NHẬN DIỆN VÀ PHẢN BÁC MỘT SỐ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ
Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Mười lăm năm sau, năm 1945, Đảng lãnh đạo Nhân dân giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám, đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Nhưng với ý chí “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô nệ”, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 07/5/1954, quân và dân Việt Nam đã lập nên kỳ tích lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - “pháo đài bất khả xâm phạm”, niềm kiêu hãnh của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Với chiến thắng đó, dân tộc Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, những nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève, cam kết chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập, chủ quyền của 03 nước Việt Nam - Lào - Campuchia ngày 21/7/1954.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa lịch sử to lớn, mang tầm thời đại sâu sắc, là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu thuỷ chung, son sắt của quân và dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, cũng là chiến thắng chung của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới, cổ vũ và góp phần quan trọng vào phong trào đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới. Chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ “đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa ở thế kỉ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” .
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã xuyên tạc về Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 với nhiều luận điệu vô cùng phản động, suy diễn vô căn cứ, xét lại lịch sử với mục tiêu phá hoại nền tảng tư tưởng, thủ tiêu vai trò lãnh đạo, hạ thấp vị thế, uy tín của Đảng và con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam. Các thế lực thù địch lợi dụng triệt để internet, mạng xã hội để tuyên truyền, chống phá bằng việc đăng tải, chia sẻ, bình luận nhiều bài viết cố tình bóp méo, xuyên tạc, phủ nhận tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ; thậm chí, các thế lực chống phá còn xuyên tạc, bôi nhọ uy tín, danh dự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các lãnh đạo tiền bối của Đảng và các anh hùng, liệt sĩ.
Sự chống phá của các thế lực thù địch tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của Nhân dân, làm Nhân dân, nhất là thanh niên có nhận thức sai lệch về các vấn đề lịch sử, chính trị; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, chia rẽ lòng người và khối đại đoàn kết toàn dân.
(1) Các thế lực thù địch cho rằng: Cuộc kháng chiến chống Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ là sai lầm của Đảng ta. Pháp đến Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng để “khai hóa văn minh”; giúp Việt Nam thoát khỏi lạc hậu, giàu mạnh, văn minh (!?)
Phản bác:
Đây hoàn toàn là luận điệu xuyên tạc, hòng phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hạ thấp, xem thường dân tộc Việt Nam của những kẻ ngộ nhận, thế lực thù địch, phản động. Trên thực tế, việc phê phán, lên án và vạch trần bản chất của chủ nghĩa thực dân phương Tây nói chung, thực dân Pháp nói riêng đã được lịch sử nhân loại làm rõ.
Về chính trị, pháp lý, sau khi xâm chiếm Việt Nam, “văn minh” của thực dân Pháp được thể hiện ở chỗ, họ đã không áp dụng những thành tựu của cuộc Đại cách mạng Pháp năm 1789 để thủ tiêu chế độ phong kiến chuyên chế đã lỗi thời, thay bằng một chế độ chính trị mới tiến bộ hơn, được soi chiếu bởi tư tưởng của những nhà khai sáng dân chủ tư sản; trái lại, những “nhà khai hóa” lại duy trì chế độ phong kiến làm tay sai cho bộ máy thống trị thực dân. Đặc biệt, thực dân Pháp thi hành ở Việt Nam chính sách pháp luật hết sức phản động, phân biệt đối xử giữa người da trắng và người bản địa. Để duy trì ách thống trị của mình, thực dân Pháp còn thi hành chính sách “chia để trị”, không những thủ tiêu các quyền tự do, dân chủ của người dân, thực dân Pháp còn thẳng tay chém giết những người Việt Nam yêu nước dám đứng lên chống lại sự thống trị tàn bạo của chúng, tắm các cuộc khởi nghĩa, các phong trào đấu tranh yêu nước trong biển máu.
Về kinh tế, nhằm vơ vét tài nguyên, khoáng sản, làm giàu cho chính quốc, thực dân Pháp đã đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa, đỉnh cao là cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1914) và lần thứ hai (1919 - 1929), làm khánh kiệt tài nguyên của đất nước. Đi kèm với đó, hệ thống cơ sở vật chất (đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng biển, cơ quan, trụ sở…) phục vụ cho việc khai thác thuộc địa được mở mang; một số công trình dân sinh phục vụ cho nhu cầu của giới thực dân được xây dựng, chứ không nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân bản xứ. Chính quyền thực dân Pháp đã không những không thủ tiêu chế độ ruộng đất phong kiến, mà còn tiếp tay, dung dưỡng cho nhiều tên địa chủ thực dân và địa chủ tay sai cướp đoạt ruộng đất của các làng xã, của người nông dân và duy trì phương thức kinh doanh phát canh thu tô lạc hậu, nhưng lại rất an toàn. Đó là “công lao” quay ngược bánh xe lịch sử tiến hóa. Do đó, nền kinh tế Việt Nam thời thực dân thực tế vẫn là một nền kinh tế lạc hậu, què quặt và để lại di chứng lâu dài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam sau này.
Về văn hóa - xã hội và y tế, thực dân Pháp đã thể hiện sự “khai hóa” bằng “chính sách ngu dân” để trị. Tuy người Pháp có mở một số trường dạy chữ, dạy nghề, nhưng không phải vì mục tiêu nâng cao dân trí, mà chủ yếu nhằm đào tạo ra một đội ngũ người Việt có thể giúp việc đắc lực cho việc khai thác, bóc lột và duy trì lâu dài nền thống trị thuộc địa của mình. Tình trạng mù chữ vẫn là phổ biến trong dân chúng. Theo thống kê năm 1914, bình quân cả ba xứ, chỉ có 20% số trẻ em đến tuổi đi học được đến trường, 80% trẻ em Việt Nam bị thất học. Hầu hết người dân không được hưởng sự chăm sóc y tế, thường xuyên đối mặt với các loại dịch bệnh, đặc biệt là các loại bệnh truyền nhiễm có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và khả năng gây tử vong. Chúng còn khuyến khích tiêu thụ rượu, thuốc phiện đề làm suy yếu giống nòi người Việt.
Trong thời gian ấy, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng mọi biện pháp giành lấy hoà bình bằng giải pháp đàm phán với Pháp mà cả thế giới đều biết. Nhưng với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, chúng đã đưa hàng chục vạn sĩ quan, binh lính của quân đội nhà nghề, với hàng triệu tấn bom đạn, vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân nhất để giáng lên đầu hàng chục triệu người dân vô tội. Tuy nhiên, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc ta đã nhất tề đứng lên, vượt qua hi sinh, gian khổ để giành chiến thắng cuối cùng tại Chiến dịch Điện Biên Phủ buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Genène chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi 3 nước Đông Dương. Điều đó khẳng định, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Trong cuộc chiến tranh này, chiến thắng đã thuộc về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, thắng lợi của bạn bè, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới, chứ đâu phải như những ý kiến lạc lõng, phản động trên.
(2) Các thế lực thù địch cho rằng: Chiến thắng Điện Biên Phủ có được là nhờ ăn may, chủ yếu do Việt Nam được đồng minh trong phe xã hội chủ nghĩa hậu thuẫn mà có; không phải giành chiến thắng trên sức lực của chính người Việt Nam (!?)
Phản bác:
Đây là sự phủ nhận trắng trợn lịch sử. Bởi để đi tới Chiến thắng Điện Biên Phủ, bằng đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “tự lực cánh sinh”, “dựa vào sức mình là chính”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã xây dựng tiềm lực đất nước về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, để phát huy sức mạnh tổng hợp đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn chú trọng tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, kể cả nhân dân Pháp, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô và Trung Quốc.
Chiến dịch Điện Biên Phủ để lại những con số hết sức ấn tượng, trong đó nêu bật được sự ủng hộ, tham gia của Nhân dân trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch, cụ thể: Tính đến trước giờ nổ súng, quân ta có 51.445 người; Quân số hậu cần chiến dịch: 3.168 người phân bổ trong 07 đội điều trị, 01 đội vận tải ô tô 446 xe, 18 binh trạm và trạm điều chỉnh giao thông, kho quân nhu, quân khí; Lực lượng tăng cường: 04 tiểu đoàn công binh sửa đường, 02 đại đội thông tin, 02 tiểu đoàn 37 mm (24 khẩu) và đại đội 12,7 mm; Lực lượng dân công hỏa tuyến: 261.453 người với 03 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, 500 ngựa thồ; 18.200 cán bộ và đội viên thanh niên xung phong. Lực lượng dân công đã dùng xe đạp thồ và các phương tiện vận chuyển thô sơ để cung cấp cho chiến trường 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt, 917 tấn các loại thực phẩm khác; 1.860 lít dầu ăn, 280kg mỡ; 71 tấn quân trang; 1.783 tấn xăng dầu; 55 tấn thuốc và dụng cụ quân y.
Có thể nói, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Việt Nam đã kết hợp tốt sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để giành chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó, sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam là quan trọng nhất. Điều đó được minh chứng bằng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân, sức mạnh của thế trận lòng dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Một điểm cần được nói thêm và cũng là cơ sở để bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch là, Chiến thắng Điện Biên Phủ còn khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam. Do tình hình lúc đầu binh lực của địch còn hạn chế, trận địa phòng ngự của địch còn sơ sài; bộ đội ta sau chỉnh huấn chính trị và học tập kỹ thuật, chiến thuật mới đang sung sức, xét thấy có nhiều điểm thuận lợi nên Trung ương và Tổng Quân ủy xác định phương châm tác chiến của chiến dịch là “Đánh nhanh, thắng nhanh”. Sau khi nghiên cứu, đánh giá kỹ tình hình, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhận thấy, phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là quá mạo hiểm. Nhờ thay đổi phương châm từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, chúng ta đã giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tướng Pháp De Castries khẳng định: “Sự kiện tướng Giáp thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng của ông… Tôi thừa nhận tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cônhi và Đại tướng Nava… Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”.
(3) Các thế lực thù địch cho rằng: Những gương anh hùng liệt sĩ anh dũng chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ như Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Trần Can… là bịa đặt, dựng chuyện không có thật để mị dân (!?)
Phản bác:
Đây là luận điệu thô thiển, đê hèn, chà đạp lên anh linh anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì nước.
Để góp phần tạo nên Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang, quân ta đã có 4.020 người hi sinh, mất tích 792 người, bị thương 9.118 người, trong đó đa phần là thanh niên. Những chiến sĩ mang trong mình tình yêu Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là: Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo, Trần Can hiên ngang dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên để xông vào sở chỉ huy, rồi cắm cờ lên lô cốt địch ở cứ điểm Him Lam… Họ xứng đáng đại diện cho một thế hệ trẻ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, là tấm gương để cán bộ chiến sĩ, thanh niên học tập, noi theo.
Sự hi sinh của các anh được đồng đội và Nhân dân khắc cốt ghi tâm, truyền thụ, nhắc nhở cho các thế hệ sau ghi nhớ, tri ân và không được phép quên. Hình ảnh các anh được chứng kiến, lưu giữ, tuyên truyền, đưa vào thơ ca văn học từ ngày còn kháng chiến cho đến lúc hòa bình, như: “Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua lưới thép gai/ Ào ào vũ bão/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân nhắm mắt còn ôm…” (Hoan hô Chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu) hay như Chế Lan Viên viết trong “Nhớ Bế Văn Đàn” - ”Ngã xuống ở Mường Pồn anh đâu biết có mùa cam/ Anh chỉ biết có dây thép gai đồn giặc/ Tôi yêu những con người chưa hình dung ra hạnh phúc/ Lúc đồng đội cần dẫu chết không từ nan”. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước đã ghi nhận, truy tặng nhiều danh hiệu cao quý cho các anh như Huân chương Chiến công, Huân chương Quân công, danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (anh hùng Bế Văn Đàn - năm 1955; anh hùng Tô Vĩnh Diện và Trần can - năm 1956).
Cùng với nhiều anh hùng liệt sĩ khác, những hiện vật còn sót lại của các anh được tập hợp và trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; hài cốt các anh được quy tập tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1 - Nghĩa trang cấp Quốc Gia của tỉnh Điện Biên để người thân, đồng đội và Nhân dân thường xuyên hương khói; tên tuổi các anh được đặt cho nhiều con đường, trường học ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; Di tích Mường Pồn nơi anh hùng Bế Văn Đàn hy sinh luôn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu quả cảm của thế hệ cha ông. Đây là những minh chứng sống động, thiết thực nhất về sự góp mặt, hi sinh và sự tôn kính, biết ơn của thế hệ sau đối với các anh như câu ca dao từ xa xưa “Thương dân, dân lập đền thờ”.
70 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam đạt đến những thắng lợi mới, đặc biệt là trong chính trị, quân sự và ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chính vì ý nghĩa, tầm vóc to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với cách mạng Việt Nam, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cần phải đi sâu nghiên cứu nhiều hơn nữa, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp những thông tin, dữ kiện lịch sử chính thống, khoa học, nhất là cho thế hệ trẻ để Nhân dân hiểu biết đúng, đủ, sâu sắc về sự kiện và các vấn đề liên quan, tạo nền tảng vững chắc cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.