Khởi nghiệp từ mô hình nuôi lươn của anh Bùi Thanh Nam – Gương tiêu biểu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp xã Sơn Định

Trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện Chợ Lách nói chung, xã Sơn Định nói riêng, ngày càng có thêm nhiều gương tiêu biểu trong phong trào Đồng khởi khởi nghiệp. Điển hình của xã Sơn Định là anh Bùi Thành Nam ở ấp Sơn Lân, xã Sơn Định với mô hình nuôi lươn trong hồ nhân tạo.

Hiện nay anh Nam đang làm nhân viên bán hàng của cửa hàng Viettel tại Chợ Lách, mặc dù công việc khá bận rộn, phải thường xuyên đi bán hàng, nhưng vẫn rất tích cực tham gia các phong trào phát động tại địa phương, sau khi thấy các mô hình phát triển kinh tế từ phong trào Đồng khởi khởi nghiệp, anh đã lên kế hoạch từ năm 2018. Sau một thời gian chuẩn bị kinh phí và các điều kiện cần để thực hiện mô hình, đầu năm 2019 anh quyết định thực hiện mô hình nuôi lươn trong hồ hhân tạo.

Ảnh: anh Bùi Thanh Nam

Thả lứa đầu tiên do chưa có kinh nghiệm nên lươn giống bị chết sau hơn 1 tháng nuôi. Không nản chí anh Nam vẫn quyết tâm đầu tư nuôi tiếp, nhưng lần này anh vào tận Vĩnh Long học tập kinh nghiệm và chọn con giống đưa về nuôi...Sau đó anh Nam thả 10.000 con giống với giá 3.000 đồng/con, gồm 06 hồ. Anh đã tận dụng chất thải của lươn để nuôi cá. Một tháng với 06 hồ lươn,anh mất 02 bao thức ăn tốn 1.000.000 đồng. Nuôi khoảng 6 đến 8 tháng anh xuất 01 đợt. Giá bán khoảng 190.000 đồng/kg, 01 kí khoảng 5 đến 6 con. Sau một thời gian, mô hình nuôi lươn trong hồ nhân tạo của anh Nam đã thành công. Theo tính toán của anh Nam với 10.000 con giống, sau 6 tháng chăm sóc, với giá bán 190.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí cũng lãi gần 200 triệu đồng.

Để lươn nuôi đạt tỷ lệ sống cao, ít hao hụt, anh Nam cho lươn ăn chủ yếu là cá biển (70%), thức ăn viên (30%). Ngoài ra, anh còn sử dụng men tiêu hóa Bio, vitamin C, khoáng Premix, nhằm giúp lươn tiêu hóa tốt thức ăn, tăng sức đề kháng và giảm bệnh. Mỗi ngày anh  cho lươn ăn 2 lần vào lúc sáng sớm và chiều mát. Để quản lý tốt chất lượng nước trong bể, phòng tránh lươn nhiễm bệnh, anh thường xuyên thay nước đã qua xử lý, lắng lọc, diệt khuẩn, 2 - 3 ngày tiến hành một lần, mỗi lần thay từ 70 - 100% lượng nước trong bể. Bên cạnh đó, anh dùng chế phẩm sinh học Zeo xử lý môi trường trong bể nuôi làm phân giải thức ăn thừa khi không có điều kiện thay nước, giảm khí độc, giúp môi trường nuôi sạch hơn, nguồn nước thải ra giảm ô nhiễm.

Anh Nam cho biết thêm: “ nuôi lươn trong bể nhân tạo khá đơn giản, bể nuôi có diện tích từ 10 - 30 mét vuông, dưới đáy bể có ống thoát nước, trên có gắn đường nước vào để thuận lợi cho việc thay nước. Nhiều hộ gia đình đã tận dụng chuồng nuôi lợn không sử dụng, hoặc ao đất lót bạt một góc vườn để nuôi lươn, mực nước trong bể từ 20 - 25cm. Để lươn có chỗ trú ẩn, trong bể đặt vỉ tre đan hoặc túi ni lông. Hàng ngày, vào mỗi buổi sáng thay toàn bộ nước để lươn có môi trường sống sạch. Muốn lươn nhanh lớn và có tỷ lệ sống cao, khâu quan trọng nhất là phải bảo đảm nguồn con giống có xuất xứ rõ ràng, không xây xát, kích cỡ đồng đều. Tiếp đến, nguồn nước nuôi phải sạch, nếu nước bẩn lươn dễ bị mắc bệnh và chết”.

Thành công của anh Bùi Thành Nam không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, khích lệ tinh thần ham học hỏi đối với nhiều người dân trong xã; góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Anh Nam chia sẻ: "Nuôi lươn vốn đầu tư không cao, tận dụng tối ưu diện tích quanh vườn, nên thời gian tới gia đình tôi sẽ mở rộng quy mô lên 8 bể nuôi. Thanh niên hay bất cứ người dân nào trong và ngoài xã có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn, tôi sẵn sàng hỗ trợ".

Huyện Đoàn Chợ Lách