“ĐỒNG KHỞI”, Sét Đánh Trên Đầu Mỹ-Diệm

Ngay sau Hội nghị lần thứ 15, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương đơn vị vận tải quân sự dọc Trường Sơn, gọi tắt là Đoàn 559 và đơn vị vận tải vượt biển Đông, gọi tắt là Đoàn 759. Trong hai năm 1959 – 1960, hai con đường này đã đưa vào miền Nam hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và hàng chục tấn hàng quân sự tiếp sức cho phong trào cách mạng miền Nam.

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II, các Đảng bộ Nam bộ và Liên khu V đã coi trọng đưa Nghị quyết xuống tận cơ sở và quần chúng cách mạng. Phong trào “Đồng khởi” bắt đầu với những cuộc khởi nghĩa từng phần.

Ở Liên khu V, sau cuộc khởi nghĩa Bác Ái (năm 1958), trong năm 1959 diễn ra các cuộc khởi nghĩa Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, Đức Phổ.

Ở Nam Bộ, nhân dân nhiều nơi ở miền Đông, miền Trung và miền Tây nổi dậy làm tan rã từng mảng bộ máy thống trị và kìm kẹp của địch ở cơ sở. Ngày 16/9/1959, lực lượng vũ trang cách mạng chặn đánh ở Gò Quản Cung, tỉnh Kiến Phong (nay thuộc Đồng Tháp), tiêu diệt một tiểu đoàn nguỵ. Đêm 24/9/1959, Khu uỷ Khu 8 (Trung Nam Bộ) họp bàn việc triển khai thực hiện Nghị quyết 15, quyết định lãnh đạo các địa phương trong khu đồng loạt nổi dậy vào tháng Giêng năm 1960. Thực hiện Nghị quyết, Tỉnh uỷ Bến Tre quyết định phát động tuần lễ “toàn dân đồng khởi” nhằm phá ách kìm kẹp của địch, xây dựng chính quyền cách mạng.

Bến Tre là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, gồm 3 cù lao (ba hòn đảo) bị chia cắt bởi hệ thống sông rạch lớn nhỏ, việc kết nối giao thông liên tỉnh phải qua các bến đò, bến phà khó khăn. Ngoài ra, Bến Tre lại có hệ thống đồn bốt dày đặc: 300 đồn trong 115 xã. Bấy giờ toàn tỉnh có 600.000 dân mà chỉ có 18 chi bộ với 162 đảng viên. Không kịp họp Tỉnh ủy, chỉ có một Tỉnh ủy viên phụ trách cù lao Minh và một số cán bộ quận ủy Mỏ Cày, Thạnh Phú họp từ ngày 01 đến 03/01/1960, tại nhà chị Bảy Tốt ấp Tân Hòa, xã Tân Trung (huyện Mỏ Cày) triển khai Nghị quyết 15 của Trung ương, nhất trí chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy và quyết tâm phát động một tuần lễ toàn dân Đồng Khởi, bắt đầu từ cù lao Minh.

Trước ngày Đồng Khởi hai hôm, ông Bảy Tranh - Huyện ủy viên Mỏ Cày bị bắt trong người có một lựu đạn hư và một số tài liệu khác. Mọi người sợ kế hoạch Đồng Khởi bị lộ nhưng ông Bảy Tranh không khai báo gì và đã anh dũng hy sinh. 

Bắt đầu từ 4 giờ chiều ngày 17/01/1960, nhân dân huyện Mỏ Cày, đi đầu là 3 xã Định Thuỷ, Bình Khánh, Phước Hiệp nhất tề nổi dậy, diệt ác phá đồn, đập tan bộ máy cai trị và kìm kẹp của địch ở cơ sở. Từ thắng lợi Mỏ Cày, phong trào lan nhanh sang các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại. Chính quyền tự quản và lực lượng vũ trang cách mạng được thành lập, bọn ác ôn bị đưa ra xét xử, ruộng đất của địa chủ được đem chia cho nông dân.

Theo chủ trương của Xứ uỷ Nam Bộ, đêm 25 rạng ngày 26/01/1960, lực lượng vũ trang cách mạng bất ngờ tiến công căn cứ Tua Hai (Tây Ninh) tiêu diệt và bắt sống 500 quân ngụy, cổ vũ quần chúng vùng lên giải phóng 24 xã trong tỉnh, xóa bỏ 70% bộ máy kìm kẹp của địch ở xã, ấp.

Hòa nhịp với cuộc Đồng khởi ở Bến Tre và Tây Ninh, các tỉnh Mỹ Tho, Tân An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau, Châu Đốc, Long Xuyên, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiến Phong, Kiến Tường... đồng loạt nổi dậy làm chủ 2/3 số ấp, xã.

Ngọn lửa nổi dậy, tiến công bốc cao và lan rộng ở đồng bằng Nam Bộ, ở rừng núi miền Trung. Hầu hết các ban tề ấp, xã tan rã, tê liệt. Vùng giải phóng liên hoàn hình thành, nối liền các huyện, các tỉnh. Trong vùng giải phóng, quyền làm chủ hoàn toàn thuộc về quần chúng lao động. Một hình thức chính quyền Nhân dân ra đời.

Tính đến cuối năm 1960, phong trào “Đồng khởi” của Nhân dân miền Nam đã căn bản làm tan rã chính quyền địch ở đại bộ phận cơ sở. Thế trận của địch ở miền Nam bị đảo lộn, từ chỗ tập trung lực lượng hô hào “Bắc tiến” chúng phải dồn về chống đỡ với cách mạng miền Nam.

Phong trào “Đồng khởi” ở nông thôn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị. Tháng 01/1960, 8.000 công nhân đồn điền cao su
Biên Hoà đình công. Ngày 01/5/1960, 1.000 công nhân Sài Gòn mittinh nêu khẩu hiệu đả đảo đế quốc Mỹ, thành lập chính quyền dân tộc, dân chủ. Ngày 20/7, hàng vạn quần chúng ở đô thị xuống đường đòi “đế quốc Mỹ cút khởi miền Nam Việt Nam”, đòi quyền dân sinh, dân chủ. Tháng 8/1960, 500 thanh niên tại trại huấn luyện thanh niên cộng hoà thuộc huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam bỏ trại trốn về nhà. Ngày 20/9/1960, hơn 20.000 đồng bào Khmer, trong đó có 2.000 sư sãi tỉnh Trà Vinh, kéo vào thị xã đấu tranh; 45.000 đồng bào nông thôn tỉnh Mỹ Tho kéo vào thị xã đòi chấm dứt bắn pháo vào các thôn, xóm. Ngày 04/10/1960, 10.000 đồng bào huyện Cao Lãnh
kéo vào thị xã Sa Đéc chống khủng bố, bắt phu, bắt lính. Ngày 15/10/1960, hơn 60.000 đồng bào tỉnh Bến Tre kéo vào thị xã đấu tranh đòi huỷ bỏ luật 10/59. Trong năm 1960, ở miền Nam có 10 triệu lượt người tham gia đấu tranh chính trị.

Thắng lợi của Đồng khởi đã làm cho nguỵ quyền Sài Gòn và chính quyền Washington lên cơn sốt. Trong thông điệp đầu năm 1960, Tổng thống Mỹ Eisenhower hô hào tăng cường quân đội Việt Nam cộng hoà để cầm chân đối phương, chờ chi viện của khối SEATO1.

Tháng 8/1960, Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) báo cáo về Washington là rất có thể Mỹ phải tính đến những phương án hành động khác và tìm người lãnh đạo khác. Thực hiện ý đồ đó, Mỹ đạo diễn các cuộc đảo chính chống Diệm. Tháng 11/1960, cuộc đảo chính của Nguyễn Chánh Thi thất bại nhưng cuộc khủng hoảng chính trị trong nội bộ nguỵ quyền từ đó kéo dài triền miên, dẫn đến hàng loạt cuộc đảo chính, ly khai và “thay ngựa giữa dòng” của Mỹ.

Phong trào “Đồng khởi” trên thực tế đã chuyển Cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Eisenhower, đẩy chính quyền Mỹ vào thế bế tắc, mở ra bước ngoặt của cách mạng miền Nam, góp phần bảo vệ và củng cố miền Bắc.

Ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, Châu Thành (nay là Tân Biên – Tây Ninh), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời./.

TRẦN MINH TRÍ

THÀNH VIÊN CLB LÝ LUẬN TRẺ TỈNH BẾN TRE

 

SEATO (South East Treaty Organization: Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á là khối quân sự do Mỹ cầm đầu nhằm chống lại phong trào giải phóng dân tộc và tiến bộ xã hội đang phát triển mạnh ở Đông Nam Á sau thất bại của Pháp tại Việt Nam và Đông

Ban Tổ chức - Kiểm tra Tỉnh đoàn