TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 01/2019

***

I. CÁC NGÀY LỄ LỚN KỶ NIỆM TRONG THÁNG 01

  1. 7-1-1979 : Chiến thắng biên giới Tây Nam chống quân xâm lược.
  2. 9-1-1950 : Kỷ niệm ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam.
  3. 11-1-1960 : Ngày Tết trồng cây.
  4. 13-1-1941 : Khởi nghĩa Đô Lương.
  5. 17-1-1960 : Bến Tre Đồng Khởi.
  6. 27-1-1973 : Ký hiệp định Paris, về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở VN

II. Thư chúc Tết của Bí thư Tỉnh ủy

[Thư chúc tết của đồng chí Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre gửi các bạn thanh niên đầu năm 2019 - Xuân Kỷ Hợi!].

Một mùa Xuân tươi đẹp nữa lại đến! Trong ánh sắc xuân chung của đất trời, của muôn loài, mỗi người chúng ta ai cũng có một nét xuân riêng. Bạn cũng vậy, tôi cũng vậy. Từng nét Xuân riêng ấy tạo ra những cung bậc khác nhau trong cảm xúc của mỗi người cùng hòa thành bản nhạc xuân chung.
Các bạn thân mến!

Tôi đã tâm tình với các bạn rất nhiều, chia sẻ với các bạn rất nhiều trong các ấn phẩm đầu năm trước. Tôi còn nhớ rất rõ nguyên tắc không “lên lớp dạy đời” bằng những lời giáo huấn khô khan, sáo rỗng mà tôi từng cam kết với các bạn. Và lần này cũng vậy, tôi cũng sẽ không hô hào: “Thanh niên ơi, đoàn viên ơi! Chúng ta hãy thế này… Chúng ta phải thế kia,…”. Trong thời đại tương tác xã hội ngày càng sâu, rộng, đa chiều, những câu khẩu hiệu sẽ chỉ làm người ta thêm khó chịu. Và tôi cũng nhớ rất rõ những gì tôi đã nói với các bạn về “lòng tự tin; về niềm tin; về khát vọng; về nhân cách; về tình yêu quê hương; về nỗi nhục của người nghèo, nước nghèo; về sự lựa chọn con đường vào đời,...”

Năm nay, tôi muốn tiếp tục chia sẻ với các bạn những trải nghiệm của tôi về sự “thành công” hay “thất bại” trong cuộc đời. Hai thứ mà người trẻ tuổi nào nghĩ về nó sớm quá thì thật sự là nỗi bất hạnh.

Lúc trẻ, tôi đi học. Vừa hết phổ thông là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra. Cũng giống như những thanh niên mới lớn cùng thời, tôi tình nguyện đi chiến đấu. Vì được giáo dục lòng yêu nước, vì muốn cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Đó là điều rất đơn giản và cũng rất thật. Còn đi để sau này làm gì, được gì thì không hề nghĩ đến –Đúng hơn là không hề “biết” nghĩ đến! Trải qua những năm tháng quân ngũ ở chiến trường rừng núi phía Bắc xa xôi, lạnh lẽo, đói khát, cực khổ. Nhiều người trong số chúng tôi không chịu nổi, đến mức có một cán bộ chỉ huy Tiểu đoàn đã ghi vào nhật ký: Giao cho đồng chí Chính trị viên Đại đội quản lý tôi, vì tôi sẽ tổ chức cho anh em đào ngũ hết, rồi sẽ là người đào ngũ sau cùng! Người lính mà bị chỉ huy hoài nghi như vậy thì nghiệt ngã biết chừng nào. Nhưng tôi không hề biết điều đó. Chỉ khi đúng 3 năm sau, lúc người chỉ huy ấy chủ động đề nghị kết nghĩa anh em thì tôi mới được nghe chính miệng anh ấy nói ra! Ba năm tôi sống trong điều kiện vật chất và tinh thần đầy khó khăn như thế, nhưng tôi vẫn tồn tại. Hồi đó tôi không lý giải được vì sao tôi có thể tồn tại được. Và cho đến bây giờ, sau 40 năm tôi nghiệm ra rằng: Dường như cái đó hoàn toàn không thuộc về tài năng và sự may mắn (thiên bẩm và số mệnh) mà chính là sự kiên trì nỗ lực và khả năng chịu đựng nghịch cảnh. Đó là những cái lúc trải qua, mình không hề có chút khái niệm nào, như là một thứ bản năng – Chỉ đến khi mình già đi mình mới có thể gọi tên nó được. Từ trải nghiệm đó, tôi tin rằng không nên và cũng không thể xác tính điều gì trước khi bắt đầu vào đời (ngoại trừ những dự tính, dự định, mơ ước).

 

Lẽ đời vốn rất công bằng. Đừng cố nghĩ xem mình phải được làm gì, thành ông gì trong năm, mười, hai mươi năm nữa mà hãy làm hết mình, sống hết mình bằng tất cả lòng kiên trì, nỗ lực và ý chí chịu đựng nghịch cảnh rồi cuộc đời sẽ đền đáp lại. Đó chính là từ khóa của thành công và ngược lại nếu ai không đủ kiên trì nỗ lực và không chịu nổi nghịch cảnh thì cánh cửa thành công luôn chực chờ khép lại. Trong câu chuyện “thành - bại” của cuộc đời, tài năng và sự may mắn là một cái gì đó rất xa xỉ. Chỉ có nỗ lực và sức chịu đựng của chính mình trong mọi hoàn cảnh mới là thứ có thật và rất cần thiết.

Các bạn bây giờ là hình ảnh của chúng tôi ba, bốn mươi năm về trước. Cũng hừng hực, sôi nổi, cuộn trào khát vọng và ước mơ. Nhưng hoàn cảnh và môi trường thì rất khác. Và điều đáng nói hơn: hoàn cảnh, môi trường của mỗi người thì càng vô cùng khác biệt. Mọi sự so sánh đều là khập khểnh, không ai dạy bảo người khác phải sống như mình, giống mình.

Vì vậy, những điều tôi tâm sự ở trên cũng chỉ là sự chia sẻ trải nghiệm cuộc đời. Có thể đúng và cũng có thể sai. Bạn đừng bận tâm nếu nó không làm lay động bạn.
Xin chúc các bạn một mùa Xuân đầy nghị lực./.

Xuân Kỷ Hợi - 2019
Võ Thành Hạo
Bí thư Tỉnh ủy

III. THEO DÒNG LỊCH SỬ

Đồng Khởi Bến Tre năm 1960 – Dấu ấn lịch sử thời đại Hồ Chí Minh

Cuộc Đồng Khởi Bến Tre nổ ra đến nay đã 59 năm (17/1/1960 - 17/1/2019). Ngày Bến Tre diễn ra cuộc Đồng khởi năm ấy, thế hệ chúng tôi chưa ra đời, thì làm sao cảm nhận và hiểu hết được. Không những thế hệ chúng tôi, mà ngay những người trong cuộc, những nhân chứng lịch sử, thế hệ hôm nay và cả mai sau có lẽ cũng chưa hiểu hết về kỳ tích cuộc Đồng khởi Bến Tre năm 1960  là một kỳ công độc đáo, có ý nghĩa sâu sắc về ý Đảng - lòng dân hòa hợp, là sản phẩm của Nghị quyết 15 được vận dụng vào tình hình thực tế ở Bến Tre, cùng sự kết hợp nghệ thuật lãnh đạo sáng tạo, mưu trí, với phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi giáp công” của Đảng bộ Bến Tre thời bấy giờ đã làm nên phong trào Đồng khởi long trời lở đất - làm nên dấu ấn lịch sử trong thời đại Hồ Chí Minh như một huyền thoại.

Giờ đây, ngọn đuốc Đồng Khởi thời hoa lửa đó vẫn luôn chiếu sáng, vang vọng đến muôn đời sau, luôn là niềm tự hào của các thế hệ người dân Bến Tre trong bất kỳ thời kỳ nào. May mắn lớn lên trong thời bình, chúng tôi vinh dự được tiếp xúc, được nghe những nhân chứng sống từng tham gia cuộc Đồng khởi năm 1960 kể lại. Góp nhặt từng mẫu chuyện kể, đọc lại những cứ liệu lịch sử (sách, báo); xem lại hình ảnh từ những thước phim tư liệu, những hình ảnh tư liệu còn lưu lại, nghe tuyên tuyền ôn lại lịch sử trên hệ thống thông tin đại chúng; xem các chương trình sân khấu hóa, chương trình nghệ thuật tái hiện về cuộc Đồng Khởi năm xưa…, đã phần nào giúp chúng tôi hiểu sâu hơn giá trị, cũng như những kỳ tích của phong trào Đồng Khởi năm 1960 ở quê hương mình.

 

Lần giở lại những trang sử vàng, cũng như qua lời kể của những người trong cuộc, những nhân chứng sống lịch sử: Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đế quốc Mỹ và tay sai đã đàn áp, đánh phá khốc liệt phong trào cách mạng miền Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng. Có thể nói, đây là giai đoạn máu và nước mắt; tại tỉnh ta chúng xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh, quận, tổng, hội đồng xã, ấp, đến ngũ gia liên bảo; quản lý nhân dân ta bằng phân loại từng gia đình theo “quốc gia”, lừng chừng, theo “Việt cộng”. Chúng hình thành các tổ chức đảng phái như Đảng cần lao, nhân vị; phong trào cách mạng quốc gia; thanh niên cộng hòa, phụ nữ cộng hòa và xây dựng 4 khu trù mật, trên 300 đồn bót ở khắp các địa bàn. Đồng thời, liên tục đánh phá cơ sở cách mạng, đàn áp, bắn giết những người kháng chiến và đồng bào ta vô cùng dã man, tàn ác, không trừ một thủ đoạn thâm độc nào. Có thể nói, đêm trước Đồng Khởi nổ ra, trên 3 dãy cù lao xứ dừa là một cảnh tượng điêu tàn, đổ nát, nhân dân Bến Tre sống trong cảnh máu và nước mắt, tang tóc, đau thương không sao kể siết. Lòng căm thù giặc sôi trào, dồn nén trong lòng mọi người.

Để chuyển tình thế cách mạng miền Nam trước tình hình đen tối, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành kỳ họp thứ 15 từ ngày 12 đến 22/1/1959 bàn và đề ra đường lối cách mạng miền Nam. Tháng 5/1959 Hội nghị lần thứ 15 đã phân tích những đặc điểm tình hình và xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là: “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Nghị quyết khẳng định “Con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là dùng bạo Iực. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng, thì đường lối dùng bạo lực là lấy sức mạnh của quần chúng dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng võ trang, hoặc nhiều hoặc ít tùy tình hình, để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”. Nghị quyết 15 ra đời với chủ trương “Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng võ trang để đánh địch, giành chính quyền của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng”.

Sau khi tiếp thu Nghị quyết 15, vận dụng nó vào thực tế ở Bến Tre Tỉnh ủy và hàng vạn đồng bào đã đoàn kết, chung lòng, sáng tạo kết hợp phương châm “Hai chân, ba mũi giáp công”, làm nên cuộc Đồng Khởi long trời lở đất trên quê hương Bến Tre vào ngày 17/1/1960, được xem là một sự kiện lịch sử trọng đại, một dấu son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những dấu mốc mà quá trình phong trào Đồng Khởi làm nên luôn được các thế hệ người dân Bến Tre tự hào, không thể quên: Đêm 02/01/1960, Hội nghị cán bộ lãnh đạo Bến Tre do Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập tại một địa điểm ở Mỏ Cày để truyền đạt Nghị quyết 15 của Trung ương và bàn kế hoạch phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá thế kiềm kẹp của địch. Nghị quyết của hội nghị là phát động một tuần lễ nổi dậy đồng loạt trong tỉnh từ 17/1/1960 đến 25/1/1960.

Theo kế hoạch đã định và đúng như đã dự kiến tại 03 xã: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh (Mỏ Cày) cao trào Đồng Khởi Bến Tre bùng lên thành ngọn lửa, tạo thành phong trào lan rộng ra cả huyện, cả tỉnh, cả miền Nam, làm thay đổi cục diện ở miền Nam, phá vỡ một mảng lớn hệ thống chính quyền cơ sở của địch lúc bấy giờ, làm cho chúng vô cùng bất ngờ, hoang mang, buộc Ngô Đình Diệm phải lo sợ thốt lên “Cái ung nhọt Kiến Hòa rất nguy hiểm, nếu không loại trừ ngay sẽ sụp đổ chế độ”. Ngay lập tức, chúng tiến hành “Bình trị Kiến Hòa”, Mỹ - Diệm tập trung lực lượng phản kích mạnh mẽ…, nhằm tiêu diệt lực lượng võ trang cách mạng, hòng lập lại trật tự cũ. Nhưng với sự vững vàng, mưu trí, Ban Chỉ huy Đồng Khởi vận dụng sáng tạo và phát triển nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân nhân dân lên tầm cao mới; tập trung bố trí trận địa và tổ chức lực lượng chặn đánh địch quyết liệt ở 03 xã. Cùng thời điểm này, Tỉnh ủy chủ trương tổ chức cho hàng ngàn dân các xã Phước Hiệp, Bình Khánh, Định Thủy dùng trên hàng trăm xuồng, ghe, chở trên 5.000 người, gồm người già, trẻ em, phụ nữ mang người bị thương, đội khăn tang, đem theo gạo thóc, soong nồi, mùng mền, heo, gà... “tản cư ngược” vào thị trấn Mỏ Cày và tổ chức cho trên 5.000 đồng bào các xã lân cận đến hỗ trợ, đấu tranh trực diện với địch, đưa yêu sách đòi quận trưởng ra lệnh rút quân, chấm dứt càn quét khủng bố, hãm hiếp phụ nữ.

 

Cuộc đấu tranh kéo dài 12 ngày đêm. Ngày 10/3/1960, đại diện Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn bay đến Bến Tre, thị sát tình hình và sau đó phải ra lệnh rút quân, bỏ dở cuộc càn quét. Chiến dịch “bình trị Kiến Hòa” của địch thất bại đã làm cho Đảng bộ và nhân dân Bến Tre thêm tin tưởng vào chủ trương của Đảng, vững tin vào cách nổi dậy đánh địch bằng cả chính trị, vũ trang, binh vận. Sau khi chỉ đạo cuộc Đồng Khởi thắng lợi ở Mỏ Cày, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định chuyển hướng sang Giồng Trôm, tập trung ở 03 xã trọng điểm Châu Hòa, Châu Bình và Phong Mỹ. Tháng 3/1960, một cuộc đấu tranh chính trị của hơn 7.000 phụ nữ Giồng Trôm đòi các đơn vị quân chủ lực của địch đang đi càn quét phải rút về vị trí cũ. Tháng 6/1960, Xứ ủy Nam Bộ quyết định phát động Đồng khởi trong toàn Nam Bộ. Tháng 9/1960, Ban lãnh đạo miền Trung Nam Bộ họp đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm phong trào Đồng Khởi Bến Tre, ra nghị quyết phát động phong trào Đồng Khởi trong toàn khu VIII. Cao trào Đồng Khởi từ Bến Tre nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh Nam Bộ, ra các tỉnh ven biển khu V và Tây Nguyên, làm thay đổi cục diện chính trị ở miền Nam, phá vỡ một mảng lớn hệ thống chính quyền cơ sở địch.

Chấp hành sự chỉ đạo của Xứ ủy, Liên Tỉnh ủy, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định phát động Đồng Khởi đợt từ 15 đến 20/9/1960. Sau khi đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm của cuộc nổi dậy đồng loạt đợt I, cuộc Đồng Khởi không chỉ diễn ra ở những nơi có phong trào mạnh, mà còn được phát động ngay cả ở những vùng yếu, cơ sở cách mạng còn mỏng trong các huyện khác của tỉnh. Phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre năm 1960 là một điển hình về sự nổi dậy của quần chúng. Từ tay không, với lòng yêu nước, thiết tha độc lập tự do, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Bến Tre đã nổi dậy đánh địch và sáng tạo ra cách thích hợp để đánh địch có hiệu quả với sự kết hợp 3 mặt: Chính trị, vũ trang và binh vận. Nhiều điển hình trong công tác binh vận xuất hiện như: Kết hợp cơ sở nội tuyến và lực lượng vũ trang của ta cùng quần chúng gỡ đồn, “vợ lấy đồn chồng”, “bà lấy đồn cháu’.... Có thể nói, phong trào Đồng Khởi Bến Tre không chỉ có nghĩa đơn giản là cuộc nổi dậy đồng loạt của nhân dân từ tay không cướp đồn địch, giành chính quyền và cũng không chỉ giới hạn trong đợt I và đợt II, mà Đồng Khởi là một quá trình liên tục tiến công, liên tục nổi dậy, liên tục giành thắng lợi, hết đợt này đến đợt khác. Đó là một hình thức đấu tranh độc đáo, sáng tạo của cách mạng Việt Nam.

Thắng lợi cuộc Đồng Khởi Bến Tre và các cuộc Đồng Khởi trong toàn miền Nam tiếp sau đó đã đưa đến việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 20/12/1960. Trong bài Tổng kết của đồng chí Hoàng Văn Thái - Ủy viên Thường trực Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tại Hội nghị tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tỉnh Bến Tre từ ngày 12 đến 17/7/1982, có đoạn viết: “Đồng Khởi Bến Tre năm 1960 là một mô hình hoàn chỉnh của khởi nghĩa toàn dân, của khởi nghĩa ở nông thôn đồng bằng. Nó thúc đẩy toàn Nam Bộ nổi dậy chống Mỹ, cứu nước với khí thế long trời lở đất. Vì vậy…, Bến Tre là quê hương của Đồng Khởi theo đúng nghĩa của Đồng Khởi”. Nhà sử học - cố Giáo sư Trần Văn Giàu cũng đã viết trên Báo Đồng Khởi thứ bảy số Xuân 1989: … “Kỳ công của Bến Tre mà lịch sử hiện nay và trăm năm sau đã và sẽ khắc trên bản đồng, là cuộc Đồng Khởi năm 1960 mở đầu một cao trào vũ trang đấu tranh dài 15 năm đi đến toàn thắng của kháng chiến chống Mỹ. Tôi biết có nhiều nơi “tranh chấp” (trong số các nhà viết sử thôi) cái danh hiệu Đồng Khởi. Là một người chép sử, tôi nhận xét rằng ở mấy nơi miền Trung và miền Nam hồi đó ngay cả trước năm 1960 nữa, quả có những cuộc vũ trang đấu tranh giành quyền làm chủ, nhưng Đồng Khởi (với tên gọi của phong trào) như là cuộc nổi dậy mang tính quần chúng. Cuộc nổi dậy có tác động lâu dài, rộng lớn và đưa lại nhiều bài học kinh nghiệm rất cơ bản, là thành tích của đồng bào Bến Tre, Mỏ Cày - đại biểu xứng đáng cho cuộc quật khởi chung trên toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long. Không phải vô cớ mà Bến Tre, Mỏ Cày cũng là cái nôi sản sinh những chiến sĩ cách mạng độc đáo như tản cư ngược, như đội quân tóc dài…, đều là những sản phẩm trực tiếp của Đồng Khởi cả…”.

Kỷ niệm 58 năm ngày Bến Tre Đồng khởi (17/1/1960 - 17/1/2018), ôn lại truyền thống để khẳng định giá trị đích thực phong trào Đồng Khởi Bến Tre năm 1960 rất vĩ đại, rất đại chúng và quả thật là kỳ công, kỳ diệu như huyền thoại, mà chúng tôi vô cùng tự hào, kể cho nhau nghe như mình là người trong cuộc. Và thế hệ chúng tôi những người đang tiếp nối hôm nay, cũng như thế hệ mai sau phát huy hào khí tinh thần truyền thống Đồng Khởi năm xưa, để tiếp tục góp phần với quê hương Bến Tre làm nên những cuộc “Đồng Khởi mới” trong sự nghiệp xây dựng và  bảo vệ Tổ quốc, tô thắm thêm những trang sử vàng trong xây dựng phát triển quê hương. Từ đó, tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ra sức phấn đấu nhiều hơn nữa, cống hiến nhiều hơn nữa, để xứng đáng với những mất mát, hy sinh của các đấng tiền nhân làm nên thắng lợi trong cuộc Đồng Khởi năm 1960, cũng như chiến đấu giành độc lập thống nhất đất nước, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho quê hương. Nhất là đồng tâm, đồng lòng, hiệp lực thực hiện nhiệm vụ cuộc “Đồng Khởi mới” trong giai đoạn hiện nay bừng sáng như ngọn đuốc lá dừa năm xưa, để chúng ta luôn tự hào với dáng đứng quê hương mình, quê hương Đồng Khởi Bến Tre - quê hương Đồ Chiểu ngày càng giàu đẹp, văn minh, tiến bộ bền vững trên tất cả các lĩnh vực.

 

IV. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Có một mùa xuân đặc biệt trong đời Bác Hồ

Ðó là mùa xuân năm 1941, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam để giành lại độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong hang đá ở Việt Bắc (1951). - Ảnh: T.LIỆU

Năm 1961, Bác Hồ về lại Pắc Bó (tỉnh Cao Bằng), nơi 20 năm trước, mùa xuân 1941, Người đặt chân lên mảnh đất địa đầu Tổ quốc sau 30 năm ra nước ngoài đi tìm đường cứu nước. Hành trình cứu nước của Bác từ đây chuyển sang một bước ngoặt. Sau khi tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Người về Tổ quốc thức tỉnh đồng bào, tổ chức lực lượng toàn dân đấu tranh giành lại nước. Cảnh cũ người xưa biết bao xao xuyến, Người đã rất xúc động cảm tác:

“Hai mươi năm trước ở hang này

Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây;

Lãnh đạo toàn dân ta chiến đấu

Non sông gấm vóc có ngày nay”.

Lịch sử Đảng ta, lịch sử cách mạng Việt Nam còn ghi lại những sự kiện quan trọng gắn liền với hoạt động của Bác Hồ từ mùa xuân Tân Tỵ 1941 ở Pắc Bó. Ngày 28/01/1941, Bác về đến Cao Bằng, chừng mươi ngày “ông Ké” sống với đồng chí, thăm, chúc tết đồng bào, ngày 08/02/1941, trong sương giá buốt lạnh của miền núi đá biên cương, Người vào sống và làm việc trong hang Pắc Bó. Núi rừng hoang vu, hang sâu ẩm ướt lạnh lẽo, hoạt động bí mật, sinh hoạt kham khổ, thiếu thốn “cháo bẹ, rau măng” nhưng tình cảm, ý chí khôi phục giang sơn đất nước giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu dân theo con đường cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin của Bác thật nhiệt huyết và lãng mạn:

“Non xa xa nước xa xa,

Nào phải thênh thang mới gọi là.

Đây suối Lênin, kia núi Mác,

Hai tay xây dựng một sơn hà”.

Để “vạch con đường đánh Nhật, Tây”, cũng tại núi rừng Khuổi Nậm, Pắc Bó, Bác chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8, họp từ ngày 15 đến 19/5/1941. Hội nghị này đã quyết định về đường lối, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạo bước chuyển cơ bản trong chuyển hướng chiến lược cách mạng, chuẩn bị lực lượng và phương pháp lãnh đạo toàn dân đấu tranh tiến tới cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành độc lập dân tộc, sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ, thống trị.

Vấn đề có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn vô cùng quan trọng, không chỉ ở thời kỳ Đảng hoạt động bí mật chưa lãnh đạo chính quyền mà vẫn có giá trị cho ngày nay là Bác Hồ đã truyền dạy cho cán bộ của Đảng những kinh nghiệm và bài học về phương pháp công tác, phương thức hoạt động cách mạng. Sự thật, đó chính là bàn chỉ nam, những vấn đề có tính nguyên tắc cho tổ chức và hoạt động của Đảng ta. Những điều to tát ấy lại được Bác truyền thụ cho cán bộ rất giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp trình độ, điều kiện hoạt động cán bộ của Đảng lúc bấy giờ. Bác đã chọn lúc hội nghị kết thúc, trước lúc chia tay các đồng chí Trung ương và Xứ ủy, bên bờ suối trong rừng Khuổi Nậm căn dặn mọi người về cơ sở hoạt động phải ghi nhớ bốn điều:

Một là, đoàn kết thương yêu nhau, gắn bó mật thiết với dân.

Hai là, giữ bí mật, giữ nghiêm kỷ luật.

Ba là, phải hiểu sâu, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng và lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng theo đường lối, chủ trương của Đảng.

Bốn là, thực hiện đúng phương pháp công tác: tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Hành trình cứu nước của Bác Hồ, năm 1941 có ý nghĩa thật đặc biệt. Năm 1911, ra đi từ bến cảng Nhà Rồng, trải qua mười năm vừa lao động kiếm sống, vừa hoạt động trong phong trào công nhân và phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức, năm 1920, Bác đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đã thấy ở chủ nghĩa Lênin con đường giải phóng dân tộc, cứu dân cứu nước ra khỏi cảnh áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân. Đó là con đường giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp; gắn phong trào yêu nước, phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng, phong trào giải phóng các dân tộc trên thế giới. Và mãi 20 năm sau khi tìm thấy con đường cách mạng giải phóng và trải nghiệm trong thực tiễn đấu tranh cách mạng trên thế giới, Người mới về được đất nước để lãnh đạo Đảng và dân thực hiện sứ mệnh cao cả đó.

Thế là Bác Hồ của chúng ta đã trải qua 30 năm bôn ba ở nước ngoài để khi trở về đất nước, Người tiếp tục tạo ra những nhân tố để đưa cách mạng đến thành công. Chúng ta còn nhớ, từ năm 1925 Bác Hồ đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào yêu nước và phong trào công nhân. Người đã tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng đầu tiên ở nước ngoài và sau đó tiến tới thành lập các tổ chức cộng sản đầu tiên. Năm 1930, Người thống nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam và tổ chức hội nghị thành lập Đảng, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là nhân tố đầu tiên, có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đó cũng là sáng tạo lớn đầu tiên của Bác. Phải đến hơn mười năm sau, tại Pắc Bó, Cao Bằng, từ mùa xuân Tân Tỵ năm 1941, Bác Hồ đã thực hiện “ba sáng tạo” lớn tiếp theo sau khi sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam đó là:

- Sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất (thành lập Mặt trận Việt Minh)

- Sáng lập lực lượng vũ trang nhân dân (thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân).

- Sáng lập chính quyền của nhân dân (Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc).
Và nữa, có thể nói, từ mùa xuân ấy, xuân 1941, Bác về, Tổ quốc ta, dân tộc ta, Đảng ta do Bác trực tiếp chỉ đạo mới thật sự thực hiện được một chiến lược lớn là đặt cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đứng về phe Đồng minh chống phát-xít.

Cũng từ Cao Bằng, cách mạng Việt Nam đã liên lạc với lực lượng Đồng minh. Từ khi cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta đứng về phe Đồng minh cũng đã được sự ủng hộ của phe Đồng minh. Đó là cơ sở thực tế và pháp lý quốc tế quan trọng để đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tuyên ngôn thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định và tuyên bố trước toàn thế giới: “Một dân tộc gan góc chống xâm lược mấy mươi năm và đã đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc ấy phải được tự do, dân tộc ấy phải được độc lập”.

Vậy là, từ mùa xuân năm 1941, Cao Bằng có vinh dự được đón Bác Hồ sau 30 năm Người ra đi tìm đường cứu nước trở về, được Bác chọn làm căn cứ địa cách mạng đầu tiên, cho đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và tiếp tục mở đường đi tới những thắng lợi huy hoàng cho cách mạng Việt Nam. Cao Bằng là nơi thực hiện hóa những tư tưởng chiến lược về cách mạng giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ mùa xuân ấy, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta do Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo đã chuyển sang một thời kỳ mới – thời kỳ nhiệm vụ giải phóng dân tộc đặt lên hàng đầu. Để rồi đến mùa xuân 1975 hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, là mùa xuân vĩnh hằng của dân tộc.

Phạm Văn Khánh (Theo Phú Yên online)

V. Luật An ninh mạng

Cần lưu ý 14 hành vi vi phạm Luật an ninh mạng dễ bị mắc phải

Để tránh vi phạm Luật An ninh mạng 2018, đoàn viên thanh niên cần lưu ý đến các hành vi sau sẽ bị xử lý nếu phạm phải:

1. Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự;

2. Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

3. Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

4. Thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác;

5. Thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán;

6. Thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

7. Chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

8. Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật;

9. Cố ý nghe, ghi âm, ghi hình trái phép các cuộc đàm thoại;

10. Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 và hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật An ninh mạng;

11. Chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền Internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng;

12. Tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật;

13. Hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

14. Phát tán chương trình tin học gây hại cho mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử.

Luật An ninh mạng 2018 bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.

Theo thuvienphapluat.vn