Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng hiện nay

Trong thời gian qua, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến an ninh quốc gia của Việt Nam. Mặt khác, dịch bệnh Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đưa không gian mạng trở thành “cầu nối” quan trọng trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, không gian mạng đang được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để tiến hành các hoạt động phá Đảng và Nhà nước ta.
Các hoạt động chống phá

Trong năm 2021, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an tiếp tục phát hiện các thế lực thù địch, đối tượng chống đối trong và ngoài nước không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá. Chúng tạo lập, điều hành trên 1.000 mục tiêu trọng điểm (gồm 40 trang mạng, hơn 1000 tài khoản, fanpage, nhóm Facebook và 70 kênh Youtube) đăng tải hơn 2,3 triệu tin, bài viết gốc nhằm mục đích tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động biểu tình, gây rối an ninh trật tự; qua đó, đã thu hút hơn 90 triệu lượt tương tác, tán phát của người dùng trên không gian mạng. Đặc biệt, trong năm qua, số mục tiêu, bài viết mà các đối tượng kêu gọi người dân tập trung đông người, tập hợp về quê tránh dịch Covid-19 gia tăng đột biến, với hơn 800 tin, bài; trong số đó, xảy ra khoảng 300 vụ trên thực tế.

Nội dung mà các đối tượng phản động hướng đến là tìm cách xuyên tạc, bóp méo sự thật, chống phá quan điểm, đường lối của Đảng và những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; chúng tập trung vào các vấn đề chủ yếu như: công tác nhân sự Đại hội Đảng XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; xuyên tạc, bóp méo tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch Covid-19; lợi dụng những “điểm nóng” để kích động nhân dân chống đối lại những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước… Một số đối tượng cơ hội chính trị còn lên tiếng vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, chúng rêu rao việc Việt Nam thực hiện cách ly hay giãn cách xã hội là vi phạm Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp quốc…

Các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới (Facebook, Youtube, Tiktok, Twitter...) đã và đang là môi trường thuận lợi để các đối tượng thực hiện hoạt động tuyên truyền, phá hoại tư tưởng. Để tăng sự tương tác, tiếp cận thông tin, các đối tượng đầu tư, nâng cấp kênh Youtube, hệ thống fanpage trên Facebook nhằm chuyên biệt hóa việc tuyên truyền, thậm chí trả tiền quảng cáo cho các mạng xã hội; sử dụng tên, hình ảnh của các mục tiêu, hội nhóm theo các sự kiện chính trị, vấn đề phức tạp, tình hình nóng hoặc các đồng chí lãnh đạo cấp cao để thu hút dư luận. Thông tin phát tán được pha trộn “thật - giả”, khi có thời cơ liên kết tổ chức “chiến dịch truyền thông”, “phong trào phản đối” trên mạng nhằm vào những chủ trương, chính sách của Nhà nước và các địa phương. Thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện hơn 800 “hội nhóm” phức tạp liên quan đến an ninh quốc gia trên Facebook, trong đó có 165 hội nhóm chống đối, phản động. Ngoài ra, các thế lực thù địch tìm cách thâm nhập vào những nhóm kín - nhóm công khai, cộng đồng mạng xã hội để thao túng, hướng lái đường hướng hoạt động hoặc tạo dựng các “trào lưu mạng xã hội” để tự hình thành các “phong trào”, hội nhóm thu hút, tạo lực lượng chống phá nhà nước.

Dự báo trong thời gian tới, các thế lực thù địch, các tổ chức khủng bố, phản động lưu vong (điển hình là: “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Triều Đại Việt”…) tiếp tục chuyển hoạt động từ “bạo lực vũ trang” sang phương thức “đấu tranh bất bạo động”, tăng cường liên kết trong - ngoài, đẩy mạnh việc sử dụng không gian mạng, nhất là mạng xã hội để tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, phát triển lực lượng, nhen nhóm hình thành và công khai hóa các tổ chức chính trị đối lập; đồng thời, lợi dụng các vấn đề chính trị, tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền nhằm kích động biểu tình, bạo loạn khi có thời cơ. Đây là những thủ đoạn hết sức tinh vi và nguy hiểm nên không thể xem nhẹ và phải được ngăn chặn, vô hiệu hóa kịp thời.

Kiên quyết đấu tranh với các hoạt động chống phá

Đảng ta luôn xác định, cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch thực chất là cuộc đấu tranh giữa hai ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa; là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp và diễn ra ngày càng quyết liệt.

Để ứng phó với sự chống phá tinh vi, quyết liệt của các thế lực thù địch trên không gian mạng, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Nâng cao năng lực xử lý thông tin, dự báo, tham mưu chiến lược, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm; ngăn chặn âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, khủng bố, phá hoại, không để hình thành các tổ chức chính trị trong nước, không để bị động trong mọi tình huống”.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, để phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng của các thế lực thù địch, trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tập trung công tác nắm tình hình trên không gian mạng, triển khai thực hiện đấu tranh, ngăn chặn, xử lý, làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, số đối tượng phản động chống đối tán phát thông tin xấu độc, chống Đảng, Nhà nước, công kích các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động biểu tình, gây rối an ninh trật tự. Kịp thời xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng tung tin sai sự thật, chống phá liên quan các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, nhất là tình hình liên quan đến dịch bệnh Covid-19, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm được dư luận xã hội quan tâm. Ngoài hệ thống Website, Facebook, Youtube, cần chú ý nắm tình hình trên mạng xã hội Instagram, Twitter, Telegram, Zalo,...

Thứ hai, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý hoạt động đưa tin có nội dung xấu, phức tạp của báo chí điện tử, của dư luận viên... tránh để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá; ngăn chặn lộ lọt bí mật Nhà nước trên không gian mạng.

Thứ ba, bám sát sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 các cấp và đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan truyền thông trong tuyên truyền, đấu tranh xử lý đối tượng và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, công kích lãnh đạo Đảng, Nhà nước; định hướng tuyên truyền về các sự kiện kinh tế, chính trị, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc xử lý đối tượng vi phạm pháp luật và đấu tranh phản bác các thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, không để phát sinh thành điểm nóng.

Thứ tư, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin; trang bị, đầu tư các phương tiện kỹ thuật, công cụ rà quét tìm kiếm thông tin xấu độc; tập huấn, đào tạo chuyên sâu; trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ, kỹ năng tác chiến trên không gian mạng. Quản lý và sử dụng hiệu quả các trang, tài khoản mạng xã hội phục vụ công tác đấu tranh phản bác, lan tỏa các bài viết tích cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.

Hiện nay, mạng xã hội đang trở thành không gian chủ yếu diễn ra cuộc đấu tranh của chúng ta với các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước, vì vậy bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Sưu tầm