VƯỜN RAU HỮU CƠ TẠI TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ THỊ TRẤN GIỒNG TRÔM GÓP PHẦN XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC XANH, SẠCH, NĂNG ĐỘNG

Phát triển nông nghiệp sạch, tạo ra những sản phẩm an toàn cho sức khỏe bằng quy trình sản xuất thân thiện với môi trường hiện đang là xu hướng được quan tâm tại Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia trên thế giới. Nhằm tạo thói quen lành mạnh trong sinh hoạt và phát triển nhận thức cho học sinh về vấn đề này bằng những trải nghiệm thực tế, tập thể giáo viên và học sinh sinh trường Trung học cơ sở Thị Trấn Giồng Trôm đã thực hiện mô hình vườn rau hữu cơ ngay tại khuôn viên trường học. Mô hình hiện đang thực hiện ở năm thứ 3 và đã cho thấy những hiệu quả tích cực góp phần thực hiện mô hình trường học xanh, sạch, năng động, đồng thời mang đến cho học sinh những trải nghiệm thú vị.

Vào tháng 10/2020, vườn rau hữu cơ được hình thành trên diện tích 400m2 đất trong khuôn viên trường THCS Thị Trấn. Mô hình có sự đồng hành của tổ chức Seed to table (Nhật Bản) hỗ trợ về tài chính, hạt giống và kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa màu. Có 8 giáo viên thuộc tổ Lý – Công nghệ - Tin học và hơn 40 học sinh khối 7, 8 tham gia. Vườn có hơn 10 luống trồng nhiều loại rau màu khác nhau và được thay đổi thường xuyên như cải bẹ xanh, cải thìa, rau muống, đậu bắp, đậu phộng, củ cải trắng,... Vườn được đầu tư trang bị nhà lưới kiên cố. Trước khi đi thực hành trồng rau tại vườn, giáo viên và học sinh được tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc rau và quy trình ủ các loại phân bón. Rau được bón hoàn toàn bằng các loại phân hữu cơ như phân cá, phân chuối, phân chuồng,... Chất lượng đất trồng, nước tưới được đo lường theo quy chuẩn. Giáo viên và học sinh cùng nhau chăm sóc, làm cỏ, bón phân. Rau được thu hoạch và đăng bán trên mạng xã hội cũng như bán cho giáo viên và phụ huynh học sinh. Sản phẩm rau củ sạch, an toàn nên đã nhận được sự ủng hộ của người mua.

Là giáo viên dạy môn Công nghệ 7, có chuyên môn gắn với lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, cô Đoàn Thị Ánh Nguyệt là người trực tiếp phụ trách công việc của vườn rau từ những ngày đầu khởi xướng. Cô Nguyệt cho biết: “Khi chúng tôi tổ chức cho học sinh tham gia trồng rau hữu cơ thì đã đem lại lợi ích rất lớn, đó là chúng tôi đã giáo dục cho các em vai trò của việc trồng rau hữu cơ là giúp ích cho người nông dân tăng thu nhập và bảo vệ sức khỏe người nông dân, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời giúp các em ý thức được bảo vệ hệ sinh thái, không sử dụng thuốc hóa học trong trồng trọt, chăn nuôi, giúp các em có thêm kiến thức và tuyên truyền cho những người dân xung quanh mình về ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Định hướng sắp tới chúng tôi sẽ tiêps tục duy trì hình thức sản xuất rau hữu cơ này và nhân rộng hơn để tất cả các thầy cô trong trường tham gia nhiều hơn, giúp mọi người xung quanh biết về ý nghĩa của vườn rau hữu cơ.”

Ở vụ đầu tiên, số tiền bán rau thu được trên 2 triệu đồng. Tiền thu được từ vườn rau được dùng để mua hạt giống và nguyên liệu ủ phân tái sản xuất vụ tiếp theo. Sau vụ mùa đầu tiên, để thuận tiện cho việc tưới tiêu, các giáo viên thiết kế và lắp đặt hệ thống tưới tự động phủ kín vườn rau. Dự kiến ở vụ rau năm nay, tiền thu được ngoài việc phục vụ tái ản xuất còn trích một phần để phát thưởng cho các em học sinh nghèo vượt khó của trường.

Cô Nguyễn Thị Hồng Duyên – Phó Hiệu trưởng trường THCS Thị Trấn Giồng Trôm cho biết: “Chương trình vườn rau hữu cơ của trường được thành lập từ tháng 9/2020, do tổ chức Seed to Table của Nhật tài trợ. Chương trình này là một trong những nội dung trong việc xây dựng trường học xanh, sạch, năng động, đồng thời thực hiện Đề án Bến Tre xanh của tỉnh. Khi được tổ chức của Nhật tài trợ thì nhận được sự đồng thuận lớn của nhà trường và đội ngũ giáo viên, đặc biệt là học sinh cũng như các bậc phụ huynh cũng nhiệt tình ủng hộ cho các em tham gia. Tổ chức Seed to table ngoài việc tài trợ thì còn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cho giáo viên và học sinh kỹ thuật trồng rau sạch. Phía lãnh đạo nhà trường cũng rất ủng hộ chương trình này và giao cho tổ Lý – Công nghệ - Tin học chủ trì. Sau một thời gian thì hiệu quả chương trình mang lại rất lớn, không phải về kinh tế mà còn về giao dục ý thức của học sinh trong quá trình lao động các em biết được giá trị của việc lao động làm ra sản phẩm. Khi dịch bệnh đến những tưởng chương trình không duy trì được vì các em học sinh phải ở nhà, những bằng mọi sự cố gắng, các giáo viên, đặc biệt là tổ Lý – Công nghệ - Tin học đã nỗ lực hết mình tiếp tục duy trì vườn rau. Ngày hôm nay đã đạt được thành quả, tạo cho trường môi trướng xanh, sách, năng động.”

Ngoài ra, vườn rau hữu cơ còn là nơi để các em học sinh tham quan, học tập kiến thức các môn như công nghệ, sinh học. Tham gia mô hình này, học sinh học hỏi được quy trình sản xuất và bảo vệ môi trường trong trồng trọt, biết được lợi ích của nông nghiệp hữu cơ trong việc bảo vệ sức khoẻ con người và hệ sinh thái từ đó củng cố kiến thức các em được học trên lớp cũng như trang bị thêm kỹ năng sống cho các em.

Em Nguyễn Quốc Khang, học sinh lớp 8/6 chia sẻ: “Sau mỗi giờ học hoặc giờ ra chơi em có thể xuống vườn rau để hỗ trợ các thầy cô trồng và chăm sóc rau. Tham gia như thế em được học những kiến thức bổ ích về trồng rau sạch hữu cơ, em có thể áp dụng tại gia đình em, em có thể trồng hoặc hướng dẫn các bạn và mọi người xung quanh. Em cảm thấy rất vui vì có thể cảm nhận được sự vất vả cũng như niềm vui khi thu hoạch rau của người nông dân.”

Từ những hiệu quả thiết thực mang lại, vườn rau hữu cơ đã trở thành một điểm đến thân quen của giáo viên và học sinh trường THCS Thị Trấn, một mảng xanh giữa khuôn viên trường học đã tạo nên dấu ấn riêng của trường, từ đó xây dựng môi trường giáo dục xanh, sạch, năng động, góp phần thực hiện Đề án Bến Tre xanh giai đoạn 2020 – 2025,./.

Kim Phụng