image banner
NỘI DUNG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRÊN LĨNH VỰC KINH TẾ

Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam diễn ra trên phạm vi rộng, ở hầu hết mọi lĩnh vực kinh tế, từ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về kinh tế đến các mặt, các hoạt động của nền kinh tế..., nhằm mục tiêu làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, giữ vững sự ổn định và phát triển nền kinh tế nước ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Thứ nhất, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ những nguyên lý của kinh tế chính trị Mác - Lênin, tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế. 

Thứ hai, đấu tranh giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường trong quá trình phát triển, thực hiện mục tiêu làm cho “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; tiếp tục phát triển nhiều thành phần kinh tế, giữ vững vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước phải vươn lên mạnh mẽ, nắm vững những vị trí then chốt, huyết mạch của nền kinh tế bằng trình độ khoa học, công nghệ, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, gương mẫu chấp hành pháp luật và nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng hợp tác liên doanh với các thành phần kinh tế khác để cùng phát triển mạnh mẽ trên con đường xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nước phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới. Chủ động quyết định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chủ trương, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, đảm bảo giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, phòng, chống âm mưu, thủ đoạn lợi dụng chủ trương mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế để tác động, lái nền kinh tế nước ta theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Tiến hành đồng bộ công tác xây dựng hệ thống pháp luật, kinh tế, văn hóa và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Cảnh giác và vô hiệu hóa các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch thông qua các hoạt động hợp tác, giao lưu kinh tế để tăng cường các hoạt động tình báo, thu thập tin tức, tài liệu, lấy cắp các bí mật quốc gia, bí mật quân sự nhằm chống phá lâu dài cách mạng Việt Nam. Kịp thời khắc phục những khuyết điểm, yếu kém của nền kinh tế để ngăn ngừa các thế lực thù địch thổi phồng, bóp méo thông tin về những khó khăn của nền kinh tế nước ta nhằm làm rối loạn thị trường và xã hội, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Thứ tư, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ trong quá trình phát triển kinh tế. Tích cực, chủ động phòng, chống những âm mưu, thủ đoạn nhằm hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lấn át kinh tế nhà nước, “tư nhân hóa” nền kinh tế của các thế lực thù địch. Đồng thời thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, phát hiện, ngăn chặn kịp thời những phần tử suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin tức

Tin tức

Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 1445
  • Trong tuần: 8 824
  • Tất cả: 131216