Gương sáng giữa đời thường

Ông Trần Xuân Hoàng (Hai Hoàng), sinh năm 1966, ấp Thanh Bình, xã Tường Đa, huyện Châu Thành, thấm nhuần lời Bác dạy: “Mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước, dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng lại thành lợi to”. Với ông Hai Hoàng, đó là kim chỉ nam cho mọi hành động trong công tác hội, thực tiễn cuộc sống gia đình.

Ông Trần Xuân Hoàng chăm sóc đàn bò - nguồn kinh tế gia đình.

Cần cù lao động

Năm 1985, thanh niên Trần Xuân Hoàng hăng hái lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. 3 năm sau, ông hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương. Năm 1991, ông kết duyên cùng cô gái Bùi Thị Bông (sinh năm 1969, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú).

“Cuộc sống cơ cực, 3 tháng sau cưới, vợ chồng tôi mỗi người một nơi. Tôi ở quê, làm thuê sống qua ngày. Còn vợ lên thành phố làm công việc in lụa. Khoảng 1 năm sau, vợ chồng tôi đành lòng bán đi đôi bông cưới (1 chỉ vàng) để làm vốn cho tôi mua bán gà, vịt”, ông Hoàng nhớ lại.

Đến năm 1995, vợ đi làm xa, ở nhà, ông Hai Hoàng nuôi giữ con cùng công việc mua bán gà, vịt. Ông làm cha gánh luôn phần làm mẹ. Ông kể: Tôi gắn bó công việc này hơn 10 năm. Mỗi ngày, trên chiếc xe đạp đòn dông cũ kỹ được gia cố bằng cây sắt, một tay lái xe, một tay cầm dù che, ẵm con. Mọi người thường ghẹo sao giống hoàn cảnh “Phạm Công, Cúc Hoa” quá đỗi. Những giọt mồ hôi nhọc nhằn đã nuôi nấng con khôn lớn, tạo dựng cuộc sống gia đình.

Trong mua bán, ông luôn tâm niệm thật thà, nghĩa tình là trên hết. Khi bà con có nhu cầu bán gà, vịt, ông sẵn lòng đến tận nơi trao đổi, thuận mua vừa bán, không làm ảnh hưởng đến giá trị, trọng lượng vật nuôi khi giao dịch chưa thành công. Thậm chí, trời mưa, đường trơn hay ngập lụt, ông vẫn tay xách nách mang con với công việc mưu sinh. Chữ tình, niềm tin được ông gói trọn thành yêu thương.

Những năm dịch bệnh H5N1 hoành hành, ông nghỉ mua bán gia cầm, chuyển sang làm vườn, nuôi bò. Hiện tại, ông canh tác được 5 công dừa, chăn nuôi 10 con bò và 1 nghé con. Ngoài ra, ông đã gắn bó gần 10 năm với nghề ươm dừa giống, thường xuyên xuất bán (cách ngày/lần), chủ yếu ươm để canh tác, hỗ trợ bà con địa phương trồng trọt, giá cả luôn bình ổn và thấp hơn thị trường.

Hàng năm, ông thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng từ nhiều nguồn sản xuất nông nghiệp. Để được thành quả, ông đã trải qua bao khó khăn, vất vả, nhiều công việc khác nhau. “Gia đình là động lực cho tôi phấn đấu. Vợ chồng đồng thuận tạo lập cuộc sống. Con cái hiếu thảo, chăm ngoan. Còn sức khỏe, vợ chồng còn cố gắng, dành dụm cho mai này. Ý chí cách mạng, tinh thần thép của Bộ đội Cụ Hồ giúp tôi vượt qua tất cả”, ông Hai Hoàng cho biết.

Gương mẫu, nhiệt tình công tác

Năm 2015, Hai Hoàng bắt đầu tham gia công tác Hội Cựu chiến binh (CCB). Tháng 6-2020, ông giữ chức Chi hội phó Chi hội CCB ấp Thanh Bình. Ông bộc bạch: “Trước đó, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, cần tập trung phát triển kinh tế. Khi ổn định cuộc sống, tôi yên tâm tham gia công tác tại địa phương, góp công sức giúp quê hương đổi mới”.

Qua 6 năm công tác, ông luôn tích cực tham gia, đóng góp cho Quỹ Nghĩa tình đồng đội trong các chi hội CCB quê hương Tường Đa, với số tiền 38 triệu đồng. Riêng Chi hội CCB Thanh Bình, ông giữ vai trò nòng cót trong phong trào xây dựng Quỹ Nghĩa tình đồng đội, hỗ trợ hội viên với tiêu chí “Trọn nghĩa vẹn tình, cùng nhau phát triển”. Hiện tại, nguồn quỹ của chi hội 41,5 triệu đồng, dùng hỗ trợ cho hội viên gặp khó khăn đột xuất, giúp vốn phát triển kinh tế gia đình. Cơ bản, sau 6 tháng sẽ hoàn vốn. Tùy mục đích và nhu cầu thực tiễn, chi hội xem xét sẽ hỗ trợ từ 2 - 10 triệu đồng/hội viên (năm 2020, hỗ trợ 27 triệu đồng/4 hội viên).

Đôi lúc, nguồn quỹ còn ít, nhu cầu cần hỗ trợ vượt xa, ông Hai Hoàng đã trích quỹ gia đình để hỗ trợ hội viên. Trường hợp hội viên vay vốn ngân hàng, đến kỳ hạn trả nợ nhưng không đủ khả năng, ông sẵn lòng cho mượn không lãi suất đến khi đủ khả năng hoàn trả. Mỗi năm, ông đều tổng kết, kê khai tài chính Quỹ Nghĩa tình đồng đội, lập bảng tính rõ ràng, gửi đến hội viên, tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong chi hội.

Trong an sinh xã hội, xây dựng nông thôn, ông hăng hái tham gia, nhiệt tình hưởng ứng phong trào. Điển hình, hỗ trợ hộ cận nghèo 1 con bò sinh sản, trị giá 20 triệu đồng, thoát nghèo và đã hoàn trả vốn. Hay giúp đỡ hộ nghèo xây dựng hố xí tự hoại (5 triệu đồng)… Ông tiên phong trên mọi mặt trận bằng tinh thần cách mạng, không ngại khó, ngại khổ: dọn dẹp cảnh quan môi trường các tuyến đường liên ấp, treo cờ Tổ quốc những ngày quan trọng, sẵn sàng hỗ trợ chi hội bạn hoặc địa phương nhờ giúp đỡ (dựng cột cờ đa năng, lắp bóng đèn tuyến đường ánh sáng an ninh).

Tại địa phương, ông Hai Hoàng cùng đội dân phòng tham gia tuần tra 2 - 4 lần/tuần, xoay ca từ 19 - 22 giờ hay từ 22 - 3 giờ sáng hoặc nhiệm vụ đột xuất. “Có lần đội phát hiện người dân đi bộ dẫn xe, tôi hỏi han và biết sự tình: xe hết xăng, điện thoại gia đình không được. Vậy là, tôi chạy về nhà mang xăng đến giúp”, ông Hai Hoàng thuật lại.

Chủ tịch Hội CCB xã Tường Đa Nguyễn Anh Chiến cho biết: Đồng chí Trần Xuân Hoàng luôn gương mẫu trong công tác hội, công tác xã hội tại địa phương. Đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nỗ lực, phấn đấu để phát triển kinh tế gia đình. Tấm gương điển hình trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của đồng chí lan tỏa trong cộng đồng.

Ghi nhận những cống hiến cho xã hội, ông Trần Xuân Hoàng được lãnh đạo các cấp, ban, ngành, đoàn thể tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Ba vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế vẻ vang tại Campuchia (năm 1996); UBND tỉnh tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng xã Tường Đa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Châu Thành tặng giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2016 - 2019). Năm 2017, ông Trần Xuân Hoàng được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong lao động, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương năm 2015 - 2016.

Bài, ảnh: Lê Đệ

Báo Đồng Khởi