NHẬN DIỆN ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRÊN LĨNH VỰC KINH TẾ
Bản chất các âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch chống Việt Nam trên lĩnh vực kinh tế là chuyển hoá nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa, tiến tới làm chuyển hoá về chính trị, thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Để đạt mục tiêu đó, các thế lực thù địch thực hiệ các âm mưu, thủ đoạn chủ yếu sau:
Một là, tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận những tư tưởng kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam với mục đích xóa bỏ nền tảng tư tưởng kinh tế ở Việt Nam, chuyển hóa nền kinh tế phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Chúng triệt để lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, các loại hình sách, báo, phim ảnh, đào tạo cán bộ, giảng dạy kinh tế ở các trường đại học do chuyên gia nước ngoài thực hiện để thực hiện âm mưu này. Chẳng hạn, để phủ nhận học thuyết kinh tế mácxít, chúng tìm mọi cách xuyên tạc và xóa bỏ học thuyết giá trị thặng dư - hòn đá tảng trong học thuyết kinh tế chính trị của chủ nghĩa Mác và cho rằng, dưới chủ nghĩa xã hội, sản xuất hàng hóa cũng bóc lột giá trị thặng dư. Trên cơ sở đó, chúng tập trung công kích và phê phán mô hình kinh tế, xuyên tạc bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng và phát triển; cho rằng công hữu nghĩa là vô chủ, là không của ai, không hiệu quả, là nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khó khăn và nảy sinh các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Hai là, thông qua các hoạt động viện trợ, đầu tư, liên doanh, liên kết làm biến đổi dần cơ sở kinh tế - xã hội của chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, các thế lực thù địch coi đây là cơ hội để thực hiện “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực kinh tế. Cụ thể: thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp, gây áp lực về kinh tế, chính trị, đòi Việt Nam phải tư nhân hóa nền kinh tế, hạn chế vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; hoặc bằng các hoạt động đầu tư, viện trợ, đào tạo để cố tình tạo sự phát triển chênh lệch giữa các vùng, miền, các ngành kinh tế, sự mất cân đối của nền kinh tế quốc dân, đồng thời đặt ra những điều kiện ràng buộc về mặt chính trị gắn với gây sức ép về chính trị để từng bước can thiệp nội bộ và tạo sự chuyển hóa theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.
Ba là, lợi dụng Việt Nam thực hiện chủ trương mở rộng hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập kinh tế quốc tế để lái nền kinh tế nước ta theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa, thông qua những thủ đoạn chủ yếu sau:
1) Trong quá trình Việt Nam đàm phán song phương tham gia một số tổ chức kinh tế quốc tế, ký các hiệp định thương mại..., các thế lực thù địch thông qua chính phủ của một số nước, tổ chức quốc tế gây áp lực đòi Đảng, Nhà nước ta thay đổi luật lệ nhằm thúc đẩy tự do hoá nền kinh tế Việt Nam theo hướng tư bản chủ nghĩa, dần lệ thuộc vào các trung tâm kinh tế tư bả quốc tế, làm cho Nhà nước không thể quản lý được nền kinh tế; gây áp lực về chính trị, dưới các yêu sách đòi mở rộng “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, đa nguyên chính trị...; lợi dụng việc thiếu kinh nghiệm, hạn chế về trình độ trong quản lý kinh tế của ta để tác động, dẫn đến tình trạng mất ổn định trong sản xuất và đời sống xã hội; thông qua các tổ chức kinh tế quốc tế để “hoà nhập” Việt Nam vào các cơ chế kinh tế, hành chính, an ninh, chính trị do các nước tư bản phát triển chi phối để làm giảm, tiến tới làm mất hiệu lực của thể chế xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
2) Trong quá trình hợp tác kinh tế quốc tế với Việt Nam, các thế lực thù địch thông qua các doanh nghiệp nước ngoài tìm cách đầu tư chiếm lĩnh những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như bảo hiểm, ngân hàng để chi phối, kiểm soát, khống chế nền kinh tế nước ta. Nhiều công ty nước ngoài tìm cách nắm quyền chủ động và chuyển từ công ty liên doanh sang công ty 100% vốn nước ngoài.
3) Trong các quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam, các thế lực thù địch còn thông qua các tập đoàn, công ty nước ngoài đầu tư chủ yếu vào khu vực kinh tế tư nhân, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lấn át kinh tế nhà nước. Các thế lực thù địch rất quan tâm đến các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam hiện đang làm ăn phát đạt, có triển vọng. Chúng chủ trương khuếch trương các doanh nghiệp này, bằng cách hỗ trợ, cho hưởng các ưu đãi về vốn vay, công nghệ, máy móc và trang bị, làm cho sự phát triển của các công ty này dần phụ thuộc vào quỹ đạo của họ. Từ đó hy vọng rằng, sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân sẽ dẫn đến làm thay đổi cơ cấu xã hội - giai cấp, hình thành các tầng lớp, giai cấp tư sản mới; sự phân hoá giàu nghèo, phân tầng xã hội ngày càng sâu sắc, mâu thuẫn xã hội ngày càng tăng lên ở Việt Nam. Đặc biệt, các thế lực thù địch hết sức chú trọng sử dụng “sức mạnh đồng đôla”, triệt để khai thác, lợi dụng chủ trương cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước để tác động nhằm thúc đẩy kinh tế tư bản tư nhân phát triển lấn át kinh tế nhà nước, tiến tới làm mất vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, làm cho nền kinh tế nước ta phát triển chệch định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bốn là, sử dụng biện pháp kinh tế để mua chuộc, làm suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Các thế lực thù địch hy vọng rằng, thông qua quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư phát triển để du nhập, chuyển hoá quan điểm tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống..., dần tạo ra một “lớp người mới” thân phương Tây, chấp nhận chế độ kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa trong một bộ phận thanh niên và cuối cùng là “để cho con cháu họ tự lật đổ cha ông” và chế độ xã hội chủ nghĩa, thay vào đó là chế độ tư bản chủ nghĩa theo mô hình phương Tây. Thông qua hoạt động kinh tế, các thế lực thù địch tìm cách tiếp cận móc nối, mua chuộc những cán bộ yếu kém về phẩm chất, bản lĩnh chính trị không vững vàng. Trong quá trình liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, các thế lực thù địch đã khéo léo sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để mua chuộc các cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, thậm chí cán bộ cấp cao thực hiện các hợp đồng kinh tế gây thiệt hại lớn cho đất nước. Các thế lực thù địch thông qua công ty nước ngoài thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng cao để mua chuộc một bộ phận lao động, nhất là người lao động trong bộ máy tổ chức công đoàn, lao động trẻ, để lôi kéo, tạo ra lực lượng ngầm chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ. Chúng hy vọng rằng, khi nảy sinh lớp người có đặc quyền, đặc lợi, có tài sản kinh tế riêng đáng kể mà giữ vai trò lãnh đạo xã hội thì tự họ sẽ đề ra những quyết sách “đổi mới”, “cải cách” theo khuynh hướng tư bản chủ nghĩa.
Gần đây, các thế lực thù địch thổi phồng, bóp méo thông tin về những khó khăn của nền kinh tế nước ta nhằm làm rối loạn thị trường và xã hội, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế bằng việc tung tin thất thiệt về các cán cân kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường chứng khoán; chúng lợi dụng chính sách mở cửa của nước ta, thông qua các hình thức như đi du lịch, tham quan, hội thảo tại Việt Nam để thâm nhập nắm tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh ở nước ta...