Những mẩu chuyện về Bác Hồ với phụ nữ

Sinh thời, Hồ Chủ tịch luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Người đã từng khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Đại biểu phụ nữ các dân tộc Tây Bắc được gặp Bác Hồ (1959)

1. Cán bộ nữ phải tự học tập nâng cao trình độ

Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ I được tổ chức sau Đại hội Công đoàn toàn quốc và tôi được phân công là Trưởng ban Ban Tổ chức Đại hội. Bác đã đến cơ quan Phụ vận Trung ương để nghe báo cáo về tình hình chuẩn bị Đại hội. Bác dặn dò phải rút kinh nghiệm Đại hội Công đoàn để tổ chức mọi mặt cho tốt hơn nữa… Bác đã góp ý với Đoàn Phụ nữ Trung ương: Các cô phải nói lên được tinh thần yêu nước của phụ nữ các tầng lớp, nói lên công lao của phụ nữ nông dân cần cù lao động sản xuất sao huy động được nhiều hơn nữa sự đóng góp của phụ nữ cả nước cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Đi đôi với động viên, các cô phải chăm lo quyền lợi thiết thực cho phụ nữ. Chỉ có phụ nữ mới chăm lo được cho phụ nữ. Các chú ấy không lo được cho các cô đâu…

Từ khi hòa bình, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ II và lần thứ III và hai lần này tôi vẫn là Trưởng ban Ban Tổ chức Đại hội. Trong công tác phụ vận, tôi đã ghi nhận nhiều lời dạy của Bác. Bác nói về mục tiêu phấn đấu của người nữ cán bộ Hội. Bác có những ý kiến cụ thể: “Các cô phải chống phong kiến, chống mê tín dị đoan và hủ tục lạc hậu. Góp phần giải quyết nạn mù chữ, nạn thất nghiệp cho phụ nữ. Các cô đừng tự ti, đừng hay khóc. Cách mạng là phải đấu tranh, đưa nước mắt ra không giải quyết được gì đâu. Hội Phụ nữ là tổ chức đấu tranh cho quyền lợi của chị em. Cuộc sống của họ phải gắn với Hội, Hội phải lo cho họ. Các cô phải đi vào quần chúng phụ nữ để thấy họ đang gặp khó khăn gì, họ được cái gì và chưa được cái gì. Từ đó nghĩ cách học tập nâng cao trình độ, không dựa vào người khác được đâu. Đảng chỉ giúp một phần mà bản thân mình phải gỡ là chính”.

 (Trích lời kể bà Hà Thị Quế - Nguyên Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam)

2. Bác Hồ đến

Đầu tháng Tư năm 1950, vào một buổi sáng đầu mùa Hè, ánh nắng pha sương mờ của rừng núi Việt Bắc đang lan tỏa trên mái nhà Hội trường Đại hội, tôi được biết: “Bác Hồ sẽ đến thăm Đại hội sáng nay”. Nghe tin lòng tôi bàng hoàng, mong chờ, hồi hộp.

Có còi tập hợp, các đoàn báo tin chị em đại biểu lên tập trung ở Hội trường chờ đón Bác… Độ một tiếng sau, Bác vào Hội trường ngồi vào bàn Chủ tịch đoàn, toàn Hội trường đứng dậy vỗ tay không ngớt, Bác giơ tay bảo: “Các cô ngồi xuống, nào bây giờ tất cả các cô muốn hỏi gì thì Bác trả lời.” Mọi người đương chuẩn bị thì Bác đã nói ngay: “Trước khi các cô hỏi, Bác hỏi: Lúc đón Bác ở cửa Hội trường có một số các cô tự vệ bồng súng gác ăn mặc rất đẹp, vậy Bác hỏi nếu máy bay Pháp đến bắn phá, các cô có biết dùng súng bắn máy bay không?” cả Hội trường cười ồ vì thực sự đây là những chị em khỏe mạnh được chọn ăn mặc chỉnh tề để có hình thức đón chào Bác cho long trọng. Bác cũng cười rồi nói: “Nào các cô hỏi Bác đi”. Chị em đua nhau giơ tay. Đoàn nào cũng có người hỏi tình hình trong nước, thế giới đến kinh nghiệm công tác phụ vận ở từng vùng. Riêng tôi chỉ còn nhớ nhất hai ý kiến trả lời của Bác. Ý kiến thứ nhất của một đại biểu hỏi Bác về công tác phụ vận rất khó khăn, có nơi không được cấp ủy quan tâm. Bác bảo: “Cán bộ phụ nữ phải có trán cao su kiên trì thuyết phục không sợ gian khổ, đi sâu đi sát quần chúng”. Ý kiến thứ hai, một đại biểu mạnh dạn hỏi Bác: “Thưa Bác, Bác có lấy vợ không ạ? Tiêu chuẩn bác gái như thế nào ạ?”. Cả Hội trường đều ngẩng nhìn về phía đồng chí Cẩm Thạch vừa hỏi Bác tỏ vẻ lo ngại. Nhưng Bác cười vang: “Cô nào hỏi đấy? Có chứ. Tiêu chuẩn thứ nhất là đẹp, thứ hai là phải tốt, nói thế chứ Bác thấy khó lắm”. Cả Hội trường lại cười vang…

(Trích lời kể của bà Nguyễn Thị Lan Anh, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam)

3. Ký ức về Bác

Trong khoảng thời gian từ năm 1951-1952, tôi còn được gặp Bác khá nhiều lần. Có lần tôi lên chơi nhà Bác ở rất cao, trèo lên các bậc thang chót vót. Tôi hay đem chuyện công tác của mình ra hỏi ý kiến Bác. Tôi kể Bác nghe: Có chị phụ nữ là cán bộ không chồng mà có con. Chị bị lên án, kỷ luật không được làm việc nữa, chị khóc ghê lắm, chúng tôi không biết làm thế nào. Bác nghe chuyện im lặng một lúc rồi nói: “Ở bên các nước Châu Âu thì chuyện đó là chuyện riêng, không có gì nhưng ở Việt Nam ta vì nhiều lý do nên phải gìn giữ. Trình độ quần chúng còn thấp, chưa thể thay đổi tư tưởng quần chúng ngay lập tức được. Các cô là cán bộ phong trào hết sức nên tránh chuyện đó thì mới giữ được uy tín, nói bà con mới nghe. Thế rồi dần dần ta sẽ đưa trình độ của quần chúng lên, lúc đó mọi việc sẽ khác. Tuy nhiên cũng nên giúp đỡ người ta lúc sinh nở, khó khăn, đừng quá thành kiến làm người ta sinh quẫn…”.

… Tôi có nhiều dịp được chứng kiến Bác tiếp các Đoàn đại biểu phụ nữ các nước anh em. Một lần, Bác tiếp Đoàn đại biểu phụ nữ Châu Phi. Chị em ăn mặc theo lối cầu kỳ. Trong câu chuyện của mình, Bác có hỏi: “Quần áo các cô may bằng vải gì?”. Các chị trả lời: “Thưa Bác, bằng vải của Pháp ạ!”. Bác hỏi: “Thế trong nước các cháu, công nghiệp dệt thế nào?”. “Cũng có ạ, nhưng vải không được đẹp thế này”.

Bác nói: “Đúng, vì đất nước các cô cũng như Việt Nam, còn đang phải xây dựng. Phải dần dần rồi các thứ mới đẹp, mới tốt được. Nhà máy dệt của Việt Nam bây giờ dệt được nhiều vải đẹp rồi. Bác sẽ tặng các cô một ít”. Bác cười cười nói thêm: “May quần áo dân tộc phải bằng vải “dân tộc” chứ!”

Khi tiễn Đoàn về, Bác tặng các chị mấy xấp vải của nhà máy dệt Nam Định. Bác giáo dục tinh thần dân tộc, tinh thần tự lực tự cường bằng cách nói chuyện như thế đó, không làm ai tự ái cả.

 (Trích lời kể bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh – nguyên cán bộ Phụ nữ Cứu quốc ở Việt Bắc, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)

4. Bác để lại cho phụ nữ muôn vàn tình thương yêu

Tháng Tư năm 1950, Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất họp để hợp nhất Đoàn Phụ nữ Cứu quốc vào Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, tôi được cử trong Ban Tổ chức trực tiếp đón Bác đến dự Đại hội…

Sau Đại hội, tôi được Trung ương cử đi học lớp chính trị Mác – Lênin ở Trung Quốc. Trước khi đi, Bác đến thăm anh chị em, Bác ân cần căn dặn: “Trung ương cử các cô các chú đi học chứ không phải đi du học. Trước đây con nhà giàu thì họ đi du học nghĩa là vừa chơi vừa học, còn các cô các chú học là để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Bác thân mật kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác. Bác nói: “Chơi với bạn cũng là học, nhưng cần phải tỉnh táo đừng để bạn lợi dụng mình. Đối với nhân dân có những điều người ta chưa hiểu hoặc không thích thì không nên nói, không nên giải thích nhiều. Phải biết khiêm tốn học hỏi nhân dân thì nhân dân mới vui lòng làm theo đường lối, chính sách của Đảng”.

… Tôi sinh cháu được một tháng 24 ngày thì đúng vào dịp Bác đến thăm cơ quan phụ nữ Trung ương. Tất cả các chị em trong cơ quan đều xúm xít quanh Bác để hỏi thăm sức khỏe Bác. Đồng chí Thư ký của Bác nói nhỏ với chị Ái: Bác rất ít thì giờ, các chị chỉ nên nói chuyện vui. Nhân lúc Bác hỏi thăm sức khỏe chị em, chị Hoàng Thị Ái và chị Đinh Thị Cẩn báo cáo với Bác ở cơ quan có đồng chí Hảo và đồng chí Huê mới sinh hai cháu gái. Bác hoan hô hội viên tí hon rồi Bác hỏi ngay: “Mẹ con các cô ấy có khỏe không?”. Chị Cẩn nói:

- Thưa Bác, mẹ con đồng chí Huê còn yếu vì sinh cháu thiếu tháng.

Rồi chị Cẩn vẫy tay bảo tôi bế cháu ra. Nhìn cháu Bác hỏi ngay:

- Cô có sữa cho cháu bú không?

Tôi thưa:

- Thưa Bác có ạ!

Bác lại căn dặn phải giữ gìn sức khỏe để đủ sữa cho cháu bú… Những lời khuyên của Bác thật là đầm ấm, ruột thịt, tình cảm mà tôi thấy rất cần cho tôi lúc đó.

 (Trích lời kể của bà Mỹ Hảo nguyên cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)

Nguồn: Sưu tầm

Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn