[CHUYỂN ĐỔI SỐ] - CẨN TRỌNG VỚI TRUYỀN THÔNG BẨN

[CHUYỂN ĐỔI SỐ] - CẨN TRỌNG VỚI TRUYỀN THÔNG BẨN

Truyền thông xã hội ngày nay đang đứng trước những thách thức lớn. Một trong những số đó là vấn nạn truyền thông bẩn, đòi hỏi công chúng phải luôn tỉnh táo, cẩn trọng trong quá trình tiếp nhận thông tin.

Từ “seeding" trong lĩnh vực điện ảnh

Từ lâu, “seeding” đã không còn là thuật ngữ xa lạ đối với ngành truyền thông nói chung, truyền thông xã hội nói riêng.

Đây là hoạt động trò chuyện, dùng những bình luận (comment) ảo trong những bài viết trên các nền tảng mạng xã hội nhằm nhằm tạo hiệu ứng, thu hút sự quan tâm và xây dựng niềm tin của công chúng đối với một sản phẩm, dịch vụ, một nhãn hàng nào đó.

Tuy nhiên, thời gian qua, hình thức truyền thông phổ biến này đang bị lạm dụng theo chiều hướng xấu. Đầu tháng 4/2023, đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp bày tỏ sự phiền lòng bức xúc khi cho rằng bộ phim "Biệt đội rất ổn" vừa ra rạp thời điểm đó của anh bị “seeding” bẩn, chơi xấu.

Bằng chứng là trên một số fanpage chuyên về điện ảnh xuất hiện hàng loạt bình luận giống nhau chê bai phim "Biệt đội rất ổn".

Những bình luận chê phim này có nội dung tương đồng, thậm chí giống hệt, và xuất hiện cùng thời điểm. Đáng chú ý hơn nữa là các tài khoản bình luận đều là những tài khoản ảo.

Năm ngoái, nhà sản xuất Hoàng Quân của bộ phim kinh dị "Chuyện ma gần nhà" cũng lên tiếng bức xúc về vấn đề này. Trên các fanpage bán vé, dưới các bài content về phim đều xuất hiện hàng những bình luận, đánh giá tiêu cực về phim.

Ngớ ngẩn ở chỗ là những bình luận chê phim "Chuyện ma gần nhà" đều có nội dung giống nhau đến không ngờ. Trước đó, đạo diễn Lương Đình Dũng của phim "578: Phát đạn của kẻ điên" cũng lên tiếng về tình huống tương tự.

Vấn nạn “seeding” bẩn trong lĩnh vực điện ảnh càng trở nên báo động trong đợt phim chiếu dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua. Nếu tình trạng này tiếp diễn, sẽ để lại hàng loạt hệ lụy. Môi trường không gian mạng bị vấy bẩn bởi các thông tin sai lệch có chủ ý.

Thượng vàng hạ cám thông tin, không còn biết đâu là thông tin chính thống, chuẩn xác, khách quan; đâu là thông tin vụ lợi, có ý đồ xấu.

Về phía công chúng, không những bị xâm hại quyền được thông tin, mà còn có khả năng bị dẫn dắt, tin theo những thông tin sai lệch, để rồi, có thể tiếp tục truyền thông các thông tin sai lệch này.

Quan điểm, thái độ, hành vi của công chúng có thể bị thao túng trên môi trường không gian mạng. Các nhãn hàng, cơ quan, tổ chức bị ảnh hưởng danh dự, uy tín, thiệt hại về vật chất là hệ quả tất yếu của các chiến dịch seeding content bẩn.

Có thể nói, truyền thông xã hội ngày nay đang đứng trước những thách thức lớn. Một trong những số đó là vấn nạn truyền thông bẩn.

Điều này đòi hỏi công chúng phải luôn tỉnh táo, cẩn trọng trong quá trình tiếp nhận thông tin, cũng như phải luôn có ý thức tự trang bị cho mình nền tảng kiến thức vững vàng đủ khả năng thanh lọc điều xấu, xử lý thông tin nhiễu.

Không chủ quan phán xét, bình luận khi chưa có đầy đủ thông tin, hoặc chưa từng trải nghiệm, chứng kiến. Công chúng phải luôn có thói quen kiểm tra nguồn thông tin, để tránh bị dẫn dắt, lợi dụng.

Đặc biệt là không nên tiếp tục chia sẻ, truyền thông những thông tin mà mình chưa rõ nguồn, chưa trực tiếp trải nghiệm, chứng kiến.

Seeding được cho là một công cụ tích cực, mang lại hiệu quả cao trong quá trình truyền thông. Nằm trong chuỗi chiến dịch digital marketing (tiếp thị kỹ thuật số), hoạt động seeding giống như việc "gieo mầm" thông tin đến công chúng thông qua các nền tảng mạng xã hội, diễn đàn khác nhau.

Tuy nhiên, thực tiễn truyền thông hiện nay xuất hiện tình trạng seeding content độc hại khi tìm cách hạ bệ, chê bai, “dìm hàng” đối thủ nhằm dẫn dắt công chúng. Chẳng hạn như: khen phim này, dìm phim kia; chê nhãn hàng này khi đồng thời có một nhãn hàng khác vừa ra mắt…

Ban Tổ chức - Kiểm tra Tỉnh đoàn