TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 11/2018

I. CÁC NGÀY LỄ KỶ NIỆM TRONG THÁNG 11

- 07/11/1917: Kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga.

- 09/11/1946: Ngày pháp Luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- 18/11/1930: Kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.

- 20/11/1982: Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

- 23/11/1940: Kỷ niệm Ngày Khởi nghĩa Nam kỳ.

- 23/11/1946: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam.

II. THEO DÒNG LỊCH SỬ

Khởi nghĩa Nam Kỳ, biểu tượng của ý chí quật cường dân tộc

Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ở Ðông Dương thực dân Pháp phát-xít hóa bộ máy thống trị, thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, chĩa mũi nhọn vào Ðảng Cộng sản.  Sự chà đạp và tước đoạt của thực dân Pháp đối với nhân dân ta lên đến cực điểm cùng mưu mô đầu hàng thỏa hiệp với phát-xít Nhật đã đặt ra trước mắt vấn đề sống còn của các dân tộc Ðông Dương. Mâu thuẫn giữa dân tộc ta với thực dân Pháp ngày càng gay gắt.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng diễn ra từ ngày 6 đến 8-11-1939, tại Bà Ðiểm (Hóc Môn - Gia Ðịnh) đã xác định: Trong hoàn cảnh mới, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách của các dân tộc Ðông Dương. 'Bước đường sinh tồn của các dân tộc Ðông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập'. Nghị quyết của Hội nghị được phổ biến tới các địa phương, như một luồng gió mới tiếp thêm sinh khí cho phong trào cách mạng trên cả nước.

Từ tháng 7 đến tháng 10-1940, Ðảng bộ Nam Kỳ liên tiếp tổ chức nhiều cuộc họp để bàn chủ trương và gấp rút lãnh đạo các tầng lớp nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Ðến giữa tháng 11-1940, trước tình hình phong trào cách mạng sôi sục, tinh thần phản chiến trong binh lính người Việt lên cao, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 21-11-1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp bộ đảng nhất loạt phát động nhân dân nổi dậy vào lúc 24 giờ ngày 22-11-1940.

Hội nghị Trung ương Ðảng họp tại Ðình Bảng từ ngày 6 đến 9 tháng 11-1940 đã quyết định đình chỉ cuộc khởi nghĩa vì điều kiện chủ quan và khách quan chưa chín muồi. Ðồng chí Phan Ðăng Lưu trở về truyền đạt quyết định của Trung ương cho Xứ ủy Nam Kỳ. Nhưng khi đồng chí Phan Ðăng Lưu về tới Sài Gòn thì lệnh khởi nghĩa đã ban hành tới các địa phương, một số cán bộ chủ chốt của Xứ ủy đã bị địch bắt, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra theo kế hoạch.

Cả Nam Kỳ rung chuyển dưới sức nổi dậy của quần chúng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành phố ở Nam Kỳ, kéo dài từ đêm 22 rạng sáng 23-11 đến ngày 31-12-1940, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long... Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường, cắt dây điện thoại... ở Vĩnh Long, chính quyền cách mạng cấp quận đã được thành lập tại Vũng Liêm. Ở Mỹ Tho, chính quyền cách mạng ở vùng khởi nghĩa tồn tại trong 40 ngày; một số nơi, nhân dân lập tòa án cách mạng xét xử bọn phản động, xóa bỏ các thứ thuế vô lý, xóa các khoản nợ, tịch thu thóc gạo của địch chia cho dân nghèo và nuôi nghĩa quân. Trong bão táp cách mạng, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu được giương cao trong các cuộc biểu tình, tiến công đồn bốt ở Mỹ Tho (vùng Long Hưng, Long Ðịnh), Gia Ðịnh (vùng Hóc Môn), Vĩnh Long (vùng Bà Càng), Bạc Liêu (vùng Cà Mau), Chợ Lớn, Tân An, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Long Xuyên, Thủ Dầu Một...

Tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Thực dân Pháp khủng bố khốc liệt những người khởi nghĩa. Hàng nghìn người bị xử tử, bị đày ra Côn Ðảo và các trại tập trung Bà Rá, Tà Lài... Pháp cũng nhân cơ hội này hành hình nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt của Ðảng bị bắt từ trước khởi nghĩa: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Ðăng Lưu...

Mặc dù thất bại do điều kiện chưa chín muồi, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ có ý nghĩa rất to lớn. Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ 'là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Ðông Dương'. Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện sức mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của nhân dân các tỉnh Nam Bộ trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Ngày 14-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 163- SL tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho Ðội quân khởi nghĩa Nam Bộ năm 1940 'đã nổi lên chiến đấu oanh liệt với kẻ địch và đã biểu dương được ý chí quật cường của dân tộc'. Ðó là sự khắc ghi của dân tộc đối với công lao và sự hy sinh của quân và dân Nam Kỳ.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã đào tạo và rèn luyện một đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng của Ðảng, gương mẫu chiến đấu hy sinh vì quyền lợi của dân tộc, của nhân dân. Hàng vạn quần chúng đã được thử thách trong đấu tranh, để từ đó tiếp tục theo Ðảng  thực hiện cuộc vận động giải phóng dân tộc tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Mang tính chất của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tính nhân dân rộng rãi và sâu sắc, khởi nghĩa Nam Kỳ là minh chứng sinh động cho chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu của Ðảng được đặt ra từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11-1939 với phương pháp đấu tranh 'vũ lực' là hoàn toàn đúng đắn và sáng tạo. Ðồng thời, khởi nghĩa Nam Kỳ cũng là cơ sở thực tiễn để Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì diễn ra năm tháng sau đó, quyết định 'Thay đổi chiến lược' đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, trước hết cũng như hoàn thiện con đường chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Từ kinh nghiệm các cuộc khởi nghĩa ở Bắc Sơn, Nam Kỳ, Ðô Lương, Ðảng ta chủ trương phải phát huy tính tích cực, chủ động cách mạng, phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, để khi thời cơ đến, có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương để mở đường cho cuộc tổng khởi nghĩa.

Ðặc biệt, từ trong tiến trình chuẩn bị và diễn ra khởi nghĩa, lần đầu thiết chế 'Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa' được đề cập trong truyền đơn rải ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và tiêu ngữ 'Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc' được viết trên các băng-rôn treo trước trụ sở các ủy ban cách mạng ở Long Hưng, ở Vĩnh Kim (Mỹ Tho). Lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trong khởi nghĩa Nam Kỳ đã trở thành biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân, biểu tượng của tinh thần và ý chí đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam Kỳ. Ngọn cờ đỏ sao vàng sau đó đã được Ðảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn làm biểu tượng của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh và đến ngày 9-11-1946, chính thức là 'Cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa' được ghi trong Hiến pháp, thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ hai (khóa I).

Tuy thất bại, hiện thực hào hùng của khởi nghĩa Nam Kỳ 23-11-1940 đã để lại những bài học quý giá. Ðó là bài học về xây dựng thực lực cách mạng gắn với nắm bắt thời cơ; bài học về khơi dậy và nhân lên sức mạnh vĩ đại từ sự hiệp lực, đồng tâm của quần chúng; bài học về phối hợp địa phương với cả nước, về nghệ thuật giành và giữ chính quyền nhân dân... Ðặc biệt nổi lên bài học về xây dựng Ðảng. Ðảng bộ Nam Kỳ mới mười tuổi đã phát động được một cuộc khởi nghĩa long trời lở đất chính vì đã sớm nắm bắt và vận dụng đường lối của Ðảng, xây dựng được hệ thống tổ chức cơ sở Ðảng, tổ chức quần chúng rộng khắp, tạo dựng được một đội ngũ cán bộ đảng viên trung thành, dũng cảm và tiên phong gương mẫu, luôn luôn gắn bó với quần chúng, tin tưởng ở sức mạnh của quần chúng, hòa mình trong quần chúng mà dẫn dắt quần chúng tiến lên.

Bối cảnh lịch sử và những nhiệm vụ cụ thể trong mỗi thời kỳ khác nhau song trách nhiệm và sứ mệnh lịch sử của Ðảng đối với dân tộc không thay đổi. Chủ trương tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng mà Ðại hội lần thứ XII định hướng cho toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta chính là sự tiếp nối tinh thần phấn đấu, hy sinh không mệt mỏi và cũng là phát huy bài học vô giá của thế hệ chiến sĩ cộng sản, những người con ưu tú tận tụy với nhân dân thời 'Nam Kỳ khởi' để lại cho thế hệ hôm nay.

TS Trần Trọng Thơ, báo Nhân Dân Điện tử

III. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Bác Hồ với những lời dạy với giáo viên, học sinh Việt Nam

 

Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta lại cùng nhau nhớ về những lời dạy, tình cảm, tư tưởng của Bác, những mong mỏi của Bác đối với đội ngũ giáo viên, học sinh của cả nước. Mỗi lời Bác để lại đều trở thành động lực to lớn để lớp lớp giáo viên, học sinh quyết tâm giành thắng lợi sự nghiệp giáo dục có những bước phát triển mới theo tư tưởng và triết lý về giáo dục đậm chất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Những người anh hùng vô danh”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc mở mang dân trí, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Để phát triển nền giáo dục nước nhà, Bác Hồ luôn đề cao sứ mệnh của người thầy giáo. Người viết: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em Nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.

Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.

Trong bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành Giáo dục, ngày 15/10/1968, Bác Hồ nhắc lại các thầy, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên 3 điểm sau: Thứ nhất, thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và Nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng.

Thứ hai, dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tuởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật.

Thứ ba, các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn. Đề cao sứ mệnh của thầy cô giáo, trong thư Bác viết: “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.

Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta đã và đang hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục. Năm 1982 đã lấy ngày 20/11 hàng năm làm “Ngày Nhà giáo Việt Nam”, thông qua nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, quan tâm và tạo điều kiện cho đông đảo đội ngũ thầy giáo, cô giáo được đào tạo chính quy, nâng cao chất lượng đời sống để các thầy giáo, cô giáo yên tâm công tác.

Niềm hi vọng to lớn ở thế hệ trẻ của đất nước

Bác Hồ kính yêu luôn dành tình cảm đặc biệt cho các em thiếu niên, nhi đồng – thế hệ trẻ của đất nước. Với Người, thế hệ trẻ chính là những mầm non, là niềm hi vọng cho đất nước phát triển tiến bộ, văn minh, hiện đại. Trong bức thư Bác gửi học sinh trong ngày khai trường vào tháng 9/1945 ngay sau ngày Bác đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác viết: Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Trong thời đại hiện nay, thời đại sức mạnh của trí tuệ, khoa học - công nghệ và kinh tế - văn hóa đóng vai trò quyết định. Việt Nam với những chính sách mở cửa tích cực, đã và đang có những cơ hội hội nhập tốt nhất. Vì vậy, để nước Việt Nam phát triển được như Bác Hồ mong muốn đòi hỏi mỗi người phải có trí tuệ, hiểu biết khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, có khả năng đi tắt đón đầu. Điều đó chỉ thành hiện thực khi chủ nhân của đất nước là những người có tri thức, đủ năng lực hòa nhập với trình độ văn hóa của thế giới. Do đó, hơn lúc nào hết, thế hệ học sinh hôm nay cần phải ra sức học tập, tu dưỡng trở thành người có tài và có tâm, đủ năng lực để hội nhập đưa đất nước tiến lên, phù hợp với bước tiến của thời đại.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Đây vừa là yêu cầu tất yếu có tính thời đại, trong xu thế toàn cầu hóa, vừa là đòi hỏi cấp bách của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước ta; đồng thời đó cũng là nhu cầu của chính nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Xây dựng nền giáo dục mở, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc... Qua đó, sẽ góp phần “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ  Tổ quốc và nhu cầu học tập của Nhân dân”. Con người Việt Nam sẽ phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, sống đẹp và làm việc hiệu quả.

Từ bức thư đầu tiên (9/1945) cho tới bức thư cuối cùng (10/1968), những lời của Bác đã trở thành di sản vô giá, là báu vật thiêng liêng của dân tộc ta, đất nước ta nói chung và của ngành Giáo dục nói riêng. Mỗi lời nói đó đã khơi dậy lòng yêu nghề, niềm tự hào đối với nghề, tinh thần trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo, công nhân viên mà còn khơi dậy ý thức học tập của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay và mãi mãi về sau.

Trích: http://www.bqllang.gov.vn/