Giồng Trôm: Tiếp cận, cảm hóa thanh niên chậm tiến hòa nhập cộng đồng

Những năm qua, tình hình phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện Giồng Trôm có chiều hướng gia tăng, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm, phức tạp. Đáng nói, số vụ phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội trong lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ khá cao.

Qua thống kê của Công an huyện, trong 03 năm (từ năm 2016 đến năm 2018), toàn huyện xảy ra 255 vụ phạm pháp hình sự với 339 đối tượng phạm pháp, trong số này có đến 60 vụ (chiếm 26,66%) và 80 đối tượng (chiếm 23,59%) liên quan đến thanh thiếu niên. Cũng trong thời điểm 3 năm vừa nêu, có đến 59/119 vụ tệ nạn xã hội và 178/500 đối tượng thanh niên được phát hiện, thanh thiếu niên tham gia tệ nạn xã hội chiếm 49,57% số vụ và 35,6% số đối tượng. Phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội ở thanh thiếu niên chủ yếu tập trung vào các hành vi như: tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; trộm cắp, cướp giật tài sản; cố ý gây thương tích; chống người thi hành công vụ; gây rối trật tự công cộng, đánh bạc trái phép;…

Bên cạnh đó, số người nghiện và sử dụng ma túy trên địa bàn huyện đang ở mức cao. Tính đến cuối tháng 9/2018, toàn huyện có 54 người nghiện ma túy và 142 người sử dụng trái phép chất ma túy. Lứa tuổi thanh thiếu niên có đến 29 người nghiện (53,7%) và 119 người sử dụng ma túy (83,8%). Số đối tượng này khi không có tiền để sử dụng ma túy đã thực hiện hành vi phạm tội (trộm cắp, cướp giật tài sản, mua bán ma túy,…). Một số đối tượng do sử dụng ma túy quá liều dẫn đến rối loạn tâm thần, “ngáo đá” có các hành vi gây mất trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ,… gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Giồng Trôm thực hiện nhiều giải pháp cảm hóa thanh niên chậm tiến

Trước những diễn biến phức tạp nêu trên, Công an huyện và Huyện đoàn đã nổ lực phối hợp thực hiện nhiều giải pháp cảm hóa thanh niên chậm tiến, phòng chống tội phạm ma túy trong thanh niên. Qua từng năm, các phong trào phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự luôn được Công an huyện, Huyện đoàn và các xã, thị trấn tham gia thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực như: cảm hóa giáo dục thanh niên chậm tiến trở thành người tốt; phối hợp tuần tra kiểm soát giao thông tại các địa bàn trong huyện; các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, an toàn giao thông;…

Giồng Trôm thực hiện nhiều giải pháp cảm hóa thanh niên chậm tiến

Tại các xã như Lương Quới, Châu Hòa, Sơn Phú, Hưng Nhượng, Tân Thanh,.. mô hình Câu lạc bộ “Thắp sáng niềm nin” hay công tác phối hợp cảm hóa thanh niên đã giúp nhiều thanh niên chậm tiến trở nên tiến bộ. Anh Nguyễn Bảo Ngọc–Phó Bí thư xã Đoàn Lương Quới cho biết, từ năm 2014 đến nay, đã nhận cảm hóa 16 thanh thiếu niên chậm tiến, trong đó có 12 bạn đã tiến bộ, 10 bạn có việc làm ổn định. Năm 2017 và 2018, xã đoàn đã vận động hỗ trợ 02 thanh niên tổng số vốn 04 triệu trồng để phát triển kinh kế bằng nghề sửa xe, sửa điện thoại. Với vốn hiện có 02 thanh niên này có điều kiện sửa chữa cơ sở vật chất và mua thiết bị phục vụ cho công việc.

Còn ở Châu Hòa, xã đã vận động được một thanh niên chậm tiến tình nguyện tham nghĩa vụ quân sự năm 2018, 5 thanh niên tham gia học và tiến hành chăn nuôi dê, 14 thanh niên có việc làm ổn định.

Thời gian tới, Công an huyện và Huyện đoàn cùng các địa phương sẽ tiếp tục duy trì tốt hoạt động các mô hình, câu lạc bộ nhằm cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến có hiệu quả, đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp mới, chú trọng đến các đối tượng có nguy cơ phạm tội; đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh thiếu niên sau cảm hóa; biểu dương, khen thưởng những mô hình, cách làm hay, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác cảm hóa, giúp đỡ thanh niên chậm tiến. Bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức đoàn, ngành công an thì vai trò của gia đình cũng rất quan trọng. Vì vậy, các gia đình cần quan tâm, nhắc nhở, động viên để con em mình không sống cách biệt và không tái phạm trở lại./.