Thanh niên Thạnh Phú cần mạnh dạn khởi nghiệp để làm giàu

          Những năm gần đây, huyện Thạnh Phú đặc biệt quan tâm tới phong trào thanh niên khởi nghiệp. Theo đó, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình có hiệu quả trong thanh niên như: sản xuất thiết bị nuôi trồng thủy sản; trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao; trồng kiểng lá, trồng nho kết hợp du lịch… Các mô hình khởi nghiệp của thanh niên đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, truyền cảm hứng cho lực lượng trẻ xung kích, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương.

          Anh Đào Phước Xoàn, 32 tuổi, ngụ ấp An Thạnh, xã An Thạnh là giáo viên tin học của Trường Tiểu học An Thạnh. Với quyết tâm mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi tôm và giấc mơ nuôi tôm hữu cơ, nuôi tôm bền vững ứng dụng công nghệ vào trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, năm 2018 anh Xoàn nghiên cứu hệ thống nuôi tôm thông minh thông qua việc tự động hóa trong nuôi trồng thủy sản và giải pháp nuôi tôm bền vững. Tại hội thi ý tưởng dự án khởi nghiệp lần II tỉnh Bến Tre năm 2018, Dự án “Tự động hóa trong nuôi trồng thủy sản và giải pháp nuôi tôm bền vững” của anh đạt giải nhất.

          Anh Xoàn cho biết: “Năm 2020, tôi đã nhân rộng mô hình nuôi tôm bằng cách cho tôm ăn tự động hơn 1.000 hộ nuôi tôm truyền thống. Từ cách cho tôm ăn bằng tay truyền thống, các hộ nông dân chuyển sang cho ăn máy góp phần nâng cao năng suất cũng như tiết kiệm chi phí nuôi tôm, đồng thời góp phần phát triển kinh tế tại các địa phương. Sản phẩm máy cho tôm ăn do cơ sở Phước Xoàn sản xuất được phát triển rộng rãi trong toàn huyện và các huyện có nuôi tôm như Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm”... Từ đầu năm 2020 đến nay, anh Xoàn đẩy mạnh phát triển thị trường trên sàn giao dịch điện tử, mở rộng thị trường sang các tỉnh thành khác và công ty nuôi thủy sản như: Thông Thuận, NG, Sao Ta... Tính từ năm 2019 đến cuối năm 2020, doanh thu của anh Xoàn thu về hơn là 4,8 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận khoảng 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ sở của anh Xoàn còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 thanh niên và khoảng 10 thanh niên khác theo mùa vụ.

         Anh Đào Phước Xoàn (áo đen) giới thiệu về sản phẩm máy cho tôm ăn, máy trộn mồi do anh nghiên cứu sản xuất

          Cũng từ Dự án này, anh Đào Phước Xoàn đạt giải ba cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo sáng tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp  khoa học và công nghệ tổ chức vào tháng 10-2018. Dự án khởi nghiệp của anh là một trong ba dự án của Bến Tre được chọn tham gia Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo 4.0 kết nối toàn cầu năm 2018 tại Đà Nẳng, do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Gần đây nhất, vào đầu tháng 12/2020, anh Đào Phước Xoàn là một trong 56 “nhà nông trẻ xuất sắc" được trao Giải thưởng Lương Định Của, giải thưởng tôn vinh những thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất trong phong trào tuổi trẻ thi đua xây dựng nông thôn mới.

          Hiện tại, anh Đào Phước Xoàn còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ khởi nghiệp tiên phong của huyện Thạnh Phú. CLB được thành lập vào tháng 7-2019 với 19 thành viên do các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp trẻ, dự án, cá nhân khởi nghiệp của huyện tự nguyện thành lập. Theo đó, CLB đã tổ chức các hoạt động và tham gia hỗ trợ các sự kiện liên quan đến hoạt động khởi nghiệp; liên kết các doanh nghiệp khởi nghiệp để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc phát triển và mở rộng sản xuất, từ đó gắn kết với thanh niên và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; trao đổi kinh nghiệm quản lý, hỗ trợ nhau xây dựng và phát triển doanh nghiệp; tìm kiếm kết nối các quỹ đầu tư đến các dự án khởi nghiệp tiêu biểu; chia sẻ và trao đổi kinh nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp…

          Sau gần 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ tiên phong khởi nghiệp của huyện bước đầu đã truyền kinh nghiệm khởi nghiệp và hướng tiếp cận sản xuất, kinh doanh cho đoàn viên, thanh niên của huyện. Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công, anh Xoàn cho rằng, đoàn viên thanh niên cần phát huy tinh thần, sức trẻ, không ngại khó, có định hướng cho tương lai; cống hiến hết mình trong quá trình khởi nghiệp để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

          Nhìn lại 5 năm thực hiện chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, có thể nhận thấy huyện Thạnh Phú từng bước xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp khá hoàn chỉnh với đầy đủ các thành tố, có sự gắn bó, liên kết chặt chẽ với nhau và phát triển không ngừng. Nhiều đoàn viên, thanh niên và cả học sinh trên địa bàn huyện có những ý tưởng, dự án tiềm năng để khẳng định tinh thần khởi nghiệp làm giàu, ý chí dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ và tạo sức lan tỏa đến người dân. Qua đó, thanh niên từng bước thay đổi nhận thức, tư duy trong khởi nghiệp, lập nghiệp để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện. Bí thư Huyện đoàn Huỳnh Hữu Trung cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định chiến lược mổ rộng không gian phát triển về hướng Đông. Trong đó, Thạnh Phú sẽ là địa phương bứt phát vươn lên trong thời gian sắp tới. Đây là điều kiện thuận lợi để phát huy tinh thần thi đua “Đồng Khởi mới”, truyền cảm hứng để thanh niên khởi nghiệp trên chính quê hương của mình. Ban Thường vụ Huyện đoàn sẽ tranh thủ nguồn vốn, tranh thủ về việc làm và các điều kiện kỹ thuật cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Đồng thời, chúng tôi sẽ tạo ra những sân chơi về ý tưởng, dự án khởi nghiệp để các bạn trẻ mạnh dạn hơn, hoàn thiện hơn trong suy nghĩ về khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp sáng tạo. Thanh niên Thạnh Phú nhất định sẽ khởi nghiệp thành công trên chính quê hương của mình”.

          Khởi nghiệp là một quá trình lâu dài, do đó để thành công, ngoài sức trẻ sẵn có, thanh niên cần mạnh dạn dấn thân để đến đích. Sự kiên trì, bền bỉ của thanh niên, cùng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước sẽ tạo đà, tiếp lửa để câu chuyện khởi nghiệp của thanh niên hướng đến sự thành công, mang tính bền bền vững./.

       

Minh Mừng