Vai trò của người lãnh đạo trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân”. Qua lời căn dặn ấy, cho thấy lúc sinh thời, Người rất quan tâm đến đảng viên và cán bộ, vì đây là một trong những nhân tố quyết định trong giai đoạn đấu tranh giải phóng đất nước, trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Dựa vào những nghiên cứu, phân tích mới của khoa học lãnh đạo, bài viết này dẫn chứng lý luận về lãnh đạo và vai trò của người lãnh đạo, qua đó tiếp tục khẳng định giá trị khoa học mang tính thời đại qua lời dạy của Bác Hồ.

Trong các nghiên cứu khoa học về lãnh đạo tuy có nhiều cách tiếp cận khác nhau, song cũng khá thống nhất với quan điểm cho rằng: lãnh đạo là lựa chọn và xác định mục tiêu, chỉ ra con đường đi đến mục tiêu. Đồng thời là sự truyền cảm hứng, sự chia sẻ đến mọi người trong quá trình đi đến mục tiêu đó. Nếu ở quản lý yêu cầu tính bắt buộc và sự nhất quán trong các mối quan hệ công việc thì ở lãnh đạo yêu cầu tính động và linh hoạt trong các mối quan hệ nhằm huy động tối ưu mọi nỗ lực của con người. Lãnh đạo đề ra đường lối, dẫn dắt mọi người bằng khai mở tiềm năng và chia sẻ trong quá trình đi đến mục tiêu đã lựa chọn. Bản chất của lãnh đạo cũng được phản ánh ở chức năng và phương thức lãnh đạo. Chức năng lãnh đạo chính là xác định mục tiêu và đề ra các chủ trương, đường lối theo định hướng mục tiêu đã lựa chọn. Phương thức lãnh đạo được thực hiện chủ yếu bằng con đường giáo dục, thuyết phục, động viên, nêu gương để tập hợp mọi người trong quá trình thực hiện mục tiêu. Qua đó, khái niệm lãnh đạo có thể hiểu: lãnh đạo là quá trình hành động gây ảnh hưởng lên người khác nhằm khơi dậy cảm xúc và cam kết cùng hành động vì mục tiêu chung. Hay, lãnh đạo là quá trình chỉ dẫn và khai mở tiềm năng cho mọi người nhằm đem lại phúc lợi chung thông qua sự khích lệ và chia sẻ của chủ thể lãnh đạo.

Ngay từ năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn sâu sắc về cách lãnh đạo. Người chỉ rõ: Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên thấu hiểu. Sự thấu hiểu và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của quần chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình… Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”. Người đưa ra lập luận hết sức thuyết phục: “Người lãnh đạo chỉ trông thấy một mặt của công việc, của sự thay đổi của mọi người: trông từ trên xuống. Vì vậy sự trong thấy có hạn. Trái lại, dân chúng trong thấy công việc, sự thay đổi của mọi người, một mặt khác: họ trong thấy từ dưới lên. Nên sự trông thấy cũng có hạn. Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề cho đúng, ắt phải họp kinh nghiệp của cả hai bên lại. Muốn như thế, người lãnh đạo ắt phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp người, với dân chúng”.

Chính vì vậy, vai trò của người lãnh đạo hết sức quan trọng. Người lãnh đạo luôn chiếm vị trí quan trọng trong thực tiễn hoạt động của bất kỳ cơ quan, tổ chức hay cộng đồng xã hội nào. Các nhà nghiên cứu đầu tiên về lãnh đạo cũng tập trung vào việc tìm hiểu và phân tích các phẩm chất, năng lực đặc biệt của những người lãnh đạo kiệt xuất từ trong lịch sử đến hiện đại, từ lĩnh vực chính trị sang tôn giáo hay kinh doanh. Để tạo được ảnh hưởng tích cực với người khác, người lãnh đạo được mong đợi thực hiện nhiều vai trò, trong đó có 05 vai trò nổi bật, đó là: người thủ lĩnh; người khai tâm; người truyền cảm hứng; người điều hòa; người bạn, người kèm cặp.

Người thủ lĩnh

 

 

Người lãnh đạo được nhìn nhận đầu tiên như thủ lĩnh của tập thể, cộng đồng.

Trước hết, vị thế thủ lĩnh được người khác thừa nhận thông qua những tố chất vượt trội của cá nhân lãnh đạo như: tính quyết đoán, khả năng thuyết phục, dẫn dắt, nhiều ý tưởng, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Thứ hai, vai trò thủ lĩnh được thừa nhận thông qua hành động cụ thể của người lãnh đạo như có tầm nhìn mang tính dẫn dắt cùng với việc xác định phương hướng hành động cho tổ chức, cộng sự để thực hiện hóa tầm nhìn. Trong quá trình đó, những tốt chất nêu trên được thể hiện thông qua các hành động cụ thể như có quyết định kịp thời, dành thời gian, tâm huyết, thuyết phục, huy động được nguồn lực trong và ngoài.

Thứ ba, thủ lĩnh phải là người có ý chí quyết tâm, dám đương đầu với thử thách. Sự sáng suốt, quyết liệt, sự kiên định của người lãnh đạo là sự động viên, cộng đồng, tập thể tin tưởng đi theo, làm theo. Người lãnh đạo không dám thể hiện bản lĩnh tiên phong và khả năng thuyết phục trong những hoàn cảnh khó khăn thì không thể tạo được ảnh hưởng tích cực lên người khác.

Thứ tư, thủ lĩnh biết sử dụng các công cụ quyền lực một cách thông minh, với sự chú trọng nhiều hơn đến công cụ quyền lực mềm như: sự hiểu biết, tri thức, sự gương mẫu của bản thân, nhất quán giữa nói và làm, ứng xử khoan dung độ lượng, thưởng – phạt nghiêm minh.

Người khai tâm

Lãnh đạo hướng tới sự thay đổi, và sự thay đổi bao giờ cũng bao hàm các yếu tố mới từ ý tưởng tầm nhìn đến phương thức thực hiện, từ xác định phương hướng hành động đến phát hiện khả năng, sở trường, sở đoản của cộng sự để giao trách nhiệm. Mức độ lan tỏa và chấp nhận cái mới không đồng đều giữa lãnh đạo với những người xung quanh. Do đó, người lãnh đạo cần thể hiện vai trò truyền bá cái mới, khai tâm cho những người đi theo.

Người lãnh đạo còn là hạt nhân hướng người khác đến với những tri thức mới, luôn biết cách giúp những người xung quanh hướng tới những giá trị mới, thuyết phục mọi người bằng cơ sở thực tiễn, khoa học, bằng những hiệu quả thực tế. Tựu chung lại, người lãnh đạo phải là người có khả năng tập hợp động viên, thúc đẩy cộng đồng hướng tới những cái mới, những cái cao thượng và tốt đẹp hơn.

Người lãnh đạo là người khai tâm theo nghĩa hướng mọi người đi theo lẽ phải, theo con đường đúng đắn, hợp lý. Muốn thế, người lãnh đạo phải là người có khả năng đề ra mục tiêu, lôi kéo, thuyết phục người khác chấp nhận và cam kết cùng thực hiện thành công mục tiêu.

Lãnh đạo phải là người khai tâm, là người dẫn dắt về trí tuệ, là người chủ xướng đề xuất các ý tưởng. Người khai tâm cũng có nghĩa là người thầy đối với mọi người. Người thầy không có nghĩa là cái gì cũng hiểu, cũng có đầy đủ tri thức cần thiết để đi dạy người khác. Người lãnh đạo trở thành người thầy một phần ở sự hiểu biết rộng, hệ thống tri thức phong phú, một phần ở cách tiếp cận vấn đề, cách tổng hợp, lắng nghe, tiếp nhận, chọn lọc tri thức có lợi cho hiệu quả công việc. Vì vậy, đức tính khiêm tốn, tác phong cầu thị luôn là phương châm làm việc của người lãnh đạo.

Mặt khác, thực tiễn cuộc sống cho thấy, ý tưởng có thể xuất hiện từ bất kỳ một cá nhân nào trong tổ chức. Trong một môi trường thuận lợi, cởi mở và có sự ủng hộ của lãnh đạo, ý tưởng của một cá nhân có thể được vun đắp để trở thành sáng kiến nhất định. Từ góc độ cá nhân, nếu như không có vị trí chính thức trong tổ chức, thì việc thuyết phục và truyền bá cái mới sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Trong những trường hợp này, người lãnh đạo thể hiện vai trò ủng hộ bằng cách lựa chọn các ý tưởng mới, tạo bầu không khí cởi mở với các sáng kiến và tạo cơ chế cho các ý tưởng mới có thể được chuyển hóa thành các sáng kiến. Sự khai tâm, trong trường hợp này, liên quan trực tiếp đến việc cá nhân có sự tin cậy, niềm tin vào khả năng hình thành ý tưởng và phát huy sáng kiến của bản thân họ.

Người truyền cảm hứng

Vai trò người truyền cảm hứng thể hiện ở khả năng tạo được niềm hứng khởi, sự tin tưởng của cộng sự, của người dân đối với những vấn đề người lãnh đạo nói và làm. Xây dựng và giữ được niềm tin của một tập thể, cộng đồng là cả một quá trình lâu dài, khó khăn, đòi hỏi cả năng lực thuyết phục trực tiếp bằng lời nói cũng như sự nhất quán giữa lời nói với việc làm và ứng xử của lãnh đạo với mọi người.

Người lãnh đạo truyền cảm hứng bằng khả năng diễn đạt, bao gồm cả diễn thuyết cũng như câu chuyện hàng ngày, sự bày tỏ cảm xúc trong các trường hợp khác nhau và bằng chính hình ảnh tấm gương của bản thân mình.

- Thái độ sống tích cực, đam mê và nhiệt tình: sự đam mê và tin tưởng của người lãnh đạo là yếu tố đầu tiên truyền cảm hứng cho những người khác. Không thể truyền cảm hứng cho người khác nếu bản thân người lãnh đạo chưa tin tưởng vào điều mình nói, chưa thể hiện sự đam mê với ý nghĩa của tầm nhìn hay công việc.

- Khả năng diễn thuyết và kể chuyện: ngôn ngữ là công cụ mạnh nhất để bày tỏ bản thân và kết nối với người khác. Do đó, khả năng diễn thuyết của người lãnh đạo là phương thức quan trọng để truyền cảm hứng. Diễn thuyết có thể tìm thấy ở các bài phát biểu quan trọng cũng như trong các câu chuyện hàng ngày giữa lãnh đạo với cộng sự. Các nghiên cứu tâm lý và truyền thông đã khẳng định, người nghe, người đối thoại có thể được thuyết phục dựa trên sự sắc sảo, lôgic mạch lạc và dẫn chứng khoa học, đồng thời dựa trên sự chia sẻ, liên kết của nội dung bài phát biểu hay câu chuyện với chính cảm nhận, mong muốn, trải nghiệm của họ trong bối cảnh nhất định.

- Xây dựng hình ảnh lãnh đạo: người lãnh đạo thường xuyên xuất hiện trước người khác, trong bối cảnh và tình huống khác nhau, cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Tương thích với các tâm trạng xã hội khác nhau, mà những hình ảnh đó đem lại những nhận định, đánh giá và cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực của cộng sự. Do đó, việc xây dựng hình ảnh của người lãnh đạo trở thành một phương thức không thể thiếu trong truyền cảm hứng. Hình ảnh không chỉ thể hiện hình thức, vẻ bề ngoài như phong thái, diện mạo, dáng vẻ, mà còn thể hiện, biểu đạt các yếu tố nội tâm, ý chí quyết tâm, tư tưởng và cả thần thái của người lãnh đạo. Các yếu tố sau đều góp phần xây dựng hình ảnh lãnh đạo như dáng đi, dáng đứng, cách nhìn, cách nói, trang phục, phong cách ăn mặc và thái độ khi giao tiếp với người khác.

Người điều hòa

Vai trò người điều hoà trở nên hết sức quan trọng khi người lãnh đạo mong muốn mọi người cùng hành động vì mục tiêu chung. Sự cùng hành động đó chỉ có thể diễn ra hiệu quả khi người lãnh đạo quản trị và xử lý được các mối quan hệ liên quan đến tổ chức.

- Quan hệ công việc và lợi ích giữa các thành viên trong tổ chức luôn là mối quan tâm hàng đầu của người lãnh đạo. Giải quyết thoả đáng, đúng đắn các mối quan hệ này là cơ sở để giữ bầu không khí ổn định và tạo động cơ hành động cho các thành viên trong tổ chức. Trong những giai đoạn thay đổi lớn, khi trạng thái ổn định của các mối quan hệ công việc và lợi ích biến đổi thì vai trò điều hoà của người lãnh đạo càng trở nên cần thiết.

- Quan hệ giữa bản thân tổ chức, cộng đồng với tư cách là một thành tố trong hệ thống với các thành tố khác. Trong một môi trường nhiều thay đổi và các mối quan hệ giữa các thành tố ngày càng phức tạp hơn, thì sự thành công, phát triển của tổ chức, cộng đồng chịu tác động mạnh mẽ từ các yếu tố bên ngoài. Thông qua các hoạt động kết nối mạng lưới, tạo lập liên minh, xử lý các khủng hoảng thông tin, … người lãnh đạo đảm nhận trọng trách tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của tổ chức, cộng đồng mình đang dẫn dắt.

Người bạn, người kèm cặp

Người lãnh đạo là người biết lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, trở thành người bạn đồng hành, người hướng dẫn đối với mọi người. Muốn thế, người lãnh đạo phải là người công bằng, độ lượng, nhân văn với cấp dưới; biết đồng cam cộng khổ với mọi người; biết ủng hộ, nâng đỡ, động viên những người xung quanh; biết dẫn dắt mọi người cùng phấn đấu tới mục tiêu chung.

Bên cạnh tư cách thủ lĩnh dẫn dắt, người lãnh đạo còn cần phải biết đặt mình ngang hàng, đặt mình trong cùng hoàn cảnh với những người khác để có sự chia sẻ và thấu hiểu. Từ đó, đưa ra được sự tư vấn, giúp đỡ chân thành cho mọi người cùng hành động vì mục tiêu đúng đắn. Tất cả những điều trên đều phải được thể hiện một cách tâm huyết từ chính tấm lòng, nhận thức và nhân cách của người lãnh đạo.

Người lãnh đạo tạo mọi điều kiện cho thế hệ kế cận được rèn luyện trong môi trường thử thánh qua đó làm bộc lộ và tôi luyện tố chất lãnh đạo trong chính họ. Lựa chọn, bồi dưỡng được thế hệ lãnh đạo kế cận là một trong những di sản lớn nhất của các nhà lãnh đạo thành công.

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ với làn sóng Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra những cơ hội và thách thức, cùng với bối cảnh thế giới và khu vực đang có những diễn biến khó lường. Bối cảnh đó đặt ra cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý những thách thức to lớn trong năng lực lãnh đạo, quản lý và điều hành các tiến trình đổi mới đất nước, phát triển kinh tế cũng như trong trách nhiệm nhận và giải trình trước nhân dân và đất nước. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có tư duy, có tầm nhìn, phương pháp làm việc khoa học, nhận thức đúng đắn vai trò lãnh đạo của mình, vận dụng hiệu quả giữa lý luận và thực tiễn để xây dựng một thế giới quan khoa học, phát huy lợi thế, tận dụng thời cơ, vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Vươn Hoàn