Giải Pháp Ngăn Chặn Sự Xâm Nhập Của Các Sản Phẩm Văn Hóa Độc Hại Gây Hủy Hoại Đạo Đức Xã Hội Trong Đoàn Viên Hiện Nay

Trong công tác giáo dục của Đoàn, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đạo đức lối sống cho tuổi trẻ. Đặc biệt là thực hiện Chỉ thị số 46 của Ban Bí thư TW Đảng khóa X về chống sự sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội và Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư TW Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Vì vậy mà việc nắm bắt tư tưởng và xu thế của thanh niên là vấn đề luôn được chúng tôi quan tâm. Liên quan đến vấn đề ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, tôi xin nêu một số vấn đề, cụ thể như sau:

Thời gian gần đầy, đã xuất hiện không ít hoạt động văn hóa - giải trí có yếu tố ngoại lai, nhiều chương trình biểu diễn có biểu hiện lai căng, trái với thuần phong mỹ tục dân tộc diễn ra, đánh thẳng vào thị hiếu của thế hệ trẻ nhằm lôi kéo dẫn tới mất phương hướng, quan niệm về nét đẹp văn hóa. Nhiều nét văn hóa phương Tây hiện nay nghiễm nhiên được thừa nhận trong xã hội và thậm chí còn được “tán dương, ủng hộ”. Đối với thanh niên Bến Tre, chúng tôi nhận thấy rằng nhu cần văn hóa của các bạn trẻ hiện nay rất lớn thông qua các kênh: internet, mạng xã  hội; sách, báo; chương trình truyền hình thực tế… Một mặt, giúp cho các bạn tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, giao lưu và có thể tìm ra những kho tri thức mới cho chính mình. Nhưng mặc khác nó lại có những tác động âm thầm, có những hậu quả len lỏi, lâu dài tích tụ vào ứng xử, lối sống, dần dần phá vỡ những hệ giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp khi những kênh thông tin đó luôn ẩn chứa nhiều nội dung tiêu cực.

Đối với mạng xã hội: Phần lớn thanh niên Bến Tre đều có sử dụng internet và mạng xã hội. Không thể phủ nhận sự tiện dụng của các thiết bị số trong thời đại hiện nay đem đến cho con người sự tiện dụng chưa từng thấy, chỉ vài động tác click chuột đơn giản là mọi thông tin đời sống xã hội, an ninh trật tự, văn hóa - nghệ thuật, thể thao… sẽ truyền tải ngay đến người dùng. Bên cạnh những mặt tích cực là vô vàn những nguy cơ tiềm ẩn những luồng tư tưởng, văn hóa xấu độc xâm nhập người trẻ. Những tài liệu, video, hình ảnh tuyên truyền xuyên tạc sai sự thật về Đảng và nhà nước và luồng tư tưởng của thế lực phản động, những văn hóa phẩm đồi trụy, thông tin về cuộc sống phương Tây, lối sống “ảo”, những trò chơi điện tử bạo lực thiếu tính giáo dục “trú ngụ” khắp nơi trong internet và sẵn sàng “bám” vào suy nghĩ của thế hệ trẻ biệt là sinh viên, học sinh. Chúng ta phải đối mặt với một thực tế: những nhân tố trên sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới suy nghĩ và hành động của thế hệ trẻ tỉnh nhà theo nhiều mức độ khác nhau.

Đối với việc đọc sách: Qua Dự án sách cho tương lai, các cuộc thi giới thiệu về sách do Tỉnh đoàn phát động, chúng tôi thấy rằng nhu cầu đọc sách của thanh niên tỉnh nhà ngày càng có xu hướng tăng nhanh, lan tỏa được văn hóa đọc trong giới trẻ và đang dần được phát huy. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nội dung một số sách hiện nay vẫn chưa đảm bảo chất lượng, một số sách định hướng về kỹ năng, tư duy và phong cách sống nhưng 1 vài dòng ẩn chứa một số tư tưởng mang chiều hướng tiêu cực dẫn dắt tư duy của giới trẻ có cách nhìn thiển cận về chính trị, xã hội của đất nước, bản thân các bạn trẻ khó có thể nhận ra và có thể lấy đó làm giá trị sống cho bản thân.

Đối với chương trình truyền hình thực tế, phim ảnh, sản phẩm âm nhạc: Hiện tại không khó để bắt gặp những bộ phim mang tính chất bạo lực trên các kênh truyền hình, những hình ảnh gần gũi quá mức, cảnh âu yếm của các nhân vật trong phim ngày càng trở thành hiện tượng câu khách; những sản phẩm âm nhạc lời hát không ý nghĩa hoặc dung tục vẫn được phát khắp nơi gắn với thị hiếu của giới trẻ là một trong những điều rất đáng lo ngại. Từ những lời hát, hành động, thái độ tiêu cực nhỏ trong phim ảnh cũng có thể dần hình thành ý thức và thái độ sống của các em. Làm cho một bộ phận giới trẻ xem thường các giá trị truyền thống văn hóa dẫn đến nhiều hệ lụy: Sống thử, ly hôn sớm, sống thiếu trách nhiệm, thích hưởng thụ…

Từ thực trạng trên, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xin nêu một số giải pháp trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 46 trong thời gian tới, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh thiếu nhi tỉnh nhà. Đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư TW Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Tăng cường hoạt động tuyên truyền trên mạng xã hội thông qua việc thực hiện cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” nhằm lan tỏa hình ảnh, câu chuyện đẹp đến thanh niên, xem đây là phương pháp mưa dầm thấm sâu, tác động tích cực đến nhận thức và tư tưởng của các bạn trẻ, lấy những thông tin tốt, chính thống để lấn át các thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội. Hệ thống Đoàn chủ động đánh giá, dự báo chính xác tình hình; chú trọng giải quyết thấu đáo các vấn đề bức xúc của người dân, đoàn viên, thanh niên; khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập, không để hình thành “điểm nóng”, những xu hướng (trend) tiêu cực trên mạng xã hội. 

Thứ hai: Đoàn các cấp trong tỉnh phát huy vai trò trong việc định hướng, giáo dục tư tưởng cho thanh niên trong việc tiếp cận với các sản phẩm văn hóa như phim ảnh, sản phẩm âm nhạc, các video... Đồng thời, chủ động chỉ ra những tiêu cực trong các sản phẩm văn hóa, hình thành nên lớp Thanh niên Đồng Khởi mới qua 4 giá trị “Yêu nước – Bản lĩnh – Hiếu thảo – Tình nguyện”, lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp của thanh niên, để thanh niên có đủ sức đề kháng trước những tiêu cực, tránh ảnh hưởng đến tâm lý của thanh niên. Chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi, gắn công tác giáo dục bài trừ văn hóa phẩm độc hại với tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, về nguồn tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa, tốt đẹp của dân tộc.  Giup đoàn viên, thanh niên có thêm lòng tự hào dân tộc, truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước, từ đó ra sức phấn đấu đóng góp sức trẻ cho sự phát triển của đất nước.

Thứ ba: Tiếp tục phát động văn hóa đọc trong thanh niên tuy nhiên sẽ có việc định hướng một số sách và tác giả phù hợp với giới trẻ. Thông qua các hình thức: thi giới thiệu sách, cảm nhận về sách… Thông qua việc trang bị những tủ sách cho học sinh, sinh viên, phát huy, triển khai có hiệu quả Dự án sách cho tương lai.

Thứ tư: Đề xuất cấp ủy cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đoàn viên, thanh niên và tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác trước những hành động chống phá của các thế lực phản động trong và ngoài nước, trước các quan điểm sai trái và văn hóa phẩm độc hại. Quan tâm phát động mỗi cán bộ, đảng viên tham gia mạng xã hội phải giữ vai trò là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và xem đây là giải pháp thường xuyên, lâu dài. Đề xuất tăng cường công tác tuyên truyền trực quan và phát huy hiệu quả các trang mạng xã hội của ngành chức năng tỉnh quản lý, xem đây là một kênh thông tin chính thức để chia sẻ, trao đổi thông tin của hệ thống chính trị tỉnh nhà.

Chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, kiểm duyệt kỹ các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh, quản lý chặt chẽ các sản phẩm văn hóa, sách báo triển khai trên địa bàn.

Tăng cường đầu tư đúng mức cho các thiết chế văn hóa tại các địa phương, đơn vị, nhất là các thiết chế văn hóa cho thanh niên, để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí lành mạnh của người dân và nhất là thanh niên trên địa bàn.

 Bên cạnh đó, thiết nghĩ mỗi đoàn viên, thanh niên cũng phải tự trang bị những kiến thức, kỹ năng cho chính mình. Các bạn không để bản thân mình bị dao động bởi những thông tin xấu, hãy bình tĩnh và xác minh thông tin kỹ càng trước khi tiếp nhận hoặc chia sẻ thông tin; hãy lấy những giá trị văn hóa đạo đức của ông bà làm kim chỉ nam cho hành động của bản thân. Đó là việc làm thiết thực nhất giúp chúng ta ngăn chặn được những sản phẩm văn hóa độc hại đang rình rập để tấn công người trẻ hàng ngày, hàng giờ. Muốn góp sức xây dựng và phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà, mỗi người trẻ phải tiên phong trên mọi lĩnh vực và đây là một lĩnh vực quan trọng đòi hỏi các bạn phải thực sự chủ động./.

Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn