nghĩa để khai thác những điểm tích cực cũng như kiềm chế những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản là điều rất hợp lý trong bối cảnh khi cái cũ vẫn còn vị thế và cái mới, cái tiến bộ đang nhen nhóm hình thành. Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội không phải diễn ra trong ngày một, ngày hai, cũng không phải dùng ý chí là có thể thành công. Thời kỳ này diễn ra suốt một quá trình với những “cơn đau đẻ kéo dài”.
Để thực hiện chính sách kinh tế mới, V. I. Lênin đã vấp phải những nghi ngờ và sự hiểu lầm không nhỏ từ những người đồng chí của mình. Tuy nhiên, những thắng lợi từ chính sách kinh tế mới mang lại đã chứng minh sự lựa chọn của V. I. Lênin là hợp lý. Năm 1924, V. I. Lênin mất, chính sách kinh tế mới bị dừng lại vì nhiều nguyên nhân. Những tư tưởng trong chính sách kinh tế mới của V. I. Lênin có ảnh hưởng rất quan trọng đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất đã chứng minh cho tính ưu việt của chế độ kinh tế tập trung ở nước ta, đồng thời cũng báo hiệu rằng chính sách kinh tế tập trung ở nước ta trong thời kỳ chiến tranh không thể áp dụng tiếp tục trong hoà bình. Vinh quang và thắng lợi quá to lớn trong cuộc chiến chống để quốc Mỹ xâm lược! Chúng ta rơi vào ngộ nhận, chủ quan, duy ý chí, cho rằng mô hình kinh tế tập trung là đúng đắn trong mọi hoàn cảnh, và luôn mong muốn đi nhanh đến chủ nghĩa xã hội, Nhân dân ta sẽ hưởng được những điều tốt đẹp từ chế độ mới. Cảm tình cách mạng với một ý chí rất cao đẹp thôi là chưa đủ để xây dựng chủ nghĩa xã hội, cảm tình cách mạng và ý chí rất cao đẹp đó phải gắn liền với nhận thức đúng về tiến trình đi lên chủ nghĩa xã hội. Lịch sử xã hội không đi theo một con đường thẳng mà bao giờ cũng phải trải qua những bước quanh co, phức tạp; lịch sử xã hội mặc dù chịu sự tác động của ý thức con người nhưng không đi theo đồ thức luận chủ quan của con người một cách tuyệt đối. Những thất bại trong xây dựng nền kinh tế sau khi thống nhất đất nước đến trước khi đổi mới đặt ra yêu cầu cần phải thay đổi mô hình kinh tế. Từ những năm 1980, tư duy “xé rào” để đổi mới đất nước ở nước ta bắt đầu hình thành. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) vạch rõ tinh thần quyết tâm đổi mới và đã đưa ra những quan điểm mới như xây dựng chủ nghĩa xã hội phải dựa trên quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, phải xuất phát từ tình hình thực tế của nước nhà - nền kinh tế nông nghiệp là chính và còn lạc hậu, đồng thời quán triệt và vận dụng quan điểm của V. I. Lênin cho phép nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần tồn tại,… cũng như tiến hành giao lưu và hợp tác với nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả những nước từng là kẻ thù. Trong những kỳ đại hội kế tiếp, quan điểm về đổi mới ngày một được bổ sung và hoàn thiện, tạo nên những bước đột phá mới cho sự phát triển của đất nước và có thể nhận định rằng sau hơn 35 năm đổi mới, chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Lênin, V. I. (1978). Toàn tập, tập 36. Mátxcơva: Tiến bộ.
Lênin, V. I. (1978). Toàn tập, tập 43. Mátxcơva: Tiến bộ.
Lênin, V. I. (1978). Toàn tập, tập 44. Mátxcơva: Tiến bộ.