VÌ SAO CHÚNG TA PHẢI BẢO VỆ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH – LÝ TƯỞNG, NIỀM TIN CỦA ĐẢNG
1. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, một trong những nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, lợi ích quốc gia – dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân. Đây vừa là vấn đề có tính nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng, vừa là vấn đề có tính quy luật của nhận thức, vận dụng, bảo vệ và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ CNXH, con đường đi lên CNXH ở nước ta. Đồng thời, khẳng định rõ ràng nhất thái độ, lập trường, quan điểm của chúng ta về bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; là nội dung đặc biệt quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng.
Vì lẽ đó, từ trước đến nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, các phần tử bất mãn trong và ngoài nước, có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta đã và đang ráo riết dùng mọi thủ đoạn để xuyên tạc, phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, thậm chí đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin; vu cáo, buộc tội Đảng ta là “bảo thủ, trì trệ”, đã và đang “sai lầm mang tính hệ thống”, bởi “lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, rồi lại lấy thêm cả tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”.
Mối thù thâm căn cố đế của họ thể hiện rõ quan điểm, lối sống, cách ứng xử mang tính ý thức hệ tư sản. Vì thế, họ ra sức bôi đen, bóp méo nền tảng tư tưởng của Đảng; cho rằng Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là vô lý, bởi làm như thế là “đem râu ông nọ cắm vào cằm bà kia”. Sự đối lập ấy được các thế lực thù địch, phản động cố tình vu khống, cho rằng “chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là thủ phạm, tạo ra lực cản”, đã và đang “kìm hãm” sự phát triển đất nước, “kéo lùi lịch sử dân tộc”, “làm cho Việt Nam tụt hậu”. Vin vào lý do này, có người còn quy kết nguyên nhân của mọi sai lầm, cản trở Việt Nam “cất cánh” là “do ông Hồ Chí Minh đã dùng chiếc xe Nho giáo chở chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam” và “lẽ ra, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ấy, trở thành lãnh tụ của Đảng thì ông Hồ Chí Minh phải vứt bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin đi vì nó là học thuyết ngoại lai, của phương Tây, không phù hợp với điều kiện Việt Nam”, v.v.. Từ đây, “căn bệnh” vu cáo, buộc tội Đảng, Bác Hồ đã lây lan ra nước ngoài, làm cho các thế lực phản động người Việt lưu vong đã “theo đuôi” kẻ xấu, cố tình xuyên tạc, đòi “hạ bệ” chủ nghĩa Mác – Lênin, ra sức công kích, bài xích, tấn công vào đời tư và tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm “bắn một mũi tên trúng hai đích: vừa chống chủ nghĩa Mác – Lênin, vừa hạ bệ tư tưởng Hồ Chí Minh, “thần tượng về Người”…
Có ý kiến sai trái cho rằng, “Hồ Chí Minh không xứng đáng là nhà tư tưởng vì sao chép quan điểm của C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin” cũng như tư tưởng của các bậc tiền bối khác”; cho nên “Hồ Chí Minh không có tư tưởng riêng” hoặc nếu có thì “nó nhạt nhòa, chỉ là những tư tưởng dân tộc hẹp hòi, không có hệ thống”.
Ngược lại, có một số người đã “tuyệt đối hóa”, “thần thánh tư tưởng Hồ Chí Minh”, coi “tư tưởng Hồ Chí Minh không có quan hệ gì với chủ nghĩa Mác – Lênin”. Họ kiến nghị với Đảng ta phải nâng tầm tư tưởng Hồ Chí Minh thành chủ nghĩa Hồ Chí Minh, coi đó là tài sản của dân tộc Việt Nam, thuộc ý thức hệ phương Đông. Theo họ, cách làm này là khả thi để nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sánh vai với các dân tộc khác; thậm chí đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin, coi đây là “con đường tẩy sạch chủ nghĩa Mác – Lênin, đưa chủ nghĩa Mác – Lênin ra khỏi đời sống tinh thần xã hội Việt Nam”, thực chất của quan điểm này là phủ nhận cả chủ nghĩa Mác – Lênin lẫn tư tưởng Hồ Chí Minh, dọn đường cho ý thức hệ tư sản xâm nhập vào Việt Nam.
Với cách nhìn ấy, họ tung ra luận điệu: chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã cũ, lỗi thời, lạc hậu; không phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Hơn thế nữa, C. Mác và V.I. Lênin sống ở phương Tây, thuộc thời đại khác, cách thời đại của chúng ta hàng thế kỷ. Từ đó, họ quả quyết: “không có học thuyết, lý luận nào sống mãi” nên không thể lấy quan điểm, tư tưởng của “những người đã chết” để làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của “những người đang sống”, không thể lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam.
2. Thật nực cười và ngây ngô quá đỗi! Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đâu dễ bị tiêm nhiễm bởi giọng điệu “sặc mùi sai trái” ấy, bởi chúng ta đã quá rõ như thế nào là thời Bắc thuộc, như thế nào là thời Pháp thuộc, thời Mỹ thuộc; tại sao lại phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tại sao các thế lực thù địch, phản động lại quyết liệt chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta như vậy?
Là người Việt Nam yêu nước, yêu CNXH, chúng ta ý thức sâu sắc rằng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và gieo “hạt giống cộng sản” ở Việt Nam; trực tiếp chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó là sự thật! Tên tuổi, cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản vô cùng quý báu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, trở thành nội dung đặc biệt quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh điều sâu sắc ấy.
Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[1]. Đồng thời, Người cũng chỉ ra nhiệm vụ của người cách mạng là đấu tranh giải phóng dân tộc; chống mọi cái sai, cái ác, gây hại cho nước, cho dân.
Tổng kết kinh nghiệm thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Thắng lợi của chúng ta, trước hết là nhờ có vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác – Lênin. Người coi chủ nghĩa Mác – Lênin không chỉ là “cái cẩm nang” thần kỳ, là kim chỉ nam cho hành động, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới CNXH và CNCS. Vì lẽ đó, Người đánh giá rất cao cống hiến vĩ đại của V.I. Lênin đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa. Người viết: “Lênin là người đầu tiên đã hiểu và đánh giá hết tầm quan trọng lớn lao của việc lôi cuốn nhân dân các dân tộc thuộc địa vào phong trào cách mạng. Lênin là người đầu tiên đã chỉ rõ rằng, nếu không có sự tham gia của các dân tộc thuộc địa, thì cách mạng xã hội không thể có được”[2].
Rõ ràng là, chủ nghĩa Mác – Lênin đóng vai trò là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, soi sáng con đường đấu tranh cách mạng cho quần chúng nhân dân, giúp họ thực hiện mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Chủ nghĩa Mác – Lênin đã thể hiện sâu sắc trong các tác phẩm của Hồ Chí Minh và trong các văn kiện, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Các văn kiện thành lập Đảng như Chánh cương vắn tắt, Điều lệ tóm tắt của Đảng Cộng sản Việt Namdo Lãnh tụ Hồ Chí Minh khởi thảo và các nghị quyết của Đảng ta soạn thảo từ năm 1930 đến nay đều thể hiện tinh thần sống động của chủ nghĩa Mác – Lênin, thấm nhuần sâu sắc giá trị khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và CNXH khoa học. Vì lẽ đó, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là chủ nghĩa Mác – Lênin ở Việt Nam, được đúc rút từ thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Những điều nêu trên đã giải thích sâu sắc lý do tại sao chúng ta phải kiên định, trung thành và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới; không được mắc sai lầm trong nhận thức, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Và chính điều đó đã giải thích rõ vì sao chúng ta phải kiên định, vững vàng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay./.