BA TRI: PHẢN BIỆN XÃ HỘI CÔNG TRÌNH MỞ RỘNG KHU DI TÍCH PHAN NGỌC TÒNG

Vừa qua, 16/7/2023, Ban Thường vụ Huyện đoàn phối hợp với Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Hội Phụ nữ huyện tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Công trình mở rộng Khu di tích Phan Ngọc Tòng giai đoạn 2023 – 2025 san lấp mặt bằng.

Tham dự hội nghị có đồng chí Đặng Văn Phúc - Bí thư Huyện đoàn -  Chủ tịch Hội đồng phản biện xã hội, đồng chí Trịnh Thị Hồng Thắm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện - Phó Chủ tịch Hội đồng phản biện xã hội, các đồng chí là thành viên Hội đồng phản biện xã hội; đại diện UBND huyện - chủ đầu tư công trình có: lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng; đại diện địa phương có khu di tích tọa lạc có lãnh đạo UBND xã An Hiệp, UBND xã An Bình Tây.

Khu di tích Phan Ngọc Tòng hiện tọa lạc tại nơi giáp ranh giữa 2 xã An Bình Tây và xã An Hiệp, trên mảnh đất có diện tích 600m2. Đầu năm Mậu Thìn (1868), quân Pháp mở cuộc hành quân về Ba Tri. Mặc dù chỉ là hương giáo làng, mẹ vừa mới mất, trên đầu còn chít khăn tang nhưng với tinh thần yêu nước, Phan Ngọc Tòng  đứng lên chống Pháp và được đề cử chức Đốc binh. Khi giặc Pháp chiếm đóng Ba Tri, đêm đến chúng co cụm lại đóng quân trên gò cát có địa danh là Gò Trụi (ấp Giồng Gạch, xã An Hiệp ngày nay). Đêm 21/10/1867, Phan Ngọc Tòng chỉ huy nghĩa quân tấn công đánh giáp lá cà với địch bằng khẩu lệnh xung phong là “hè hè” để uy hiếp tinh thần địch. Dù nghĩa quân có tinh thần yêu nước quật cường nhưng chỉ bằng vũ khí thô sơ không thể chống nỗi với súng ống của quân Pháp. Ông và nhiều nghĩa quân đã hy sinh, nên dân làng thường gọi trận đánh này là trận “giặc hè”. Sau khi ông mất được dân làng mang ông về chôn cất tại quê nhà, tức làng An Bình Đông. Do thời gian và chiến tranh tàn phá, ngôi mộ Phan Ngọc Tòng đã bị hư hại nặng. Năm 2007, chính quyền cùng người dân địa phương đã tổ chức cải táng hài cốt ông về nằm sau đình làng An Bình Đông (nơi chiến trường xưa) ở Gò Trụi, ấp Giồng Gạch, xã An Hiệp, tức ngay nơi ông mất. Đốc binh Phan Ngọc Tòng và địa danh Gò Trụi là di tích lịch sử để giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc ta đối với tuổi trẻ hôm nay.

Tại hội nghị, sau khi nghe đại diện Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri - chủ đầu tư công trình báo cáo khái quát nội dung của công trình và một số vấn đề có liên quan, các thành viên hội đồng phản biện xã hội có ý kiến đóng góp phản biện, với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, đã có nhiều ý kiến phát biểu đóng góp đối với công trình. Tất cả thành viên hội đồng phản biện và đại biểu đều nhất trí cao về sự cần thiết của công trình mở rộng Khu di tích Phan Ngọc Tòng để trở thành địa chỉ để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông, của dân tộc Việt Nam, qua đây thúc đẩy sự phát triển du lịch của địa phương trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi phản biện

Với tinh thần dân chủ, các ý kiến phản biện đều có sự lập luận, phân tích khoa học, chặt chẽ, thể hiện sự quan tâm, đóng góp ý tưởng của các thành viên hội đồng phản biện, tập trung vào một số nội dung như: sớm thực hiện công tác đền bù mặt bằng; mở rộng thêm chiều ngang từ 10-15m hướng về xã An Bình Tây so với kế hoạch ban đầu, tạo không gian rộng thực hiện các hạng mục bãi đậu xe, khu vệ sinh đảm bảo phục vụ du khách tham quan, về nguồn, cắm trại, …; tường rào xung quanh cần xây dụng đảm bảo kiên cố, tạo vẻ mỹ quan, có cổng chính và cổng phụ; sau khi hoàn chỉnh công trình giai đoạn 1 cần thực hiện giai đoạn 2 nâng cấp đề thờ, mộ, khuôn viên, cảnh quan để khu di tích đi vào hoạt động đạt hiệu quả cao.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện - chủ đầu tư đã tiếp thu và giải trình các ý kiến của đại biểu, làm rõ những vấn đề liên quan đến nội dung được phản biện. Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Hội đồng phản biện Đặng Văn Phúc đã ghi nhận, đánh giá cao ý kiến tham gia phản biện của các đại biểu tham dự hội nghị; đề nghị Ủy ban nhân dân huyện nghiên cứu và bổ sung những nội dung mà hội đồng phản biện góp ý để chỉnh sửa, hoàn chỉnh dự án triển khai thực hiện đạt hiệu quả bền vững./.

Huyện đoàn Ba Tri