Sách cho tương lai với Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2020

          Dự án “Sách cho tương lai” được thành lập từ tháng 4/2016 do Tỉnh đoàn Bến Tre làm nòng cốt tham gia Ban Điều hành với mục đích thực hiện chuyên các hoạt động trang bị sách hay, khuyến đọc, bồi dưỡng tri thức, tâm hồn, trang bị kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi Bến Tre. Vào tháng 11/2020, Dự án vinh dự được nhận Giải thưởng tình nguyện quốc gia do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

          Nhân dịp đầu Xuân 2021, Ban Biên tập có dịp phỏng vấn chị Lâm Như Quỳnh - Thành viên thường trực Ban Điều hành Dự án “Sách cho tương lai”. Xin mời quý đọc giả cùng theo dõi!

          Câu 1. Xin chị cho biết vì sao Dự án có tên là “Sách cho tương lai” và hoạt động chủ yếu của Dự án là gì?

          Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định Bến Tre đang tụt hậu về kinh tế trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Tỉnh ủy mong muốn tuổi trẻ phải hành động để đẩy lùi tụt hậu. Khi đó, Tỉnh đoàn Bến Tre xác định tham gia 02 nhiệm vụ chính: khởi nghiệp và khuyến đọc. Khởi nghiệp để làm giàu, thoát nghèo và khuyến đọc để tuổi trẻ Bến Tre có “cái đầu” thực chất khi “bước ra khỏi Cầu Rạch Miễu” với khát vọng sánh vai đưa Bến Tre thoát khỏi tụt hậu. Đó chính là tương lai mà Dự án mong muốn và chúng tôi chọn đặt tên cho Dự án là “Sách cho tương lai”.

          Hàng năm, Ban Điều hành Dự án xây dựng kế hoạch hoạt động, căn cứ vào đó vận động kinh phí trang bị sách, tổ chức các hoạt động khuyến đọc, kết nối với các tổ chức, cá nhân làm khuyến đọc ngoài tỉnh đem hoạt động và nguồn lực về cho thanh  thiếu nhi Bến Tre.

          Nội dung chủ yếu của Dự án là (1) Trang bị sách văn học hay, kỹ năng sống, khoa học cho các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh; (2) Phối hợp và kết nối các Dự án về sách, thư viện ngoài tỉnh để mang sách hay và thư viện theo kiểu mới, sáng tạo về Bến Tre; (3) Tổ chức các hoạt động khuyến đọc: Ngày hội đọc sách, Thi cảm nhận sách, Thi thư viện đẹp - năng động, Chương trình giáo dục kỹ năng sống và kỹ năng đọc sách; (4) Phát động phong trào làm “Tủ/kệ sách tương lai” tại lớp học; (5) Phối hợp ngành giáo dục bố trí 1 tiết sinh hoạt Đội dành cho đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa của học sinh.

Dự án Sách cho tương lai nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2020

          Câu 2. Chị có thể cho biết thêm một số kết quả của Dự án từ năm 2016 đến nay và theo chị điểm khác biệt giữa Dự án với các Dự án về sách và khuyến đọc khác là gì?

          Từ năm 2016 đến nay, Dự án đã vận động trang bị 214 tủ sách văn học hay, khoa học, kỹ năng sống cho 214/369 trường các cấp trong tỉnh, kinh phí 2,16 tỷ đồng; tổ chức 24 chương trình kết hợp giáo dục kỹ năng sống và Ngày hội sách cho hơn 12.000 học sinh, sinh viên; tổ chức 2 Cuộc thi cảm nhận sách, 01 cuộc thi Thư viện Đẹp – Năng động do Tập đoàn Yeah1 tài trợ… Trong đó, năm 2020 đã vận động trang bị được 47 tủ sách, kinh phí hơn 580 triệu đồng; tổ chức 9 chương trình kết hợp giáo dục kỹ năng sống và Ngày hội sách cho hơn 4.800 học sinh trong tỉnh; tổ chức 2 Cuộc thi cảm nhận sách trên trang Fanpage Sách cho tương lai (có 2.881 bài cảm nhận tham gia); phối hợp vận động trang bị 3 Thư viện ước mơ do Dự án Thư viện ước mơ hỗ trợ; triển khai mô hình Tủ sách tương lai ở các lớp học bằng cách vận động học sinh dùng bàn ghế cũ đóng thành kệ sách đặt tại lớp, khuyến khích học sinh, giáo viên, cựu học sinh quyên góp sách bổ sung cho kệ sách ngoài nguồn sách đã được Dự án trang bị cho các trường.

          Hiện tại, các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên của tỉnh đang hưởng ứng tích cực hoạt động của Dự án. Huyện Thạnh Phú là huyện được Dự án chọn làm điểm triển khai đầu tiên, hiện tại chất lượng khuyến đọc và tham gia các phong trào phát triển văn hóa đọc của Thạnh Phú nằm trong top đầu của tỉnh.

          Điểm khác so với các Dự án về sách và khuyến đọc khác là: hoạt động chính trên địa bàn tỉnh Bến Tre; tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống gắn với hướng dẫn kỹ năng đọc sách; định hướng cho thanh thiếu nhi Bến Tre đọc sách không chỉ vì bản thân mà còn vì mục tiêu vươn lên phát triển của quê hương, từ đó tạo động lực để rèn luyện thói quen đọc (việc cần sự kiên trì và quyết tâm cao của từng cá nhân mà không ai có thể làm thay được); vận động học sinh, sinh viên thiết kế tủ sách ở lớp học từ bàn ghế cũ vừa phát huy sáng tạo, vừa thu hút chú ý, vừa gắn quyên góp sách với mục tiêu mang sách đến cho người đọc. Hoạt động gắn chặt với phong trào Đoàn, Đội của Tỉnh đoàn nên các chương trình, nội dung hoạt động đến được với học sinh, sinh viên nhanh chóng, trên diện rộng toàn tỉnh.

          Câu 3. Theo Ban Điều hành thì qua 4 năm thực hiện có những kinh nghiệm gì cần lưu ý và thời gian tới Dự án sẽ tập trung cho những hoạt động nào khác để bắt kịp nhu cầu của thanh thiếu nhi Bến Tre?

          Kinh nghiệm thứ nhất là, đa số thiếu nhi đều rất thích sách và đọc sách khi còn nhỏ.

          Chúng tôi nhận thấy việc đó qua các hoạt động khuyến đọc cho học sinh mầm non và tiểu học. Vậy tại sao khi lớn lên thì các em ham đọc lại ít đi? Nguyên nhân chính là khi các em có nhu cầu nhưng không có nguồn sách hay để đọc và không được hướng dẫn cách duy trì thói quen đọc sách. Chính vì vậy mà Dự án sẽ tiếp tục thực hiện việc cung cấp sách hay, mới, phát động quyên góp sách trong giáo viên, phụ huynh, học sinh để làm phong phú thêm nguồn sách cho thanh thiếu nhi. Tổ chức thường xuyên các Đường Sách Xứ Dừa (lần đầu tiên dự kiến tổ chức từ Mùng 6 Tết đến 11/1 Âm Lịch) để đưa nguồn sách về cho Bến Tre; đồng thời phối hợp đào tạo đại sứ văn hóa đọc cho tỉnh với nòng cốt là giáo viên thư viện, cán bộ Đoàn – Đội, thông qua họ hướng dẫn việc đọc chuyên nghiệp, hấp dẫn hơn.

          Kinh nghiệm thứ hai là, tạo thói quen đọc sách cho người trẻ không thể làm một ngày một bữa hoặc chỉ bằng tổ chức Ngày hội sách 1 lần/năm. Đây là vấn đề lớn mà nhiều phụ huynh, giáo viên, cán bộ Đoàn – Đội chưa thật sự nhận thấy. Các em “nghiện” xem điện thoại, chơi game là do mỗi ngày đều cầm điện thoại lên tay, mỗi ngày đều thực hành chơi game mới tạo thành phản xạ thói quen thì trong khuyến đọc cũng phải làm như vậy. Do đó, trong thời gian qua Dự án phối hợp Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức rèn luyện thói quen cho học sinh bằng cách thí điểm việc phát động thử thách đọc sách mỗi ngày (ít nhất là 5 phút), đưa sách đến tận lớp học, bố trí không gian thư viện xanh, bố trí tiết đọc sách vào thời khóa biểu… Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục kiên nhẫn hoạt động nhằm tạo được thói quen đọc sách cho tuổi trẻ vì thông thường muốn có thói quen đọc sách cần mỗi ngày siêng đọc đều đặn trong ít nhất là 02 năm. Bởi vì chỉ cần có thói quen đọc sách thì khi đi học, đi làm, người trẻ Bến Tre sẽ chủ động đọc, nghiên cứu, có kỹ năng đọc nhanh, đọc lướt,.. giúp họ tăng khả năng tự học chính là giúp có thêm nhiều cơ hội thành công.

         Kinh nghiệm thứ 3 là, khi triển khai khuyến đọc cần kiên trì, thường xuyên và có tính liên kết để đem lại hiệu quả tốt nhất, đồng thời tiếp tục vận hành Dự án hoạt động mở, sẵn sàng kết nối với tất cả dự án, chương trình khác về thư viện, khuyến đọc ngoài tỉnh để đem mô hình thư viện mới, sáng tạo, sách hay về cho tuổi trẻ Bến Tre. Trong thời gian tới, các chương trình hoạt động của Dự án tập trung gồm: giới thiệu và khuyến đọc những sách hay do lãnh đạo tỉnh Bến Tre mong muốn tuổi trẻ tỉnh nhà tìm đọc; tổ chức Đường Sách Xứ Dừa, các cuộc thi cảm nhận sách, vẽ tranh theo sách; phối hợp phát huy các đại sứ văn hóa đọc của tỉnh giúp lan tỏa ý thức đọc sách nhiều hơn cho tuổi trẻ Bến Tre…

        Ban Điều hành Dự án mong rằng với những hoạt động nhỏ của mình sẽ góp phần cùng Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh tăng hiệu quả giáo dục cho thanh thiếu nhi. Chúng tôi cũng rất mong nhận được sự đồng hành của tất cả cán bộ Đoàn – Hội – Đội, ngành giáo dục, các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh cho hoạt động về sách và khuyến đọc của tỉnh Bến Tre.

Trân trọng cảm ơn chị!

BAN ĐIỀU HÀNH DỰ ÁN SÁCH CHO TƯƠNG LAI