KHÔNG CÒN TÌNH TRẠNG “NHẸ TRÊN, NẶNG DƯỚI”, “HẠ CÁNH AN TOÀN”

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt được nhiều kết quả nổi bật, trở thành xu thế không thể đảo ngược. Một trong những dấu mốc quan trọng trong việc đưa nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống đó là việc trong năm 2022, 63 Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập và đi vào hoạt động ở tất cả các tỉnh, thành phố. Chỉ sau một năm các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả. Nhất là tại các địa phương sớm thành lập Ban chỉ đạo như Thanh Hóa, Hà Nội…công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều chuyển biến rõ rệt, khắc phục bước đầu tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nhiều địa phương đã khởi tố cả cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý như: Cao Bằng, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Thanh Hoá, Đà Nẵng…

Mới đây tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi có quyết định từ Trung ương tất cả 63/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện ngay nhiệm vụ được giao, nhất là đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tạo chuyển biến mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; bước đầu khắc phục tình trạng “Trên nóng, dưới lạnh”. Theo đó, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã trực tiếp tiến hành gần 150 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện nhiều sai phạm; kiến nghị xử lý nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Tính từ khi thành lập đến nay, các địa phương trong cả nước đã khởi tố 530 vụ án, 1.858 bị can về tội tham nhũng, tăng gấp 1,5 lần về số vụ án và tăng hơn 800 bị can so với năm 2021.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, có thể thấy, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đã có sự chuyển biến rõ nét từ sau khi các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động; số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, khởi tố mới tăng cao số vụ, việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn, không còn tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”, “hạ cánh an toàn” như trước đây; góp phần quan trọng từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, giờ đây “trên nóng” dưới cũng ngày càng nóng lên. Đây cũng là câu trả lời thuyết phục nhất đối với những băn khoăn, lo lắng của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân về hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Những kết quả sinh động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở thành phố Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa cùng nhiều địa phương khác trong cả nước là minh chứng cụ thể cho sự cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế của chủ trương thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, tiếp tục đưa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung lên tầm cao mới, qua đó đóng góp tích cực vào việc hoàn thành những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

CLB Lý luận trẻ