image banner
LUẬN CỨ PHÊ PHÁN, PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM CHO RẰNG “CHỦ NGHĨA MÁC - LÊ-NIN ĐÃ LỖI THỜI VÀ QUAN ĐIỂM ĐẠI HỘI XIII CẦN BỎ CỤM TỪ “NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG”, CỨ LÝ THUYẾT NÀO ĐÚNG THÌ THEO”

[204 NĂM NGÀY SINH CÁC MÁC (05/5/1818 – 05/5/2022)]

LUẬN CỨ PHÊ PHÁN, PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM CHO RẰNG CHỦ NGHĨA MÁC - LÊ-NIN ĐÃ LỖI THỜI VÀ QUAN ĐIỂM ĐẠI HỘI XIII CẦN BỎ CỤM TỪ “NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG”, CỨ LÝ THUYẾT NÀO ĐÚNG THÌ THEO

Thứ nhất, phải khẳng định một cách khái quát nhất rằng, Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là học thuyết, một hệ thống lý luận khoa học; vừa có tính nhân văn nhân đạo sâu sắc nhưng cũng là học thuyết phát triển, “mở” được phát triển không ngừng và do đó nó không bị hạn định bởi biên giới quốc gia, dân tộc và không thể bị lỗi thời

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là học thuyết đầy tính cách mạng và nhân văn sâu sắc.

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin ra đời từ giữa thế kỷ XIX, gắn liền với tên tuổi lãnh tụ C. Mác, Ph. Ăngghen (sau này lãnh tụ V.I. Lê-nin kế tục, bảo vệ và phát triển), ở châu Âu, nơi mà chủ nghĩa tư bản phát triển nhanh nhất và bộc lộ rõ bản chất giai cấp, tính mâu thuẫn gay gắt của nó, kéo theo tình trạng bóc lột người lao động làm thuê đến cảnh khốn cùng. Trước yêu cầu có tính lịch sử ấy, Chủ nghĩa Mác - Lê-nin ra đời đã thổi luồng nhận thức, tư tưởng mới mẻ, sáng tỏ hơn bao giờ hết trong giai cấp công nhân, trong người lao động và xã hội đương thời. Ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin với các hợp phần của nó là Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học đã giúp nó đảm nhận sứ mệnh cao cả, thiêng liêng và nhân văn sâu sắc đó là lý giải tận cùng sự thống khổ của người lao động, tình trạng người bóc lột người (đó không phải là máy móc, nhà xưởng,… như họ đập phá mà chính là chủ nghĩa tư bản); chỉ ra con đường, cách thức để giải quyết tận cùng nỗi thống khổ ấy cho con người mà trước hết là những người vô sản làm thuê (liên minh và thực hiện cách mạng vô sản toàn thể giới, có đảng cộng sản lãnh đạo); làm thay đổi về chất phong trào công sản và công nhân toàn thể giới từ tự phác sang tự giác. Mục tiêu và sứ mệnh ấy của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là ước mơ ngàn đời nay của nhân loại, không chỉ trong xã hội đương đại mà còn cho đến tận ngày nay về cuộc sống con người được giải phóng khỏi mọi áp bức, bất công, có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc.

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là học thuyết lý luận khoa học.

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là học thuyết khoa học bởi nó được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước, sự phát triển khoa học đương thời, tiếp thu có phê phán toàn bộ giá trị tinh hoa của quá trình phát triển nhân loại như triết học cổ điển Đức (phương pháp biên chứng của G. Ph. Hêghen, chủ nghĩa duy vật nhân bản của L. Phoi ơ bách,…), kinh tế chính trị cổ điển Anh (như học thuyết về giá trị lao động của A đam Xmit, Đa vít Ri các đô,…) và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp (như của Xanh Ximông, Rôben Ôoen, Etienne Cabet, Sác lơ Phuriê,…). Như vậy, Chủ nghĩa Mác từ khi ra đời đã thực hiện sứ mệnh là khái quát hoá cao nhất quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội, tư duy; tính quy luật trong sự vận động của xã hội loài người và sự thay thế nhau bởi các hình thái kinh tế - xã hội, trong đó nhân tố quyết định là mối quan hệ biên chứng giữa lực lượng sản xuất và  quan hệ sản xuất(1) và là cơ sở để C. Mác và Ph. Ăngghen dự báo loài người tất yếu sẽ tiến tới chủ nghĩa cộng sản qua một giai đoạn quá độ là chủ nghĩa xã hội; trang bị lý luận cho giai cấp vô sản toàn thế giới về vai trò, sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của mình và cách thức thực hiện sứ mệnh của mình; trang bị cho giai cấp vô sản cương lĩnh chỉ đường nhằm lật đổ sự thống trị của chủ nghĩa tư bản, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa hiện thực, nhân văn và bình đẳng.

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là học thuyết mở và phát triển không ngừng.

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là học thuyết có tính mở và phát triển và vì vậy không thể lỗi thời và lạc hậu. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc và khi 2 lãnh tụ của phong trào công nhân là C. Mác và Ph. Ăngghen lần lượt qua đời, V. I. Lê-nin là người có công lớn khi tiếp tục phát triển tư tưởng của Chủ nghĩa Mác như về tư tưởng triết học, kinh tế chính trị, về khả năng cách mạng vô sản thắng lợi ở một nươcc1 tư bản có trình độ phát triển chưa cao, bổ sung và phát triển tư tưởng về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực từ thắng lợi cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, phát triển tư tưởng và trực tiếp xây dựng chính đảng mác-xít kiểu mới,… Sau V.I. Lê-nin còn có nhiều nhà cách mạng, học giả tiếp tục phát triển học thuyết Mác - Lê-nin, vận dụng sáng tạo, bảo vệ và phát triển nó vào điều kiện cụ thể để lãnh đạo cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiêu biểu trong số đó là lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Lúc sinh thời, những người khai sinh ra Chủ nghĩa Mác - Lê-nin chưa bao giờ muốn và chưa có bất cứ mệnh đề nào phán đoán nào trong học thuyết của mình về cách mạng xã hội hay xã hội xã hội chủ nghĩa tương lai thành những tín điều siêu hình, cứng nhắc. Trong tác phẩm Những nguyên lí của chủ nghĩa cộng sản, Ph. Ăngghen đã trả lời hàng loạt các vấn đề lý luận liên quan trực tiếp đến chủ nghĩa xã hội khoa học như thế nào là giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản; quan hệ giữa giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản, hay hiểu thế nào là xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa và xác lập chế độ công hữu; các giải pháp cần thiết để tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa,… Đặc biệt, trong tác phẩm này và nhiều tác phẩm khác, Ph. Ăngghen là người rất khách quan, khoa học khi luận giải rất tường minh về chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học và đồng thời yêu cầu những người cộng sản rằng: “… chủ nghĩa xã hội đã trở thành một khoa học mà ngày nay, vấn đề trước hết là phải nghiên cứu thêm, trong mọi chi tiết và mọi mối liên hệ của nó”(2).

Ngoài ra, trong rất nhiều tác phẩm, C. Mác và Ph. Ăngghen đều nhấn mạnh tầm quan trọng của nhận thức, đánh giá và tồng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận, nhất là về hiện thực hoá con đường xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa cộng sản. Trong Lời đề tựa cho lần xuất bản của tác phẩm có tính cương lĩnh và rất nổi tiếng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản năm 1872, chính C. Mác và Ph. Ăngghen  rất lưu ý rằng: “Chính ngay “Tuyên ngôn” cũng đã giải thích rõ rằng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do dấy không nên quá câ nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II”(3).

Chúng ta nhớ rằng, quan điểm lịch sử - cụ thể và quan điểm phát triển là một trong những đóng góp xuất sắc của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và không có cớ gì trong tư duy lý luận và thực tiễn những lãnh tụ của các lý thuyết ấy lại không tuân thủ nó một cách thuần thục và nghiêm cẩn? Tất cả đều được C. Mác, Ph. Ăngghen hay V.I. Lê-nin nhận thức và quán triệt sâu sắc trong thực tiễn cách mạng đương thời. Chẳng hạn, trong tác phẩm Chính sách kinh tế mới, Lê-nin đã đưa ra định nghĩa kinh điển bởi sự đầy đủ tính hiện thực của nó về chủ nghĩa xã hội mà lâu nay chúng ta lãng quên, không biết hoặc cố tình chối bỏ, phủ nhận trong chỉ đạo thực tiễn. Người nói: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt nhất của nước ngoài: Chính quyền xô-viết + trật tự đường sắt Phổ + kỹ thuật và tổ chức các tơ - rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ ect. ect + + = ∑ chủ nghĩa xã hội”(4). Cách viết “ect. ect” (nghĩa là “vân vân”, “còn nhiều thứ khác nữa”) của V. I. Lênin trong công thức này thể hiện tư duy phát triển, “mở” trong chỉ đạo thực tiễn về xây dựng chủ nghĩa xã hội đến nay vẫn còn nguyên giá trị phương pháp luận, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá và thế giới phẳng, phát triển khoa học, công nghệ như hiện nay.

Từ những luận cứ như trên, tại sao lại khẳng định chủ nghĩa Mác - Lê-nin là lỗi thời. Phải chăng, chính những người cố tình phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin mới là những người nhầm lẫn, cố tình nhầm lẫn, hoặc giả cố gắng không nhìn thấy bản chất khoa học, cách mạng, nhân văn của nó. Phải chăng họ đã tỉnh táo, đủ sâu sắc, đủ khách quan, đủ “biện chứng” trong xem xét, đánh giá về thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước của Việt Nam? Hay, nếu có phải chăng chính là sự lỗi thời ở cách mà chúng ta chưa nghiên cứu đủ sâu sắc, tường tận và bằng tinh thần cầu thị của những bậc “quân tử”, hay chúng ta chưa vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách đúng đắn và sáng tạo vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề cách mạng xã hội chủ nghĩa và của Việt Nam? Đó cũng là sự cảnh tỉnh đối với chúng ta, những người cộng sản đã và đang thừa hưởng di sản tư tưởng vĩ đại của C. Mác, Ăngghen và V.I. Lênin.

Thứ hai, phải khẳng định, quan điểm “Đại hội XIII cần bỏ cụm từ “nền tảng tư tưởng”, cứ lý thuyết nào đúng thì theo” của các thế lực thù địch, cơ hội là âm mưu thâm độc, nếu chúng ta không nắm rõ bản chất chế độ chính trị Việt Nam và lịch sử dân tộc, rất dễ bị đánh lừa

Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động. Điều này được ghi trong văn kiện quan trọng của Đảng và Hiến pháp nước ta.

Vậy nếu bỏ cụm từ “nền tảng tư tưởng” nghĩa là thế nào và hâu quả ra sao? Từ bỏ “nền tảng tư tưởng” của Đảng có nghĩa là từ bỏ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phủ nhận toàn bộ những gì của học thuyết và tư tưởng này. Điều này cũng không khác với việc chúng yêu cầu chúng ta từ bỏ mục tiêu và định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, xoá bỏ vai trò cầm quyền, vai trò lãnh đạo của Đảng ta, từ đó, làm thay đổi bản chất của chế độ chính trị Việt Nam. Từ bỏ “nền tảng tư tưởng” cũng có nghĩa là chối bỏ thành tựu, công lao, và cả sự hi sinh của biết bao thế hệ xây đắp nên đất nước và chế độ của chúng ta, là đi ngược lịch sử và khát vọng của dân tộc? Đó là điều không thể chấp nhận.

Vậy còn quan điểm “cứ lý thuyết nào đúng thì theo” là thế nào? Bản thân quan điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch cũng đang cho thấy sự tự mâu thuẫn, phiến diện. “Lý thuyết nào đúng?”, thường được các thế lực thù địch viện dẫn và cho rằng, đó không gì khác ngoài mô hình, lý thuyết của chủ nghĩa tư bản như phải tam quyền phân lập trong tổ chức quyền lực nhà nước, phải đa nguyên đa đảng tham gia chính trường, phải giương cao ngọn cờ tự do, dân chủ, nhân quyền; phải thực hiện quyền biểu tình, lập hội và tổ chức dân sự,… Và họ cho rằng đó là chân lý, luôn đúng, nếu khác với lý thuyết và mô hình này thì hoàn toàn sai. Không hiếm những người vì thù hằn dân tộc trong lịch sử, thái độ thù địch,… nên họ phê phán, phỉ báng tất cả những gì những người cộng sản làm dù nó có lợi cho dân, cho nước.

Trong hành trình 30 năm tìm chân lý cứu nước, cứu dân, vào năm 1919, Nguyễn Ái Quốc khi đọc được Bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa do V. I. Lênin viết, Người đã khẳng định “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phòng chúng ta”. Đấy chính là chủ nghĩa Lê-nin. Trong cuốn sách Đường Kách mệnh, xuất bản năm 1927, Nguyễn Ái Quốc khẳng định dứt khoát: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(5). Kỳ thực, thứ gọi là học thuyết hay chủ nghĩa tư bản, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ nằm trong số “nhiều học thuyết và nhiều chủ nghĩa” ấy mà thôi, nhưng ngay từ những năm đầu bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Người đã trước sau như một kiên định đi theo chủ nghĩa Lênin (Chủ nghĩa Mác - Lênin). Thực tiễn hơn 90 năm Đảng lãnh đạo và hơn 75 năm lập quốc, Đảng ta vẫn kiên định lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và không ngừng bổ sung, phát triển nó. Tổng kết 30 năm đổi mới (1986 - 2016), trong 5 bài học kinh nghiệm được rút ra, bài học quan trọng đầu tiên được Đảng ta khẳng định: “Một là, trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh….”(6), và sau hơn 35 năm đổi mới (1986 - 2021), Đảng ta vẫn xem đây là bài học kinh nghiệm hàng đầu khi nhấn mạnh: “Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(7).

Như vậy, sự thật, đằng sau câu nói “cứ lý thuyết nào đúng thì theo” bản chất các thế lực phản động vẫn kỳ vọng chúng ta trở về với con đường tư bản chủ nghĩa, với cái gọi là tự do phương Tây và những mô hình mà chúng dựng và tô vẽ nên. Chúng ngây thơ khi kêu gọi chúng ta từ bỏ cái chúng ta ước mơ và đang xây dựng để trở về với cái mà chính dân tộc ta đã kiên quyết xoá bỏ ngay từ năm tháng trường kỳ kháng chiến, kiến quốc (từ năm 1945). Từ đây để thấy âm mưu thâm độc và trắng trợn của chúng. Với tất cả tính khoa học, nhân văn, nhân bản và là học thuyết mở, phát triển như thế, không có lí do gì chúng ta không kiên định và tiếp tục lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam, hướng đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa(8). Đó vẫn là lý thuyết chân chính nhất, cách mạng nhất và đúng đắn nhất.

NGUYỄN HỮU HOÀNG
Học viện Chính trị Khu vực II
Thành viên Ban Cố vấn CLB Lý luận trẻ tỉnh Bến Tre

(1) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2019), Kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, Nxb Lý luận chính trị, HN, tr. 53.

(2) C. Mác và Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, HN, tr.305.

(3) C. Mác và Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, t.18, Nxb Chính trị quốc gia, HN, tr.128.

(4) V.I. Lênin (1977), Toàn tập, t.36, Nxb Tiến bộ, HN, tr. 684.

(5) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 289.

(6) Đinh Thế Huynh và tập thể tác giả (2015), 30 năm đổi mới và phát triển, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, HN, tr. 344.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, HN, tr.95.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tr.57.

Tin khác
Tin tức

Tin tức

Thống kê truy cập
  • Đang online: 18
  • Hôm nay: 319
  • Trong tuần: 7 098
  • Tất cả: 41077