Dừa xiêm đỏ trên đất Tường Đa

          Tại Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ V - năm 2019, ông Nguyễn Minh Dũng (Hai Dũng), ở ấp Bình An, xã Tường Đa, huyện Châu Thành được UBND tỉnh trao tặng bằng khen đã đạt tiêu chí gia đình nông dân trồng dừa tiêu biểu. Ông là cá nhân duy nhất ở Tường Đa được tôn vinh danh hiệu “Nông dân trồng dừa giỏi”.

Ông Nguyễn Minh Dũng bên cây dừa xiêm đỏ Mã Lai.

          Tạo nguồn thu cao

          Hơn 10 năm trước, ông Hai Dũng sử dụng 6.000m2 đất ruộng trồng lúa, 4.000m2 đất vườn trồng nhãn. Dịch bệnh (chổi rồng) xuất hiện trên nhãn, sản lượng nông sản thấp, giá cả bấp bênh, ông chuyển sang trồng dừa xiêm đỏ Mã Lai. Đất ruộng, ông đắp mô cao, trồng dừa trước rồi lên liếp sau. Đối với đất vườn, ông đào lỗ trồng mà không cần vun mô.

          Ban đầu, ông trồng 250 cây dừa xiêm đỏ/ha, trồng xen thêm bưởi da xanh. Vài năm sau, nhận thấy nguồn thu bưởi không cao, ông đốn bỏ bưởi, trồng thêm 50 cây dừa xiêm đỏ. Trồng khoảng cách 6m/cây, trung bình 30 cây/công, ngay ngắn và đều đặn. Ông Hai Dũng chia sẻ: “Lúc trước, ở đây chỉ có 1 - 2 hộ trồng loại cây này. Tôi mua dừa khô của người dân, mang về tự ươm. 3 tháng sau, tôi đem đi trồng. Thổ nhưỡng phù hợp, sau 2 năm, cây ra lưỡi mèo. Năm sau, tôi có thể thu hoạch trái chiếng”.

          2 năm đầu thu hoạch, ông chỉ bán dừa khô cho người dân địa phương ươm giống. Trung bình 1,5 tháng, thu hoạch từ 3 - 3,2 ngàn trái (hơn 3 thiên dừa khô), bán giá 15 ngàn đồng/trái, thu nhập từ 45 - 50 triệu đồng/lứa. “Để dừa khô bán giống làm ảnh hưởng đến cây trồng (suy cây, trái nhỏ), năm thứ 3 trở đi, tôi chuyển sang bán dừa nạo (uống nước) cho thương lái và doanh nghiệp”, ông Hai Dũng nói.

          Hiện tại, từ 20 - 25 ngày, ông thu hoạch khoảng 3 ngàn trái/lứa; giá dao động từ 50 - 140 ngàn đồng/chục (bổ đồng 90 ngàn đồng/chục), thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng. Mỗi năm thu hoạch từ 15 - 16 lứa, mang về gần 400 triệu đồng.

          4 năm trước, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong đã bao tiêu đầu ra, ký kết hợp đồng với người trồng dừa xiêm đỏ, giá sàn 50 ngàn đồng/chục, tăng giá theo chiều thị trường tiêu thụ. Mỗi năm, ông Hai Dũng thỏa thuận với doanh nghiệp bán dừa trái. Ông chỉ chừa 2 - 3 lứa dừa khô, khoảng 3 - 4 ngàn trái để ươm giống, bán tại nhà, với giá 50 ngàn đồng/cây.

          Cây trồng dễ chăm sóc

         Theo ông Hai Dũng, dừa xiêm đỏ trồng không khó, thậm chí nhẹ công chăm sóc, tùy từng giai đoạn sử dụng phân, thuốc hợp lý. Dừa nhỏ (chưa thu hoạch), chủ yếu dùng Urê, lân, 1 lần/tháng. Dừa lớn (đã thu hoạch), chú trọng bón phân hạt như 20-20-15, 16-16-8; tháng rưỡi/lần, ½kg/gốc, rải đều, không cần xới đất xung quanh. Mùa mưa, hạn chế bón đạm, chú trọng phân dạng hạt (tổng hợp), để tăng vị ngọt cho trái. Đầu mùa mưa, cần rải vôi xám cho vườn dừa, bao 50kg/công. Mùa nắng, ngược lại, nhằm tăng sản lượng (đậu trái), khoảng 3 - 4 ngày, dùng máy tưới, xịt đọt, rửa cây sạch sẽ, giúp cây phát triển tốt. Cần lưu ý, theo dõi sâu bọ phá hại dừa xiêm đỏ (chủ yếu bọ vòi voi, làm xì mủ trái).

          Hàng năm, ông Hai Dũng sử dụng bùn bồi đắp vườn, giúp giữ ẩm, tạo nguồn đất cho cây phát triển; sử dụng tàu lá khô che, đậy xung quanh gốc. Khi cây mới có trái bị trật bẹ, dùng cây, dây thừng gia cố trái cho quày ổn định, giúp thu hoạch đạt hiệu quả. Theo ông, độ mặn 3 - 4‰, cây vẫn phát triển tốt, cao hơn sẽ gây đẹt trái, giảm chất lượng.

          Theo kinh nghiệm nhà nông, dừa xiêm đỏ Mã Lai cho trái sai quanh năm, vị ngọt, nguồn cung thiếu hụt so với thị trường tiêu thụ. Về lâu dài, cần xây dựng vùng sản xuất tập trung, tránh trồng theo kiểu tự phát, chạy theo thị trường sẽ ảnh hưởng giá về sau.

          Chủ tịch Hội Nông dân xã Tường Đa Trần Thị Thu Trang cho biết, ông Nguyễn Minh Dũng là nông dân cần cù lao động, nặng tình với cây dừa xiêm đỏ Mã Lai. Tại xã, dừa xiêm đỏ được xem là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, không ngừng phát triển, góp phần tạo sức bật cho kinh tế nông thôn.

Bài, ảnh: Lê Đệ

Báo Đồng Khởi