TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 01 NĂM 2020

MỪNG ĐẢNG – MỪNG XUÂN CANH TÝ

THEO DÒNG LỊCH SỬ

- 09/01/1950: Ngày truyền thống học sinh, sinh viên.

- 17/01/1960: Ngày Bến Tre Đồng Khởi

 

09/01/1950: NGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH, SINH VIÊN

Hơn nửa thế kỷ qua, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội sinh viên Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay. 

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường sau Cách mạng Tháng Tám 1945: “… Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…” và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo đã cổ vũ học sinh, sinh viên nước ta thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt và tình nguyện chung sức cùng cộng đồng.

Trong giai đoạn 1925-1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, các tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời, như: Tổ chức Học sinh Đoàn, Đội Ngô Quyền, Tổng Hội Sinh viên đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Tự hào đối với các thế hệ học sinh, sinh viên là việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, thành lập và hợp nhất các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn và các chi bộ Đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản mà hầu hết đảng viên, đoàn viên đều là những đồng chí xuất thân từ học sinh, sinh viên, như: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng… 

Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, cuộc vận động hình thành Tổng Hội Sinh viên hoạt động công khai nhằm liên kết lực lượng sinh viên yêu nước, có cảm tình với cách mạng. Cùng với sự phát triển của phong trào sinh viên, phong trào học sinh các trường trung học ngoài Bắc, trong Nam cũng phát triển ngày càng mạnh bởi được ảnh hưởng của cuộc đấu tranh chung do Mặt trận Việt Minh và các Đoàn thể cứu quốc hướng dẫn.

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là thành quả to lớn của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, trong đó các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên có nhiều đóng góp xứng đáng, với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường đã được khắc ghi vào lịch sử dân tộc.

Sau cách mạng Tháng Tám, học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xung kích thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác Hồ và Chính phủ đề ra. 

Từ năm 1947 đến 1949, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Với khẩu hiệu: “Tích cực cầm cự chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công” đã tiếp thêm sinh lực mới cho phong trào học sinh, sinh viên. Cuộc đấu tranh của học sinh đã lan ra cả Đông Dương. 

Ngày 09/11/1949, học sinh Huế bãi khoá. Phan Văn Giáo, Tổng trấn bù nhìn Trung bộ đã thẳng tay khủng bố. Học sinh, sinh viên quyết định bãi khoá để phản đối.

Ngày 22/11/1949, trong lúc tại Huế đang tranh đấu, học sinh Sài Gòn bí mật vận động kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và đề xướng hưởng ứng phản đối việc các nữ sinh Huế bị bắt, đồng thời yêu sách cải tổ chính sách giáo dục.

Các cuộc bãi khoá của học sinh, sinh viên Sài Gòn liên tiếp nổ ra, đưa ra các yêu sách: Chấm dứt khủng bố, đàn áp bắt bớ học sinh; trả tự do cho các học sinh bị bắt sau ngày chống bù nhìn Bảo Đại; bảo đảm an ninh và quyền lợi học tập của học sinh.

Giữa lúc ở Huế, Sài Gòn không khí tranh đấu đang sôi nổi, tại Hà Nội, học sinh cũng đang căm tức vì Pháp và bù nhìn bắt bớ một số anh chị em sau kỳ nghỉ học kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám. Học sinh Chu Văn An quyết định bãi khoá ngày 25/11/1949, trong các lớp trên tường la liệt khẩu hiệu. Toàn trường vang dậy những khẩu hiệu “học sinh bãi khoá”, “trả lại tự do cho bạn chúng ta”, “đả đảo bù nhìn”.

Ngày 09/01/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn – Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 09/01/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.

Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9 tháng 1 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22-23/11/1993) tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9 tháng 1 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.

Nguồn: Kim Yến (Trang điện tử BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)

17/01/1960 : CUỘC ĐỒNG KHỞI CỦA ĐỒNG BÀO TỈNH BẾN TRE.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam, nhân dân miền Nam đã từ các hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang vùng lên khởi nghĩa, mở đầu bằng những cuộc đồng khởi.

Đêm 2-1-1960, tại xã Tan Trung, ban lãnh đạo tỉnh Bến Tre họp bàn về chủ trương đồng khởi. Hội nghị nhất trí: phát động một tuần lễ toàn dân đồng khởi, diệt ác ôn, phá thế kìm kẹp, giải phóng nông thôn, làm chủ ruộng vườn và quyết định khởi nghĩa thống nhất từ ngày 17-1-1960 đến ngày 25-1-1960, lấy cù lao Minh, cụ thể gồm 3 huyện Minh Tân, Mỏ Cày, Thạnh Phú làm điểm đột phá mà điểm chính là Mỏ Cày. Hội nghị đề ra một số biện pháp tiến hành phải đánh tới tấp; phát triển phải phát triển hết khả năng không hạn chế; khi sóng gió nổi lên thuyền phải mạnh dạng căng buồm lướt sóng.

Kế hoạch tiến hành được giữ bí mật tuyệt đối. Đúng 8 giờ sáng ngày 17-1-1960, tại xã Định Thủy (cách huyện lỵ Mỏ Cày 3 km), các đồng chí lãnh đạo đã chớp thời cơ nổ súng. Thạnh Phú, Minh Tân, Mỏ Cày đồng khởi nhất loạt đêm 17-1-1960.

Qua một đêm đồng khởi, bộ máy kìm kẹp của địch ở một số xã bị tan rã hẳn. Sau 2 ngày địch mất bốt Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp. Ta giải phóng hoaøn toàn 3 xã: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh. Trung đội giải phóng đầu tiên của Bến Tre sinh ra trong phong trào đồng khởi đã làm lễ ra mắt tại một vườn dừa xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày.

Từ thắng lợi này, chỉ trong một tuần (từ ngày 17 đến ngày 24-1-1960), 47 xã thuộc các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạch Phú, nhân dân nhất tề nổi dậy. 22 xã diệt ác, lấy đồn, giải phóng hòan toàn xã. 25 xã khác giải phóng nhiều ấp.

Trước thắng lợi của cách mạng, địch điên cuồng phản kích lại. Ngày 22-2-1960, chúng cho một đại đội từ Mỏ Cày vào Phước Hiệp. Ngày 24-2-1960, địch huy động 3.000 quân đánh vào Phước Hiệp, Bình Khánh, Định Thủy hòng tiêu diệt cách mạng, nhưng chúng thất bại. Cuộc đồng khởi của nhân dân Bến Tre kết thúc thắng lợi. Từ đây làn sóng đồng khởi như nước vỡ bờ lan ra khắp các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nơi ở miền Trung Trung Bộ.

Từ sau phong trào đồng khởi nổ ra tại Bến Tre tháng 1-1960, từ tháng 2-1960 trở đi, phong trào đồng khởi nổ ra trên khắp miền Tây Nam Bộ và Trung Nam Bộ.

Nguồn:http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&id=311...

 

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

MẪU CHUYỆN: CHỦ TỊCH NƯỚC CŨNG KHÔNG CÓ ĐẶC QUYỀN

 

Đầu năm 1946, cả nước ta tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên. Gần đến ngày bầu cử, tại Hà Nội - là nơi Bác Hồ ra ứng cử - có 118 Chủ tịch ủy ban nhân dân và đại biểu các giới hàng xã đã công bố một bản đề nghị: "Yêu cầu cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà".

Từ nhiều nơi trong cả nước, đồng bào viết thư đề nghị Bác không cần ra ứng ở một tỉnh nào, nhân dân cả nước đồng thanh nhất trí cử Bác vào Quốc hội.

Trước tình cảm tin yêu đó của nhân dân, Bác viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào để Bác thực hiện quyền công dân của mình: "Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới".

Sau ngày hoà bình lập lại, có lần Bác đi thăm một ngôi chùa cổ, vị sư chủ trì ra đón và khẩn khoản xin Bác đừng cởi dép khi vào trong chùa. Bác không đồng ý và lặng lẽ làm đúng những quy định như khách thập phương đến lễ chùa. Trên đường từ chùa về, khi vào đến thành phố, xe Bác đến một ngã tư thì vừa lúc đèn đỏ bật. Sợ phố đông, xe dừng lâu, đồng chí bảo vệ định chạy lại đề nghị đồng chí công an giao thông bật đèn xanh để Bác đi. Bác hiểu ý ngăn lại:

Các chú không được làm thế, phải tôn trọng và gương mẫu chấp hành luật lệ giao thông. Không được bắt luật pháp dành quyền ưu tiên riêng cho mình.

Nguồn: hochiminh.vn

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI

Chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, các tổ chức Đoàn thông tin Nghị định Nghị định 100/2019 thay thế Nghị định 46/2016 có hiệu lực từ 01/01/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông. (xem nghị định theo đường link sau: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/vi-pham-hanh-chinh/Nghi-dinh-100-2019-ND-CP-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-linh-vuc-giao-thong-duong-bo-va-duong-sat-426369.aspx). Trong đó có quy định mức phạt khi uống rượu, bia khi tham gia giao thông như sau:

 

Ban Tổ chức - Kiểm tra Tỉnh đoàn