TĂNG GIÁ ĐIỆN THÊM 3%: CHỬI EVN ĐỘC QUYỀN LÀM GIÁ ĐIỆN TĂNG LIỆU CÓ ĐÚNG?

Ngay khi có thông tin giá điện tăng 3% từ ngày 04/05/2023 thì dân tình lại bu nhau vào chửi EVN độc quyền, không cho tư nhân vào để giảm giá điện.

Bài toán “tư nhân hóa sách giáo khoa” đã từng là một tấm gương sờ sờ ra trước mắt. Khi diễn ra việc bắt tay nhau, cho ra lò nhiều bộ sách giáo khoa làm rối mắt cả phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo, sách cũ không tận dụng được vì khác bộ, rồi lại đổi nhà cung cấp theo từng năm dựa trên đấu thầu. Cùng với đó là giá sách khoa tăng chóng mặt vì “giấy đẹp hơn”, “nhiều hình ảnh hơn”.... Ban đầu thì đòi tư nhân hóa sách giáo khoa rồi sau đó lại đòi nhà nước can thiệp đưa giá sách giáo khoa trở lại. Rồi mới năm ngoái thôi diễn ra hiện trạng giá xăng dầu biến động, các cây xăng tư nhân đồng loạt “treo vòi” nghỉ bán, chỉ còn các cây xăng của các doanh nghiệp nhà nước hoạt động để bình ổn thị trường.

Thực tế, ngành điện đã không độc quyền từ rất lâu rồi. Tư nhân và khối ngoại đã tham gia vào khâu sản xuất điện và EVN chỉ “độc quyền” khâu truyền tải và phân phối đến người dân mà thôi.

Tại sao EVN lại “độc quyền” khâu truyền tải và phân phối? Các anh chị cần trả lời câu hỏi này, các anh chị có muốn một công ty Trung Quốc hay bất cứ của một quốc gia nào khác “trúng thầu” truyền tải, phân phối điện đến vùng núi phía Bắc hay khu vực Tây Nguyên không? Rồi dẫn đến một viễn cảnh là bản đồ lưới điện quốc gia rơi vào tay tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài. Và khi có “biến” xảy ra, thì coi như cả đất nước “sập nguồn”, mất liên lạc và thông tin, đời sống bị khủng hoảng....

Tư nhân là phải có lãi họ mới làm, tư nhân làm kinh doanh chứ không phải bố thí. Tức là, với các vùng hải đảo thưa dân, miền núi vắng người cần nguồn đầu tư lớn mà để tư nhân làm thì xác định là không bao giờ có sự xuất hiện của lưới điện quốc gia. Nếu ai xài Tik Tok, hãy lên tìm kiếm cụm từ khóa “thu tiền điện vùng cao” của kênh Amthuc48hshop, sẽ thấy có những bản làng mà tiền điện thu được theo tháng chỉ vài trăm ngàn, không đủ trả lương vài ngày cho người thu tiền điện, chứ chưa nói đến tiền cho việc duy tu, bảo dưỡng, duy trì hệ thống...

Tư nhân nào sẽ kéo điện ra Lý Sơn khi tốn hàng ngàn tỷ đồng trong khi mỗi năm doanh thu giá điện chỉ vài chục tỷ đồng? Tư nhân nào sẵn sàng kéo điện ra Quan Lạn, Cô Tô khi doanh thu chỉ vài tỷ mỗi năm trong khi giá thành đầu tư vài trăm tỷ đồng? Nếu muốn tư nhân đầu tư ra hải đảo có lãi thì chắc là phải bán với giá vài chục ngàn đồng/số điện, vậy thì phần lớn người dân ở những nơi ấy chỉ có điện ở trong giấc mơ mà thôi.

Trong khi dân Việt Nam luôn kêu ca “gỡ bỏ độc quyền ngành điện” thì nhiều nước trên thế giới lại đang đi ngược lại. Pháp “quốc hữu hóa” tập đoàn điện hạt nhân lớn nhất châu Âu để đảm bảo an ninh năng lượng và giảm giá điện. Đức cũng “nhà nước hóa” công ty năng lượng lớn bậc nhất nước này là Uniper. Tương tự Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha… cũng đã hoặc đang có các đề xuất nhà nước sẽ sở hữu trực tiếp hoặc quá bán cổ phần tại các công ty điện và năng lượng… Tại châu Mỹ, Chính phủ Mexico sẽ chi tới 6 tỷ đô để mua 13 nhà máy điện nhằm “độc quyền năng lượng”. Na Uy cũng đang dần“quốc hữu hóa” ngành năng lượng và động thái đầu tiên là đường ống dẫn khí đốt…

Tại Đông Nam Á, các quốc gia có giá điện rẻ nhất đều là các quốc gia mà các công ty nhà nước nắm độc quyền hoặc quá bán cổ phần, đó là Malaysia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Tại Indonesia, doanh nghiệp Perusahaan Listrik Negara (PLN) thuộc sở hữu Chính phủ Indonesia cũng độc quyền ngành điện. Indonesia từng “mở cửa” ngành điện nhưng sau 5 năm đã phải vội vã độc quyền trở lại vì giá điện tăng phi mã và việc đầu tư vào các vùng hải đảo xa xôi không được các doanh nghiệp quan tâm. Trung Quốc, Đài Loan cũng là 2 quốc gia, vùng lãnh thổ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước nắm vị trí chủ yếu ngành điện hoặc liên kết dưới hạng chiếm đa số cổ phần.

Trong 4 năm kể từ ngày giá điện tăng gần nhất tại Việt Nam, thì giá than tăng trung bình từ 5 - 7 lần, giá dầu biến động gấp 3 - 4 lần, giá khí đốt tăng gần gấp đôi… Trong cơ cấu ngành điện Việt Nam, chủ yếu vẫn đến từ nhiệt điện, thủy điện, sau đó là điện khí và năng lượng tái tạo.

Trong vòng 12 tháng trở lại đây, chỉ có duy nhất Việt Nam là quốc gia trong ASEAN-6 chưa tăng giá điện và hầu hết các quốc gia khác trong ASEAN đều phải tăng giá do giá nhiên liệu tăng cao, nguồn cung khan hiếm. Là một quốc gia có thu nhập tương đương như người dân Philippines phải trả giá điện gấp đôi Việt Nam. Xa hơn là Hàn Quốc tăng giá điện tới 9,5%. Tại Nhật Bản thì Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cũng tăng giá điện tới 30% để bù lỗ và dự trữ khủng hoảng. Cần nhớ rằng, TEPCO là công ty điện đã được Chính phủ Nhật Bản “quốc hữu hóa” hồi năm 2012.

Thực tế, chẳng ai trong chúng ta muốn giá điện tăng, nhưng nhìn con số 3% trong bối cảnh hiện tại là một sự nỗ lực rất lớn của ngành điện. Nếu đòi tư nhân hóa ngành điện hoàn toàn, thì có lẽ không chỉ dừng ở con số 3% mà có thể sẽ là 20% hoặc 30%. Nếu là tư nhân thì đã đòi tăng giá điện ngay khi giá than, khí, dầu tăng rồi chứ cũng chẳng cần phải đợi qua mấy năm đại dịch. khó khăn mới bắt đầu tính đến chuyện tăng giá điện đâu.

Sưu tầm