Người đàn ông hiến máu 70 lần vì luôn nhớ hình ảnh mẹ mất do thiếu máu để truyền

“Tôi phấn đấu sẽ hiến máu đến 100 lần, khi không còn đủ điều kiện hiến nữa. 100 đại biểu có mặt tại đây, tôi biết được các đại biểu đã hiến máu rất nhiều lần, 100 người sẽ 100 lý do bén duyên với hoạt động hiến máu và sẽ có những câu chuyện về hiến máu bạn nhớ đến cuối đời.

Mẹ tôi mất do thiếu máu để truyền. Khi ấy tôi mới 20 tuổi, hình ảnh gia đình đi huy động mọi người hiến máu, rồi đi mua máu mà vẫn không đủ để truyền cho bà đến giờ tôi vẫn còn nhớ”- anh Nguyễn Trí Hiếu ở TP Hồ Chí Minh mở đầu câu chuyện xúc động về “lý do anh đã có 70 lần hiến máu” khi chia sẻ tại chương trình gặp mặt phóng viên báo chí giới thiệu các hoạt động Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc  và Hành trình Đỏ lần thứ VII năm 2019 diễn ra ngày 4/6 tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

nguoi-dan-ong-hien-mau-70-lan-vi-luon-nho-hinh-anh-me-mat-do-thieu-mau-de-truyen-1

Hình: Anh Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ anh sẽ phấn đấu sẽ hiến máu đến 100 lần

Anh Hiếu là 1 trong số 100 người có lượt hiến máu kỉ lục cùng tụ hội tại buổi lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019. Trong đó người nhiều nhất đã 60 tuổi, hiến máu 70 lần, người ít tuổi nhất mới 23 tuổi, hiến máu 50 lần.

Anh Hiếu cho biết, những năm 1994, khi phong trào hiến máu chưa phát triển, việc mua máu vẫn còn rất khó khăn do người dân vẫn chưa có nhiều thông tin, kiến thức về hiến máu tình nguyện. “Không chỉ mẹ tôi mà thời điểm đó, rất nhiều bệnh nhân lẽ ra có cơ hội được sống tiếp nhưng do thiếu máu mà đã phải rời xa thế giới này. Nhiều khi nghĩ, nếu mẹ ở trong thời đại này, có lẽ mọi thứ đã khác”- anh Hiếu chia sẻ.

Vậy nên, vài năm sau sự ra đi của người mẹ, khi thấy thông tin về hiến máu, nhớ đến mẹ, anh quyết định đi đăng ký hiến máu luôn.

Nhưng lần đầu đi hiến máu với anh Hiếu lại không trơn tru gì, anh chuẩn bị kỹ, bao gồm cả việc ăn sáng no căng. Cũng vì ăn rồi nên anh không được hiến. Từ lần đó, đến nay, sau 22 năm anh đã hiến máu đến 70 lần.

Bản thân anh Hiếu cũng đã đăng ký hiến mô, hiến tạng từ nhiều năm trước. "Tôi thấy mình có thể cho đi thứ gì thì mình không giữ " - anh chia sẻ.

    Cũng đến từ TP Hồ Chí Minh, bác Trần Thanh Long, Quận 6, TP.Hồ Chí Minh cũng đã có 70 lần hiến máu. Một trường hợp khác là bác Lâm Văn Vinh, 56 tuổi là một trong những thành viên Câu lạc bộ nhóm máu hiếm tích cực nhất, đến nay bác đã hiến được 45 lần. Do mang trong mình nhóm máu B Rh-, với tỉ lệ khoảng 10.000 người mới có 4-7 người nên bác Vinh có tên trong danh sách hiến trực tiếp, cứ khi nào BV cần máu là gọi, dù đang ở đâu ông cũng gác hết việc để lao đến. Trong đó bác từng hiến cho 1 em nhỏ ghép thận và và bệnh nhân mổ tim tại BV 115, TP.Hồ Chí Minh.

    Dù hiến máu cứu rất nhiều người cùng nhóm máu hiếm nhưng bác Vinh chưa từng được bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nào cảm ơn. Bác bảo, chưa bao giờ quan tâm đến điều đó, cho đi không mong nhận lại điều gì. Chỉ còn 3 năm nữa là hết tuổi hiến máu, bác hy vọng những giọt máu của mình sẽ còn giúp ích được thêm nhiều người khác.

    Trong danh sách 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm nay, bên cạnh những người đã hiến máu đến 60, 70 lần, Ban tổ chức đã lựa chọn tôn vinh những người hiến máu nhóm máu hiếm, những người là thành viên Câu lạc bộ hiến máu dự bị ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo...

    nguoi-dan-ong-hien-mau-70-lan-vi-luon-nho-hinh-anh-me-mat-do-thieu-mau-de-truyen-2

    Hình: 100 cá nhân hiến máu tiêu biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo Viện Huyết học - Truyền máu TW, các Vụ/Cục trực thuộc Bộ Y tế tại buổi gặp gỡ báo chí

    Đây là hoạt động thường niên đã được tổ chức ở nước ta từ năm 2008 nhằm tri ân, biểu dương những tấm gương hiến máu và vận động hiến máu tiêu biểu trên khắp mọi miền đất nước; không phân biệt ngành nghề, độ tuổi, dân tộc.

    TS. Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện cho biết, truyền máu là biện pháp điều trị có thể cứu sống người bệnh nhưng luôn tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro cho người bệnh, trong đó có việc lây nhiễm các mầm bệnh như HIV, viêm gan b, viêm gan C, giang mai.

    Một trong những giải pháp quyết định và bền vững đó là xây dựng và duy trì được nguồn người hiến máu tình nguyện, thường xuyên. Đây là vấn đề của toàn cầu và Tổ chức Y tế thế giới đang hướng tới mục tiêu 100% đơn vị máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện và đạt tỷ lệ 2% dân số tham gia hiến máu vào năm 2020.

    Cũng theo TS Bạch Quốc Khánh, năm 2018, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được gần 1,4 triệu đơn vị máu; trong đó 98,3% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện, tương đương hơn 1,4% dân số tham gia hiến máu.

    Sưu tầm