Gương Thanh niên khuyết tật có ý chí vượt qua số phận

Nếu được lựa chọn, có lẽ ai cũng muốn mình sinh ra và lớn lên khỏe mạnh. Có những người sinh ra không phải như điều ước đó, họ đã phải chấp nhận số phận của mình, chấp nhận một cơ thể không lành lặn, bị khuyết tật và phải mang nó đi suốt cuộc đời. Và với những người khuyết tật, số phận không hề mỉm cười với họ, thiếu sức khỏe, khó khăn trong vận động, sinh hoạt, học tập và khó có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp là những vấn đề mà họ đang phải đối mặt. Thế nhưng, bằng ý chí và nghị lực của mình, có rất nhiều người khuyết tật đã biết vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng.

Anh Đoàn Văn Ngọc Điệp: Gương thanh niên khuyết tật với nghị lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Anh Đoàn Văn Ngọc Điệp, hội viên ấp 5, xã Thạnh Phú Đông, một trong 02 ấp cồn của xã bãi ngang ven sông, người thanh niên tuy khiếm khuyết cơ thể nhưng chính nghị lực sống, vươn lên thoát khỏi cái nghèo chính là điều đáng khâm phục ở anh.

Lúc nhỏ anh Điệp trải qua một cơn bệnh nặng, từ đó, hai chân anh bị liệt hoàn toàn, chiếc nạn gỗ trở thành đôi chân của anh. Vợ anh, chị Trần Thị Phúc đã đồng cảm, cùng anh vượt qua khoảng thời gian khó khăn khi gia đình thuộc diện hộ nghèo, không có đất canh tác. Kinh tế chính của gia đình phụ thuộc vào công việc chằm lá thuê của chị Phúc, và nghề đưa khách qua sông bằng một chiếc ghe của một mạnh thường quân tặng lại. Thấy được hoàn cảnh khó khăn và nghị lực vươn lên của anh Điệp, Ngân hàng dê giống thuộc xã đoàn Thạnh Phú Đông đã hỗ trợ anh dê giống để nhân đàn, bên cạnh đó, Xã đoàn còn vận động mạnh thường quân thường xuyên trao tặng những suất quà, học bổng cho 02 con anh Điệp được đi học đến nơi đến chốn. Dần dần, nhờ chí thú làm ăn, cuộc sống vợ chồng anh Điệp đã khá hơn.

Anh Đoàn Văn Ngọc Điệp: Gương thanh niên khuyết tật

Hai con của anh đã tốt nghiệp xong THPT, được sự giới thiệu, giúp đỡ của Xã đoàn Thạnh Phú Đông, con gái lớn của anh Điệp đã tham gia xuất khẩu lao động tại Malaysia, sau khi về nước, với số tiền dành dụm được của con, gia đình anh mua dược 4 công đất với số tiền 320.000.000, đầu tư nuôi 2 con bò nái đã đẻ được 02 con bê, 02 con dê nái, nuôi 02 ao tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả kinh tế cao.

Với ý chí, nghị lực vươn lên nghịch cảnh, không cam chịu số phận, anh Điệp cùng với gia đình mình đã có cuộc sống ổn định hơn. Chia sẽ với chúng tôi, anh không quên bày tỏ sự cảm ơn chân thành và trân trọng đối với tổ chức Đoàn - Hội địa phương đã hỗ trợ, giúp đỡ và đồng hành, chia sẽ với anh trong những năm tháng khó khăn của cuộc sống, giúp anh có thêm động lực để vươn lên, thoát nghèo, ổn định kinh tế gia đình. Anh Đoàn Văn Ngọc Điệp là một trong những gương thanh niên khuyết tật được mời làm diễn giả giao lưu trong chương trình “Tỏa sáng Nghị lực thanh niên Giồng Trôm” do Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện Giồng Trôm tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Hội LHTN Việt Nam (15/10/1956 - 15/10/2016).

Anh Đỗ Văn Mãi – Người cán bộ Hội làm kinh tế giỏi

Anh Đỗ Văn Mãi sinh năm 1989, ấp An Trạch Đông, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến tre. Bản thân bị khuyết tật tay và chân (do năm 03 tuổi bị sốt bại liệt), anh luôn có mặt cảm với những người xung quanh. Từ khi được tham gia sinh hoạt với tổ chức Đoàn, Hội bản thân anh đã dần không còn mặt cảm với mọi người, anh được tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tư vấn hướng nghiệp và đã vận dụng vào thực tế kinh tế gia đình mình.

Từ năm 2013 từ nguồn vốn cha mẹ cho anh đã tiến hành xây dựng chuồng trại để nuôi heo nái, heo thịt từ 2 heo nái và 15 heo thịt ban đầu đến nay đã được 15 heo nái, 70 – 80 heo thịt. Mỗi năm xuất 4 lần thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ năm. Bên cạnh đó, anh còn mở thêm tiệm tạp hóa để tăng thêm thu nhập gia đình, mỗi năm thu nhập thêm khoảng 100 triệu đồng.

Từ đó nguồn kinh tế của gia đình ngày càng được ổn định, bền vững. Hiện nay, anh tham gia vào thành viên Ủy ban hội xã Thành Thới A, tích cực tham gia tốt các phong trào do Đoàn, Hội và địa phương phát động, đặc biệt là phong trào văn nghệ ở địa phương. Từ 2013 đến nay anh cùng với Chi hội ấp Tân Phong, An Trạch Đông tổ chức 5 buổi giao lưu văn nghệ thông qua đó vận động trên 15 triệu đồng (tiền mặt, tập, viết) giúp các em học sinh nghèo có thêm điều kiện đến lớp.

Trong sinh hoạt chi hội bản thân luôn năng nổ hoạt động, đi đầu trong các phong trào, được các bạn thanh niên tín nhiệm và noi theo.

    Chị Nguyễn Thị Mến - Cán bộ Hội tiêu biểu

      Chị Mến sinh năm 1987, Quê quán: ấp Thừa Trung xã Thừa Đức, huyện Bình Đại

      Khi mới sinh ra chị là đứa bé khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, hoạt bát, lớn lên trong sự yêu thương che chở của gia đình. Nỗi đau đã đến với chị khi lên 2 tuổi mắc phải chứng sốt bại liệt. Sau bao chạy chữa của dù gia đình đã cố chạy chữa bằng mọi biện pháp, mọi hình thức, ai chỉ ở đâu có bác sĩ giỏi, có thuốc hay dù Đông - Tây - Nam - Bắc gia đình đều cố gắng chạy chữa cho chị nhưng không có kết quả, chị bị bại liệt đôi chân, chị không thể đi đứng, nô đùa như bao đứa trẻ khác mà tất cả mọi sinh hoạt phải có người làm hộ.

      Dần quen với nghịch cảnh của đời mình, khi lớn lên cảm nhận được sự vất vả của cha mẹ, biết gia đình nghèo khó, thiếu trước hụt sau, dù tuổi đã cao nhưng cha mẹ vẫn không ngừng nổ lực trên mảnh đất diện tích không đầy 300m2 mỗi ngày để lo cái ăn, cái mặc cho chị. Chính sự vất vả của cha mẹ đã tạo cho chị nguồn động lực to lớn như tiếp thêm sức mạnh để che giấu sự mặc cảm trước xã hội, chị không chịu thua số phận mà tự nhủ với lòng mình phải vươn lên để vượt qua thử thách bằng chính khả năng của mình. Và rồi chị tìm đến một người quen để tìm học nghề thợ may, lúc đầu công việc may đối với chị là một việc làm hết sức khó khăn bởi vì đôi chân không linh hoạt được mỗi khi cắt đồ, chị phải kìm nén nỗi đau, ngồi học rất lâu với đôi chân nhỏ bé của mình. “Có công mài sắt, có ngày nên kim” sau những nổ lực, phấn đấu cuối cùng chị cũng đã trở thành thợ may và nhận may gia công ráp đồ ăn lợi nhuận theo sản phẩm. Mỗi ngày chị kiếm được khoảng 50-70 ngàn đồng, dù số tiền không nhiều nhưng đó là niềm vui niềm hạnh phúc to lớn trong đời chị, với số tiền đó chị có thể phần nào giảm đi gánh nặng của cha mẹ, có thể giúp đỡ một phần chi phí trong gia đình.

      Chị Mến tại Chương trình Họp mặt kỷ niệm 61 năm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam tỉnh (15/10/1961 – 15/10/2017)

      Không dừng lại ở đó, thấy nhà nằm ngay mặt tiền nơi tập trung đông người qua lại chị đã nghĩ ra thêm buôn bán hột vịt lộn ở trước cửa nhà để kiếm thêm thu nhập, lúc đầu sợ không có người mua nên chị luộc bán mỗi lần khoảng 10 trứng khi hết thì mới luộc thêm, dần dần thấy nhu cầu người ăn tăng lên nên mỗi ngày chị bán được 40-50 trứng, mỗi ngày chị kiếm thêm thu nhập khoảng 40-50 ngàn giúp chi phí sinh hoạt của Mến ổn định hơn.

      Trong chương trình họp mặt kỷ niệm 61 năm truyền thống Hội LHTN Việt Nam. Chị là 1 trong 30 cán bộ, hội viên, thanh niên tiêu biểu được tuyên dương vì có những đóng góp tích cực cho công tác Hội và phong trào Thanh niên tỉnh nhà trong thời gian qua.

      Mặc dù kém may mắn hơn những thanh niên khác nhưng với sự quyết tâm và nổ lực của bản thân mình Mến đã tự tao dựng cho mình một cái nghề và một việc làm có thu nhập ổn định, không là gánh nặng của gia đình. Đây là một thanh niên khuyết tật nhưng nghị lực sống rất mạnh mẽ đáng để chúng ta trân trọng.

      GƯƠNG THANH  NIÊN KHUYẾT TẬT VƯỢT KHÓ ĐẦY TRÁCH NHIỆM

      Anh Nguyễn Thanh Hùng, sinh ngày 21/8/1987 là Bí thư Chi đoàn, Chi hội trưởng ấp Phước Trung, Xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.

      Vốn sinh ra và lớn lên trong 1 gia đình nông dân, có truyền thống cách mạng; cha từng là tù đày Côn Đảo, thương binh ¾; tham gia hoạt động cách mạng, sau 30/4/1975 về địa phương giữ nhiều chức vụ của Đảng như Bí thư Chi bộ ấp…

      Mặc dù bị bệnh tật, sức khỏe  hạn chế (bị bệnh tật năm lên 3 tuổi, dẫn đến khuyết tật tay trái hoạt động khó khăn, bị suy yếu; chủ yếu sử dụng tay phải dẫn đến bị bệnh động kinh. Hàng tháng phải mua thuốc uống để uống mỗi ngày chống chọi với căn bệnh động kinh diễn ra, kinh phí thuốc hàng năm lên tới 5 triệu đồng, không được hưởng chế độ người khuyết tật hay nạn nhân chất độc da cam) nhưng anh Hùng luôn là một Cán bộ Đoàn, Hội gương mẫu, tiêu biểu của Huyện, nhiệt tình với công tác Đoàn, Hội được tập thể tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Chi đoàn từ năm 2012 đến nay, và giữ chức vụ Chi hội trưởng từ năm 2016 đến nay. Với truyền thống cách mạng của gia đình anh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, vận động hội viên thanh niên tham gia các hoạt động và giới thiệu tổ chức Đoàn kết nạp, lãnh đạo Chi đoàn và cùng tập thể xây dựng thành công Chi đoàn mẫu năm 2013, chủ động thành lập 01 tổ TK&VV và trực tiếp quản lý để có thêm kinh phí cho bản thân với 36 thành viên, tổng dư nợ 670 triệu đồng. Hàng năm anh còn vận động kinh phí tổ chức Quốc tế thiếu nhi và  tết trung thu cho các em thiếu nhi của ấp, vận động tặng quà cho con em đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn; tham gia tốt các công trình phần việc Đoàn, Hội các cấp phát động. Với thành tích trên anh từng được Tỉnh đoàn tuyên gương cán bộ Đoàn tiêu biểu; nhận được nhiều Giấy khen của Tỉnh đoàn, Huyện đoàn và Xã đoàn, UBND xã khen thưởng, Năm 2016 anh được Đoàn giới thiệu đoàn viên ưu tú trao cho đảng và được Đảng tạo điều kiện cho tham gia lớp đối tượng Đảng. Hiện tại ngoài việc tham gia các hoạt động anh còn phụ giúp gia đình chăn nuôi bò; chăn nuôi gà thả vườn, số lượng mỗi đợt nuôi 1000 con, sau hơn hơn 3,5 - 4 tháng xuất chuồng mỗi đợt thu lợi nhuận trung bình 20 - 30 triệu đồng.

      Anh là một tấm gương sáng tàn tật nhưng phế, vẫn luôn là người thanh niên sống lạc quan yêu đời sống có lý tưởng và hoài bão, hết mình vì màu xanh của thanh niên, anh chưa bao giờ nhục chí và khuất phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống./.