Thạnh Phú: Dâng hương kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Thạnh Phong

          Ngày 18/10/02021, Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân phối hợp với Huyện ủy Thạnh Phú tổ chức lễ dâng hương tại Bia Di tích lịch sử “Đường Hồ Chí Minh trên biển” tại Bến Thạnh Phong nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển 23/10/1961 - 23/10/2021. Tham dự có Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Chủ tịch Hội truyền thống Đoàn tàu không số Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đức; Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân Đại tá Đặng Mạnh Hùng; Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình.

          Đọc lời tưởng niệm, tưởng nhớ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vận tải của đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chính ủy Lữ 125 Đại tá Phạm Minh Chiến nhấn mạnh: “Mỗi chuyến đi của những con tàu không số là một cuộc đấu trí quyết liệt với kẻ thù, chống chọi với thiên nhiên, giông bão. Nhiều con tàu đã không bao giờ trở lại, biết bao cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, anh dũng hy sinh, mãi mãi ở lại với biển khơi, máu thịt của các anh đã hòa quyện cùng sông nước. Những chiến công và sự hy sinh cao cả của lực lượng mở đường vận tải chiến lược trên biển Đông của những con tàu “Không số” mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc, đã trở thành bất tử, huyền thoại cho lớp lớp đời sau ngưỡng mộ, trân trọng, tự hào, góp phần tạo nên truyền thống anh hùng của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Bia đá nơi đây là cột mốc trường tồn như một nốt nhạc của bài ca đi cùng năm tháng, khắc ghi những chiến công chói lọi, đánh dấu trang sử hào hùng của Hải quân Nhân dân Việt Nam; là bản thiên anh hùng ca bất hủ, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí thông minh, lòng dũng cảm và sự hy sinh vô bờ của những người con trung hiếu của dân tộc Việt Nam anh hùng”.

Chính ủy Lữ 125 Đại tá Phạm Minh Chiến đọc lời tưởng niệm

         Cũng tại buổi lễ, đại biểu đã dành một phút mặc niệm và thắp hương tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đã chiến đấu hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đại biểu dành một phút mặc niệm.

          Trong kháng chiến chống Pháp năm 1946, theo sự chỉ đạo của Khu ủy, Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức thành công chuyến vượt biển đầu tiên đưa đoàn cán bộ khu 8 ra Bắc gồm 4 đồng chí Nguyễn Thị Định, Đào Công Trường, Trần Hữu Nghiệp và Ca Văn Thỉnh để báo cáo với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình kháng chiến ở Nam Bộ đồng thời xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam và Bến Tre.

Đại biểu dâng hương tưởng nhớ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đã chiến đấu hy sinh

          Đến giữa năm 1946, Trung ương cử đồng chí Nguyễn Thị Định làm thuyền trưởng chỉ huy con tàu 0 số đã vượt biển mang chuyến hàng quân sự đầu tiên từ miền Bắc về Bến Tre giao cho Quân khu 8, đó là một sự kiện đáng tự hào thể hiện ý chí kiên cường, tinh thần sáng tạo của Đảng bộ, quân và dân Bến Tre, một sự kiện mang tính đột phá chiến lược mở ra con đường vận chuyển, tiếp tế vũ khí từ Bắc vào Nam.

         Từ thành công và kinh nghiệm của chuyến vượt biển năm 1946, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau phong trào Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre. Lúc đó, cách mạng miền Nam đang trong giai đoạn chuyển hướng chiến lược, từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang tiến công địch trên khắp các chiến trường. Do đó nhu cầu vũ khí đánh địch rất cấp bách.

          Sau khi nhận sự chỉ đạo mở ra con được vận chuyển, tiếp tế vũ khí từ Bắc vào Nam, trong năm 1961 Bến Tre đã tổ chức thành công hai chuyến tàu vượt biển ra miền Bắc xin chi viện vũ khí và cùng với những chuyến tàu vượt biển thành công của các tỉnh Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu, Trà Vinh, Bạc Liêu là cơ sở quan trọng để Trung ương quyết định thành lập Đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho chiến trường miền Nam; ngày 23/10/1961, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Đoàn 759 đoàn vận tải thủy.

          Tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, để triển khai Nghị quyết đó; ngày 19/9/1962, Quân ủy Miền quyết định xây dựng một đơn vị tương đương cấp sư đoàn, lấy phiên hiệu Đoàn 962, có nhiệm vụ xây dựng bến bãi ven biển miền Nam tiếp nhận hàng hóa, cất giấu vũ khí; Đoàn 962 được bố trí ở các tỉnh và Bến Tre được chọn làm nơi đứng chân; trong đó có một đơn vị bến tương đương cấp trung đoàn phiên hiệu A101; Bến A101 – Bến Tre là nơi đứng chân của Ban chỉ huy Đoàn 962, lãnh đạo và điều hành mọi hoạt động của Đoàn 962 từ Cà Mau đến Bà Rịa.

          Bến A101 hay còn gọi là Bến Thạnh Phong đã tiếp nhận hàng chục chuyến tàu cập bến an toàn và hàng trăm lực lượng trung chuyển vũ khí từ các bến ra chiến trường Quân khu 8, vùng Nam Sài Gòn và miền Đông Nam bộ, góp phần lập nên nhiều chiến thắng vang dội.

          Đường Hồ Chí Minh trên biển là một thiên anh hùng ca bất tử, một trong những con đường huyết mạch, một phương thức vô cùng sáng tạo để vận chuyển người và vũ khí đến các chiến trường xa ở miền Nam, những nơi mà đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn chưa thể vươn tới góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng đất nước. Một chiến công oanh liệt, một sự kiện lịch sử sáng ngời về tinh thần yêu nước, mãi mãi được các thế hệ mai sau trân trọng, giữ gìn kế thừa và tiếp tục phát huy.

Tặng quà cho gia đình chính sách

          Dịp này, Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân đã tặng 5 phần quà cho gia đình chính sách của xã Thạnh Phong, mỗi phần quà trị giá 02 triệu đồng./.

Văn Minh - Đài Truyền thanh Thạnh Phú