“TÂM”, “TẦM” VÀ TRÁCH NHIỆM

          Đức và Tài, Tâm, Tầm và Trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ giữ vai trò lãnh đạo, quản lý là những vấn đề lớn, luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, vì nó liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng, của cách mạng và vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Người nói: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Vì vậy, để đưa cách mạng đến thắng lợi, cần phải có một đội ngũ cán bộ cách mạng hội tụ đủ cả Tài và Đức, “vừa hồng, vừa chuyên”, phải có Tâm sáng, đủ Tầm và Trách nhiệm cao trong thực thi công vụ.

          Chữ “Tâm” ở đây gần nghĩa với chữ “Đức”, tức đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên - đó là đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là tận trung với Đảng, với Tổ quốc, tận hiếu với nhân dân, suốt đời phụng sự nhân dân. “Tâm” của cán bộ, đàng viên còn là lòng nhiệt tình, là những khát vọng hướng tới “chân, thiện, mỹ”, luôn cố gắng rèn luyện bản thân để hoàn thành nhiệm vụ được giao; có tinh thần sẵn sàng nhường bước, ủng hộ những người tài năng hơn mình để họ ra gánh vác việc nước, việc dân. “Tâm” của cán bộ, đàng viên được thể hiện ở sự trong sáng về lối sống, thành thật, trung thực trong làm việc, không cơ hội, vụ lợi, biết hy sinh lợi ích cá nhân để phục tùng lợi ích tập thể, lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân; khiêm tốn học hỏi, thực sự cầu thị; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, tương thân, tương ái lẫn nhau.

          Khi người lãnh đạo, cán bộ, đảng viên có tâm trong sáng thì sẽ biết làm những việc có lợi cho Đảng, cho dân, biết tránh những thói hư tật xấu làm phương hại đến lợi ích của Đảng, quyền lợi chính đáng của nhân dân như Bác Hồ đã khuyên dạy: “điều gì có lợi cho Đảng, cho dân, dù nhỏ cũng phải làm; điều gì có hại cho Đảng, cho dân, dù nhỏ cũng phải tránh”.

          Thực tiễn đã qua cho thấy, nhờ có tâm trong sáng làm gốc mà nhiều cán bộ, đảng viên đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, phê phán, khinh bỉ, căm ghét cái ác, cái xấu, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ do Đảng và Nhân dân giao phó. Đó là thể hiện sự thống nhất giữa động cơ và hành vi trong thực tiễn ở người cán bộ cách mạng do có tâm trong sáng. Vì vậy, cái “Tâm” chính là gốc thiện, là phẩm giá, là lương tâm của con người. Lương tâm, như nhà triết học Hy Lạp cổ đại Đêmôcrit nói - đó chính là sự hổ thẹn với bản thân mình khi có ý nghĩ hay việc làm sai trái. Do đó, người có tâm sáng thì khi thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Có như vậy, chữ “Đức”, chữ “Tâm” mới có ý nghĩa đầy đủ.

          Ở người cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo trong giai đoạn hiện nay, “Tâm” phải đi đôi với “Tầm”“Tầm” của người cán bộ, đảng viên trước hết thể hiện ở trình độ, năng lực của họ trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đó là khả năng nhìn xa, trông rộng, kỹ năng hoạt động thực tiễn, kỹ năng và hiệu quả thực hành các công việc được giao. Người lãnh đạo có tầm phải hiểu rõ hiện tại, dự đoán được tương lai để đưa ra những quyết sách đúng đắn, không vì cái lợi trước mắt mà làm cho lợi ích lâu dài bị mai một, kém hiệu quả. Dù hoạt động trên lĩnh vực nào thì người có “Tài”, có “Tầm” phải là người có sự hiểu biết thấu đáo và thực hành thành thạo các công việc mà mình đảm nhiệm. Họ luôn phấn đấu để trở thành một người có năng lực mà không kiêu căng, ngạo mạn, là tấm gương tốt trong các hành vi, ứng xử của mình. Mặt khác, họ còn là một người giàu lòng vị tha, luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm với những gì mình gây ra hoặc liên quan đến trách nhiệm của mình mà không đổ lỗi cho người khác, cho cấp dưới. Ngược lại, người gọi là có “Tầm” nhưng chỉ biết lo lợi ích riêng của mình thì họ không những là kẻ vô dụng mà còn có hại cho xã hội.

          “Đức”“Tài”, “Tâm”“Tầm” của người cán bộ, đảng viên trong Tư tưởng Hồ Chí Minh là hai mặt không tách rời nhau, là cơ sở, tiền đề của nhau, thúc đẩy lẫn nhau để hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách người cán bộ cách mạng. Trong mối quan hệ đó thì đức là "gốc”, là nền tảng của tài. Đức định hướng lý tưởng, hành động vươn tới cái tài; còn tài là sự thể hiện của đức trong việc phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Có tài mới phát huy được đức, làm cho đức càng cao, càng lớn hơn. Không có tài thì mọi lý tưởng, hoài bão, khát vọng tốt đẹp cũng khó trở thành hiện thực. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, người cán bộ có năng lực nhưng không có đạo đức, rơi vào chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng thì năng lực đó không thể dùng được, thậm chí còn có hại cho Tổ quốc, cho nhân dân. Ngược lại, những người có đạo đức nhưng kém năng lực, tuy không có hại cho ai, nhưng chẳng giúp gì cho nước, cho dân.

          Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đối với người cán bộ cách mạng, hai mặt Đức và Tài, Phẩm chất và Năng lực, không thể thiếu mặt nào, cũng không thể coi nhẹ mặt nào. Đây là yêu cầu cần có đối với cán bộ, đảng viên hiện nay, nhất là những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành. Cương vị càng cao càng đòi hỏi cái tâm lớn, cái tầm rộng. Song, cái tâm lớn, cái tầm rộng đó của người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải được thể hiện bằng hành động trong thực tiễn, tức phải có tinh thần trách nhiệm cao với công việc được giao. Nếu không hoặc thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, không phục tùng chủ trương, nghị quyết của Đảng thì hậu quả khôn lường.

          Theo Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên có ba trách nhiệm cơ bản: trước Đảng; trước dân và trước công việc. Trong đó, Người nói: mỗi người trước hết phải làm tốt trách nhiệm trước công việc được giao và trước nhân dân, rồi đem kết quả đó mà báo cáo với cấp trên, với Đảng. Người còn chỉ rõ, khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v... là không có tinh thần trách nhiệm. Và, nếu kết quả không tốt thì phải chịu hậu quả, không được đổ lỗi cho ai với bất kỳ lý do gì. Đồng thời, thực hiện cơ chế ràng buộc giữa lời nói và việc làm, bảo đảm nói đi đôi với làm, nói thì phải làm và làm cho tốt; nếu nói mà không làm hoặc làm trái thì phải chịu hậu quả.

          Trách nhiệm đó của cán bộ, đảng viên là xuất phát từ tâm, từ tình cảm và sự tin yêu của mình với Đảng. Nếu cán bộ, đảng viên, những người giữ cương vị đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị đều giữ được tâm lớn vì dân, vì tập thể, cống hiến và không tư lợi thì chắc chắn thì sự vận hành của các tổ chức, cơ quan, đơn vị sẽ có những bước chuyển mạnh mẽ, góp sức vào sự nghiệp chung của Đảng và nhân dân.

          Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên hiện nay, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo còn phải luôn g­ương mẫu và nêu gư­ơng sáng về đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư­; liêm chính, liêm khiết trong mọi hoàn cảnh, vì như Hồ Chí Minh nói:“Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. “Nếu tham lam là bất liêm”. “Con người mà không liêm thì không bằng con vật”. Đồng thời, Người cũng chỉ ra những hành vi trái với “Liêm” như: “Cậy quyền thế mà đục khoét của dân, ăn của đút lót, hoặc trộm của công làm của tư”; đó là “Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình; đó là gặp việc phải mà sợ khó nhọc, nguy hiểm, không dám làm”; đó là lánh nặng, tìm nhẹ, thoái thác công việc cho người khác ... Trong thực tế, nơi nào người đứng đầu, cán bộ chủ chốt có tinh thần trách nhiệm, tự mình gương mẫu làm trước, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nói đi đôi với làm, thì ở nơi đó nền nếp, hiệu quả, phát triển tốt. Còn ngược lại, nếu bản thân không gương mẫu, nói không làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng, làm một nẻo thì mọi lời giáo huấn của người đứng đầu sẽ trở nên vô ích.

          Thực tế cũng cho thấy, đằng sau những thành công hay thất bại trong mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị suy cho cùng đều gắn chặt trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đảng viên giữ vai trò người đứng đầu, giữ trọng trách quan trọng trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị đó. Nhiều vụ việc tiêu cực mà báo chí đã phản ánh như những con đường ngàn tỷ vừa đưa vào sử dụng đã bị bong tróc, xuất hiện “ổ gà”, “ổ voi”, phải bỏ thêm tiền, công sức dặm vá, sửa chữa. Hàng loạt khu, cụm công nghiệp, dự án được quy hoạch, giải tỏa, di dời hộ dân nhưng “treo” hay triển khai cầm chừng. Nhiều khu đất vàng ở các đô thị được chuyển nhượng không minh bạch, sử dụng không đúng mục đích, người dân oán trách, phẩn nộ, bị pháp luật xử lý. Nhiều cá nhân đã ngang nhiên nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 khi cả nước đăng gồng mình chống đại dịch, hay những trường hợp đưa người thân hữu vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để được nhận sự tiền từ gói 62.000 tỷ hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19,… Tất cả những điều đó là minh chứng của sự kém tâm, thiếu tầm và vô trách nhiệm của những cán bộ, đảng viên có chức, quyền có liên quan.

           Hơn bao giờ hết, trước bối cảnh quốc tế và trong nước, đặc biệt là trước yêu cầu khắc phục khó khăn, nguy cơ, khai thác, phát huy thế và lực của nước ta để phát triển đất nước, rất cần đến Tâm, Tầm và Tinh thần trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, đảng viên. Những cơ quan, những người có trách nhiệm phải coi trọng việc phát hiện, chăm bồi, bố trí, đề bạt kịp thời những cán bộ thật sự có tâm, đủ tầm, có quá trình và những cống hiến thật sự cho Đảng, cho nhân dân, chứ không phải là dựa trên “vẻ hào nhoáng bề ngoài”, những văn bằng, chứng chỉ được đào tạo hay hành vi chạy chức, chạy quyền, những mối quan hệ họ hàng thân hữu... Đồng thời, xử lý nghiêm những cán bộ kém tầm, thiếu tâm, vụ lợi cá nhân, nói một đàng, làm một nẽo, không làm tròn “đầy tớ”, “công bộc” của dân.

CLB Lý luận trẻ