VẬN DỤNG GIÁ TRỊ BÀI VIẾT “BỆNH SỢ TRÁCH NHIỆM” CỦA TỔNG BÍ THƯ ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TRẺ TỈNH BẾN TRE TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: Cán bộ là cái gốc của công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém và yêu cầu cán bộ, đảng viên phải hết lòng nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ, công việc được giao, dù việc lớn hay việc nhỏ, việc đơn giản hay phức tạp, nhiệm vụ bình thường hay quan trọng, bí mật. Hiện nay, đất nước ta đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế, đội ngũ cán bộ đảng viên, trong đó có cán bộ, đảng viên trẻ được khẳng định là lực lượng hăng hái đi đầu trong thực hiện các chương trình, mục tiêu của sự nghiệp đổi mới; với tố chất năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng cống hiến đem sức trẻ và trí tuệ của mình xây dựng đất nước giàu đẹp; xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu được tuyên dương trong học tập và làm theo Bác, trong lao động, sản xuất... Song bên cạnh đó, vẫn còn có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức (kể cả cán bộ, đảng viên trẻ) chưa làm tròn trách nhiệm với công việc; sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm, ngại va chạm không dám đấu tranh, sống thờ ơ, vô tâm, có tư duy, thái độ làm việc cầm chừng với quan điểm “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm sẽ không sai”... Bản chất của căn bệnh này là sợ bị quy trách nhiệm, sợ bị liên lụy, sợ làm sai, sợ bị kỷ luật ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân...Từ đó ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả công việc được giao, kìm hãm sự tiến bộ và phát triển của đơn vị, địa phương, đất nước.
Bài viết "Bệnh sợ trách nhiệm" của đồng chí Nguyễn Phú Trọng (khi đó là biên tập viên Tạp chí Cộng Sản, bút danh "Người xây dựng") đăng trên chuyên mục "Sinh hoạt tư tưởng" cách đây 50 năm vẫn có giá trị lịch sử và ý nghĩa thực tiễn cho đến nay. nhìn nhận, chỉ rõ: (1) Làm việc cầm chừng cho đủ bổn phận, cốt sao không phạm khuyết điểm; (2) Rụt rè, do dự khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được giao; (3) Lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể, việc lớn việc nhỏ gì cũng đưa ra tập thể bàn, chờ ý kiến tập thể cho đỡ phiền; (4) Ngại va chạm với đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả cấp dưới, không thẳng thắn phê bình những người phạm khuyết điểm, không đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, những tư tưởng và việc làm trái với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Tập hợp các biểu hiện thường thấy của những người sợ trách nhiệm được đồng chí Nguyễn Phú Trọng gọi là "bệnh sợ trách nhiệm", và cho rằng đây là một khuyết điểm thuộc về ý thức tư tưởng, phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên. Đồng chí nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm là một yêu cầu thuộc về tiêu chuẩn của người cán bộ; mỗi cán bộ đều được Đảng và Nhà nước giao cho một nhiệm vụ, công tác nhất định; lòng trung thành với Đảng, với nhân dân, phẩm chất, năng lực của cán bộ thể hiện trước hết và chủ yếu ở tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, quyết vượt mọi khó khăn, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đem hết sức lực và tài năng để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao.
Từ năm 2021 đến nay, cấp ủy, chi bộ, ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã xử lý kỷ luật 471 đảng viên, với các hình thức khiển trách 284, cảnh cáo 101, cách chức 03 và khai trừ 67 trường hợp; trong đó năm 2021 kỷ luật 116 trường hợp, năm 2022 kỷ luật 163 trường hợp, năm 2023 kỷ luật 168 trường hợp và quý 1/2024 kỷ luật 24 trường hợp. Nội dung vi phạm chủ yếu: Những điều đảng viên không được làm; phẩm chất đạo đức lối sống, trách nhiệm nêu gương; buông lỏng lãnh đạo quản lý; chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ; chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; thực hiện nhiệm vụ đảng viên, cấp ủy viên; tham nhũng, cố ý làm trái...
Nguyên nhân của tình trạng cán bộ, đảng viên (cán bộ, đảng viên trẻ) né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm do:
(1) Cán bộ, đảng viên yếu kém chuyên môn, bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực không đáp ứng yêu cầu, ý thức rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống chưa tốt; chưa thể hiện vai trò, trách nhiệm nêu gương; sa vào chủ nghĩa cá nhân, chưa có tinh thần trách nhiệm vì lợi ích chung.
(2) Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện còn chồng chéo, chưa đủ mạnh hoặc chưa quy định kịp thời với các biểu hiện, hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên. Công tác phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, kéo giảm đảng viên vi phạm còn hạn chế.
(3) Chưa quan tâm đúng mức công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên như: quy định về những điều đảng viên không được làm; quy định xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên; công tác quản lý đảng viên 02 nơi còn hạn chế (công tác và cư trú)...; công tác kiểm tra, giám sát, phòng ngừa vi phạm ngay từ sớm, từ đầu, từ xa đối với tổ chức đảng và đảng viên chưa kịp thời; một số đơn vị thực hiện công tác xử lý đảng viên chưa nghiêm, không đúng nguyên tắc, quy trình, quy định của Đảng, chưa mang tính thuyết phục, giáo dục cao.
Để phòng ngừa khắc phục bệnh sợ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ đảng viên trẻ trong giai đoạn hiện nay, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Bên cạnh đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/216 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 08- QĐi/TW ngày 15/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng chống, tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 117-QĐ/TW, ngày 18/8/2023 của Bộ Chính trị về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có liên quan, đề xuất, kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, cán bộ, đảng viên thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, tăng cường tự soi, tự sửa, dám làm, dám chịu trách nhiệm: Mỗi cán bộ, công chức phải có nhận thức chính trị đúng với sự hiểu biết về đường lối, quan điểm chính trị, nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng; kiên định, tin tưởng mục tiêu do Đảng đề ra, không hoang mang dao động, nghiêng ngã về chính trị tư tưởng, có niềm tin vào sự nghiệp đổi mới đất nước, vào mục đích, lý tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có ý chí cách mạng và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của người cán bộ, công chức. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải tăng cường tự soi, tự sửa, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để giữ vững phẩm chất đạo đức của người cách mạng. Thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức sẽ dễ dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước: Tập trung rà soát sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định của Đảng, của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn, đảm bảo được tính thống nhất, chặt chẽ; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân và phải được cụ thể hóa thành luật. Việc hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để khắc phục tình trạng đùn đẩy, không làm hết trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, vướng là “đẩy lên trên” hoặc “đẩy xuống dưới” như hiện nay.
Thứ ba, đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ, công chức, viên chức: Đánh giá đúng thực chất công việc, công tâm, khách quan, công khai dân chủ sẽ khơi dậy sự chủ động, sáng tạo trong công việc, kiên quyết thực hiện dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước công việc của mình, khắc phục được “bệnh sợ trách nhiệm”, vươn lên hoàn thành tốt trách nhiệm được giao, tránh tình trạng chọn việc nhẹ, việc dễ mà đùn đẩy việc khó cho người khác.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức và thực hiện tốt khen thưởng, kỷ luật: Thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, thực hiện linh hoạt các phương pháp kiểm tra, giám sát trực tiếp và hình thức kiểm tra cán bộ, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Kịp thời điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao. Đảm bảo nguyên tắc chung là khen thưởng đúng người, đúng thành tích và đúng lúc; kỷ luật đúng người, đúng mức độ vi phạm, đúng quy định của Đảng, của pháp luật. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua một cách thực chất, không phô trương hình thức, khắc phục bệnh thành tích cũng là cách để khắc phục “bệnh sợ trách nhiệm” hiện nay.
Thứ năm, cần phải tạo môi trường công tác bình đẳng, công bằng, đoàn kết, để cán bộ, đảng viên trẻ phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm dám chị trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuyên truyền, triển khai thực hiện Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, xem đây là tấm lá chắn để cán bộ, công chức trẻ dám thay đổi, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.